Khafra (2558 TCN – 2532 TCN) là người xây dựng kim tự tháp thứ hai của quần thể kim tự tháp Giza, nổi tiếng nhất bởi khuôn mặt của ông là hình mẫu cho tượng Nhân sư lớn – bức tượng bảo vệ khu lăng mộ của Khafra.
Là một trong những người con trai thứ của pharaoh Khufu với vợ là Henutsen, Khafra đã kế vị người anh cùng cha khác mẹ với mình là Djedefra (2566 TCN – 2558 TCN) để trở thành vị vua thứ tư của Vương triều thứ Tư. Ông cũng sử dụng danh xưng “Con trai của Ra” (sa Ra) mà người anh trai này đã tạo ra để thể hiện tầm quan trọng của việc tôn thờ thần mặt trời Ra vào thời đó.
Khác với Djedefra, người đã xây kim tự tháp của mình ở Abu Roash, Khafra đã trở về Giza để xây dựng lăng mộ của riêng mình tại nơi gần với mộ của cha ông là Khufu. Mặc dù mộ của Khafra nhỏ hơn mộ của Khufu, nhưng kim tự tháp của Khafra lại được xây trên phần đất cao hơn để giảm bớt sự khác biệt về chiều cao của hai kim tự tháp. Tên cổ của lăng mộ này – “Khafra is Great” (Khafra Vĩ đại) – thể hiện vị thế của chủ nhân nó.
Khu phức hợp kim tự tháp của Khafra là khu phức hợp kim tự tháp hoàn chỉnh nhất còn tồn tại. Từ ngôi đền tang lễ khổng lồ của nhà vua nằm dưới chân kim tự tháp, một con đường đã được xây để nối tới thung lũng đền thờ, nơi nhiều khả năng việc ướp xác của Khafra đã diễn ra. Ngôi đền ốp đá granite, với sàn làm bằng thạch cao tuyết hoa trắng, từng được trang trí bởi 23 bức tượng oai vệ của vị vua và thần bầu trời Horus – được làm bằng diorite lấy từ mỏ đá Nubian cách đó gần 250km về phía nam.
Meresankh III, vợ của Khafra, sống lâu hơn ông và đã được chôn cất trong một ngôi mộ nguy nga gần kim tự tháp của chồng. Trên tường của lăng mộ Meresankh III là những cảnh vương hậu với mái tóc ngắn mặc áo choàng da báo, thể hiện vai trò phụ là tu sĩ của bà. Ngay cạnh là người mẹ quyền lực của Meresankh III – nữ hoàng Hetepheres II. Cả hai người phụ nữ hoàng gia này đã nói lên vai trò quan trọng của nữ giới dưới triều của Khafra.
Nguồn: nghiencuuquocte