TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Tộc người » Người hát ru mây trắng qua trời

Người hát ru mây trắng qua trời

08:40 | 11/04/2023
Mải miết nghĩ về những lời ru, từng khung dệt, nơi nỗi nhớ miên man trong miền thổ cẩm, đến những hoa văn cũng mang linh giác của con người.

Từ trung tâm huyện Bảo Yên (Lào Cai) đi chừng ba mươi cây số nữa sẽ vào đến xã Nghĩa Đô. Mùa này, sông Chảy lững lờ, có lội xuống, nước quá bắp chân là cùng. Sau mỗi khúc cua tay áo, trước mắt chúng tôi dịu dàng một dòng chảy xanh lơ, mảnh mai như sợi chỉ xuyên dưới bóng rừng già đang loáng thoáng màu mây. Muôn loài hoa chưa biết tên, vàng như nắng bừng lên trong buổi mai sương. Khung cảnh ấy quá đỗi kỳ diệu và đánh thức, vỗ về mọi giác quan.

Người phụ nữ dân tộc Tày lưng địu con, tay chỉ đường cho khách vào bản Hón. Phút chốc, đã gặp ngay con suối có những thiếu nữ vừa giặt vải vừa ríu rít đùa giỡn cạnh tảng đá xanh rêu. Ai nấy đều nhận ra mắt đàn bà con gái xứ này thật đẹp. Bởi thế chăng mà người Tày có câu ca ví von một đuôi mắt sắc mà trong đến “liếc mòn đá suối”.


Duyên dáng thiếu nữ dân tộc Tày

Nghĩa Đô từng phải gánh chịu hậu quả nặng nề của nhiều trận lũ ống với cường độ lớn trên suối Nậm Luông. Lũ cuốn trôi gia súc gia cầm, làm ngập úng nhiều nhà cửa, thiệt hại hoa màu, công trình xã hội… Giờ đây, trong chính giai đoạn khó khăn vì đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đáng kể tới văn hóa du lịch, vùng đất ấy vẫn âm thầm sức sống hồi sinh. Bà Hoàng Thị Quyên, chủ một homestay đang trong giai đoạn thí điểm đón khách xa bằng câu hát đặc trưng: “Mạy tắc cáng phai khô, khảu thâng đín Nghĩa Đô oóc nó” (Cây gẫy cành chết khô, đến đất Nghĩa Đô lại mọc chồi)”. Khung cửi bà vừa dệt mới được chừng vài gang tay thổ cẩm, nhấp nháy hoa văn.

Tôi hỏi, nếu muốn có sắc đỏ như bông mộc miên nở bên bờ suối thì làm cách nào. Bà cười ấm áp, tận tình chỉ dẫn, phải chiết từ loại cỏ thuộc họ dương xỉ, lá nhỏ, mọc ra từ các hốc cây mục ruỗng. Đi rừng cả ngày cả buổi, chưa đủ một gùi, về giã nát, ngâm nước suối rồi cho vôi bột vào tạo màu. Bằng không, lấy thân lá cây kim lông đun nước thật đậm đặc, pha thêm vài nguyên liệu khác mới ra màu đúng ý. Nói đoạn, lại ngâm nga câu hát cổ xưa, nghĩa rằng: “Em gái làm được nhiều chăn hoa/ Anh tìm từ lâu nay mới gặp/ Em gái có nhiều tấm chăn hồng/ Ở tận nơi đâu anh cũng tìm bằng được”. Khoảnh khắc ấy, chính nơi khung cửi, chúng tôi lại chạm vào một ánh mắt đẹp đến nao lòng. Một thiếu nữ, hẳn là con cháu trong nhà đã thay bà, thay mẹ ngồi đó tự lúc nào. Cô gái Tày ngồi bên khung cửi, vừa gần gụi, vừa xa xăm. Biết trong đoàn khách có người làm thơ, mắt cô long lanh chờ đợi. Ai đó cất giọng ấm trầm: “Hẹn người mùa cốm Nghĩa Đô/ Kiếp trước rượu mừng chưa kịp uống/ Hoa trẩu rụng đắng nguồn cọn nước/ Người hát ru mây trắng qua trời”.

Ở bản, những bé gái từ mười tuổi đã có thể ngồi khung cửi dệt vải và nhiều người già tuổi thất thập vẫn còn đủ minh mẫn, dẻo dai để tiếp tục công việc. Theo lời các bậc cao niên trong vùng, nghề dệt thổ cẩm địa phương manh nha từ giữa thế kỷ thứ XVIII do một người tên là Ma Văn Tiều, hậu duệ thứ năm của bà Ma Kà Rai (Bà tổ gốc dòng họ Ma vùng Nghĩa Đô) truyền dạy. Về sau, phụ nữ trong vùng cải tiến dần khung đan, dệt được nhiều hoa văn phức tạp. Nghề dệt giúp bà con tận dụng hết thời gian nhàn rỗi. Người Tày tinh tế đến mức, cùng một khung cửi, loại màu và kiểu hoa văn như nhau, nhưng nhìn sản phẩm, có mấy người từng ngồi vào dệt là biết ngay. Theo tập tục truyền thống, con gái Tày trước khi lấy chồng phải có đủ mười hai chăn, hai cái màn, hai đôi chiếu, và tư trang đủ dùng ít nhất trong vòng mười năm. Tinh hoa thổ cẩm lặn sâu vào đời sống đồng bào qua vật dụng hàng ngày từ chăn gối, chiếu đệm đến mặt địu con trẻ và cao hơn là những lễ nghi ma chay cưới hỏi, tín ngưỡng thờ phụng.

Đến đất Nghĩa Đô mà chưa gặp nghệ nhân Ma Thanh Sợi, xem như mới mon men đứng bên suối ngóng vào bản Tày thôi. Người dân nơi này vẫn quen nói thế. Ông Ma Thanh Sợi nguyên là Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô, một nghệ nhân văn hóa dân gian. Trong câu chuyện về quê hương bản xứ của ông bao giờ cũng ăm ắp tình yêu và niềm trăn trở. Ông là nghệ nhân duy nhất ở xã, sở hữu nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân tộc Tày mà chưa có cơ hội để ứng dụng. Ông đau đáu, tha thiết và thao thức với niềm ước ao những người trẻ tuổi ở quê mình được học hành đến nơi đến chốn, quay về cống hiến cho làng bản, xóm thôn. Những tài liệu ông tích lũy, chắt lọc đã đến lúc cần truyền dạy lại. Và còn bao nhiêu trầm tích văn hóa, nét đẹp cộng đồng, các lễ hội, thực hành tín ngưỡng… cần được khôi phục. Bên cạnh thổ cẩm, Nghĩa Đô còn có các nghề đan lát, thủ công khác đã bị mai một, các làn điệu dân ca dân vũ như hát cọi, hát then, hát lượn và nhạc cụ dân tộc như đàn tính, sáo trúc, trống, kèn… cần đến không gian, con người phục dựng. Những danh thắng, di tích lịch sử Thành cổ Nghị Lang, phế tích Đồn Nghĩa Đô, di tích Đền Nghĩa Đô… có phần lặng lẽ, thưa vắng sau thời vàng son gắn với công cuộc giữ đất giữ nước, chiến thắng lẫy lừng.

Sau cuộc chuyện trò, nghệ nhân mời khách thăm gian bếp đang rừng rực lửa. Bếp của người Tày gọn ghẽ, nồng nàn. Mấy túm ngô già phần bắp đỏ au, phần bẹ trắng muốt treo lúc lỉu trên đòn ngang. Người Tày nấu món ăn theo mùa. Mùa đông cá lam bắp chuối trong ống nứa, thịt trâu vùi tro bếp; xuân đến canh chua cá suối đuôi hồng, lá rau vón vén… Thoăn thoắt những bàn tay đàn bà con gái trong nhà làm bánh ngải, bánh chuối rừng. Thoáng chốc bày ra cả mâm xanh, đỏ, tím, vàng chộn rộn con mắt. Đàn ông đang rót rượu trong vò, lấy thịt nướng bày ra thơm lựng. Giây phút rạo rực và mê say đó, trong tôi cũng le lói đôi phần nghĩ ngợi xa xôi. Sợ rằng khung cảnh đó sẽ không còn. Sợ mai này Nghĩa Đô đổi khác. Sợ những con người lành hiền, bé nhỏ phải gồng gánh lo toan… Tôi từng gặp những câu chuyện tương tự thế ở những làng bản bé xinh chuyển mình làm du lịch sinh thái. Trách nhiệm cảm thụ, giữ gìn, phát triển… chắc chắn không chỉ thuộc về cộng đồng bản địa mà khách phương xa cũng phải đủ trách nhiệm và lòng yêu thương, trắc ẩn.

Rời Nghĩa Đô, say hương rừng thoang thoảng. Từng vạt hoa cứ như thể những đám mây, lửng lơ kéo từ khoảnh rừng này qua chân đèo nọ, lắm khi tưởng sà xuống tận vai người. Bản xa khuất sau lưng, vẫn dịu lắng, mơ hồ như khói tỏa. Nơi đó, tôi cứ mải miết nghĩ về những lời ru, từng khung dệt, nơi nỗi nhớ miên man trong miền thổ cẩm, đến những hoa văn cũng mang linh giác của con người.

Nguồn: Internet

Tin cùng loại