Chúng tôi ăn bữa chiều khi đã 10h đêm. Đói đã quá ngưỡng, chỉ còn mệt mỏi, rã rời, đuội đi. Nhìn ai cũng “vươn cổ nuốt”, đúng kiểu “ăn để mà sống”. Trong ánh sáng mờ mờ yếu ớt của đèn điện thoại, đèn pin sắp cạn, bữa rồi cũng qua. Không nói ra nhưng tất cả đang gồng mình lên. Đương lúc nước sôi lửa bỏng như thế này, không được phép gục ngã, cố lên cố lên, rồi dịch sẽ dập được. Tôi nghĩ như thế...
“Mai mình được về à chị?”. “Ô, về thế nào được, còn bảy cái lán nương, ít cũng hai mươi, hai lăm người… ngày mai chưa chắc đã xong”. “Lán có gần đây không?”. “Gần thế nào được… nương cách nhà vài ba tiếng đi bộ”. “Em tưởng gần chứ xa vậy thì chắc không vấn đề gì đâu, mà đồng bào thì tiêm hết còn gì”... “Ơ, tiêm vẫn bị mà, chỉ là bị nhẹ hơn thôi. Mà người ở bản làm lán trên nương thường qua lại nhau lắm”. “Thế sao không nhờ bản cho người gọi họ về, mình đỡ phải leo trèo vất vả”… “Lúc này không thể thế được, mình phải đến tận nơi thôi, chúng ta cố gắng thôi”.
Thanh mới phụ lần đầu nên hỏi ngây thơ, chứ mấy lần chống dịch trước, rồi mấy lần đi tìm đồng bào để tiêm vắc-xin, ái chà. Chả bàn nữa, cứ hướng nương thẳng tiến thôi.
5h sáng, sương càng nặng thêm, bay bay, từng hạt như mưa rơi xuống. Hai thanh niên bản vừa đến đã gọi to: “Các chị ơi đi lên nương bắt Côvit nào”. Tôi phân công luôn, đoàn sẽ chia làm hai cánh, ba người và hai người theo hai lối lên hai khu nương. Mỗi cánh sẽ có hai anh từ bản lên cùng, vừa là dẫn đường, vừa là phiên dịch, tuyên truyền, giảng giải giúp mình để bà con thông hiểu cho lấy mẫu xét nghiệm.
Chúng tôi đi hàng một trong đường sương mù mịt, người sau bám theo cái bóng mờ người trước. Tất cả cắm đầu rảo bước, có người dẫn đường rồi, không được phép thong thả. Thật đúng là đi trong biển sương, mắt trên thừa dồn xuống cảm giác bàn chân. Nhưng cũng mấy lần tôi bị hẫng bước, hụt xuống cái “mặt nước ao hồ sông biển” mù sương. Lâu lắm, mấy chục năm rồi, tôi mới có cảm giác này.
Mặt trời đã ở đâu đó, màn sương loãng ra, người đã nóng nóng… tầm nhìn đã xa… trên 10m. Ôi có cây đào, nở rồi kìa… hoa đẹp quá. Trong sương, loài hoa xuân, ở ngọn nguồn xuân đang cố rực hồng lên, lan tỏa. Tết mà có một cành này thì quá tuyệt vời. Đang ruột gan rối bời lại ước ao, thôi đi nhanh lên.
Gần trưa, nhóm đến điểm đầu tiên. Nương lúa đã gặt xong, rạ vẫn còn đứng thẳng, vàng ươm. Giữa nương có một cái lán lợp gianh, thấp bé, cửa mở không thấy người, chỉ có mấy cây củi ở sân.
“Nhà Mua Dình có nhà không, ra để bác sĩ khám Côvit nào”, Dếnh người dẫn đường, bắc hai tay vào miệng gọi to. Không có tiếng thưa lại, chỉ tiếng vách đá nhại giọng âm âm. Dếnh rút điện thoại ra gọi, hai đầu toàn tiếng Mông. Một lúc thì Dếnh tắt máy, bảo “Nhà nó đi dỡ khoai phía núi bên kia, sắp đủ hai lù cở để về rồi, tí nữa nó về đấy… Thôi chúng mình cứ vào nhà nó nghỉ uống nước đã”.
Lán nhà Mua thấp, lại qua dây quần áo lòng thòng, chúng tôi phải cúi đầu mà vào. Trong nhà tối om, nhắm mắt lại một lúc mới quen, mới nhìn thấy chục bao thóc, một đống khoai, cái bếp lỏng chỏng nồi niêu... Dếnh lấy cái ấm rót nước ra bát mời mọi người. Sau chặng đường đi bộ mỏi chân, mệt, khát, nước lạnh làm tỉnh hẳn. Tôi đứng lên, mái chạm luôn đầu, đành lom khom ngắm căn nhà. Đến khu bao thóc, đang áng áng… năm người sẽ ăn được bao lâu thì chợt thấy… mái tóc, đôi mắt hoảng hốt… Rồi tiếng khóc òa lên... mẹ ơi… mẹ ơi… Tôi giật mình kêu lên “Ôi Dếnh ơi, có trẻ con ở trong này này”.
Dếnh nhảy phóc luôn lên chồng bao thóc, lôi lôi bế đứa bé ra. Nhìn thấy người lạ, đứa ấy càng khóc to hơn. Tôi lại gần làm thân, vừa giơ tay ra thì… khóc toáng lên. “Không sợ đâu, không sợ đâu, người mình đấy, bác sĩ dưới huyện lên tìm con Côvit đấy” - Dếnh nói giọng dỗ nựng nhưng đứa bé cứ oằn người muốn trằn xuống. Làm sao thế nhỉ, thôi Dếnh cứ thả nó xuống, lúc nữa sẽ quen.
“Chưa gì đã sợ như thế này, không biết có lấy được mẫu xét nghiệm hay không đây?”. Hỏi Dếnh. Dếnh im lặng một lúc tự nhiên nói: “À, em biết rồi… nó sợ cái bộ quần áo các chị đang mặc… người gì kín mít từ chân lên đầu, chả có mặt mũi như người thường”… Ừ, đúng đấy, bây giờ mới nghĩ ra, nhưng mà làm việc dịch bệnh phải mặc đồ bảo hộ, không thể quần áo khác được. Thôi, trông cả vào Dếnh đấy, dù thế nào cũng phải lấy được mẫu xét nghiệm của cả nhà.
… Đợi mãi thì nhà Mua về. Dếnh nói “dọn đường” trước. Tôi nói sau, ngắn gọn, xoay quanh xã mình đang có dịch Côvit, ai liên quan cũng được lấy mẫu xét nghiệm…
Bắt đầu… Anh bố ngửa mặt ngửa mũi… làm tấm gương. Có đau không? Tôi cố ý hỏi to để vợ con anh nghe rõ. Không đau tí nào cả, Mua nói luôn. Đến lượt chị vợ, chị bảo cũng không đau, chỉ buồn buồn, khó chịu một tí. Xong hai người lớn. Đến đứa lớn nhất, nó rụt cổ, lắc lắc đầu mấy cái, rồi cũng ngửa mặt cho làm. Giờ đến đứa “trốn”… bố mới dắt lại ghế đã khóc toáng. Mặc bố dỗ, chú Dếnh nói ngọt, tiếng khóc vẫn không giảm. Thấy tôi còn chần chừ, anh bố bảo, bác sĩ cứ làm đi, hai người khỏe ôm nó cho. Mãi mới xong. Đến đứa bé nhất, “noi gương” chị, nó đã khóc ngay từ khi chưa ai động đến. Lại phải người giữ người làm.
Nhóm thu xếp đồ nghề. Mua hỏi nhà Mua có ai bị Côvit không? Tôi cười, giảng giải, như thế như thế nhé… “Cả nhà cứ ở như cũ thôi, bao giờ bản hết dịch thì về. Mà nhớ không được gọi người lên uống rượu nghe chưa. Cũng không cho người nương khác gặp trẻ con nhé”.
Vợ chồng Mua Dình mời ở lại ăn cơm nhưng phải chối.
Đường về xuôi dốc nhanh hơn. Trời đang tối dần, ai cũng rảo bước.
… Tết ấy vừa sáng Ba mươi thì có chuông điện thoại reo. Là Dình - vợ Mua. “Tết này bản em mọi người 5K hết. Ai cũng bảo nhau phải canh cái người lạ. Chúc Du nhiều sức khỏe, bắt hết cái con Côvit để năm sau còn tụ tập chơi Tết”…
Lại điện thoại, một giọng người Mông: “Cô ơi, Trưởng bản bảo nương chú Dếnh có cây đào đẹp, lấy luôn một cành, bảo cháu thanh niên mang xuống, cô lấy ở chỗ nào để cháu mang đến ạ”.
Trưa ấy, cành đào bản ở trong nhà, xù xì vằn vện núi rừng sương trắng, hồng rực hoa, mơn mởn nụ lộc. Cả nhà ngắm đi ngắm lại, nao nao khó tả. Thương cái bản cái nương. Thương nhất cái đồng bào không được thỏa sức chơi Tết. Chịu khó thế, khi nào bắt hết Côvit thì ta chơi Tết vậy.
Nguồn: Internet