Mới đây, vào ngày 28/4, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương - Bộ Công Thương phối hợp Hiệp hội Thông tin, tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam tổ chức hội thảo: “Kinh nghiệm quốc tế về tái chế pin năng lượng mặt trời, áp dụng đối với Việt Nam”.
Tại hội thảo, TS Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho rằng, với tốc độ phát triển điện mặt trời ngày càng nhanh thì lượng pin năng lượng thải ra sẽ ngày một lớn, thực tiễn đặt ra vấn đề cần nghiên cứu, phát triển các công nghệ thu gom, xử lý và tái chế cũng như ban hành các cơ chế chính sách phù hợp đối với pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam nhằm giảm gánh chịu những hậu quả từ ô nhiễm môi trường.
Song, trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch Công ty CP Hancon Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, theo nghiên cứu của đội ngũ chuyên gia trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau khi hết hạn sử dụng có thể thu về đến 99% các tấm pin mặt trời, hiệu suất tái chế và thu hồi vật liệu lên đến 97%, vấn đề ô nhiễm môi trường từ pin mặt trời hết date không còn là câu chuyện đáng lo ngại.
“Các tấm pin mặt trời với hàm lượng thành phần chủ yếu gồm kính, nhôm, silic, keo EVA… là các vật liệu không độc hại. Có thể tái chế và thu hồi vật liệu đến 97%, 2% còn lạị khuếch tán trong không khí. Trong quá trình thu hồi, một số thành phần sẽ bị đốt cháy, khuếch tán vào trong không khí nhưng chủ yếu là thành phần tạo ra khí clo, không gây độc hại, còn nhôm, kính thì chắc chắn có thể tái chế, dùng lại được”, ông Huân nói.
Theo PGS.TS. Đặng Đình Thống – Thành viên của Hội Khoa học công nghệ Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VECEA), đồng thời là chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng lắp đặt dàn pin mặt trời trên mặt nước đến môi trường thủy sinh và hiệu suất nguồn điện mặt trời”, hiện nay, trung bình cần khoảng 1,2 ha (12.000 m2) để lắp dàn pin mặt trời có công suất là 1000 kW hay 1 MW. Do vậy, một nhà máy điện mặt trời công suất 150 MW, phải sử dụng đến 429.000 tấm pin mặt trời loại 350 Wp/tấm và cần diện tích khoảng 180 ha (hay 1.800.000 m2) để lắp đặt các dàn pin mặt trời.
Vì khối lượng các tấm pin mặt trời là rất lớn và ngày càng nhiều hơn nên vấn đề xử lý nguồn thải này hiện là vấn đề thời sự và đang được các nhà khoa học và công nghệ trên thế giới quan tâm nghiên cứu và đã thu được những kết quả quan trọng bước đầu. Những “cánh đồng điện mặt trời” gồm hàng nghìn, hàng triệu tấm pin, rộng mênh mông và trải dài hàng trăm héc-ta dễ khiến nhiều người nghĩ rằng, sau khi các nhà máy điện mặt trời kết thúc hoạt động (khoảng sau 20-25 năm), đống rác thải từ các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng sẽ khổng lồ và sẽ có thể gây ra thảm họa về môi trường.
Nhưng may mắn thay, phần lớn các vật liệu cấu thành tấm pin là không độc hại và hơn nữa có thể xử lý, tái chế và thu hồi trên 85% khối lượng của chúng để sử dụng lại cho sản xuất tấm pin mặt trời mới, vừa không tạo ra phế thải gây ô nhiễm môi trường, vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng rất lớn và quí báu.
Bởi 100% tấm pin mặt trời tại Việt Nam là loại tinh thể Si (Silicon), các thành phần cấu tạo nên một tấm pin mặt trời như khung nhôm, tấm thủy tinh, tấm keo EVA là các vật liệu không độc. Hơn nữa, phần lớn các vật liệu này có thể tái chế, thu hồi để sử dụng lại cho sản xuất các tấm pin mặt trời mới.
Theo ông Trần Đình Sính - Cố vấn kỹ thuật của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), thành phần vật liệu tái chế tấm pin mặt trời đối với nhóm Silic, phần lớn là kính (76%), sau đó đến nhựa (khoảng 10%), nhôm (8%), nhôm (5%) và khoảng 1% là các kim loại khác. Về công nghệ tái chế, loại Silic được tháo ra, 95% phần kính và 100% kim loại được tái sử dụng. Phần còn lại được xử lý nhiệt và qua một quá trình xử lý, khoảng 80% module và 85% Silicon được tái sử dụng.
Trên thực tế, phải công nhận rằng các nhà máy điện mặt trời là các nhà máy điện sạch vì nhiên liệu là nguồn năng lượng mặt trời, vận hành không phát thải bất kỳ khí hay bụi nào, không có tiếng ồn,… Một lượng nhỏ nước thải chỉ là nước lau rửa định kỳ bụi bám trên bề mặt các tấm pin mặt trời, là bụi vốn có trong không khí. Và các nhà máy điện mặt trời chỉ “thải” ra các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng sau khi các nhà máy ngừng hoạt động.
Nguồn tài nguyên đắt giá trong tương lai
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, TS Nguyễn Văn Khải - nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn đèn tiết kiệm năng lượng và dung dịch hoạt hóa, điện hóa Hà Nội (Viện Khoa học Việt Nam) luôn nhìn nhận pin mặt trời là tài nguyên, dù hết hạn sử dụng chúng vẫn không phải là rác thải, bởi từ những năm 80, ông Khải cùng các chuyên gia của nhà máy Z181 đã chế tạo được các tế bào quang điện và sử dụng ổn định từ đó đến nay. Đồng thời, ông cũng là một trong số ít các nhà khoa học tại Việt Nam nắm được công nghệ tái chế tinh thể Si.
Thông tin với phóng viên, ông Nguyễn Quang Huân cho biết Chính phủ Hàn Quốc đã giao cho 1 công ty trong nước nghiên cứu và thử nghiệm thành công việc tái chế pin mặt trời. Tuy nhiên, hiện nay nhà máy chỉ dừng ở mức thí nghiệm do không có nguyên liệu đầu vào. Vòng đời pin mặt trời ở quốc gia này mới được 2-3 năm, còn khoảng 18-20 năm nữa thì số pin ở các dự án mới trở thành nguyên liệu đầu vào cho nhà máy nói trên.
Ông Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Với xu thế khoa học công nghệ phát triển từng ngày, ông Huân dự đoán rất có thể trong tương lai, các nhà máy muốn có nguyên liệu đầu vào để xử lý sẽ phải mua lại các tấm pin mặt trời từ các chủ đầu tư dự án, như vậy các tấm pin mặt trời sẽ trở thành nguyên liệu đắt gia, khác xa với tình hình hiện nay.
“Lúc này nhà máy đang nhập miễn phí vào để nghiên cứu chứ các chủ đầu tư chưa bán, sau này dự án hết hạn anh thu gom xử lý giúp đã rất tốt rồi nhưng biết đâu 20 năm nữa các anh muốn tái chế thì phải đến mua lại từ các chủ đầu tư để có nguyên liệu đầu vào”, Chủ tịch Công ty CP Hancon Việt Nam trao đổi.
Theo PGS.TS. Đặng Đình Thống, việc xử lý, tái chế các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng cần đầu tư khá lớn về kinh phí và năng lượng. Tuy nhiên, khi so sánh lượng vật liệu thu hồi được để sử dụng lại với kinh phí và năng lượng cho việc khai thác khoáng sản và tinh luyện chúng cho sản xuất tấm pin mặt mới thì việc xử lý, tái chế các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng kinh tế hơn nhiều.
Với sự phát triển mạnh mẽ của nguồn điện mặt trời trên thế giới và ở Việt Nam, trong vài thập niên tới, lượng các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng sẽ rất lớn và ngày càng nhiều hơn. Nhưng với tính không độc hại của phần lớn các vật liệu trong tấm pin mặt trời và với công nghệ xử lý, tái chế hiện nay thì có thể nói, nguồn các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng không còn là vấn đề đáng lo ngại về mặt môi trường.
Hơn nữa, nhờ xử lý, tái chế các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng chúng ta còn tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên vốn đang cạn kiệt dần và năng lượng. Do vậy, vấn đề đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam, chỉ còn là đề ra và thực hiện các chính sách thu gom, quản lý và xử lý nguồn tài nguyên quí báu này như thế nào. Nếu có chính sách và cơ chế đúng đắn và kịp thời thì không những các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng không còn gây ô nhiễm môi trường, mà còn là nguồn tài nguyên rất giá trị cho đất nước và là cơ sở để xây dựng một ngành công nghiệp mới rất hứa hẹn – công nghiệp xử lý và tái chế tấm pin mặt trời.
Nguồn: greenid