TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » TP.HCM: Phát sinh 69 tấn rác/ngày trong mùa Covid-19 xử lý ra sao?

TP.HCM: Phát sinh 69 tấn rác/ngày trong mùa Covid-19 xử lý ra sao?

01:54 | 22/04/2023

Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh với tốc độ nhanh, vượt quá sự chuẩn bị, sẵn sàng của thành phố. Với sự gia tăng ca bệnh COVID-19 và các F1, F2 liên quan, cũng như thành phố đã xây dựng thêm nhiều BV Dã chiến, BV Điều trị COVID-19, trong những ngày qua lượng rác thải y tế tại đây đã tăng lên, bình quân 69 tấn/ ngày.

Bệnh viện dã chiến số 1 của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là một trong hàng chục bệnh viện điều trị, cách ly người nhiễm COVID-19 trên địa bàn thành phố và nằm trong số hơn 2.000 điểm phong tỏa khác ở các quận huyện phát sinh rác hằng ngày.

Liên quan đến công tác thu gom rác thải tại các khu phong toả, cách ly, xử lý rác thải tại các BV Dã chiến, BV Điều trị COVID-19, ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, đến nay tổng khối lượng rác y tế phát sinh trên địa bàn thành phố bình quân khoảng 69 tấn/ngày.

Trong đó, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM vận hành liên tục ba lò đốt gồm công trường Đông Thạnh công suất 21 tấn/ngày, lò đốt tại Bình Hưng Hòa công suất 7 tấn/ngày và chạy thử nghiệm một lò đốt công suất 14 tấn/ngày đang bị quá tải. Hiện thành phố đã vận động thêm Công ty cổ phần môi trường Việt Úc tham gia đốt rác với công suất khoảng 5 - 7 tấn/ngày.

Công nhân vệ sinh môi trường TP.HCM thực hiện quy trình thu gom rác thải y tế liên quan đến Covid -19. (Ảnh:Internet).

Tuy nhiên trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thành phố sẽ còn phát sinh thêm nhiều điểm cần thu gom rác nguy hại. Vì vậy, Sở Tài nguyên và môi trường đã lên kịch bản xử lý khi lượng rác thải phát sinh.

Cụ thể, sở này kiến nghị Bộ Tài nguyên và môi trường, Tổng cục Môi trường kêu gọi thêm các đơn vị có lò đốt chất thải trên địa bàn thành phố tham gia hỗ trợ, tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch COVID-19.

Theo đó, ba đơn vị được thành phố kêu gọi gồm Công ty cổ phần kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu - hiện đã đầu tư hai lò đốt chất thải công nghiệp, công suất 1.000 kg/giờ/lò; Công ty TNHH công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh với hai lò đốt công suất 1.000 kg/giờ/lò…

Trong thời gian qua, tại một số Bệnh viện điều trị COVID-19 có phản ánh việc thu gom vận chuyển rác thải gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, quá trình thu gom rác gồm 2 công đoạn. Thứ nhất các thùng rác được bố trí ở các phòng điều trị hoặc phòng ở của khu cách ly. Sau đó thì nhân viên của các bệnh viện dã chiến hoặc khu cách ly sẽ vận chuyển các thùng chứa xuống tầng trệt để các đội vệ sinh chuyển vào xe đưa đi. Ban đầu, việc tổ chức này có nhiều hạn chế nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp trực tiếp với giám đốc bệnh viện để phối hợp để xử lý. Đến nay tất cả các hạn chế đã được khắc phục.

UBND TP Hồ Chí Minh sẽ cho phép thực hiện cách ly F1, F0 tại địa phương. Để chuẩn bị cho việc này thì Sở Tài nguyên Môi trường đã có văn bản để chuyển về cho các quận, huyện và TP Thủ Đức để chủ động trong các trường hợp, thực hiện phân loại và xử lý rác thải đúng quy định, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Đơn vị thu gom hiện nay của tất cả đơn vị, quận, huyện và TP Thủ Đức đang được hướng dẫn quy trình để tổ chức thu gom đúng quy định hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế, Sở Tài nguyên Môi trường.

TP.HCM hiện có hơn 2.020 khu phong tỏa và khoảng 25 bệnh viện, khu cách ly điều trị COVID-19 với lượng rác thải y tế có yếu tố dịch tễ thải ra mỗi ngày rất lớn. Nếu không xử lý kịp thời có thể gây ảnh hưởng tới môi trường điều trị, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Nguồn:Internet

Tin cùng loại