TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Tin tức » TP HCM sẽ phát triển giao thông xanh

TP HCM sẽ phát triển giao thông xanh

09:37 | 11/04/2023
Việc đưa xe điện vào hoạt động bên cạnh phục vụ du khách còn tạo thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện công cộng tại TP HCM.

Đề án thí điểm sử dụng phương tiện xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện vận chuyển khách tham quan, du lịch tại TP HCM đang được Công ty TNHH Saigon Public Transport (đơn vị đề xuất) hoàn chỉnh, bổ sung một số nội dung để trình Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thông qua. Nếu thuận lợi, phương tiện này sẽ vận hành dịp lễ 30-4 này.

Giảm khói bụi, tiếng ồn

Theo đề án, nhà đầu tư triển khai 200 xe điện 4 bánh từ 5 đến 14 chỗ đưa khách từ nơi lưu trú đến các điểm tham quan, giải trí, các trung tâm thương mại, di tích lịch sử, văn hóa và ngược lại. Phương tiện sẽ hoạt động toàn thời gian, tùy theo nhu cầu đi lại của hành khách.

Đề án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến triển khai dịp lễ 30-4 với 70 phương tiện, vận chuyển 650 chuyến/ngày, lịch trình từ trung tâm quận 1 kết nối Bến Nhà Rồng, quận 4. Giai đoạn 2 cuối năm 2023 đến đầu năm 2024 bổ sung 130 xe, vận chuyển 1.950 chuyến/ngày, mở rộng vùng hoạt động đến các khu vực khác trên địa bàn thành phố. Tổng mức đầu tư khoảng 107 tỉ đồng.


Xe buýt điện tuyến D4 hoạt động tại TP HCM

Về hình thức đặt xe, hành khách có thể đặt lịch di chuyển qua app khi có nhu cầu sử dụng. Nhân viên vận hành sẽ sắp xếp lộ trình, tổ chức chuyến xe để kết hợp các nhu cầu khách cùng 1 chuyến đi. Ngoài đặt xe qua app, hành khách có thể đặt xe qua tổng đài. Saigon Public Transport cũng đề nghị Sở GTVT xem xét cho hoạt động vào các khu phố đi bộ ở thời điểm hạn chế ôtô trong ngày.

Thông tin cụ thể hơn về đề án, đại diện Công ty TNHH Saigon Public Transport cho biết công ty đã ký hợp đồng đặt hàng, dự kiến ngày 23-4, phương tiện sẽ có mặt tại TP HCM.

Theo đại diện công ty, việc đưa xe điện vào phục vụ nhằm tạo thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận các điểm đến của TP HCM như các khách sạn, khu di tích lịch sử, trung tâm mua sắm, khu vui chơi, phố đi bộ một cách nhanh chóng, thuận tiện, an toàn. Song song đó, hỗ trợ kết nối, trung chuyển hành khách từ các công sở, văn phòng, khách sạn, các trung tâm thương mại, khu giải trí đến các bãi đậu xe, các trạm xe buýt, nhà ga metro… "Đề án nếu phát huy hiệu quả sẽ góp phần phát triển giao thông xanh, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm tiếng ồn và khói bụi khu vực trung tâm thành phố" - đại diện nhà đầu tư cho hay.

"Thành công đến đâu thì chưa biết nhưng chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện, cái khó là hạ tầng giao thông tĩnh của TP HCM còn thiếu, do đó việc bố trí chỗ đỗ phương tiện cũng như các điểm đón trả khách rất cần cơ quan chức năng hỗ trợ" - đại diện Công ty TNHH Saigon Public Transport nói thêm.

Cần thiết, đúng chủ trương

Đánh giá về đề án này, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải đường bộ (Sở GTVT), cho rằng rất cần thiết vì phù hợp với định hướng phát triển giao thông xanh tại TP HCM. Hiện nay, đề án đang chờ thêm ý kiến của các sở, ngành để nhà đầu tư thực hiện. Đây là loại hình mới, phục vụ theo nhu cầu, có ứng dụng công nghệ và được Bộ GTVT cho phép thí điểm.

Theo ông Hải, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt lộ trình về chuyển đổi năng lượng xanh, bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, sở đã triển khai nội dung này đến các hiệp hội, doanh nghiệp để nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, thay đổi phương tiện cho phù hợp với lộ trình. Từ năm 2025 trở đi, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh với tỉ lệ vận tải hành khách công cộng tại TP HCM đạt 25%. Từ năm 2030, tỉ lệ xe sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%, 100% taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Ngoài đề án xe điện phục vụ khách du lịch này, Sở GTVT khuyến khích các doanh nghiệp vận tải đưa xe buýt điện vào hoạt động và xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG). Tháng 3-2022, tuyến buýt điện D4 (Bến xe buýt Sài Gòn - Vinhomes Grand Park) được Vinbus đưa vào vận hành, 3 tuyến còn lại đang được sở đôn đốc. Theo ông Đỗ Ngọc Hải, nhà đầu tư đang được đề nghị sớm đưa vào khai thác như kế hoạch cuối năm 2023.

"Để khuyến khích, phát triển hơn các loại hình xe điện, xe sử dụng năng lượng sạch thì cần xây dựng cơ chế, chính sách. Chẳng hạn như sớm có định mức kinh tế kỹ thuật, cơ chế khuyến khích đầu tư trạm sạc, xây dựng nơi bảo trì và điều kiện kiểm định an toàn cho đồng bộ hoặc chính sách hỗ trợ khi người dân mua sắm xe điện hoặc đổi xe đang đi sang sử dụng xe điện" - ông Hải nói.

Nhận định việc phát triển giao thông xanh ở TP HCM là cần thiết, thạc sĩ Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách và Du lịch liên tỉnh TP HCM, cho hay 10 năm trước, thành phố đã bắt tay vào việc phát triển hệ thống xe buýt sử dụng CNG với hơn 200 phương tiện vận hành mang đến sự an toàn, giảm ô nhiễm môi trường.

Trong tình hình hiện nay, nhu cầu đi lại của người dân rất đa dạng, không chỉ xe buýt, taxi mà các loại phương tiện trung chuyển khách sử dụng năng lượng điện đều cần khuyến khích. Với những loại hình mới, khi triển khai, cơ quan quản lý cần hỗ trợ về bến bãi, trạm đón khách, tránh xung đột giữa các loại hình vận chuyển hành khách.

Nguồn: NLĐ

Tin cùng loại