TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Bài nghiên cứu » Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cổ truyền người Mường ở Hòa Bình

Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cổ truyền người Mường ở Hòa Bình

01:07 | 25/04/2023

Dân tộc Mường là một trong 54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một trong 5 dân tộc thiểu số có dân số trên 1 triệu người (1.286.963 người, theo Tổng điều tra dân số năm 2009). Dân tộc Mường thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường có quan hệ khá đặc biệt với người Việt nhưng lại rất gần gũi về văn hóa với nhóm Tày - Thái. Nhìn về lịch sử, người Mường sống tập trung đã trở thành một tỉnh Mường từ những năm 1886 (nay là tỉnh Hòa Bình). Người Mường sống tập trung đông nhất chủ yếu ở các tỉnh miền núi Tây Bắc và vùng thượng du Bắc Bộ như Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Yên Bái, Hà Tây (nay là Hà Nội). Hay trước đây quá trình di cư từ năm 1954, hoặc sau này di dân để xây dựng thủy điện Hòa Bình đã lập nên một số làng Mường ở trên vùng đất Tây Nguyên như Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai… Hiện nay trong quá trình người Mường tham gia công tác xã hội như lực lượng vũ trang, học tập và lập nghiệp đã tạo lập các gia đình người Mường giữa lòng Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh thành khác trong cả nước. Chính sách bình đẳng dân tộc của Nhà nước Việt Nam đã tạo điều kiện cho người Mường cũng như các dân tộc khác cùng cộng cư sống chung trong các vùng của người Mường. Nhưng người Mường sống đông nhất và lâu đời nhất là ở tỉnh Hòa Bình. Người Mường ở các nơi khác, vùng khác gọi Hòa Bình là Mường Cả hay là Mường Cốc (Gốc) là gốc rễ, là quê hương của mình. Vì vậy mà Hòa Bình còn được coi là cái nôi văn hóa dân tộc Mường.

Hòa Bình là tỉnh miền núi Tây Bắc có 6 dân tộc anh em: Mường, Kinh, Thái, Dao, Tày, Hmông cùng chung sống đoàn kết, trong đó đa số là dân tộc Mường, chiếm tỉ lệ 65% dân số. Mỗi dân tộc đều có những yếu tố văn hóa chung, mang tính chất vùng miền, nhưng cũng còn lưu giữ được những nét văn hóa riêng, độc đáo, mang bản sắc của dân tộc.

Từ sau năm 1954 đến nay, đời sống kinh tế - xã hội của người Mường ở Hòa Bình đã có nhiều thay đổi. Chế độ lang đạo (tầng lớp thống trị xưa) mà người Mường thường có câu “Đất có lang, làng có đạo” đã chấm dứt. Người Mường cùng các dân tộc thiểu số khác ở Hòa Bình dưới sự lãnh đạo của Đảng đã cùng nhau xây dựng cuộc sống kinh tế mới trong một chế độ xã hội mới. Tuy nhiên khi kinh tế - xã hội có những biến chuyển thì thường xảy ra tình trạng “khủng hoảng văn hóa” hay “một cuộc cách mạng văn hóa”. Cấu trúc xã hội Mường khép kín trong thung lũng đã bị phá vỡ, thay vào đó là một cấu trúc xã hội mới, và tất yếu dẫn đến những biến đổi về đời sống chính trị, đời sống kinh tế, đời sống văn hóa trong xã hội của người Mường.

Trước tình hình đó, chúng tôi xin đưa ra một số nhận xét, đánh giá chung về thực trạng cũng như đề xuất một số giải pháp bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Hòa Bình trong giai đoạn hiện nay:

Trong những năm qua, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa cổ truyền ở Hòa Bình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng ở nhiều quy mô khác nhau. Các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được công nhận, xếp hạng và tu bổ, tôn tạo; nhiều di vật, cổ vật đã được bảo vệ. Các lễ hội truyền thống được bảo tồn, giữ gìn và duy trì. Tỉnh Hòa Bình hằng năm tổ chức trên 136 lễ hội truyền thống, đặc biệt là các lễ hội lớn như lễ hội Cồng chiêng tỉnh Hòa Bình; lễ hội Khai hạ Mường Bi, Tân Lạc; lễ hội Chùa Tiên ở Lạc Thủy; lễ hội Đền Bờ ở Cao Phong; lễ hội Xuống đồng; lễ Cúng vía lúa, lễ Mừng cơm mới… Ngoài ra hằng năm Hòa Bình còn tổ chức nhiều cuộc liên hoan nghệ thuật dân tộc, diễn xướng, trò chơi dân gian, phong tục... nếp sống văn hóa đã được phục hồi và trở thành những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong đời sống cộng đồng các dân tộc.

Dân tộc Mường có ngôn ngữ riêng nhưng không có chữ viết, đây cũng là một yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc nói chung. Người Mường trước đây đa số không biết chữ, chỉ có một số ít tầng lớp lang đạo mới được học chữ, nhưng chủ yếu là chữ Nho, do vậy, các giá trị văn hóa, nhất là văn học dân gian chỉ được lưu giữ thông qua truyền miệng và trí nhớ. Nay người dân đã được đi học, đã đọc thông viết thạo con chữ, trình độ dân trí cũng được nâng cao, nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm, ghi chép, dịch thuật các tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian cổ truyền cũng như việc sáng tác văn học nghệ thuật đã giúp cho việc phổ biến, giới thiệu những giá trị văn hóa tới các tầng lớp nhân dân trong xã hội rất hiệu quả. Công tác bảo tồn, lưu giữ vốn văn hóa cổ truyền, vốn văn học dân gian các dân tộc thiểu số nhờ đó đã được khôi phục và có hiệu quả rõ rệt, hầu như đã không còn chuyện tam sao thất bản nữa. Những năm gần đây, một thực trạng không thể không đề cập tới đó là sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, đặc biệt là Internet đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống sinh hoạt của đại đa số người dân, trong đó có người dân các dân tộc thiểu số ở Hòa Bình. Thông qua Internet, mọi thông tin và liên lạc trở nên quá nhanh và thuận tiện. Người dân các dân tộc thiểu số nay đã có cơ hội mở mang tầm nhìn ra thế giới nhiều hơn. Từ sự phát triển và bùng nổ của công nghệ thông tin, của Internet thì việc kéo theo sự thay đổi trong đời sống văn hóa của nhân dân các dân tộc thiểu số là tất yếu.

Một thực trạng diễn ra theo xu hướng tích cực nữa là người dân các dân tộc thiểu số đã dần tước bỏ đi những gì đã trở nên lỗi thời, lạc hậu; học và làm theo những yếu tố mới sinh ra từ những đổi thay tất yếu do nhu cầu của cuộc sống mới, ví dụ như trang phục, nhà ở, tín ngưỡng, phong tục, tập quán… Đây là sự vận động mang tính quy luật đúng đắn, tạo ra sự phát triển đi lên của xã hội, bởi vì bản sắc văn hóa các dân tộc nói chung và dân tộc Mường nói riêng là những nét riêng độc đáo biểu hiện trong các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần mà cộng đồng người Mường đã sáng tạo, tích lũy trong lịch sử của dân tộc mình. Những giá trị này được giữ gìn, bảo tồn, trao truyền qua nhiều thế hệ và cũng là vận động, biến đổi của văn hóa tộc người, gắn với sự phát triển chung của văn hóa dân tộc. Xin đơn cử như sự biến đổi về trang phục truyền thống của người Mường chẳng hạn: Trang phục truyền thống của đàn ông Mường hàng ngày vốn đã rất đơn giản, với chiếc quần lá què, ống rộng, thắt lưng bằng dây vải sợi hoặc dây chun, áo dài tay, cổ ngắn, có túi áo ngực trên và túi hai bên vạt áo, cài khuy ở giữa. Nay đa số trang phục thường ngày của đàn ông Mường đều theo kiểu Âu phục: áo sơ mi, quần âu, kể cả người trẻ, người già (trừ những ngày lễ hội, lễ tết, hội hè, cưới xin)…

Sự thay đổi trang phục phụ nữ Mường diễn ra phức tạp hơn. Ngày nay, những phụ nữ Mường tuổi dưới 45 thường ít mặc trang phục truyền thống hơn, do đang độ tuổi lao động, học tập nên họ không còn mặc váy, mà sử dụng quần hai ống, áo sơ mi hoặc áo phông để đi lại, lao động thuận tiện. Lứa tuổi trên 45 nếu không phải cán bộ công chức hay nhân viên nhà nước thì thường ngày đa số họ vẫn còn dùng trang phục truyền thống, họ mặc váy áo Mường trong mọi trường hợp và chỉ có diện áo váy có chất liệu quý, hoa văn đẹp trong những dịp trang trọng như lễ tết, cưới xin, lễ hội. Tuy nhiên, dù là váy Mường nhưng chất liệu và màu sắc đã ít nguyên bản thay vào đó là họ sử dụng các loại vải lụa công nghiệp may theo kiểu trang phục truyền thống, kể cả hoa văn cạp váy Mường vốn rất cầu kỳ và tinh tế nhưng nay đã dần được thay thế bằng vải hoa các loại và đôi khi các bà, các cụ cũng mặc váy với các loại áo mền bông, áo phông, áo len cho thuận tiện và ấm áp.

Không chỉ có những biến đổi mang tính tích cực, những biến đổi tiêu cực dẫn đến nguy cơ bản sắc văn hóa dân tộc bị lãng quên, bị mai một cũng xuất hiện. Đó là những biến đổi tự phát, chịu sự tác động, ảnh hưởng xấu từ sự đánh mất mình trong quá trình giao lưu, học hỏi. Hiện nay một số thanh thiếu niên dân tộc thiểu số đang tự hướng theo lối sống của người phương Tây, người Hàn Quốc, người Mỹ,... họ thích các điệu nhảy du nhập từ nước ngoài như disco, hip-hop hơn là đánh cồng chiêng, múa xòe, đôi khi họ còn xấu hổ với bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, chạy theo các mốt trang phục mới.

Hiện nay tình trạng xâm hại di tích, danh thắng; tình trạng lấy cắp di vật, cổ vật và các đồ thờ tự quý hiếm ở một số đình, đền, chùa vẫn diễn ra; lễ hội truyền thống được phục dựng tràn lan, xảy ra tình trạng lộn xộn về nội dung và hình thức tổ chức, nhiều nội dung của lễ hội cổ truyền đã bị làm sai lệch, sân khấu hóa; hiện tượng mê tín dị đoan có chiều hướng gia tăng; việc cưới xin, ma chay còn nhiều hủ tục, chưa thực hiện theo nếp sống văn hóa mới. Tình trạng này khiến cho môi trường văn hóa thiếu lành mạnh, các giá trị văn hóa cổ truyền chẳng những không bảo tồn, phát huy được mà còn có nguy cơ bị đẩy ra ngoài đời sống xã hội.

Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm tới vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc, tạo điều kiện để làm sống dậy mọi tiềm năng và giá trị văn hóa, xem đó như là một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động cho thấy bên cạnh những thành tựu lớn cũng còn tồn tại không ít những bất cập về quan niệm, về phương thức thực hành, về những hoạt động cụ thể trong việc phát hiện, bảo tồn, phát huy vốn cổ văn hóa cũng như công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cổ truyền còn nhiều khuyết điểm, thiếu đồng bộ; lỏng lẻo trong công tác quản lý. Vì vậy, thống nhất quan niệm về nhận thức, phương thức thực hành trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc nói chung và vốn cổ văn hóa nói riêng đang là một yêu cầu cần thiết và cấp bách.

Chúng ta tích cực bảo tồn các giá trị của truyền thống văn hóa do các thế hệ cha ông để lại, tức là bảo tồn di sản văn hóa, chứ không chỉ hô hào một cách chung chung. Truyền thống văn hóa hay di sản văn hóa là toàn bộ những sản phẩm, những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của dân tộc đã sáng tạo, để lại, lưu giữ, trao truyền cho nhiều thế hệ, nó có thể là di sản phi vật thể (tiếng nói, chữ viết, diễn xướng, lễ hội, lối sống, văn học nghệ thuật…); cũng có thể là di sản vật thể (di tích lịch sử - văn hóa, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia…).

Cần có chính sách, có biện pháp thỏa đáng để thực hiện hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong giai đoạn hiện nay. Sự bùng nổ của hệ thống phương tiện truyền thông đại chúng đã một mặt tạo cơ hội cho giao lưu, tiếp biến văn hóa, song mặt khác, lại đặt ra những thách thức cho việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong sự phát triển, để tận dụng được những thuận lợi, vượt qua thách thức. Vấn đề đặt ra là phải có định hướng, giải pháp nhằm gia tăng mối tương tác giữa bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội một cách bền vững. Có thể nói đây không chỉ là một nhiệm vụ cụ thể mà còn là giải pháp trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa cổ truyền các dân tộc trong giai đoạn hội nhập và phát triển như hiện nay.

Bên cạnh những vấn đề mang tính chiến lược, cần chú trọng đến hàng loạt vấn đề mang tính sách lược như: Đổi mới cơ chế và phương thức bảo tồn; chính sách và bộ máy thực hiện, kinh phí thực hiện từ nhiều nguồn; vấn đề về phương tiện, trang thiết bị công nghệ và đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên gia… Đặc biệt phải tiến hành chương trình tổng kiểm kê di sản văn hóa từng địa phương và của toàn quốc, trên cơ sở đó nghiên cứu một cách sâu sắc về giá trị của từng nhóm, từng loại di sản văn hóa, đồng thời đề ra những phương thức bảo tồn một cách hiệu quả.

Để thực hiện hiệu quả hơn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, chúng ta cần nhận thức đúng đắn và quán triệt đầy đủ xu hướng chuyển đổi văn hóa trong giai đoạn hiện nay, đó là:

- Xu hướng kế thừa phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phổ biến, giáo dục cho quảng đại quần chúng.

- Xu hướng tiếp nhận những giá trị văn hóa thế giới thông qua việc nghiên cứu, giới thiệu phổ biến đến với người dân, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc để giao lưu và cùng hội nhập vào thế giới hiện đại.

- Xu thế kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa hiện đại với các giá trị văn hóa truyền thống.

Trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng đời sống mới ấm no hạnh phúc, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta càng cần phải đi sâu tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông cha để lại nhằm vận dụng, kế thừa và phát triển, đồng thời cần loại bỏ những hủ tục, làm cho môi trường văn hóa xã hội lành mạnh, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao mọi mặt đời sống cho nhân dân...

                                                                                             BÙI THANH BÌNH

Chi hội trưởng Chi hội VHNT các DTTS tỉnh Hòa Bình

 

Tin cùng loại