TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Tộc người » Đồng bào dân tộc miền núi có được miễn thuế tài nguyên không?

Đồng bào dân tộc miền núi có được miễn thuế tài nguyên không?

11:33 | 25/04/2023
Gia đình tôi sống ở vùng núi cao, nơi có nhiều cánh rừng tự nhiên. Nguồn sống chính là khai thác các sản phẩm từ rừng như: Nấm, thảo quả, quế, hồi, tre, trúc…. Xin hỏi, khi khai thác các sản phẩm từ rừng như trên, gia đình tôi có phải đóng thuế tài nguyên hay không? Nếu là người đồng bào dân tộc thì gia đình tôi có được miễn thuế không? (Nùng A Thắng, Cao Bằng).

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên và Môi trường tư vấn như sau:

Việc xác đinh đối tượng chịu thuế tài nguyên và đối tượng được miễn thuế tài nguyên sẽ theo quy định tại Thông tư số 152 /2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế tài nguyên. Cụ thể:

Đối tượng chịu thuế

Đối tượng chịu thuế tài nguyên theo quy định tại Thông tư này là các tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định, bao gồm:

- Khoáng sản kim loại;

- Khoáng sản không kim loại;

- Sản phẩm của rừng tự nhiên, bao gồm các loại thực vật và các loại sản phẩm khác của rừng tự nhiên, trừ động vật và hồi, quế, sa nhân, thảo quả do người nộp thuế trồng tại khu vực rừng tự nhiên được giao khoanh nuôi, bảo vệ;

- Hải sản tự nhiên, gồm động vật và thực vật biển; Nước thiên nhiên, bao gồm: Nước mặt và nước dưới đất; trừ nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp và nước biển để làm mát máy; Nước biển làm mát máy quy định tại khoản này phải đảm bảo các yêu cầu về môi trường, hiệu quả sử dụng nước tuần hoàn và điều kiện kinh tế kỹ thuật chuyên ngành được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

Trường hợp sử dụng nước biển mà gây ô nhiễm, không đạt các tiêu chuẩn về môi trường thì xử lý theo quy định tại Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có);

Yến sào thiên nhiên, trừ yến sào do tổ chức, cá nhân thu được từ hoạt động đầu tư xây dựng nhà để dẫn dụ chim yến tự nhiên về nuôi và khai thác.

Yến sào do tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà để dẫn dụ chim yến tự nhiên về nuôi và khai thác phải đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Người dân khai thác tre, trúc phục vụ sinh hoạt không phải đóng thuế tài nguyên

Miễn thuế tài nguyên

Các trường hợp được miễn thuế tài nguyên theo quy định tại Điều 9 Luật Thuế tài nguyên và Điều 6 Nghị định số 50/2010/NĐ-CP, bao gồm:

- Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác hải sản tự nhiên;

- Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác cành, ngọn, củi, tre, trúc, nứa, mai, giang, tranh, vầu, lồ ô do cá nhân được phép khai thác phục vụ sinh hoạt;

- Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác nước thiên nhiên dùng cho hoạt động sản xuất thuỷ điện để phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.

- Miễn thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên do hộ gia đình, cá nhân khai thác phục vụ sinh hoạt.

- Miễn thuế tài nguyên đối với đất do tổ chức, cá nhân được giao, được thuê khai thác và sử dụng tại chỗ trên diện tích đất được giao, được thuê; đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, đê điều.

Đất khai thác và sử dụng tại chỗ được miễn thuế tại điểm này bao gồm cả cát, đá, sỏi có lẫn trong đất nhưng không xác định được cụ thể từng chất và được sử dụng ở dạng thô để san lấp, xây dựng công trình; Trường hợp vận chuyển đi nơi khác để sử dụng hoặc bán thì phải nộp thuế tài nguyên theo quy định.

Như vậy, theo quy định, đồng bào dân tộc miền núi không thuộc đối tượng miễn thuế tài nguyên. Gia đình bạn chỉ không phải nộp thuế tài nguyên khi khai thác động vật và hồi, quế, sa nhân, thảo quả do người nộp thuế trồng tại khu vực rừng tự nhiên được giao khoanh nuôi, bảo vệ; hoặc khai thác cành, ngọn, củi, tre, trúc, nứa, mai, giang, tranh, vầu, lồ ô khi được phép để phục vụ sinh hoạt.

Nguồn: Internet

 

Tin cùng loại