Âm nhạc dân gian là một trong những nét đặc trưng quan trọng làm nên bản sắc văn hóa độc đáo và quyến rũ của vùng đất Tây Nguyên, “kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu của nhân loại”, là một kho tàng phong phú của các tộc người tại chỗ. Nơi đây có gần 30 tộc người cư trú trên địa bàn, là có bằng ấy những điệu thức và nhiều hơn nữa những làn điệu dân ca khi nồng nàn cháy bỏng, khi êm ả trữ tình, lúc lại hài hước dí dỏm. Dân ca, dân nhạc luôn luôn là tiếng nói của tâm hồn, của trái tim, không biên giới và bất chấp mọi ngôn ngữ. Âm nhạc dân gian Tây Nguyên cũng vì thế mà đã từng có đời sống rất bền vững trong mọi cộng đồng tộc người.
Âm nhạc là một trong những sinh hoạt văn hóa tinh thần dân gian được cư dân các tộc người Tây Nguyên giữ gìn và lưu truyền hàng trăm năm qua. Tuy nhiên, với sự giao thoa văn hóa của các vùng miền tụ hội về Tây Nguyên, kho tàng âm nhạc quý báu ấy không tránh khỏi biến dạng và và có nguy cơ biến mất; điều đó có nghĩa là nếu không có sự quan tâm bảo lưu, bảo tồn và phát huy, thì một ngày nào đó, nó sẽ không còn hiện diện trong các buôn, bon, kon, plêi nữa. Sự tồn tại trong cộng đồng mới chính là cơ sở bền vững nhất để “di sản văn hóa” dân gian truyền khẩu độc đáo của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên song hành cùng cuộc sống mới hôm nay và mãi mãi về sau.
Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, chúng ta đã được nghe một khái niệm gần như đóng đinh, rằng “Việt Nam là một nước thuần nông. Có một nền văn minh lúa nước vô cùng rực rỡ”. Vâng! Hoàn toàn đồng ý. Nhưng lại rất muốn được bổ sung thêm một câu nữa, rằng “song song đó chúng ta còn có một nền văn minh nương rẫy, cũng vô cùng độc đáo và phong phú”. Xin đưa ra một vài dẫn chứng sự khác biệt cơ bản của hai nền văn minh này.
Đến thời điểm này Việt Nam chúng ta có tới 22 di sản được thế giới vinh danh. Trong đó có 11 di sản về thiên nhiên và thuộc về vật thể cùng với 11 di sản văn hóa phi vật thể, nằm đều ở các vùng miền Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên. Trong 11 di sản văn hóa phi vật thể thế giới này, khu vực miền núi chỉ có 1 là “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”. Thật ít ỏi. Nhưng cũng không vì thế mà không đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của một nền văn minh nương rẫy chưa từng được công nhận. Chỉ cần xem xét sơ qua các di sản văn hóa giữa miền núi và đồng bằng mà chúng tôi nhận thấy có sự khác nhau rất căn bản.
- Sự khác biệt giữa tín ngưỡng đa thần và độc thần (Phật giáo, Cơ Đốc giáo…).
- Sự khác biệt của văn hóa vật thể trong kiến trúc, trong nghề thủ công, trong trang phục, trong ẩm thực…
- Sự khác biệt giữa các loại hình văn hóa phi vật thể (đơn cử chỉ trong văn học truyền miệng: Các dân tộc thiểu số ở phía Bắc có truyện thơ, trường ca, sử thi: Sống chụ xon xao, Hùy Nga - Hai Mối, Đẻ đất đẻ nước... Các tộc người ở Tây Nguyên có hri, hmon, klei khan: Xinh Nhã, Dam Noi, Đam San… mà người miền xuôi không có)
Những khác biệt này có đủ để coi văn hóa Việt Nam được xây dựng trên hai nền tảng văn minh ấy không? Hay đó vẫn chỉ là một trong những thuộc tính của văn minh lúa nước mà thôi?
Việc thứ hai liên quan đến phần âm nhạc, đó là danh xưng quốc tế “cồng chiêng Tây Nguyên”.
Khi chập chững vào nghề sưu tầm, lại là người Tây Nguyên, học âm nhạc, nên chúng tôi đã xin thọ giáo nguồn gốc của hai từ “cồng chiêng” từ nhiều nhà nghiên cứu đi trước. Và được ân cần giải thích như sau: “Cồng chiêng là cách gọi ghép hai từ cồng của người Mường với chiêng của người Tây Nguyên mà thành”. Yên tâm lắm. Nhất là từ khi được thế giới công nhận lại càng thành tâm mà nỗ lực giữ gìn, bảo tồn hơn.
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết, các tộc người thiểu số tại chỗ ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên có nhiều cách gọi về bộ nhạc cụ tâm linh, tinh thần, bằng đồng, tự thân vang này, như sau: nhóm những tộc người dùng dùi gõ như người Ba-na, Ê-đê, Gia-rai, Xơ-đăng… đều gọi những chiếc không có núm là ching; những chiếc có núm thì khác hơn: chêng, Knah, bùng boàng. Nhóm dùng tay đấm như Cơ-ho, Mnông, Mạ, Xtiêng… gọi những chiếc có núm là goong, không có núm là chưng, bor. Hoàn toàn không có từ nào liên quan tới hai chữ “cồng và chiêng”, ngoài một sự đồng âm của từ koong - nghĩa là chiếc vòng đeo cổ hoặc tay, hay chân.
Năm 2015, chúng tôi có một vài chuyến chuyên sâu về văn hóa Mường. Đi đến đâu (Đắk Lắk di cư hay Hòa Bình nguyên bản, hoặc gặp nhau ở tận quần đảo Trường Sa) đều nghe các “Báu vật nhân văn sống” của người Mường nói rằng “người Mường chúng tôi không gọi cồng, mà gọi là chiêng”. Lần giở lại các sách nghiên cứu của người Pháp, chỉ thấy gọi là goong. Những nhà khoa học lớp tiên phong như giáo sư Nguyễn Đổng Chi, Võ Quang Nhơn, tác giả Toan Ánh, Nguyên Ngọc, Nhật Lai… thì gọi là goong, chiêng.
Như vậy cách gọi “cồng chiêng” xem ra không chính xác lắm đối với người Tây Nguyên? Phải chăng cụm từ ấy bắt nguồn từ những ngạn ngữ “Lệnh ông không bằng cồng bà” hoặc “lên núi… xem bà Triệu Ẩu cưỡi voi đánh cồng” của người Kinh mà vận vào không? Thôi thì quốc tế đã công nhận, mình cũng “cầm lòng vậy, bằng lòng vậy”. Chỉ xin được nói lại với cộng đồng sưu tầm, nghiên cứu một lần. Sửa hay không cũng là tùy ở quý vị cân nhắc. Trong tham luận này chúng tôi xin tạm được dùng cụm từ “ching chêng” theo hiểu biết và cách nghĩ của cá nhân.
Nhân đó nói thêm, như trước đây chúng ta chỉ coi trường ca - sử thi Tây Nguyên là một áng văn học truyền miệng độc đáo, thì sau năm 2005, chúng tôi công bố hơn 10 bản nhạc ký âm các làn điệu bổng trầm của diễn xướng trường ca, sử thi thuộc 6 tộc người Ê-đê, Ba-na, Gia-rai, Mnông, Rag-lai, Rngao, và cho đó là một loại hình nghệ thuật kép gồm âm nhạc và văn học, với cách gọi là HÁT - KỂ (Klei khan, A khan, K’Han, Hri, Hơ amon, A kha Jur ca, Ót N’Drong). Sau đó cũng được mọi người quan tâm mà thay đổi dùng hai từ này. Những sử thi của các nước tới tham gia Hội nghị Sử thi quốc tế lần thứ I tại Buôn Ma Thuột năm 2008 cũng đều là hình thức diễn xướng Hát - Kể, khác với thể loại truyện cổ tích dài đến đâu cũng chỉ kể mà không có hát (Klei đưm, A khàt tét)…
Về tín ngưỡng phổ quát của Tây Nguyên
Âm nhạc dân gian Tây Nguyên gắn liền với sinh hoạt của cộng đồng. Do cùng có chung một mặt bằng xuất phát từ phương pháp canh tác lúa rẫy và tín ngưỡng đa thần, nên ít nhiều văn hóa của các tộc người trong khu vực miền núi Trường Sơn - Tây Nguyên đều có những điểm tương đồng.
Tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh khiến các vị Yang thiêng liêng ở khắp mọi chỗ, mọi nơi, chi phối toàn bộ đời sống của con người và xã hội. Do đó mà làm việc gì cũng phải cầu khấn, xin phép và làm được phải tạ ơn, làm sai phải tạ lỗi. Vi phạm phải tạ tội. Thần linh của người Tây Nguyên không có hình hài như Đức Jêsu Crit, Jehova hay Đức Phật Như Lai, Quan Thế Âm Bồ Tát. Yang tương đồng với hình dạng và cuộc sống cũng buồn vui, hờn giận, như con người dưới mặt đất, chỉ là trên một tầng không gian xa vời hơn, thần lực và thần quyền hơn. Khác với cõi âm cái gì cũng ngược lại với mặt đất. Trong bối cảnh đó, ching chêng là phương tiện để giao lưu với các thế lực thần bí ấy. Điều đó lý giải vì sao bất cứ một dân tộc nào trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên cũng phải có từ một đến vài bộ ching chêng.
Thuở xa xưa, sống quần cư nhưng biệt lập giữa rừng đại ngàn, nghệ thuật diễn xướng âm nhạc là một bộ phận không thể thiếu trong các lễ nghi, lễ thức lớn nhỏ của các cộng đồng tôn thờ vạn vật hữu linh. Trong đó, ching chêng là phương tiện giao lưu với các thần linh, thông tin giữa bộ lạc này với các bộ tộc khác, theo những quy trình canh tác nông lịch trên đất rẫy và theo các lễ nghi vòng đời của một con người, một gia đình hay một bộ tộc. Không thể thiếu vắng tiếng ching chêng khi có một việc lớn sẽ diễn ra liên quan đến đời sống con người giữa đại ngàn hoang sơ. Mỗi dàn ching chêng là một sứ giả của thông điệp tâm linh, là tâm hồn của một tộc người. Thậm chí là phong cách giao tiếp của một buôn, plei, kon, bon. Bên cạnh đó ching chiêng còn là phương tiện giải trí, thư giãn tinh thần sau giờ lao động, Cụ thể:
- Để bảo tồn nòi giống và cộng đồng, “cố kết bầy đàn”, gắn bó bền chặt giữa mọi thành viên thì những chuyện vui buồn, cầu cúng đều có sự sẻ chia tự nguyện của tất cả. Chính vì sự tập hợp này mà có lễ to, lễ nhỏ. Lễ nhỏ trong gia đình. Lễ to cả dòng họ, cả buôn thì chắc chắn sẽ là có hội. Trong các lễ hội, người ta cũng không thể chỉ có cúng tế, ăn, uống, mà còn có nhu cầu vui chơi giải trí, nhất là sau khi thu hoạch xong mùa màng. Đó chính là môi trường diễn xướng tốt nhất cho âm nhạc phát triển.
- Gắn bó với rẫy nương suốt từ 3 đến 6 tháng, đòi hỏi phải có sự giải tỏa, thư giãn về tinh thần là điều tất yếu. Những cây đàn dựa vào sức nước, sức gió… bằng chính các nguyên liệu gần gũi trong núi rừng (lá, tre, nứa, gỗ...), của nương rẫy (cọng bí, cọng lúa...) ra đời, không chỉ nhằm mục đích xua đuổi các loài chim, thú phá rẫy, mà còn giúp cho cuộc lao động trên rẫy được thư giãn và bớt đi sự vất vả. Những lúc nghỉ ngơi sau giờ lao động, người ta ngẫu hứng cất lên câu hát. Đầu tiên là hát nói mang tính tự sự, kể lể tâm trạng, sau đó là những cuộc hát đố, hát đối đáp giao lưu, giao duyên... Cho đến những câu chuyện thơ dài khan, hmon, hri kể suốt đêm thâu bó gối giữa rừng... đều xuất phát từ nhu cầu sẻ chia cho cuộc sống luôn khép kín bớt sự đơn điệu và tẻ nhạt
Cám ơn các Yang Tây Nguyên linh thiêng, bởi từ đó mà chúng ta có cả một kho tàng nghệ thuật diễn xướng phong phú, đa dạng, độc đáo và đồ sộ.
Phong phú bởi đó là sản phẩm tinh thần của hơn 20 tộc người cư trú tập trung từ lâu đời trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên.
Đa dạng bởi mỗi tộc người là những thang âm, điệu thức khác nhau.
Độc đáo bởi chẳng ai giống ai về hình thức diễn tấu lẫn âm điệu.
Và đồ sộ thì chưa tính dân ca, chỉ riêng bài bản ching thôi, mỗi tộc người đã có ít nhất từ 5 đến 35 tên bài được các nhà âm nhạc học ghi lại.
Cứ lắng mà nghe. Tiếng ching chêng Ba-na trầm hùng như những ngọn thác hùng vĩ đổ ầm ào xuống các dòng sông Ba, sông A Yun, Sê San cuồn cuộn. Ching A rap Gia-rai phóng khoáng và rộn ràng tựa những cánh chim Grăng, chim Chrao sải cánh chao liệng giữa bầu trời cao nguyên bao la. Và những chàng trai Xơ-đăng cùng nhịp goong ching náo nức đưa tâm hồn con người lâng lâng bay lên theo nhịp điệu bài “Chim Jil đi tắm”. Mạnh mẽ, ào ạt là tiếng ching char Ê-đê. Thủ thỉ, bụp xòa là goong chưng K’ Ho, Mnông, Mạ. Trang trọng, sôi nổi, rạo rực, lúc trầm tư là ching chêng Ba-na Chăm Hroaih. Cuộc đấu ching đôi, trống đôi hỏi đáp của tộc người Cơ-ho (Lâm Đồng), người Cor (Quảng Ngãi), Ba-na Chăm (Phú Yên) có khi gay cấn mà vẫn rộn rã…
Ching chêng là thể loại âm nhạc đặc trưng nhất gắn liền với nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Tây Nguyên. Bởi môi trường diễn xướng của ching chêng thường đi đôi với hệ thống các lễ và hội. Ở đó, mọi loại hình nghệ thuật dân gian đều có thể được phô diễn xung quanh và phục vụ cho tâm điểm là nghệ thuật diễn ching chêng.
Đầu tiên phải nói tới sự có mặt của nghệ thuật tạo hình. Trên những cây nêu, những dàn cúng tế lễ là những màu sắc có từ thiên nhiên núi rừng, gần gũi với đời sống con người như chim, cá, hoa cỏ... được tái tạo với một vẻ đẹp hoang dã. Trong các lễ bỏ mả còn có hệ thống những tượng mồ thô ráp, đầy tính sáng tạo tài hoa. Sau nữa là hoa văn thổ cẩm do bàn tay khéo léo của những người phụ nữ nhặt bông, xe chỉ dệt may nên những bộ trang phục khác lạ, chẳng ai giống ai.
Một loại hình nghệ thuật khác càng không thể tách rời nhịp điệu ching chêng, đó là múa. Người ta quen gọi chung là suang, những điệu múa trong các lễ hội của mọi dân tộc trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên. Suang A rap đi theo dàn ching A rap, suang sơgơr hòa cùng với tiếng ching chêng Ba-na. Người Xơ-đăng có suang xuâ tơmôi nhún nhảy bước đi theo nhịp ching. Khó có thể đứng ngoài vòng suang khi tiếng ching chêng nổi lên đầy hứng khởi.
Khi tiếng ching chêng tạm ngơi nghỉ là lúc những câu hát đố, hát giao duyên cất lên cùng tiếng kèn hơi, tiếng nứa, gỗ gõ, tiếng bàn tay vỗ vào miệng ống nứa bì bọp, kny thì thầm... của gái trai tìm nhau. Cao tuổi hơn, trẻ con và phụ nữ quây quần bên bếp lửa bập bùng của nhà sàn, tiếng kể khan, ot n’trong, hmon, hri bổng trầm những ước mơ về một xã hội đầy những điều tốt đẹp và no ấm.
Đi theo tiếng ching chêng còn có cả ẩm thực núi rừng và những trò chơi, đua tài dân gian độc đáo. Đó chính là môi trường, là không gian để ching chêng lên tiếng và tồn tại làm đắm say lòng người, để trở thành cốt lõi những “Kiệt tác Di sản và văn hóa phi vật thể truyền khẩu của nhân loại” trong không gian văn hóa cồng chiêng.
Đặc tính chung của âm nhạc dân gian Tây Nguyên
Âm nhạc dân gian Tây Nguyên tồn tại mãnh liệt giữa đời sống cộng đồng cả trong lễ thức lẫn sinh hoạt. Do tương đồng về địa bàn cư trú và nhất là cùng chung điểm xuất phát từ văn hóa nương rẫy, nên âm nhạc truyền thống các tộc người thiểu số Trường Sơn - Tây Nguyên có thể quy chuẩn về hai thể loại chính là mang tính tự sự và có nhịp điệu, cho dẫu nhiều làn điệu lẫn thang âm, điệu thức khác nhau, thể hiện cả trong nhạc đàn và nhạc hát, với một số đặc trưng cơ bản như sau:
- Ngoại trừ dàn ching chêng bằng đồng (không thể tự sản xuất), các loại nhạc cụ với nhiều hình thức đa dạng, âm thanh biến ảo, đều do bàn tay con người chế tác bằng những vật liệu thiên nhiên ở xung quanh, gắn bó với đời sống hàng ngày.
- Âm nhạc dân gian Tây Nguyên ẩn chứa cả điệu thức trưởng, thứ; mang trong âm hưởng tính chất ngợi ca hào hùng mạnh mẽ lẫn tính trữ tình mềm mại, phục vụ cả lễ thức lẫn sinh hoạt.
- Trong nhạc đàn và hát đều có quãng 2 thứ rất đặc trưng và bè quãng 4 và 5 Đ (không có quãng 3).
- Phổ biến là thể loại hát nói các nội dung tự sự, hát khóc, hát chào khách, hát - kể trường ca, sử thi (khan, ot n’trong, hri, hmon…).
- Thể loại hát nói tự sự cũng là phương tiện trình bày một lối hát mang tính chất văn học truyền miệng khác của các tộc người ở Tây Nguyên nói chung, đó là thể loại luật tục (klei bhian kđi, phat kđuôih, tlơi, juăt…). Tuy là những luật lệ - như một hiện tượng sơ khai của luật pháp, nhưng do tính đặc thù và có vần, có điệu, có âm thanh cao thấp, nên vẫn có thể xếp luật tục Tây Nguyên vào thể loại hát - kể văn học được.
- Thể loại hát có nhịp điệu thường dùng trong hát đối đáp, hát giao duyên ở những phần hội của các lễ cúng, những sinh hoạt mang tính cộng đồng, có đông người tham dự.
- Điều đặc biệt giống nhau ở dân ca các tộc người đó là cách sử dụng lối biền ngẫu - lặp đi lặp lại và vần đối vần ngẫu hứng trong từng lời hát.
Ví dụ như: Krơi ñu jơ ngui klai la/ hang mơi ji rơ wai dom moi jơ/ rơ rõ le jơ dai kom thơng hŏ (dân ca Gia-rai).
Hay: Ơ ai ayŏk pu brŏng jur juang/ Ayŏk grang jur yâu vei ka (dân ca Ba-na).
Âm nhạc dân gian Tây Nguyên tồn tại trong cộng đồng hoàn toàn bằng hình thức truyền miệng. Thậm chí cả bài bản chưng của người Mnông cũng đọc tên và cao độ của chưng và goong để truyền miệng. Chính âm nhạc làm cho cuộc sống giữa đại ngàn xanh của người Tây Nguyên thêm phong phú và không hề đơn điệu.
Thực trạng bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống trong cuộc sống hiện nay
Thực trạng công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới
Khi Việt Nam đệ trình lên tổ chức UNESCO để xem xét danh hiệu Di sản văn hóa thế giới, chỉ là nội dung về giá trị tuyệt tác của cồng chiêng một số tộc người tiêu biểu ở Tây Nguyên. Nhưng thông qua hồ sơ, các nhà khoa học thế giới đã nhìn nhận thấy toàn bộ không gian nuôi dưỡng và vây xung quanh trục diễn tấu ching chêng ấy đều chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống rất quý giá và đang có nguy cơ biến mất khỏi đời sống cộng đồng. Vậy nên chúng ta mới có một cái tên đầy đủ, hơi dài dòng, đó là “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Quốc tế vừa tôn vinh văn hóa truyền thống Tây Nguyên vừa cảnh báo chúng ta về sự tiềm ẩn biến dạng, biến đổi, biến mất của một nền văn minh nương rẫy vô cùng độc đáo, chỉ thông qua việc truyền khẩu.
Vậy thực tế sau 10 năm được tôn vinh, chúng ta làm được những gì? Còn được những gì? Nhất là trong chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay?
Nói một chút về khái niệm “Không gian văn hóa”. Không cần phải giải thích về cụm từ này, nhưng qua đợt khảo sát tháng 11-2015 do Ban Văn hóa Xã hội Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đắk Lắk tổ chức, tiếp theo ngay sau đó là Liên hoan nghệ thuật dân gian các dân tộc Tây Nguyên và khảo sát văn hóa truyền thống người Rơ Măm tại xã Mo Ray huyện Sa Thầy (Kon Tum), chúng tôi nhận thấy khái niệm này người làm công tác văn hóa và người dân ở các cơ sở hiểu rất lờ mờ, chính vì vậy có người còn gọi sai danh xưng của Di sản, chỉ là “Kiệt tác di sản và văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Ngoài chương trình bảo tồn kiệt tác này của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có bài bản hơn, gồm các việc tổ chức các liên hoan, phục dựng các lễ hội, xây dựng, sửa chữa các thiết chế văn hóa, truyền dạy một vài lớp đánh ching cho thế hệ trẻ, làm CD, DVD… là hết! Tiền được duyệt từ ngân sách cấp tỉnh thì không được cấp đủ để thực thi. Tiền từ nguồn tại chỗ thì do thất thu thuế nên tập trung vào kinh tế.
Về vấn đề này xin dẫn một vài con số cụ thể qua báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk mà nhóm khảo sát nhận được như sau:
“Theo kế hoạch thực hiện bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2012 - 2015 (Ban hành kèm theo quyết định số 2591/QĐ - UBND ngày 09-11-2012 của UBND tỉnh) thì kinh phí thực hiện là:
-
Ngân sách tỉnh: 27.880.000.000đ
-
Ngân sách huyện, thị, thành phố:15.010.000.000đ
-
Chương trình mục tiêu quốc gia: 6.000.000.000đ
Tổng cộng: 48.890.000.000đ
Thực tế kinh phí đã cấp cho việc thực hiện đề án cụ thể là:
- Năm 2012: không bố trí kinh phí thực hiện đề án
- Năm 2013: 400.000.000đ/9.350.000.000đ đạt 4,3% kế hoạch
- Năm 2014: 300.000.000đ/9.150 .000.000đ đạt 3,3 % kế hoạch
- Năm 2015: 700.000.000đ/9.030.000.000đ đạt 7,75% kế hoạch
Tổng cộng: 1.400.000.000đ/27.880.000.000đ”
Với kinh phí được cấp như thế, công tác bảo tồn, phát huy làm được gì mới là chuyện lạ. Đấy là nói chuyện ở cấp tỉnh còn rất khó khăn, thì cơ sở làm sao có thể thực thi được điều gì, khi mà, như đã nói ở trên, hỏi đến “không gian văn hóa” gồm những gì, không ai trả lời được cụ thể. Chính vì thế mà chỉ tiêu “mỗi buôn bảo tồn một ngôi nhà sàn truyền thống”, gần như 133 buôn của Đắk Lắk không nơi nào thực hiện được. Việc phục dựng lễ hội truyền thống năm nay có tiền dự án, bà con làm được, sang năm không ai hỗ trợ, lễ không mà hội cũng không. Chưa kể do đã chuyển đổi tín ngưỡng thờ phụng, chính quyền, đoàn thể đứng ra tổ chức lễ, bà con chỉ xem mà không tham gia, nên không thể thành hội.
Trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2009 có 2/19 tiêu chí đề cập tới vấn đề văn hóa. Trong đó tiêu chí 6 là có nhà văn hóa xã và các thôn làng đạt chuẩn quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (có nghĩa là đầy đủ trang thiết bị, có 70% số gia đình đạt Gia đình văn hóa…).
Tiêu chí 16: Xã có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nghĩa là các thôn bản có đầy đủ các thiết chế văn hóa, cảnh quan xanh sạch đẹp…).
Tuy nhiên công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống thì đến giai đoạn 2010 - 2020 mới được đề cập tới, nhưng chưa hướng dẫn cụ thể việc “bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy là gì?”, đặc biệt ở những khu vực có các loại di sản đã được quốc tế và quốc gia công nhận (Ví dụ như Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có “Kiệt tác Di Sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu của nhân loại”.
* Với văn hóa vật thể
Thực tế khảo sát tại nhiều địa bàn ở các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, các nhà văn hóa xây lên, hoành tráng, mới hay xập xệ - cũ, có trang thiết bị đầy đủ hay không, có biểu diễn văn nghệ hay hoạt động thể thao thường niên hay không, vẫn chỉ là nơi hội họp, tụ hội khi có việc của địa phương, của ngành mà thôi. Ngoài việc “lấn cấn” về tên gọi và chức năng hoạt động (thực sự là nhà văn hóa hay nhà cộng đồng?), ngôi nhà ấy không hề hoặc chưa bao giờ là một “không gian văn hóa” để người dân có thể gắn bó, thực hiện các sinh hoạt truyền thống tương tự một ngôi nhà cộng đồng xưa kia. Ngay cả những “nhà rông văn hóa” cột bêtông, mái lợp tôn, được các tổ chức nhà nước hỗ trợ xây dựng theo cùng một khuôn mẫu, cũng không là nơi “mời gọi” được người dân tự nguyện đến.
Đơn cử ví dụ thứ nhất: Gian trưng bày “Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại” của Bảo tàng Đắk Lắk, đầu năm 2016, ngoài hiện vật 1 cây nêu, hai bộ ching chêng, với mấy bức ảnh về diễn tấu ching chêng tại các lễ thức (bỏ mả, cúng bến nước, cúng lúa…), thì chỉ còn lại ảnh giới thiệu các bộ ching, nhiều nhất là các đội nghệ nhân diễn tấu ching. Ngoài ra không có bất cứ một hiện vật gì để chứng tỏ sự tồn tại của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Ví dụ thứ hai: Xã Mo Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum có đến 6 làng của người dân tộc tại chỗ (5 làng Gia-rai và 1 làng Rơ Măm), được Ban Dân tộc xây dựng 6 nhà rông cùng một hình mẫu nhà rông Ba-na, rào cẩn thận, có lớp mầm non học trong khuôn viên phía sau. Nhưng chỉ khi nào địa phương hay ngành văn hóa hỗ trợ kinh phí tổ chức hoạt động gì đó, người dân mới tới đây tham gia. Còn ở làng của người Rơ Măm, lễ nghi gì theo phong tục cũng đều được thực hiện ở “nhà Yang” của làng hoặc tại từng gia đình.
Ví dụ thứ ba: Người Xơ-đăng là một trong những tộc người dù chuyển cư đi đâu, sau khi chọn đất lập buôn cũng chung tay dựng ngôi nhà rông. Làng Kon H’Ring, xã Ea H’Đing, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, dù đã di cư từ Đắk Tô (Kon Tum) sang đây năm 1972, cũng có nhà rông do người dân tự làm. Nhà rông bị cháy năm 2014. Dân đã làm đơn xin địa phương hỗ trợ cột gỗ, những hạng mục còn lại người dân tự lo, để dựng lại, nhưng không được hồi âm. Cả làng nhất trí bán khu đất ấy cho Giáo hội để xin làm nhà thờ và mua khu đất khác cho ngành văn hóa xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng theo kiến trúc nhà dài Ê-đê. Ngôi nhà không hợp truyền thống văn hóa, nên làng chỉ sử dụng khi chính quyền và đoàn thể có hội họp. Lễ hội ăn cơm mới tuy thường niên, được chính quyền hỗ trợ, tổ chức ngoài sân cái gọi là “nhà cộng đồng” này.
Ví dụ thứ tư: Buôn Mliêng của người Mnông thuộc thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, là điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Bảo tồn buôn cổ, trị giá dự án 7 tỷ đồng (đã nghiệm thu năm 2010). Trong chương trình này có xây một nhà sinh hoạt cộng đồng theo mô hình nhà dài Ê-đê, bảo tồn 5 ngôi nhà truyền thống, nghề dệt thổ cẩm, dệt chiếu cói và bến nước (vì buôn nằm cạnh hồ Lắk). Tháng 11-2015, khi Ban Văn hóa Xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk tổ chức khảo sát:
- Nhà sinh hoạt cộng đồng xây khác với hướng truyền thống của người dân. 6 năm nay chưa bàn giao (vì lý do gì không rõ). Sau khi tổ chức 02 lớp truyền dạy ching và làm nhạc cụ Mnông bro vào năm 2012 thì hoàn toàn bỏ không, chỉ là nơi họp dân khi có việc cần phổ biến hoặc đón khách.
- 5 ngôi nhà sàn truyền thống mục nát không ai ở. Một căn phải hủy theo phong tục vì cụ bà mất, 4 căn còn lại khóa cửa bỏ không vì con cháu chuyển sang ở nhà xây. (toàn buôn đều là nhà xây hết).
- Nghề dệt không còn vì sản phẩm không bán được (ngành du lịch chỉ cho du khách cưỡi voi lội qua hồ, dạo một vòng quanh buôn rồi về), người dân ít khi dùng tới trang phục truyền thống. Khi cần văn nghệ hay đánh goong chưng đón khách phải ra phòng văn hóa huyện mượn trang phục dân tộc.
- Bến nước và cây cói chết lụi theo nghề dệt chiếu.
Ví dụ thứ 5: Tại làng Ba-na Chăm Xí Thoại (Phú Yên), nơi có bộ trang phục truyền thống tuyệt đẹp chỉ còn 1 - 2 nghệ nhân gần 80 tuổi biết nghề, phụ nữ từ trung niên trở lên không còn ai biết dệt và muốn dệt. Nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là nghề dệt và đan mây tre, tồn tại cầm chừng, mặc dù có những nhân tố tích cực truyền nghề, nhưng không ai hỗ trợ giải quyết “đầu ra”, không đến được với khách du lịch là chuyện đương nhiên. (Buôn bán không là thế mạnh của người Tây Nguyên. Tuy có một mô hình tốt ở Kon Tum, học sinh vùng dân tộc 2 ngày/tuần phải mặc trang phục dân tộc đến lớp, nhưng mới chỉ giải quyết trong cộng đồng nhỏ).
Đó chỉ là vài điển hình. Thực ra, tình trạng nhà xây thay thế nhà sàn, nhà rông xi măng, mái tôn, phổ biến khắp Tây Nguyên. Ngay cả việc xây nhà gạch theo kiểu nhà sàn cũng chỉ có rất ít ở các buôn, bon, kon, plei. Đôi chỗ còn giữ những nhà sàn cũ bên cạnh nhà xây để người già ở (chương trình hỗ trợ người Rơ Măm ở làng Le, có tới 50/120 căn nhà sau đó đã phá hoàn toàn nhà sàn cũ). Những nghề thủ công từng rất phổ biến xưa kia (dệt vải, dệt chiếu, làm gốm, rèn và sửa chữa dụng cụ lao động…) đều tồn tại thoi thóp. Rừng suối không còn. Bến nước bị bỏ hoang vì nhiều lý do, trong đó có việc cạn kiệt nguồn nước ngầm.
Những hiện trạng trên đồng nghĩa với việc “Không gian văn hóa” - môi trường diễn xướng chủ yếu của nghệ thuật dân gian truyền thống Tây Nguyên, Kiệt tác di sản của nhân loại đang ngày một vỡ ra, biến dạng và mất dần.
* Với văn hóa phi vật thể
Mặc dù có nhiều địa phương, nhiều người tâm huyết, bằng nhiều nguồn kinh phí của nhà nước, của các nhà tài trợ lẫn các cá nhân đã đứng ra tổ chức sưu tầm, mở những lớp truyền dạy diễn tấu ching chêng, dân ca, dân vũ, kể cả truyền dạy hát - kể trường ca sử thi, nhưng việc mất dần bài bản, ít dần những người biết hát, người thuộc luật tục để phân xử, hòa giải theo truyền thống cũng như việc người biết chế tác các nhạc cụ tre nứa là điều không tránh khỏi; khi một thời gian rất dài môi trường diễn xướng cho các loại hình văn học nghệ thuật dân gian này chết yểu theo việc cấm đoán các tín ngưỡng mê tín dị đoan (trong đó có tín ngưỡng truyền thống Tây Nguyên). Có thể nói, trường ca sử thi, dân ca, lời nói vần, múa, phong tục tập quán, cho dẫu rất phong phú và độc đáo, chỉ còn tồn tại trong sách của những nhà sưu tầm, nghiên cứu. Tại các buôn, bon, kon, plei, người chế tác và trình diễn ngày càng thiếu vắng.
Những địa chỉ chúng tôi khảo sát quá trình xây dựng nông thôn mới, hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống, dù của người Tày, người Hmông di cư hay Mnông, Châu Mạ tại chỗ, hoặc người Kinh xây dựng kinh tế mới cũng đều không có gì đáng quan tâm ngoài một vài lớp truyền dạy diễn tấu ching chêng theo kế hoạch của ngành văn hóa tỉnh đưa xuống. Những lễ cúng bến nước, cúng rẫy… (của người Tây Nguyên), Lồng tồng (người Tày), Gầu tào (người Hmông), hay giỗ Cha, thờ Mẫu (người Kinh ở miền xuôi)… đều không nằm trong kế hoạch nào của địa phương từ huyện đến xã, nếu không phải là các hoạt động nghệ thuật quần chúng phục vụ các ngày lễ trọng thường niên của ngành. Ngành giáo dục và văn hóa tỉnh Đắk Nông đã từng tổ chức các lớp truyền dạy dân ca trong trường học, nhưng là những bài dân ca mang tính phổ biến, đã in thành sách, chứ không phải riêng biệt theo đơn vị tộc người tại địa phương. Tình trạng này còn đáng lo ngại hơn ở mọi vùng với những hiện tượng khác.
Những ví dụ cụ thể:
Gia đình tôi có việc vui, muốn tổ chức theo tập quán truyền thống, nhưng phải hỏi tới 3 buôn mới mời được một vị thầy cúng - Pơ yâo hơn 80 tuổi lọ mọ đến khấn giúp. Một vị thầy cúng khác trẻ tuổi hơn thì bị những người theo đạo Tin Lành trong dòng họ phản đối, nên chỉ làm lễ sơ sài cho có lệ.
Việc phân xử những bất hòa trong nội bộ cộng đồng vẫn do các già làng, nhưng không còn vận được những lời nói vần của luật tục tộc người nữa, mà hầu hết căn cứ vào sự kết hợp và thỏa thuận của hai bên, kinh nghiệm sống, lẫn luật pháp hiện hành để giải quyết. Còn vai trò của già làng trong các buôn chỉ còn là hình thức “cho có”.
Hoặc năm 1997 chúng tôi thực hiện sưu tầm về bộ goong chưng của nhóm người Mnông Preh, còn ghi được tên của 35 bài chưng và nghe được hàng chục bài bản. Sang những năm đầu thế kỷ XXI, tỉnh Đắk Nông xây dựng các câu lạc bộ goong chưng, các nghệ nhân cả tỉnh tụ họp lại, mà chỉ còn nhớ được 5 bài. Tỷ lệ mất thật đáng lo ngại.
Múa dân gian ở toàn Tây Nguyên thì biến dạng một cách đáng kinh ngạc. Trong lễ đón danh hiệu Di sản Quốc gia vùng Ba-na, động tác của nhóm múa toàn của dân gian Gia-rai, vì do một cô giáo người Kinh dàn dựng. Đoàn nghệ thuật dân gian tỉnh nọ giới thiệu múa Xtiêng nhưng trên nền nhạc ching Gia-rai, động tác múa Ê-đê…
Đầu năm 2016 chúng tôi cũng dự được một vài lễ hội “tự thân vận động” tại Đắk Lắk. Ví dụ như một lễ ăn cơm mới của người Xơ-đăng ở làng Kon Hring, lễ cầu mưa của người Ê-đê ở buôn A Yun (huyện Cư M’gar), lễ Háng Pồ của người Tày ở xã Ea Siên (Buôn Hồ). Người Thái ở Gia Lai cũng lần đầu tiên trong năm 2016 tổ chức được hội truyền thống của tộc người vào đầu xuân… Trong những lễ lạt này, ngoài ching chêng ra, có rất ít hoạt động diễn xướng dân gian. Chủ yếu là nghệ thuật quần chúng mà thôi. Nhưng bà con tự nguyện đóng góp để tổ chức, xã - huyện bù trì thêm. Tuy nhiên ít lắm! Như muối bỏ bể.
Thực trạng phát huy giá trị của âm nhạc truyền thống
* Trong đời sống cộng đồng
Âm nhạc dân gian Tây Nguyên đã từng có thời kỳ hoàng kim, gắn bó mật thiết với đời sống con người, tồn tại với một sức sống mãnh liệt giữa đại ngàn khép kín. Chỉ từ sau năm 1975 mới có thêm đời sống khác ngoài cộng đồng, đó là trong các hoạt động nghệ thuật quần chúng và những Liên hoan nghệ thuật dân gian các khu vực hoặc ở toàn quốc, hay các dịch vụ du lịch văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, đã có một thời gian dài ngộ nhận, đánh đồng văn hóa cổ truyền với mê tín dị đoan, cấm đến hàng chục năm trời các lễ hội truyền thống. Cùng với sự chuyển đổi tín ngưỡng và cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vai trò giao lưu với các thần linh không còn, môi trường diễn xướng cũng không còn, âm nhạc mất dần đời sống trong cộng đồng, dẫn đến vấn nạn “chảy máu cồng chiêng” và sự xa rời của một bộ phận không nhỏ lớp trẻ đối với âm nhạc truyền thống. Chỉ từ khi Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, cùng với chủ trương bảo tồn và phát huy hết vẻ đẹp riêng biệt của văn hóa các tộc người, nhất là từ sau khi được tổ chức UNESCO công nhận là “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, nghĩa là sau vài chục năm, sinh hoạt âm nhạc dân gian Tây Nguyên mới dần dần được khôi phục.
Ngoài một số hoạt động chung, như “Lễ hội Văn hóa Tây Nguyên” ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Liên hoan Văn hóa cồng chiêng, nghệ thuật dân gian sơn ca, dân vũ dân ca các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên... ở một số vùng, chính quyền kết hợp với phòng văn hóa thông tin và các già làng, đã mở nhiều lớp truyền dạy đánh ching... khiến phần nào âm nhạc dân gian và ching chêng trở lại khởi sắc. Nhiều bài dân ca Gia-rai, Ba-na, Ê-đê được sưu tầm lại, phổ biến khắp nơi. Ví dụ như trường hợp bài dân ca Chiriria và bài hát đối đáp Buôn Duôr kmăn ở Đắk Lắk, hay bài Ru em ở Gia Lai. Ngoài cố nhạc sỹ Y Yơn sinh thời chuyên đi khắp các buôn làng “hát rong” dân ca, còn có vợ chồng nghệ sỹ H’Bênh, dìu dắt nhau tự đi sưu tầm, ghi chép lại các bài bản dân ca Ba-na. Cố nhạc sỹ Y Sơn Niê và anh Rchom Tít tự dạy chế tác và diễn tấu nhạc cụ. Lâm Đồng có nhạc sỹ K’Razan Đick, ghi chép các bài ching và dân ca Cơ-ho Lạch… làm tư liệu cho các buôn làng…
Về nhạc đàn. Một thời gian dài sau năm 1975, các lễ hội truyền thống bị cấm vì cho là mê tín dị đoan, một số nhạc cụ trong đó có ching chêng đã không được tấu lên trong các lễ hội, từng bị bán hàng tấn theo giá đồng nát để mua gạo thì ngày nay, nhất là từ sau khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được Unesco công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và văn hóa phi vật thể của nhân loại”, được nhà nước khuyến khích giữ gìn và bảo tồn, thông qua sự giao lưu văn hóa vùng miền, phục vụ du khách, một số nhạc cụ tre, trong đó có cả ching chêng không chỉ được diễn tấu trong các hội diễn, liên hoan mà còn được thường xuyên dùng đệm cho hát. Ví dụ như sáo đinh buot, wao, kèn đinh năm, m’buốt, đàn t’rưng… Sự thay đổi nhận thức này khiến cho một vài nhạc cụ quen thuộc có chỗ đứng trong cộng đồng. Một số nhạc cụ khác được cải tiến để tham gia vào nghệ thuật chuyên như kypah - tù và, đàn ching kram - ching nứa, đinh pah - ống vỗ, đinh năm, klong put … giành được cả giải thưởng cao. Chứng tỏ giá trị của những nhạc cụ đồng, tre, nứa đó vẫn được giữ gìn đâu đó.
Điều đáng quan tâm nhất là, tuy có ý thức tự nguyện truyền dạy để gìn giữ và bảo tồn di sản truyền thống nhưng người biết chế tác nhạc cụ ngày một ít. Như hiện tại, chúng tôi cần một chiếc ky pah - tù và của người Ê-đê, nhưng không tìm đâu ra, vì không ai biết làm, không có nguyên liệu (sừng trâu) để làm. Và nói cho chính xác, những cuộc diễn tấu ching chêng trong các lễ hội tự thân của cộng đồng đã từng làm say đắm bao nhiêu tâm hồn ngày càng thiếu vắng, nếu không muốn nói là dần mất hẳn. Bởi việc truyền dạy chỉ để khi có liên hoan, hội diễn, lớp trẻ thay thế cha ông đi góp mặt tham dự; phục vụ khách, nhất là những vùng có du lịch là chính, chứ không phải phục vụ các lễ tạ ơn, lễ cúng bến nước, ăn cơm mới tạ ơn Yang, dựng nhà mới, chúc sức khỏe người già, thổi tai em bé mới chào đời… dày đặc của cộng đồng trong các “mùa ăn năm uống tháng” hay tháng nghỉ ngơi như trước đây nữa. Nếu may mắn còn những làng nào chưa chuyển đổi tôn giáo, thì lễ hội cũng bị mai một, hao mòn đến đáng tiếc. Nguyên nhân chính vì đời sống khó khăn, không thể tổ chức nổi.
* Trong nghệ thuật chuyên nghiệp
Với tình cảm yêu mến và tài năng sáng tạo, nhiều thế hệ các nhạc sỹ đã sử dụng chất liệu âm nhạc, múa của các dân tộc Tây Nguyên để sáng tác nên những thể loại âm nhạc lớn như vũ kịch, nhạc kịch với các vở Opera Người tạc tượng - Đỗ Nhuận, Bên bờ Krông Pa - Nhật Lai, Đất nước đứng lên - An Thuyên… Đó là điều hết sức vui mừng, là niềm tự hào của nền âm nhạc Việt Nam.
Cũng không thể không nói tới khối lượng đồ sộ các tác phẩm khí nhạc và ca khúc được sáng tác dựa trên chất liệu dân ca Tây Nguyên đã đem lại hiệu quả nghệ thuật cao, góp một phần đáng kể làm giàu thêm kho tàng ca hát của Việt Nam. Rất nhiều ca khúc được đông đảo người yêu mến, xanh mãi với thời gian như Tình ca Tây Nguyên - Hoàng Vân, Ca ngợi Anh hùng Núp - Trần Quý, Em là hoa Plang - Đức Minh, Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên - Lê Lôi, Tháng ba mùa say - Lê Xuân Hoan, hoặc Một PLeiku chưa xa đã nhớ - Ngọc Tượng… từ âm hưởng dân ca Gia-rai, biểu diễn khắp trong nước và trên thế giới.
Âm nhạc dân gian Ê-đê được các nhạc sỹ tiếp nhận, vận dụng toát lên trong từng câu hát. Như bài Ơi MDrăk của nhạc sỹ Nguyễn Cường, Suối hát Arei của Kpă Y Lăng… hoàn toàn sử dụng điệu hát k’ưt, với sự trình bày của nghệ sỹ nhân dân Y Moan, đã được bình chọn là ca khúc hay trong năm 1986. Nhạc sỹ Cát Vận cũng dùng điệu k’ưt mang tính tự sự để làm cơ sở sáng tác bài Lời ru tháng Ba một thời rất được bạn yêu nhạc ở Đắk Lắk ưa thích. Điệu hát k’ưt cũng xuất hiện trong những nét chuyển động giai điệu ban đầu mênh mang của bài hát Tình ca cao nguyên, Trăng chiều Ban Mê của nhạc sỹ Linh Nga Niê kdam, Về nghe gió kể của Nguyễn Hoàng Minh. Nhạc dân gian Cơ-ho qua Giữ ấm bếp hồng, K’Bing ơi em hãy về của nhạc sỹ K’Razan Plin,… làm nên những câu hát không dễ lẫn.
Hoặc cũng điệu arei của bài dân ca Chiriria, nhạc sỹ Nguyễn Cường đã viết nên 2 ca khúc H’Zen lên rẫy và Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột, những bài hát mà không cuộc liên hoan nào trên khắp cả nước không được vang lên. Chất liệu dân ca ở đây không sử dụng theo phương thức phát triển hoặc mô phỏng, tác giả chỉ dùng những quãng đặc trưng, còn điệu Chiriria thì chỉ xuất hiện ở những nốt cuối cùng của ca khúc, nhưng toàn bài vẫn thấy toát lên tính chất dân nhạc Ê-đê. Thập kỷ 80 thế kỷ XX đã có đâu đó một cuộc bình chọn 6 ca khúc hay nhất của Việt Nam qua 1 thế kỷ, trong đó có H’Zen lên rẫy - của nhạc sỹ Nguyễn Cường…
Ngoài ra, thông qua nhạc múa và nhạc không lời, âm nhạc dân gian Tây Nguyên còn vang lên trên những sân khấu hoành tráng ở quốc tế (các nhà hát nghệ thuật Trung ương, Đam San - Gia Lai - ca múa dân tộc Đắk Lắk…) đem vinh quang về cho nghệ thuật Việt Nam.
Một số đề xuất
Để âm nhạc dân gian thực sự gắn bó với buôn, bon, kon, plei như đời sống văn hóa truyền thống vốn có từ ngàn xưa là một việc khó, nhưng có tâm huyết và ý thức chắc chắn sẽ làm được. Và phải làm từ cơ sở. Hàng loạt những liên hoan văn hóa dân gian các dân tộc ở Trường Sơn - Tây Nguyên tổ chức định kỳ, những lớp truyền dạy diễn tấu dân ca, ching chêng ở các vùng, hay xây dựng các chương trình phục vụ du lịch là việc cần làm nhưng dường như vẫn chỉ là bề nổi. Việc này cần có tâm huyết và ý thức, và phải từ cơ sở, mà trong đó tất nhiên có sự tham mưu, tham gia (không áp đặt) của ngành văn hóa các địa phương, để giảm phần lễ, tăng phần hội như các lễ hội ăn cơm mới, dọn bến nước, đua voi... Làm sao để người dân tự mình thấy cần phải tổ chức để gìn giữ nét đẹp của văn hóa truyền thống.
Nên chăng, để âm nhạc dân gian Tây Nguyên không bị mai một:
- Ngành văn hóa, địa phương ngoài truyền dạy diễn tấu ching chêng, chủ động mở thêm các lớp truyền dạy chế tác và diễn tấu những nhạc cụ tre nứa phổ biến. Đưa nội dung thi này vào các cuộc liên hoan văn hóa định kỳ các cấp?
- Ngành tổ chức tập huấn một số bài dân ca cơ bản để xây dựng các câu lạc bộ hát dân ca ở các cơ sở (như hát Then - Tày, hát Xoan Phú Thọ, Dân ca Nghệ Tĩnh đã và đang làm).
- Các đoàn thể (người cao tuổi, đoàn thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi) kết hợp những ngày hội truyền thống của mình tổ chức chung vui rượu cần, tấu ching, hát múa, thậm chí là thi kể trường ca, sử thi từ cấp xã đến riêng mỗi buôn, bon, kon, plei với sự đóng góp của các gia đình, dòng họ, chính quyền, ngành văn hóa?
Dù dưới dạng nào, âm nhạc vẫn luôn là một trong những sinh hoạt văn hóa tinh thần dân gian được cộng đồng cư dân Tây Nguyên gìn giữ và lưu truyền, bởi dân ca, dân nhạc luôn luôn là tiếng nói của tâm hồn, của trái tim, không biên giới và bất chấp mọi ngôn ngữ. Âm nhạc dân gian cũng vì thế mà đã từng có đời sống rất bền vững.
Sự tồn tại trong cộng đồng mới chính là cơ sở bền vững nhất để “Kiệt tác di sản văn hóa” dân gian truyền khẩu độc đáo của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên song hành cùng cuộc sống mới hôm nay và mãi mãi về sau.
Linh Nga Niek Đăm