Đầu tư là yếu tố bao trùm
Nếu như trước đây và hiện nay, quan điểm “hỗ trợ” được xác định là chính thì giờ đây, quan điểm về “đầu tư” lại là yếu tố bao trùm. Trong đó, các chính sách được hoạch định và thực thi, bố trí nguồn lực đảm bảo bám sát quan điểm, chủ trương đúng đắn của Đảng về công tác dân tộc; hướng tới thực hiện được nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển.
Mục tiêu khả thi và phù hợp với thực tiễn
Mục tiêu trong đề án được xây dựng dựa vào quá trình đánh giá hiện trạng kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng vùng đồng bào DTTS&MN; một số chỉ tiêu, mục tiêu căn cứ vào dự thảo Tờ trình của Tiểu Ban kinh tế - xã hội Đại hội 13, Nghị quyết, Quyết định còn hiệu lực của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… Bên cạnh đó, Ban Soạn thảo Đề án gồm 21 thành viên (là lãnh đạo các bộ, ngành) đã tích cực, chủ động rà soát, xác định phù hợp với chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực... Chính vì vậy, hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 được đề cập trong Đề án đảm bảo yếu tố khả thi và phù hợp với tình hình thực tiễn của vùng đồng bào DTTS&MN.
|
Đưa điện lưới quốc gia lên với thôn, bản vùng cao |
Xác định địa bàn ưu tiên, vấn đề cốt lõi để đầu tư
Đề án xác định địa bàn ưu tiên để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời tập trung vào những nội dung cốt lõi, căn bản để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Trên cơ sở đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung và tích hợp hệ thống chính sách dân tộc thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN để thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030, gồm 10 dự án:
(1) Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt;
(2) Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết;
(3) Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị;
(4) Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc;
(5) Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;
(6) Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch;
(7) Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em;
(8) Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em;
(9) Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn;
(10) Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN. Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.
Việc phân định vùng đồng bào DTTS&MN sẽ theo cách tiếp cận mới, bổ sung yếu tố địa hình, độ cao và một số yếu tố khác (tiếp cận điện lưới, tiếp cận thông tin và truyền thông...); hướng tới giảm số lượng thôn đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng DTTS&MN; nâng định mức, tập trung đầu tư cho những địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống.
|
Phát triển sản xuất lâm nghiệp gắn với sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị là một trong những định hướng cơ bản của chính sách dân tộc giai đoạn tới |
Kinh phí được phân bổ từ vốn đầu tư công trung hạn
Đề án tập trung vào những mảng, những lĩnh vực mang yếu tố cốt lõi, căn bản để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN… Chính vì vậy, kinh phí thực hiện Đề án và Chương trình mục tiêu quốc gia được tổng hợp vào vốn đầu tư công trung hạn theo Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công; đảm bảo các chính sách đặc thù cho con người, đảm bảo an sinh xã hội do Chính phủ tổng hợp, trình Quốc hội theo Luật Ngân sách Nhà nước.
Dự toán ngân sách ở các cấp ghi dòng ngân sách riêng, đảm bảo thực hiện các chính sách dân tộc để Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện giám sát; các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, thanh tra đảm bảo các nguồn lực sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra.