TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Bài nghiên cứu » Giữ gìn và phát triển điệu Khắp và Ứt ư của người Thái ở Thanh Hóa

Giữ gìn và phát triển điệu Khắp và Ứt ư của người Thái ở Thanh Hóa

08:34 | 25/04/2023

Người Thái ở Thanh Hóa, đến năm 2011 có 232.196 người, chiếm 6,3% dân số toàn tỉnh, đứng thứ ba sau người Kinh và người Mường. Đồng bào sống ở đây đã lâu đời.

Cũng như các dân tộc anh em và người Thái cả nước, người Thái ở Thanh Hóa rất thích trình diễn văn nghệ truyền thống của dân tộc mình, trong đó có khặp ứt ư, là hai làn điệu dân ca đặc sắc mang đậm tính nhân văn và tinh hoa văn hóa dân tộc.

Khặp

Từ xa xưa, tiếng khặp đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong các cuộc vui, lễ hội, đám cưới, mừng nhà mới, mừng cơm mới, mừng năm mới, làm vía… của người Thái. Mỗi khi tiếng khặp cất lên, lòng ai cũng trở nên rạo rực, xao xuyến. Người đang ăn cũng ngừng cầm đũa, buông bát; người đang nói, đang cười cũng phải ngừng câu chuyện; người đang uống rượu cũng buông cần, đặt chén; người đang làm việc dù bận mấy cũng lắng tai nghe…

Thể hiện tình yêu tha thiết đối với khặp, tác giả Hà Văn Thương viết trong bài “Quan Sơn gọi bạn”:

Y đu năm ne! Điệu khặp thân thương…

Tác giả Phạm Quang Thẩm viết trong bài “Yêu tiếng khặp quê nhà”:

Yêu đu năm ne! Tiếng khặp thiết tha

Mường xa thành gần, khách lạ thành quen…

Nhờ có khặp mà xa cũng thành gần, lạ cũng thành quen, thân thương với nhau, ta mới thấy ý nghĩa của điệu khặp sâu sắc biết bao.

Tác giả Phạm Xuân Cừ trong bài thơ “Khúc hát phụ nữ Quan Sơn”:

Điệu khặp quê hương, điệu khặp ân tình

Khi ở gần, lúc đi xa

Thương nhiều lắm, nhớ ơn nhiều lắm…

thể hiện nỗi thương nhớ quê hương cũng như tiếng khặp thiết tha ân tình trong lòng người con xa quê.

Đó là những tình cảm trân trọng của các tác giả nói hộ sự yêu mến của công chúng đối với khặp Thái. Một sản phẩm tinh thần vô giá mà ông cha xưa đã sáng tạo ra rồi truyền lại hàng ngàn đời nay và sẽ mãi mãi tồn tại về sau.

Khặp Thái ở Thanh Hóa giống khặp Thái ở các tỉnh Hòa Bình, Nghệ An của Việt Nam và khặp Thái ở Hủa Phăn (Lào). Mở đầu câu khặp (bài khặp) thường có cụm từ “Y đu năm ne” hoặc “Yêu đu năm ne”. Khác với khặp của người Thái ở Tây Bắc, mở đầu câu khặp thường có cụm từ “Hơ dơi”.

Theo truyền thống dân gian, khặp ở Thanh Hóa có nhiều làn điệu: Khặp xư (hát đọc thư), khặp chồm hườn mơ (hát mừng nhà mới), khặp chồm kháu mơ (hát mừng cơm mới), khặp chồm pí mơ (hát mừng năm mới), khặp khoăn (hát mừng vía), khặp pàn kháu, pàn láu (hát cảm ơn mâm rượu, mâm cơm), khặp tuộng khách (hát chào khách), khặp to dặc, to dè (hát đối đáp), khặp bao xáo (trai gái hát giao duyên), khặp pá láu xa (hát mời rượu cần)…

- Khặp xư

Khặp xư có nghĩa là hát đọc thư, đọc thơ, đọc truyện. Nhạc điệu, âm vực trong khặp xư có lúc trầm, lúc bổng diễn tả nội tâm người đọc, người viết và cốt truyện… tựa như điệu ngâm thơ của người Kinh.

Ví dụ: Khặp xư dàn (đọc thư tình) tiễn dặn người yêu:

Mùa he họn lồm on tóng tang mà léo

Ái có nắng tang nọi kháu móm sàu ngáu nàng ơi!

Mừ chệt kém xía nặm lòn khăm tờ xán…

Dịch:

Nắng hè thoảng gió chơi vơi

Anh ngồi tựa cửa bồi hồi nhớ nhung

Lệ trào hai má quệt tay rồi cầm tờ giấy giãi bày ghi thư…

- Khặp chồm hườn mơ

Khi xây dựng hoàn thành một căn nhà, lúc về nhà mới, người Thái thường tổ chức một bữa tiệc mừng nhà mới nhằm khao bà con dân làng, họ hàng thân tộc của mình, cũng là cúng tế tổ tiên, Thần Đất, Thần Rừng đã phù hộ cho mình.

Trong lễ mừng nhà mới, ngoài bài cúng của thầy cúng còn có bài khặp của chủ nhà để tỏ lòng thành kính cảm ơn Thổ Địa cho đất lành, Thần Rừng cho cây cối, tổ tiên cho sức khỏe, tiền của để làm nhà; cảm ơn họ hàng, lối xóm đã chung sức, chung lòng giúp đỡ làm nên nhà mới.

Điệu khặp này thường vui tươi, phấn chấn, lời lẽ chân thành đúng mực, không bay bướm, ba hoa.

Khách đến mừng nhà mới cũng khặp chúc mừng gia chủ có tân gia với giai điệu vui tươi, thánh thót, ca ngợi làm cho cuộc vui thêm sinh động, thân mật.

Chủ nhà khặp:

Khói có chà ớn dọn:

Sần nặm, lín, pù pa, pu giá khúm khuốm

Sóng hanh pó mé, pí nọng, mường ván chói dứa

Khói chăng mì hườn mơ láy muốn chồm mứ nị…

Dịch:

Tôi cảm ơn, nhờ có:

Thần Đất, Nước, Núi rừng, ông bà phù hộ

Cùng bố mẹ, anh em, mường bản giúp đỡ

Tôi mới có nhà mới được vui mừng hôm nay…

Khách khặp:

Tán có cồn ngoán, cháng ệt kín, sáng hườn tanh giáo

Ệt láy hườn lí quáng pớn nị khói có chồm nóm tẹ leo…

Dịch:

Ngài là người ngoan, khéo làm ăn xây dựng gia đình

Làm được nhà to đẹp thế này tôi xin mừng cùng nhé…

- Khặp chồm kháu mơ

Sau mỗi vụ thu hoạch (nhất là vụ mùa) người Thái thường tổ chức mừng cơm mới. Trong lễ mừng cơm mới, mọi người có thể khặp để tỏ lòng cảm ơn ông trời (Then) cho mưa thuận gió hòa, Thổ Địa cho đất đai tốt tươi, Thần Rừng, Thần Núi bảo vệ mùa màng không cho chuột, bọ, thú rừng quấy phá nên mùa màng bội thu. Thông qua bài khặp vừa cảm ơn vụ thu hoạch vừa qua đồng thời cũng mong Then, Thổ Địa, Thần Rừng, ông bà tổ tiên tiếp tục phù hộ để vụ sau mùa màng bội thu hơn. Nếu bội thu hơn, con cháu (gia chủ) sẽ khoản đãi lớn hơn nữa.

Điệu khặp mừng cơm mới cũng tươi vui, phấn chấn thể hiện nội tâm cầu ước như điệu khặp mừng nhà mới.

Khói chà ớn phạ cặp hanh cháu lín

Cháu pù pa, pu giá khúm khuốm ệt pến

Láy mùa lái kháu…

 Dịch:

Tôi cảm ơn trời và đấng chủ đất

Chủ núi rừng cùng với tổ tiên phù hộ làm nên

Được mùa nhiều lúa…

- Khặp chồm pí mơ

Trong tết cổ truyền hoặc trước đây là tết Kín chiếng vóc mạy (Tết mừng hoa nở) vào mùa xuân (trung tuần tháng Ba), người Thái thường hát mừng năm mới (Khặp chồm pí mơ) với lời hát mở đầu như sau:

Pí cau cọi pí mơ kháy mà

Khói có xó mì khoàm kháo há

Chú cồn muốn chồm, chín khe

Vạy xáng xán ván mường lí láy lẹ nơ…

Dịch:

Năm cũ đã qua năm mới đến rồi

Tôi xin có lời chúc cho

Mọi người mạnh khỏe, mừng vui

Để xây dựng bản mường tươi đẹp nhé…

Giai điệu khặp mừng năm mới tươi vui, lạc quan, tha thiết làm người nghe thêm yêu cuộc sống, thiên nhiên, con người, tin vào năm mới sẽ yên bình thịnh vượng.

- Khặp tuộng khách

Người Thái rất mến khách, khi khách đến bản, đến nhà thường là chủ chào khách trước với lời lẽ thành kính.

Vào cuộc vui tiếp khách, người Thái thường hát chào khách. Bài hát nói lên tình cảm của gia chủ, của người trong bản đối với khách quý đến thăm.

Tán táu ò xụm tán mà dám ới

Tán có táu mứ nị lờ táu mứ ngòa là?

Táu mứ nị khói xó thám há

Táu mứ ngòa khói xó thám khao tán nớ…

Dịch:

Ngài đến à các ngài đến thăm ơi

Ngài đến hôm nay hay đến hôm qua đấy?

Đến hôm nay tôi xin chào hỏi

Đến hôm qua tôi cũng xin có lời chào ngài nhé…

- Khặp cảm ơn mâm cơm, mâm rượu

Theo truyền thống người Thái, khi có khách đến nhà, chủ nhà thường làm cơm đãi khách. Trong mâm cơm nếu có rượu thì khách phải cảm ơn chủ đã có cơm có rượu đãi mình. Lời cảm ơn có thể là khặp để diễn đạt tình cảm của mình với gia chủ bằng văn vần cho thêm sinh động.

- Khặp mời rượu cần

Khặp mời rượu cần là điệu khặp rất vui nhộn, tinh nghịch, khôi hài, làm cho người uống rượu hứng thú, thi đua uống cạn hiệp rượu:

Xùm tán khanh xúp láu nị hớ khát khoài đôi

Làu vau láy nhà nai nài nặp

Xặm vau láy nhà nai nài phóng

Tái púm pòng nhà nai nài chám

Chám khói mời dờ…

Nhà hớ nặm láu luận cóng lang láy khoài

Nhà hớ khoài tái láy ké phòng nặm láu lẹ nớ

Chám khói xà nà mời…

Dịch:

Các ngài thi uống hiệp rượu này hãy cạn đôi trâu(1)

Uống không được đừng trách người múc nước

Uống không xong đừng trách người cầm gáo

Chết trương bụng đừng trách người làm chám

Chám tôi xin mời…

Đừng để nước tràn xuống gầm nhà trôi trâu

Đừng để trâu chết vì sóng rượu thừa cuốn đi đấy nhé

Chám tôi kính mời…

- Khặp to dặc to dè

Dùng trong các cuộc vui, chia làm hai phía đối chọi nhau. Mỗi phía có thể là một người hoặc nhiều người thay nhau hát đối đáp. Bên nào thua thì phải uống rượu.

- A hát đố B:

Mác xục lướng mác lờ?

(Quả chín vàng quả gì?)

- B trả lời A:

Mác xục lướng mác cuối

(Quả chín vàng quả chuối)

- B hỏi A:

Mác sặp huối mác lờ?

(Quả theo suối quả gì?)

- A trả lời B:

“Mác sặp huối mác phày”

(Quả theo theo suối dâu da).

Cứ thế, hai bên hát đối đáp nhau đến hết đêm thấu sáng. Có khi 3 - 4 ngày đêm mới thôi cuộc hát đối mà không phân thắng bại.

- Khặp bao xáo

Điệu khặp này dành cho trai gái hát tỏ tình, cũng có khi là hát đối, hát ghẹo, hát đố nhau để tìm hiểu nhau. Thực tế cuộc sống đã cho thấy từ việc hát ghẹo nhau, tỏ tình với nhau mà nhiều đôi nam thanh, nữ tú đã kết duyên thành chồng, thành vợ sống trăm năm hạnh phúc. Ví dụ:

- Bên nam khặp:

Ai có phơi láy kín kháu huốm háy, kín cày huốm thuối,

Phơi láy lá uốn nọng mà du hườn liếu nọng ới…

Dịch:

Ước gì anh được ăn cơm chung hông, ăn rêu chung bát

Ước gì được em về ở chung một nhà em ơi…

- Bên nữ khặp:

Nọng xớ khằn nà hộc vau mì cồn tháng

Khằn nà váng vau mì cồn póng

Phơi tó mì cồn y lú nọng mà xáng ệt mùa ái ới…

Dịch:

Em thì bờ ruộng rậm không có người phát

Bờ ruộng mỏng không có người đắp

Ước gì có người thương cùng em làm mùa anh ơi…

- Khặp lóng

Điệu hát này được thể hiện trong đám cưới với giai điệu tươi vui, nhí nhảnh, chúc phúc cho đôi bạn trẻ xây dựng gia đình ăn nên làm ra, hạnh phúc bền lâu để hai bên nội ngoại được cậy nhờ, làng bản được chung vui. Có khi trong đám cưới cũng có tổ chức hát đối, hát đố nhau nhưng thường là bên nhà gái đố bên nhà trai, nhà trai trả lời được thì mới mở cổng mường, cổng bản cho vào mường, vào bản, bắc cầu thang cho lên nhà gái. Bên nhà gái lại đố những đồ vật làm của hồi môn, nếu bên nhà trai trả lời được thì mới cho mang về, trả lời không được phải uống rượu… Đây là những trò chơi văn minh, tinh tế mà đời xưa để lại.

- Khặp ơi

Điệu khặp này thường được thực hiện trong lúc đi đường, đi làm trong rừng, trên nương, ngoài ruộng, đi quăng chài, thả lưới, xúc cá, hái rêu ngoài sông, suối, lúc xuôi bè, xuôi thuyền… Là điệu khặp cho vui khi lao động sản xuất, không thách đố ai, trêu ghẹo ai. Tuy nhiên khi nghe có người khặp từ xa thì bên này cũng có thể khặp để báo cho nhau biết là bài khặp của bạn đã có người nghe. Từ đó hai bên có thể thay nhau khặp gửi đi gửi lại cho vui trong khoảng không gian bao la làm quên đi sự nhọc nhằn vất vả trong lao động, sản xuất của mình. Lời bài hát không có chủ định. Có khi là hát ca ngợi bản làng, thiên nhiên, con người. Có khi là hát tự trách thân trách phận nghèo khó, vất vả gian lao, mưu cầu cơm no áo ấm…

Do điều kiện không gian, điệu khặp này thường bay bổng vang xa nhất trong các điệu khặp. Từ đó mới có tên là khặp ơi (hát vọng) tựa như điệu hò của người Kinh vậy.

Còn nhiều điệu khặp nữa của người Thái ở Thanh Hóa như khặp một, khặp nàng mọn, khặp nàng lúng, khặp khoăn… mà trong phạm vi bài viết này chưa thể giới thiệu hết được.

Về âm vực, ở Thanh Hóa có 2 vùng khác nhau, cách lấy hơi, lấy giọng khặp cũng khác nhau:

- Khặp lống Má (hát vùng sông Mã) giọng cao, vang xa.

- Khặp lống Xằm (hát vùng sông Chu) giọng trầm, luyến láy.

Những âm vực này được người khặp đưa vào các điệu khặp của mình. Qua đó ta biết được người khặp ở lưu vực nào hoặc hát theo lưu vực sông Mã hay sông Chu.

Tóm lại, khặp là loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc của người Thái. Nó có tính quần chúng, tính thẩm mỹ, tính giáo dục rất cao. Ai cũng có thể khặp miễn là biết nói tiếng Thái. Ở huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) một số đồng bào dân tộc Mường nói tiếng Thái chưa lưu loát nhưng khặp Thái lại rất hay, rất giỏi, vừa chuẩn xác về cả văn từ, giai điệu mà ứng xử cũng rất thông minh, tinh tế. Có nhiều người Mường thậm chí còn hay khặp và khặp giỏi hơn người Thái cùng quê. Năm 2004 trong Hội diễn văn nghệ các dân tộc thiểu số của huyện người đạt giải nhất về khặp Thái là thí sinh Lê Thị Oanh - 28 tuổi, dân tộc Kinh quê ở huyện Hoằng Hóa lấy chồng người Thái ở xã Trung Hạ. Điều này chứng tỏ khặp rất dễ tiếp cận và nhiều người ưa thích, không riêng gì dân tộc Thái, mà các dân tộc khác cũng có thể tham gia.

Ứt ư

Ứt ư (hát ru) Thái khác với khặp, nó có âm điệu khoan thai, đều đều, trầm lắng dẫn dắt đứa trẻ vào giấc ngủ say nồng. Mở đầu điệu ứt ư bao giờ cũng có từ “Ứt ư, ứt ừ…” nhẹ nhàng khoan thai tựa như dây nôi của đứa trẻ lăn đi lăn lại, trên xà treo nôi vọng ra tiếng (ứt ư, ứt ừ...).

Khác với hát ru, điệu khặp bao giờ cũng có từ mở đầu “Y đu nắm ne” hoặc “Yêu đu nắm ne” (thương nhiều lắm) vang xa, thánh thót. Do vậy nếu khặp để ru trẻ thì đứa trẻ sẽ bị ồn mà tỉnh như sáo không thể ngủ được.

Hát ru của người Thái ở Thanh Hóa thường có các thể loại: Bà ru cháu, mẹ ru con, chị ru em. Đôi khi các ông bố cũng hát ru theo điệu ru của mẹ nhưng chỉ thay từ “mẹ” thành từ “bố” mà thôi.

- Điệu bà ru cháu (lời cổ), sưu tầm được từ người Thái ở Mường Xia có đoạn:

Ứt ư, ứt ừ! Nòn du pành ời

Nòn hớ ệ áu pống lá máy

Nòn còng nài mà dám

Hến ếu pành nòn u ứt ừ…

Ứt ư, ứt ừ!

Ệ páy háy nhằng páy hề mà

Ái páy nà nhằng páy hề táu

Nòn du pành à, ứt ừ...

Mành chăn họng pí u pái phéo lá ơi!

Khắm vèo tố èm lí dăn khoàm com ếu

Nàng có khứn xiếng họng pến dướng ứt ừ

Nòn ru pành à…

Dịch:

À à ơi! Ngủ ngủ đi nhé yêu ơi

Ngủ cho bà nội quay sa tơ tằm

Ngủ chờ bà ngoại tới thăm

Thấy yêu ngoan giỏi còn nằm trên nôi

À à ời! À à ơi…

Mẹ đi nương còn chưa về nhà út ơi

Cha đi ruộng còn chưa về bản

Ngủ đi yêu à, à à ơi...

Tiếng ve đu ngọn tre nôi ân tình

Nàng ve xinh thật là xinh

Nàng ngân giọng hát biến thành lời ru

Ngủ ngon yêu à…

- Điệu mẹ ru con (lời cổ) của người Thái sưu tầm ở Mường Mìn có đoạn:

Ứt ư, ứt ừ! Nòn nòn ề lúc ơi

Ệ pí u xái vái

Nòn chạu ếu nòn lái pành ời

Nòn chờ xái ếu nòn hặn khắm

Láy kín kháu, làu nặm

Cói tăm tá lồng ứt ừ

Láy làu út, làu nồm

Ếu pành nòn du ề ứt ừ

Ệ páy háy áu xay nộc mà há lá ới

Ái páy nà xóc pá, diên mà tón ứt ư

Ệt óc ép kháu lọn mà pón ếu kín lành

Nòn du pành à…

Dịch:

À à ơi! Ngủ ngủ đi nhé con ơi

Đu đưa mẹ đẩy quai nôi mây rừng

Ngủ sớm con ngủ đến trưa

Ngủ trưa đến tối mẹ đưa con nằm

Được ăn, được uống no rồi

Lim dim mắt ngủ à ơi, ơi à…

Sữa mẹ con bú no nê

Hãy ngủ đẫy giấc tràn trề con ơi, à à ời!

Mẹ lên nương mẹ lấy trứng chim

Cha đi ra ruộng cha tìm cá, lươn

Làm ra cơm trắng bón con sớm chiều…

- Điệu ru em của người Thái Trắng (lời cổ) sưu tầm ở bản Lẹ Tà - xã Xuân Lẹ - Thường Xuân - Thanh Hóa:

Ứt ừ! Nòn nòn ề là ơi!

Lặp tá nòn du lí nha hày

Cóng lang mì cày phú lai vài

Pài chàn mi cày đòn măn giàn ứt ừ…

Tà tờ mì pà pộc ma phanh

Tà nừa mì pà cành khàu còn

Ái hàu nhằng phọn khoàng he au pà ma hơ nọng

Non du nơ là ời! ứt ư…

 Dịch:

À à ơi! Ngủ ngủ đi nhé út ơi!

Nhắm mắt vào ngủ ngon đừng khóc

Dưới sàn nhà có gà trống hoa mây

Ngoài sàn phơi có gà trắng sợ lắm à ơi…

Bến dưới có cá dốc đến ở

Bến trên có cá trôi vào hang đá

Bố ta còn mắc quăng chài bắt cá về cho em

Ngủ ngủ đi út ơi!...

- Lời ru do tác giả người Thái - Phạm Xuân Cừ viết lời mới có đoạn:

Ứt ừ! Nòn nòn ê lá ơi

Nòn hớ ệ khứn pù

Púc khé suốn luống

Ái páy pháu pá khéo

Púc luống suốn quáng

Tháng chăm vạy hớ ếu lái nghền

Ứt ư, ứt ừ! Ưn tấp xúng sặp ồng páy hóc lúc ơi!

Hóc lái lợi hớ nước hớ hườn ứt ư, ứt ừ…

Dịch:

À à ời! Ngủ ngủ đi nhé út ơi

Ngủ ngon cho mẹ lên đồi

Làm vườn quế rộng ở nơi đất mình

Cha con đi giữ rừng xanh

Trồng nhiều luồng tốt để dành phần con

À à ời! Mai sau đến lớp con ơi

Theo anh đi học trau dồi đức tâm

Học để phục vụ quê hương,

Học cần cho cả đời thường con ơi! À à ời, à à ơi…

Theo đó lời ru dẫn đứa trẻ vào giấc ngủ rồi mơ thấy bao cảnh thiên nhiên, vạn vật, con người; mơ được lao động, sản xuất, học tập để khi lớn lên nó sẽ noi gương người lớn mà bước vào đời lo toan cuộc sống, góp phần xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước; sống có nghĩa, có tình, có tâm, có đức và hòa nhập cộng đồng.

Hay là vậy nhưng thời gian qua trong điều kiện kinh tế thị trường, nhiều lúc, nhiều nơi khặp và hát ru của người Thái nói riêng, dân ca nhạc cổ truyền nói chung ít được công chúng quan tâm, nhất là lớp trẻ.

Phần nhiều người mẹ Thái ngày nay không ứt ư lúc ru con bằng tiếng Thái nữa. Thanh niên nam, nữ Thái ít khi khặp, không biết khặp. Khi có người khặp và hát ru thì ít chú ý lắng nghe, tỏ thái độ dửng dưng trước bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Trong các đám cưới, cuộc vui của người Thái cũng ít có khặp, thay vào đó là những bài nhạc rốc, nhạc nhảy gây đinh tai, nhức óc. Lời các bài nhạc không ai biết nhưng thanh niên cứ mặc nhiên mở hết cỡ. Từ đó có người muốn khặp cũng chẳng khặp được, người muốn nghe cũng chẳng nghe được. Thậm chí có những đám cưới người già cho đĩa khặp vào âm li vừa phát ra từ “Y đu năm ne” thì bị bọn trẻ phản đối, thay vào đó là đĩa nhạc với những bài hát lai căng du nhập gây ồn ào, náo loạn cả hôn trường.

Đây là một thực trạng đáng buồn xảy ra ở nhiều nơi trong thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập, làm chúng ta phải trăn trở và cần có biện pháp kịp thời chấn chỉnh lại cho tốt hơn.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, hòa nhập mà không hòa tan. Những năm gần đây Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với các hoạt động văn hóa nói chung nhằm phục hồi, bảo tồn, phát huy dân ca, nhạc cổ truyền các dân tộc nói riêng. Các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là ngành văn hóa và các hội chuyên ngành, các tổ chức chính trị, xã hội đã thật sự vào cuộc, trong đó có tỉnh Thanh Hóa - một tỉnh lớn có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống.

Thời gian gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa với nhiều hình thức sinh động như định kỳ tổ chức hội thi hát dân ca, nhạc cổ từ xã đến huyện, tỉnh; thành lập các câu lạc bộ đàn và hát dân ca ở các xã, thôn bản, khu phố, trong đó có câu lạc bộ khặp ở các địa phương có nhiều người Thái, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Hội Dân tộc học và Nhân học cấp tỉnh, cấp huyện để cùng với Ban Dân tộc tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh, các phòng dân tộc, phòng văn hóa ở các huyện tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp về công tác dân tộc, sưu tầm, bảo tồn, phát huy tri thức dân gian các dân tộc. Nhờ vậy dân ca, nhạc cụ truyền thống của từng dân tộc trên địa bàn mà thời gian qua bị lãng quên nay đã được chú ý phục hồi.

Điều đáng mừng là nhiều trường Phổ thông trung học ở Thanh Hóa đã đưa chữ Thái, văn hóa Thái vào dạy trong nhà trường. Điển hình như trường Trung học phổ thông Quan Sơn, từ năm 2011 đến nay, được sự tư vấn, phối hợp của Hội Dân tộc học và Nhân học huyện, trường đã tự tạo kinh phí mở hàng chục lớp dạy chữ Thái, truyền bá văn hóa Thái, trong đó có khặp, hát ru, khua loóng, chế biến ẩm thực dân tộc Thái, đánh trống chiêng… cho giáo viên, học sinh trong nhà trường. Mỗi năm có 400 đến 500 học viên tham gia, đạt kết quả tốt.

Ngoài việc sưu tầm, phát huy các di phẩm văn hóa, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp còn khuyến khích các nghệ nhân, những người có năng lực, tâm huyết biên soạn, sáng tác lời mới cho khặp, hát ru Thái và các làn điệu dân ca, nhạc cổ truyền khác, tạo ra sự hứng khởi trong nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Nhờ đó tăng thêm sự hiểu biết đoàn kết lẫn nhau thông qua hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống.

Ở huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) từ năm 2002 đến nay, phong trào sáng tác và trình diễn khặp, hát ru Thái đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các tác giả Hà Văn Thương, Phạm Xuân Cừ, Phạm Xuân Liêm, Hoàng Văn Nực, Phạm Bá Thược, Vi Thị Ve, Hà Thị Khuyên... đã sáng tác hàng trăm bài khặp và hát ru lời mới. Trong đó ông Phạm Xuân Cừ có gần 30 bài khặp và hát ru Thái dịch ra tiếng phổ thông. Năm 2011, ông đã dịch truyện thơ Xắng chụ mừa khươi (Tiễn dặn người yêu đi lấy chồng) của người Thái ở Mường Lè - Quan Hóa ra thơ lục bát dài 800 câu, hơn 7000 từ phổ biến ra công chúng. Ngoài ra ông còn dịch được nhiều truyện thơ dài của người Thái như: Khặp hặc pành Pha Dùa (Truyện tình Pha Dùa), Khặp chiện Tư Mã Hai Đào (Truyện thơ Tư Mã Hai Đào); tham gia sưu tầm và dịch gần 1500 câu tục ngữ, ca dao Thái... Ông Phạm Xuân Liêm, Hà Văn Thương... đã có nhiều bài khặp được công chúng ưa thích. Tuy vậy việc phổ biến, truyền bá vẫn còn nhiều hạn chế, chưa rộng rãi và thường xuyên liên tục. Nhiều buổi giao lưu văn nghệ ở địa bàn người Thái vẫn chưa có khặp và hát ru, các đám cưới vẫn còn ít tiếng khặp, nhất là ở thanh thiếu niên. Trong khi bài khặp thì rất nhiều.

Một số đề xuất, kiến nghị

- Hiện nay, trong cộng đồng người Thái còn nhiều người có kiến thức, tâm huyết với vốn văn học nghệ thuật truyền thống của dân tộc nhưng chưa có điều kiện in ấn, xuất bản nên chưa được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Chúng tôi đề nghị Hội kếp nạp các nghệ nhân này thành hội viên danh dự, khi đủ điều kiện thì kết nạp thành chính thức để tạo thêm sức mạnh cho Hội.

Những nơi chưa đủ điều kiện để thành lập tổ chức Hội cấp huyện và cơ sở thì tổ chức thành “Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật dân tộc thiểu số” để hoạt động của Hội rộng khắp đến cấp huyện và xã phường, thị trấn trong cả nước, trở thành chân rết cộng tác viên cho Hội cấp trên nhằm góp phần đưa văn hóa truyền thống đến với công chúng một cách gần gũi, sát thực, nhanh chóng.

- Đảng, Nhà nước ưu tiên cấp kinh phí hoạt động và bố trí tổ chức nhân sự cho Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Vì hoạt động của Hội chủ yếu ở địa bàn miền núi, vùng cao, trình độ dân trí thấp, có nhiều khó khăn, chi phí hoạt động cao hơn địa bàn khác.

- Nhà nước hằng năm xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân chú ý kèm theo những chế độ, chính sách, quyền lợi cụ thể để vừa tôn vinh vừa động viên kịp thời những người có năng lực, tâm huyết. Vì đây là kho tàng văn hóa sống của chúng ta mà nhiều người đã tuổi cao sức yếu. Nếu không nhanh chóng khai thác sẽ mất đi tài sản văn hóa quý giá của dân tộc.

- Các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội cần quan tâm hơn nữa đến chế độ thù lao xứng đáng cho người sáng tác khặp, hát ru nói riêng, dân ca nhạc cổ nói chung. Đồng thời khuyến khích các tiết mục dân ca, nhạc cụ dân tộc trong các hội diễn, hội thi văn nghệ để dân ca nhạc cổ truyền các dân tộc thiểu số có cơ hội phát triển tốt.

Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp, sự vào cuộc của ngành văn hóa, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội... vốn văn nghệ truyền thống của dân tộc trong đó có khặp và hát ru Thái sẽ được phục hồi, phát triển xứng tầm, góp phần vào vườn hoa văn hóa đa hương sắc của 54 dân tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam.

 

                                                                                                                      PHẠM XUÂN CỪ

                                                                                                        Chủ tịch Hội Dân tộc và Nhân học huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa

(1). Đôi trâu có nghĩa là 4 sừng trâu (4 còi rượu).

 

Tin cùng loại