TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Bất an với tro xỉ than - Kỳ 2: Loay hoay tìm cách tiêu thụ

Bất an với tro xỉ than - Kỳ 2: Loay hoay tìm cách tiêu thụ

13:38 | 23/04/2023
Lộ trình Toàn cầu để tăng cường hành động liên quan tới SDG7 nhằm hỗ trợ Chương trình nghị sự năm 2030 về Phát triển Bền vững và Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu 1[1]
1. Vào ngày 24 tháng 9 năm 2021, hơn 130 nguyên thủ quốc gia và Chính phủ, các đại biểu cấp cao và các nhà lãnh đạo của nhiều bên liên quan đã tập hợp tại buổi Đối thoại Cấp cao về Năng lượng nhằm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu về năng lượng của Chương trình Nghị sự năm 2030 về Phát triển Bền vững2[2].
 
2. Là cuộc họp cấp thượng đỉnh đầu tiên về năng lượng sau 40 năm dưới sự bảo trợ của Đại hội đồng, cuộc Đối thoại đã mang lại một cơ hội lịch sử để thảo luận về một lộ trình toàn cầu nhằm đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) số 7 và cam kết thực hiện các hành động mang tính chuyển đổi để giải quyết các thách thức năng lượng kép: đảm bảo khả năng tiếp cận các dịch vụ năng lượng sạch với giá cả phải chăng cho tất cả mọi người vào năm 2030 và thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
 
3. Năng lượng là nội dung trọng tâm để hoàn thành Chương trình nghị sự năm 2030 về Phát triển Bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Mục tiêu Phát triển bền vững số 7 kêu gọi “đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng có giá cả phải chăng, ổn định, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người” vào năm 2030, cũng chính là mục tiêu toàn cầu đầu tiên về năng lượng. Nó bao gồm các mục tiêu về đảm bảo khả năng tiếp cận với các dịch vụ năng lượng hiện đại, đáng tin cậy và có giá cả phải chăng cho tất cả mọi người, tăng đáng kể tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng toàn cầu, và tăng gấp đôi tốc độ cải thiện việc sử dụng năng lượng hiệu quả trên toàn cầu. Việc đạt được SDG 7 sẽ thúc đẩy các hành động chống lại biến đổi khí hậu và hoàn thành nhiều SDG khác, bao gồm xóa nghèo, bình đẳng giới, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, y tế, giáo dục, xây dựng các thành phố và cộng đồng bền vững, nước sạch và vệ sinh, việc làm bền vững, đổi mới, giao thông, người tị nạn và các tình huống phải di dời khác.
 
Hành động
 
Tuy nhiên, nếu không có những hành động khẩn cấp, thế giới sẽ không hoàn thành được SDG 7. Chúng ta cần phải tăng cường mạnh mẽ nỗ lực của mình. Lộ trình toàn cầu cho việc tăng tốc thực hiện SDG 7 nhằm hỗ trợ cho Chương trình nghị sự năm 2030 và Thỏa thuận Paris kêu gọi các hành động sau:
 
Thu hẹp khoảng cách trong tiếp cận năng lượng. Cần có những hành động quyết liệt để cung cấp năng lượng sạch cho 760 triệu người hiện đang sống không có điện và 2,6 tỷ người vẫn đang phải dựa vào nhiên liệu độc hại để nấu nướng. Đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng sạch, ít phát thải cho tất cả mọi người vào năm 2030 phải là một ưu tiên chính trị cấp bách ở tất cả các cấp. Đầu tư để thu hẹp khoảng cách trong tiếp cận năng lượng, với một nửa khoảng cách được thu hẹp vào năm 2025, cần được ưu tiên, đặc biệt là ở các nước kém phát triển nhất.
 
Chuyển đổi nhanh chóng sang các hệ thống năng lượng ít phát thải cacbon. Nếu không có quá trình giảm phát thải trong hoạt động sản xuất và sử dụng năng lượng, mục tiêu 1,5 ° C của Thỏa thuận Paris sẽ nhanh chóng vượt ngoài khả năng của chúng ta. Mục tiêu này đòi hỏi phải giảm phát thải khí nhà kính xuống thấp hơn 45% so với mức của năm 2010 vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việc ứng dụng năng lượng tái tạo đang bị chậm, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông, công nghiệp, sưởi ấm và làm mát. Đồng thời cũng cần cải thiện đáng kể về sử dụng năng lượng hiệu quả trên toàn cầu. Việc loại bỏ điện than cần được đẩy nhanh ở quy mô toàn cầu.
 
Huy động nguồn tài chính đầy đủ và có thể dự đoán được. Đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả nên được tăng gấp ba vào năm 2030. Việc chuyển trợ cấp nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cũng như định giá cacbon cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng. Hợp tác quốc tế cần phải được mở rộng quy mô một cách đáng kể để thúc đẩy nguồn tài chính và đầu tư công, tư cần thiết cho việc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển và các quốc đảo nhỏ. Khả năng tiếp cận nguồn tài chính và việc chuyển giao công nghệ phải được ưu tiên.
 
Không ai bị bỏ lại phía sau trên con đường đến tương lai phát thải ròng bằng không. Quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu phải là một quá trình công bằng, bao trùm và bình đẳng. Sẽ không có quốc gia nào có lộ trình chuyển dịch năng lượng giống hệt quốc gia khác. Các SDG nên được lồng ghép như một khuôn khổ hướng dẫn cho quá trình chuyển dịch năng lượng thông qua chính sách và quy hoạch, nhằm gia tăng sự cộng hưởng và giảm thiểu sự đánh đổi với các SDG khác và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương, bao gồm người cao tuổi, trẻ em, người dân bản địa, người di cư và phụ nữ. Dù quá trình chuyển dịch năng lượng được kỳ vọng sẽ tạo ra mức tăng ròng về việc làm trên tổng thể, đầu tư cho việc đào tạo lại các lao động bị ảnh hưởng và đa dạng hóa kinh tế của các cộng đồng là rất quan trọng, qua đó đảm bảo một quá trình chuyển dịch công bằng.
 
Khai thác sự đổi mới, công nghệ và dữ liệu. Các chính phủ cần thiết lập một định hướng rõ ràng và tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới về năng lượng, phát triển và triển khai công nghệ để khai thác tiềm năng chuyển đổi của chúng. Việc gia tăng đầu tư là cần thiết để cải thiện thu thập, quản lý và ứng dụng dữ liệu cũng như giải quyết vấn đề khoảng cách số. Hợp tác quốc tế cần được tăng cường để thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển.
 
Các cột mốc
Để giúp đảm bảo rằng các nỗ lực tập thể được thiết kế và thực hiện nhất quán với mục tiêu SDG 7 và nhằm hỗ trợ các SDG khác cũng như mục tiêu phát thải ròng bằng không theo Thỏa thuận Paris, lộ trình toàn cầu này với vai trò là một hướng dẫn thực tế, bao gồm hai bộ cột mốc[3] cho năm 2025 và 2030.
 
Các cột mốc năm 2025:
 
Có thêm 500 triệu người được tiếp cận với điện.
Có thêm 1 tỉ người được tiếp cận với những giải pháp đun nấu sạch.
Mức đầu tư hàng năm cho khả năng tiếp cận điện tăng lên 35 tỷ đô la Mỹ và cho khả năng tiếp cận với các giải pháp đun nấu sạch tăng lên 25 tỷ đô la Mỹ.
Mức tăng 100% công suất các loại năng lượng tái tạo hiện đại trên toàn cầu.
Mức đầu tư hàng năm vào năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả tăng gấp đôi trên toàn cầu.
Không có thêm các dự án điện than mới trong quy hoạch sau năm 2021.
Các khoản trợ cấp cho tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch chuyển hướng sang năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả.
30 triệu việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả.
 
Các cột mốc vào năm 2030:
 
Tất cả mọi người đều được tiếp cận với điện và các giải pháp đun nấu sạch.
Công suất điện tái tạo toàn cầu tăng gấp ba lần.
Tốc độ cải thiện việc sử dụng hiệu quả năng lượng tăng gấp đôi trên toàn cầu.
Đầu tư hàng năm cho năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng tăng gấp ba lần trên toàn cầu.
Loại bỏ các dự án điện than trong khối OECD vào năm 2030 và trên toàn cầu vào năm 2040.
60 triệu việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu.
Tất cả các cơ sở chăm sóc sức khỏe và các trường học trên toàn thế giới đều được tiếp cận với điện.
 
Để đạt được những cột mốc quan trọng này, các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, cụ thể là các quốc gia châu Phi, các quốc gia kém phát triển nhất, các quốc gia đang phát triển không giáp biển và các quốc đảo nhỏ đang phát triển, cần được quan tâm đặc biệt, vì các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo ở các quốc gia này sẽ có tác động tích cực và đáng kể tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững khác nhau và thể hiện tinh thần thực sự của mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau.
 
Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ phải được ưu tiên, bao gồm trao quyền cho phụ nữ trong việc thiết kế, sản xuất và phân phối các dịch vụ năng lượng hiện đại cho mục đích sử dụng hiệu quả, cũng như thúc đẩy sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong quá trình ra quyết định trong lĩnh vực năng lượng.
 
Việc đạt được các mốc quan trọng này vào năm 2025 và 2030 cũng sẽ đảm bảo thế giới hướng tới phát thải ròng bằng không vào năm 2050, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng, bao trùm và bình đẳng cùng với khả năng tiếp cận năng lượng cho tất cả mọi người, việc làm xanh, nền kinh tế đa dạng, hạnh phúc của người dân và việc trao quyền cho phụ nữ, các cộng đồng địa phương và các nhóm dễ bị tổn thương để không ai bị bỏ lại phía sau.
 
Các quan hệ hợp tác cho quá trình chuyển đổi
 
Tất cả các bên liên quan, bao gồm các Quốc gia thành viên, các tổ chức quốc tế, các ngân hàng phát triển đa phương, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, các cộng đồng khoa học, các thành phố hoặc chính quyền khu vực, phải đẩy mạnh và tăng cường các nỗ lực để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu thông qua việc hình thành các quan hệ đối tác cải tiến hơn.
 
Các Cam kết Năng lượng là phương tiện chủ chốt để biến lộ trình toàn cầu thành các hành động và quan hệ đối tác cụ thể. Các Cam kết Năng lượng bổ sung cần được huy động liên tục, bao gồm thông qua mạng lưới thực hiện cam kết năng lượng toàn cầu, được hỗ trợ bởi cơ chế UN-Energy.
 
Hệ thống của Liên hợp Quốc, được hỗ trợ bởi UN-Energy, nên mở rộng quy mô để đẩy nhanh các nỗ lực hướng tới việc đạt được SDG 7 và phát thải ròng bằng không. UN-Energy cần được tăng cường để hỗ trợ các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các đối tác khác, bằng cách điều phối và giám sát tiến độ của các Cam kết Năng lượng, hướng tới thực hiện lộ trình toàn cầu.
 
Diễn đàn Chính trị Cấp cao về phát triển bền vững và các nền tảng liên chính phủ có liên quan khác, bao gồm về đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, hệ thống lương thực, đại dương, khoa học, công nghệ và đổi mới, giao thông và nước, cần được tận dụng tối đa để thúc đẩy việc thực hiện SDG 7. Những hành động tiếp nối buổi Đối thoại, bao gồm thông qua các Cam kết Năng lượng, sẽ giúp đẩy mạnh các hành động khí hậu. Sáng kiến Thập kỷ Năng lượng bền vững cho tất cả của Liên hợp quốc là một nền tảng liên chính phủ đặc biệt để giúp tăng cường động lực và các hành động nhằm hiện thực hóa lộ trình toàn cầu, bao gồm hoạt động rà soát đánh giá nỗ lực của các quốc gia.
 
[1] Tài liệu này được trình bày như một bản tóm tắt nhận định tương lai của buổi Đối thoại Cấp cao về Năng lượng của Tổng thư ký Liên hợp quốc
 
[2] Nghị quyết 74/225 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc
 
[3] Sử dụng thông tin từ Báo cáo Theme về Tiếp cận Năng lượng; Báo cáo Theme về Chuyển dịch Năng lượng; Báo cáo Theme về Thúc đẩy SDGs thông qua Chuyển dịch Năng lượng Công bằng và Bao trùm; Báo cáo Theme về Đổi mới, Công nghệ và Dữ liệu; và Báo cáo Theme đề về Tài chính và Đầu tư, năm 2021, Liên Hợp Quốc. Có sẵn tại: https://www.un.org/en/conferences/energy2021/RESOURCES
Tin cùng loại