TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Cần loại bỏ có hệ thống và xử lý an toàn các sản phẩm chứa amiang (P1)

Cần loại bỏ có hệ thống và xử lý an toàn các sản phẩm chứa amiang (P1)

20:54 | 20/04/2023
Tấm lợp chứa amiang trắng cần phải được coi là chất thải nguy hại để thu gom xử lý theo quy trình riêng. Nếu phát tán ra môi trường sẽ rất nguy hại cho sức khỏe.

(Ảnh: Kinh tế đô thị)

Tác hại của Amiang

Amiăng là một nhóm khoáng chất tự nhiên dưới dạng sợi, chia thành 2 nhóm: Nhóm Serpentine có dạng xoắn, được gọi là Chrysotile (amiăng trắng) và nhóm Amphibole (Crocidolite – amiăng xanh và Amosite – amiăng nâu).

Với những đặc tính ưu việt như độ bền cao, chịu nhiệt, có tính ma sát, cách điện, cách âm và giá thành rẻ, amiăng được xem là nguyên liệu “lý tưởng” trong sản xuất của các ngành xây dựng và công nghiệp nặng như: tấm lợp, ống dẫn nước, tấm mành cách lửa công nghiệp, má phanh xe ô tô, công nghiệp hàng không, đóng tàu…

Tuy nhiên, amiang là một chất độc hại. Tất cả các loại amiang, kể cả amiang trắng đều bị Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) khuyến cáo có khả năng gây ung thư, bao gồm ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng, trung biểu mô (màng tim, màng bụng, màng phổi), bệnh bụi phổi… và không có ngưỡng nào thực sự an toàn khi tiếp xúc với amiang. Amiang không gây hại tức thì cho người tiếp xúc mà thường sau 20 – 30 năm mới có triệu chứng và phát bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, mỗi năm, thế giới có 107.000 người chết do các bệnh liên quan tới amiăng bao gồm: 41.000 người chết vì ung thư phổi, 7.000 người chết vì bụi phổi và 59.000 người bị ung thư trung biểu mô. Trong đó, 80% các trường hợp bệnh ung thư trung biểu mô có liên quan tới amiăng.

Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế cho biết, amiang như một “sát thủ thầm lặng”, nó xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường hô hấp, khi con người hít phải sợi amiang (rất mảnh, mắt thường không nhìn thấy được) có trong không khí, sợi amiang sẽ đi vào cơ thể và lưu lại trong phổi một thời gian dài. Theo thời gian, những sợi amiang này tích lũy, gây ra sẹo và phát sinh viêm nhiễm, ảnh hưởng đến hô hấp và gây suy giảm sức khỏe của con người. Những người có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến amiang thường là nhóm người tiếp xúc trực tiếp với amiang hàng ngày như công nhân của các nhà máy sản xuất tấm lợp, đóng tàu, khai thác và nghiền amiăng… hoặc người dân khi khoan, cưa, cắt, phá dỡ, đập các tấm lợp có amiăng, làm phát tán bụi amiang ra không khí.

Nguồn: Môi trường đô thị

Tin cùng loại