Theo EVN, năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ điện phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giảm mạnh. Cụ thể, theo kế hoạch, tổng sản lượng điện huy động năm 2020 là 261 tỷ kWh, nhưng trên tế, hết năm 2020, tổng sản lượng điện huy động chỉ đạt 247 tỷ kWh.
Trao đổi tại buổi Báo cáo tình hình vận hành hệ thống điện năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025, ông Nguyễn Đức Ninh - Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (NLDC) cho biết, do phụ tải tiêu thụ điện giảm thấp nên trong năm 2020, hầu hết các nguồn điện đều khai thác thấp hơn kế hoach, như điện khí giảm từ 38 tỷ kWh xuống còn 34,6 tỷ kWh, điện than giảm từ 132,7 tỷ kWh xuống còn 122,5 tỷ kWh; điện dầu giảm từ 3,4 tỷ kWh xuống còn 1,043 tỷ kWh...
|
Toàn cảnh buổi làm việc của EVN với các chuyên gia kinh tế về tình hình vận hành hệ thống điện năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025 |
Việc giảm mạnh huy động các nguồn điện truyền thống như điện than, điện khí... theo ông Ninh, ngoài việc do sự sụt giảm phụ tài tiêu thụ bởi ảnh hưởng của dịch Covdi-19 thì còn do sự bùng nổ, gia tăng của các nguồn NLTT trong năm 2020. Điều này có thể hiểu một cách khác là điện than, điện khí đã phải “nhường đất” để thực hiện chủ trương ưu tiên phát triển các nguồn NLTT.
Cụ thể, trong khi huy động các nguồn điện truyền thống giảm mạnh thì việc huy động điện gió năm lại tăng từ 734 triệu kWh lên 982 triệu kWh; điện mặt trời tăng từ 9,6 tỷ kWh lên 10,8 tỷ kWh.
Trong năm 2021, theo cập nhật mới nhất của EVN, tổng sản lượng điện huy động điện sẽ là 264 tỷ kWh, cao hơn con số 262 tỷ kWh theo kế hoạch được Bộ Công Thương phê duyệt. Tuy nhiên, sự gia tăng sản lượng huy động lại không hề kéo theo sự gia tăng việc huy động ở tất cả các nguồn điện, thậm chí, điện than, điện khí vẫn tiếp tục có sự sụt giảm.
Và điều đáng nói, sự sụt giảm này tiếp tục có một phần nguyên nhân lớn là do sự bùng nổ của các nguồn NLTT với con số dự kiến huy động đến thời điểm cuối tháng từ cho năm 2021 là hơn 32 tỷ kWh, cao hơn rất nhiều con số kế hoạch 23,3 tỷ kWh.
“Hầu hết các nguồn điện than chỉ được huy động 70 – 80% công suất”, ông Ninh cho biết.
Không riêng gì điện than, điện khí, các nguồn thuỷ điện cũng bị giảm mạnh vào các giờ cao điểm từ 11 – 12h trưa để nhường chỗ cho việc huy động điện từ các nguồn NLTT.
Ông Ninh cho rằng, việc điều độ như vậy là trái với quy định bởi hiện nay, các hồ thuỷ điện đang được vận hành theo các quy trình liên hồ chứa đã được cấp thẩm quyền duyệt. Mặc dù vậy, ông Ninh cũng biết, vì phải thực hiện chủ trương ưu tiên huy động tối đa các nguồn NLTT như điện gió, điện mặt trời... nên ngành Điện vẫn phải làm.
Không chỉ làm trái quy định một cách bất đắc dĩ, theo Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, việc huy động một tỷ trọng lớn các các nguồn NLTT còn đặt rất nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác vận hành hệ thống điện quốc gia.
Một trong số những vấn đề nổi cộm, gây khó khăn nhất là việc dải công suất biến động trong ngày của các nguồn NLTT rất lớn như điện mặt trời có thể đạt công suất max vào buổi trưa nhưng có thể mất gần như hoàn toàn khoảng 6.500 MW vào lúc 18h, thời điểm ghi nhận nhu cầu điện tăng gần 11.000 MW so với thời điểm 12h. Trong khi đó, dải thay đổi công suất của than, khí chỉ vào khoảng 20 – 30%.
Dải công suất của các nguồn NLTT lớn như vậy khiến buộc ngành Điện phải huy động các nguồn điện khác để bù, và điều này đã dẫn tới một hệ luỵ là số lần khởi động các tổ máy nhiệt điện do thừa nguồn hoặc thiếu nguồn tăng mạnh. Số liệu thống kê của EVN cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2021, số lần khởi động tổ máy nhiệt điện là 334 lần, trong khi con số này của năm 2020 là 192 và 2019 là 74 lần.
|
Điện mặt trời có dải công suất biến động lớn |
Ngoài ra, theo ông Ninh, đó còn là một loạt các vấn đề như hiện tượng thừa nguồn/quá tải đường dây nội miền, đường dây liên kết 500kW; phụ tải chênh lệch giữa cao điểm và thấp điểm lớn; đảm bảo vận hành thị trường điện (quy định bặt buộc), bao tiêu nhà máy BOTs, các hợp đồng khí...; thuỷ điện lớn đảm bảo cấp nước hạ du/tưới tiêu, thuỷ điện nhỏ huy động theo chi phí tránh được...
Để giải quyết những vấn đề trên, ông Ninh cho biết, EVN đã rà soát cập nhật, hiệu chỉnh các thông tư, quy trình để phù hợp với điều kiện vận hành hệ thống điện có tỷ trọng NLTT cao; đã báo cáo Bộ Công Thương/Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế đấu giá/đấu thầu các dự án điện gió, mặt trời-bổ sung Quy hoạch theo kế hoạch thực hiện 3 – 5 năm với quy mô phù hợp tại từng thời điểm, từng khu vực trong tương lai, tránh tình trạng quá tải lưới điện và thừa nguồn; đã đề xuất về cơ chế đầu tư xây dnwgj hệ thống pin tích trữ, cơ chế dịch vụ phụ trợ trong hệ thống điện; đề xuất cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện cấp thiết phục vụ giải toả NLTT; xem xét tổng thể về sự cần thiết của cơ chế chi phí tránh được và điều chỉnh lại phương pháp tính toán chi phí tránh được trong bối cảnh NLTT thâm nhập...
Số liệu cập nhật đến hết tháng 4/2021, tổng công suất đặt của các nguồn NLTT là hơn 20.000 MW, trong đó điện mặt trời là hơn 19.800 MW, điện gió là 612 MW. Con số này được dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh từ nay đến cuối năm, có thể sẽ thêm khoảng 4.500 – 5.400 MW. Mặc dù chiếm tới hơn 30% công suất đặt như vậy nhưng sản lượng đóng góp của NLTT lại không lớn, chỉ khoảng 12% và sẽ tăng lên 17% trong 5 năm tới. Bởi vậy, theo EVN, để đảm bảo cung ứng điện, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các nguồn điện truyền thống như điện than, thuỷ điện, điện khí... vẫn sẽ chiếm một tỷ trọng lớn, lên tới 40 – 80%, tổng công suất hệ thống điện quốc gia.
Được biết, EVN đã báo cáo Bộ Công Thương về phương thức huy động và giải pháp vận hành hệ thống điện, đặc biệt là nguồn NLTT. Theo đó, EVN sẽ huy động nguồn theo thứ tự: 1. Các nhà máy điện đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật (điện áp, ổn định, quán trính, dự phòng điều tấn, công suất cao điểm; 2. Điện gió, điện mặt trời, sinh khối, thuỷ điện ACT, thuỷ điện lớn đang xả; 3. Các nguồn còn lại.
Nguồn: Internet