TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Giảm điện than, thủy điện để nhường chỗ cho điện mặt trời

Giảm điện than, thủy điện để nhường chỗ cho điện mặt trời

23:03 | 22/04/2023
Tập đoàn điện lực Việt Nam dự kiến năm 2021 sẽ huy động 32 tỉ kWh, gấp hơn 2,5 lần năm qua, trong đó điện mặt trời khoảng 26,3 tỉ kWh.

Các dự án điện gió, điện mặt trời đang được ưu tiên huy động

ẢNH: NGỌC THẮNG


Năm 2021 năng lượng tái tạo được huy động sẽ tăng lên 32 tỉ kWh, gấp 2,5 lần năm qua, trong đó điện mặt trời dự kiến đóng góp 26,3 tỉ kWh so với 10,8 tỉ kWh năm 2020 và để có con số này thì điện than và thủy điện sẽ được giảm phát để nhường chỗ.
Chiều 4.5, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức đối thoại với gần 20 chuyên gia kinh tế, chuyên gia năng lượng về vận hành hệ thống điện.
Giảm điện truyền thống, ngừng nhập khẩu từ Trung Quốc
Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm vận hành hệ thống điện quốc gia (A0), cho biết thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc ưu tiên tối đa huy động nguồn điện năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, công tác điều độ điện thời gian qua đã có nhiều thay đổi theo hướng giảm phát các nguồn điện truyền thống, dù đây là các nguồn giá rẻ hơn và chất lượng ổn định hơn.
“Theo kế hoạch, EVN sẽ huy động khoảng 126 tỉ kWh nhiệt điện than. Tuy nhiên, cập nhật đến cuối tháng 4 cho thấy khả năng sản lượng điện than huy động năm nay sẽ giảm khoảng 8 tỉ kWh (khoảng 6%). Hầu hết các tổ máy sẽ chỉ phát khoảng 80% công suất”, ông Ninh nói. Không chỉ có điện than, thủy điện cũng điều chỉnh để nhường chỗ cho năng lượng tái tạo. “Trong 4 tháng đầu năm, có khoảng 8.000 MW của hầu hết tất cả các nhà máy thủy điện lớn ở miền Trung, miền Nam đã ngừng hoàn toàn phát giờ vào cao điểm 11 - 12 giờ trưa để lấy chỗ cho điện mặt trời”, ông Ninh thông tin.
Tính đến hết tháng 4, cả nước có 17.000 MW điện mặt trời, trong đó gồm 9.200 MW điện mặt trời trang trại và 7.700 MW điện mặt trời mái nhà. Cùng với đó, hệ thống đang có 612 MW điện gió đã vào vận hành. Dự kiến từ đây đến cuối năm 2021, hệ thống sẽ có thêm gần 4.000 MW điện gió nữa, hiện đang chạy đua xây dựng để hưởng cơ chế giá ưu đãi.
Ông Ninh cho biết thêm với sự bùng nổ rất lớn năng lượng tái tạo trong 3 năm qua, trong 2020, EVN đã huy động 12 tỉ kWh điện năng lượng tái tạo, tăng khoảng 2 tỉ kWh so với kế hoạch ban đầu là chỉ 10 tỉ kWh, trong đó có 10,8 tỉ kWh điện mặt trời. Tập đoàn dự kiến năm 2021 sẽ huy động 32 tỉ kWh, gấp hơn 2,5 lần năm qua, trong đó điện mặt trời khoảng 26,3 tỉ kWh. Cùng với đó, từ nay đến năm 2025, EVN cũng ngừng hẳn việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc và giảm dần mua điện từ Lào. Dù vậy, theo ông Ninh, lũy kế 4 tháng đầu năm, A0 cũng đã phải cắt giảm 447 triệu kWh của năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện mặt trời, chiếm 13,3% so với tổng sản lượng mà khối năng lượng tái tạo có thể phát.
Nhà đầu tư nhiệt điện "kêu" vì giảm phát
Tuy nhiên, EVN cho hay việc huy động cao năng lượng tái tạo, với phần lớn là mua điện có giá 9,35 cent/kWh không những không tối ưu hóa được chi phí sản xuất mà còn gây khó khăn cho vận hành hệ thống bởi tính không ổn định của năng lượng tái tạo so với các nguồn thủy điện, điện than hay điện khí. Đáng nói hơn, việc cắt giảm nhiệt điện cũng gây tổn hại kinh tế cho các chủ đầu tư đã có hợp đồng mua bán điện với nhà nước từ trước đó.
Cụ thể, thống kê của EVN cho biết, nếu năm 2019 các tổ máy nhiệt điện chỉ phải khởi động lại 74 lần khi cả nước mới có 4.500 MW điện mặt trời thì con số này tăng lên 190 lần trong năm 2020. Riêng 4 tháng đầu năm nay, các nhà máy nhiệt điện đã phải khởi động lại hơn 330 lần khi phải “nằm chờ”, dự phòng cho điện mặt trời. “Nếu trước đây cắt giảm điện mặt trời do quá tải khiến chủ đầu tư kêu thì hiện nay, đáng quan ngại không kém là phản đối của các chủ đầu tư điện truyền thống, điển hình nhất là của dự án BOT Phú Mỹ 3”, đại diện EVN cho biết.
Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, cho rằng EVN cần kiến nghị Bộ Công thương có cơ chế thúc đẩy huy động trong bối cảnh phụ tải cao thì thế nào, phụ tải thấp thì thế nào. “Nguyên tắc huy động thế nào, tiêu chí sao. Tiêu chí nào để cắt năng lượng tái tạo? Khi cắt thì năng lượng truyền thống duy trì ở mức nào hợp lý. EVN cần công khai để tránh dư luận nghĩ EVN chỉ chú trọng các nhà máy do EVN đầu tư”, ông Thỏa bày tỏ.

Nguồn: Internet

Tin cùng loại