Amiăng là một trong những vật liệu xây dựng có ưu thế được sử dụng khá rộng rãi ở Việt Nam (VN), đặc biệt trong ngành sản xuất và gia công tấm lợp amiăng – xi măng (còn gọi là tấm lợp Fibro – xi măng)
Tuy có nhiều ưu thế nhưng amiăng […]
Amiăng là một trong những vật liệu xây dựng có ưu thế được sử dụng khá rộng rãi ở Việt Nam (VN), đặc biệt trong ngành sản xuất và gia công tấm lợp amiăng – xi măng (còn gọi là tấm lợp Fibro – xi măng). Tuy có nhiều ưu thế nhưng amiăng cũng gây nhiều tác hại đối với sức khỏe con người, đặc biệt những người lao động thường xuyên tiếp xúc và tiếp xúc lâu dài với amiăng, trong đó đặc biệt là người lao động trong ngành sản xuất và gia công tấm lợp amiăng – xi măng.
Theo tiêu chuẩn vệ sinh lao động được ban hành kèm theo Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế, giới hạn tiếp xúc nghề nghiệp cho phép với bụi amiăng chrysotile là 0,5sợi/ml không khí tính trung bình một giờ và 0,1sợi/ml không khí tính trung bình 8 giờ. Theo QCVN 06:2009/BTNMT, nồng độ tối đa cho phép của chrysotile trong không khí môi trường xung quanh là 1 sợi/m3. Tuy nhiên theo Hồ sơ quốc gia về amiăng năm 2010, số sợi amiăng có trong không khí đối với loại chrysotile trong ngành tấm lợp amiăng – xi măng là 0,08 – 0,8(fiber/cm3 air).
Vật liệu sử dụng chủ yếu cho sản xuất tấm lợp amiăng – xi măng là xi măng (khoảng 85%), amiăng chrysotile (khoảng 10%) và một phần rất nhỏ bột giấy Kraff. Amiăng có trong thành phần tấm lợp làm cho độ bám của xi măng chắc hơn và do đó gia tăng độ bền của tấm lợp. Dây chuyền sản xuất tấm lợp amiăng gồm bốn công đoạn chính: Nhập nguyên liệu, chuẩn bị phối liệu, sản xuất tấm lợp và dưỡng hộ. Cả bốn công đoạn này nếu không quan tâm đến bảo hộ lao động tốt đều có thể bị ô nhiễm, gây bệnh tật, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, một trong những nhu cầu cấp thiết là phải đảm bảo kiểm soát, giảm thiểu tiếp xúc với bụi amiăng cho người lao động.
Khi vận chuyển bao amiăng từ kho ra khu vực nhập liệu nên vận chuyển bằng băng tải và tưới ướt bao amiăng trong quá trình vận chuyển. Nếu phải vận chuyển bằng bê vác thủ công cần thận trọng tránh làm bao bị thủng, vỡ làm rơi amiăng.
Khi mở bao và hủy bao amiăng cần trang bị máy mở và hủy bao tự động, như vậy sau khi đổ amiăng, máy sẽ tự động nghiền nhỏ bao và chuyển vào silô, được dùng như nguyên liệu, không bị ô nhiễm ra môi trường và cho người lao động. Trong trường hợp không có máy, phải mở bao thủ công, nên tiến hành công đoạn này trong nhà xưởng kín có trang bị hệ thống hút bụi dưới áp suất âm. Trước khi đổ amiăng không nên xốc bao lên và sau khi đổ không được rũ bao. Vỏ bao cần được cho ngay vào thùng đựng chất thải đặt bên cạnh, không nên để chất đống dưới nền nhà. Người lao động làm công việc này phải mặc quần áo bảo hộ và mang phương tiện bảo vệ đường hô hấp.
Khi nghiền, trộn amiăng và xi măng cần bao che kín và trang bị hệ thống thông gió hút bụi với áp suất âm các khu vực nghiền trộn. Người làm việc tại khu vực băng tải, điểm xả amiăng bột ra băng tải hoặc vào bao tải cần phải mặc quần áo bảo hộ và mang phương tiện bảo vệ đường hô hấp.
Ở công đoạn hoàn thiện các tấm lợp amiăng – xi măng cần chú ý, những phần rìa của tấm lợp amiăng – xi măng bị cắt ra hoặc các tấm lợp bị hỏng phải đưa lại về máy nghiền để tái sử dụng; nước thải từ các máy xeo và băng tải nỉ vòng được đưa về bể lắng và tuần hoàn trở lại công đoạn dưỡng hộ.
Khi chuyên chở và lưu kho các tấm lợp amiăng – xi măng thành phẩm nên sử dụng xe cơ giới, tránh làm rơi hoặc kéo lê các tấm lợp amiăng -xi măng; kho, bãi chứa các tấm lợp amiăng – xi măng cần được thường xuyên làm vệ sinh sạch sẽ bằng máy hút bụi hoặc lau quét ướt.
Cần chú ý kiểm soát bụi trong khi gia công tấm lợp amiăng – xi măng, đặc biệt khi cưa, khoan, cắt bằng máy (nhất là máy có tốc độ cao) cần lắp đặt thiết bị hút lọc bụi có bộ lọc không khí hiệu quả cao; nên sử dụng các loại máy cưa, khoan, cắt có tốc độ chậm, nếu có thể nên thiết kế bộ phận tự động làm sạch mạt cưa hoặc các mẩu vật liệu bị cắt bỏ; khi gia công, lắp đặt tại vị trí xây dựng cần chú ý: gia công, cắt, khoan, xén bớt, tạo hình tại khu vực mở, thoáng hoặc thông gió tốt, khu vực gia công, lắp ráp tấm lợp cần phải cách ly và đặt biển báo “khu vực làm việc có amiăng, cấm người không phận sự vào”; nếu cần lắp đặt tấm lợp tại vị trí trên cao nên gia công cho vừa khớp ở dưới nền trước khi lắp đặt trên cao, phải bảo đảm an toàn tránh trượt ngã và cần mang phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp; sau mỗi ca làm việc và khi kết thúc công việc cần hút bụi, vệ sinh sàn nhà và các bề mặt bằng máy hút động cơ có bộ lọc HEPA hoặc phải làm ẩm trước khi quét dọn hoặc làm sạch bằng cách phun rửa bằng nước.
Cuối cùng phải xử lý tốt chất thải trong quá trình sản xuất và gia công tấm lợp amiăng – xi măng. Bụi thu gom trong quá trình sản xuất nên được làm ẩm và chứa trong các túi đựng chất thải bằng hai lớp chất dẻo, buộc kín và thải bỏ theo hướng dẫn; các mảnh vỡ, mẩu thừa từ trong quá trình gia công tấm lợp cần được thu gom ngay trong ngày làm việc, bỏ vào các túi bằng hai lớp chất dẻo hoặc thùng đựng chất thải amiăng, buộc hoặc đậy kín và đưa đi xử lý theo đúng quy trình, không được sử dụng các mảnh vỡ, mẩu thừa hoặc các tấm lợp amiăng – xi măng hỏng, vỡ để rải đường để tránh vỡ vụn thêm gây phát tán bụi amiăng.
Nhìn như vậy có thể thấy, ở tất cả các công đoạn trong dây chuyền sản xuất tấm lợp amiăng – xi măng đều đòi hỏi phải rất thận trọng, nghiêm cẩn trong việc bảo hộ, tránh gây nhiễm bụi amiăng cho người lao động. Tuy nhiên, trong thực tế, đây vẫn là vấn đề khó khăn. Theo số liệu từ Hồ sơ Quốc gia về amiăng năm 2010, Việt Nam có 35 nhà máy sản xuất tấm lợp amiăng – xi măng với 6.925 người lao động tiếp xúc với amiăng, trong đó 4.354 người lao động tiếp cao với amiăng. Để giảm thiểu ô nhiễm bụi amiăng cho người lao động trong ngành sản xuất và gia công tấm lợp amiăng – xi măng, ngoài việc thực hiện những chỉ dẫn trong từng khâu của dây chuyền sản xuất gia công, cần có những biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức của cả người lao động và người sử dụng lao động trong việc giảm thiểu, ngăn ngừa ô nhiễm bụi amiăng.