TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Hà Nội: Bệnh viện Dệt may hoạt động hơn một thập kỷ không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, chất thải y tế để

Hà Nội: Bệnh viện Dệt may hoạt động hơn một thập kỷ không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, chất thải y tế để

14:12 | 22/04/2023
Hoạt động từ năm 2006 nhưng đến nay Bệnh viện Dệt may vẫn chưa được các cơ quan chức năng xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường mà không bị xử lý. Bên cạnh đó, việc quản lý, lưu giữ chất thải y tế nguy hại của Bệnh viện còn nhiều tồn tại, bất cập.

 

Theo tìm hiểu, Bệnh viện Dệt may có địa chỉ tại ngõ 454 Minh Khai, P. Vĩnh Tuy, Q. Hai Bà Trưng, Tp. Hà Nội. Bệnh viện được thành lập trên cơ sở Bệnh viện Dệt may khu vực Hà Nội theo quyết định số 190/QĐ – HĐQT ngày 11/4/2006 của Hội đồng quản trị Tổng Công ty Dệt may Việt Nam với quy mô 150 giường bệnh.

Bệnh viện Dệt may hoạt động hơn một thập kỷ nhưng đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường

Hoạt động từ năm 2006 nhưng mãi đến ngày 29/3/2013 Bệnh viện Dệt may mới được Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội xác nhận đề án bảo vệ môi trường chi tiết. Theo đề án đã được phê duyệt, Bệnh viện Dệt may phải có trách nhiệm phân loại, thu gom,  lưu giữ, quản lý và xử lý chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình hoạt động. Tại khoản 2.4 của quyết định cũng nêu rõ: Trong thời hạn tối đa là 12 tháng kể từ ngày ký quyết định này Bệnh viện Dệt may phải hoàn thành việc xây dựng, thử nghiệm và nghiệm thu các biện pháp công trình bảo vệ môi trường, chỉ được phép đưa công trình bảo vệ môi trường vào hoạt động chính thức sau khi đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội kiểm tra và cấp giấy xác nhận.

Tuy nhiên, phản ánh đến Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn, trong quá trình hoạt động công tác phân loại, lưu giữ chất thải y tế nguy hại không được Bệnh viện thực hiện đúng quy định và đến nay Bệnh viện vẫn chưa được các cơ quan chức năng xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Để làm rõ những thông tin phản ánh trên PV đã có buổi làm việc với UBND phường Vĩnh Tuy và UBND quận Hai Bà Trưng.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân – Cán bộ môi trường phường Vĩnh Tuy cho biết: Bệnh viện Dệt may là đối tượng đã được phê duyệt đề án bảo vệ môi trường, thẩm quyền kiểm tra, quản lý không thuộc UBND phường nên phường không có thẩm quyền kiểm tra thường xuyên. Qua phản ánh của cơ quan báo chí, UBND phường sẽ có báo cáo tới phòng TNMT quận đề nghị phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ phường kiểm tra việc chấp hành Luật bảo vệ môi trường của Bệnh viện.

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân – Cán bộ môi trường phường Vĩnh Tuy làm việc với PV Môi trường Cuộc sống – Moitruong.net.vn 

Bà Nguyễn Phương Thảo – Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hai Bà Trưng cho hay: Sau khi nhận được phản ánh của báo chí, phòng TN&MT đã được UBND quận giao chủ trì kiểm tra xác minh thông tin báo phản ánh. Phòng đã có giấy mời mời Bệnh viện Dệt may đến để làm việc. Tuy nhiên, Bệnh viện Dệt may có công văn gửi lại cho biết đang thực hiện phòng chống dịch nên xin hoãn buổi làm việc. Phòng đã tham mưu UBND quận Hai Bà Trưng có văn bản đề nghị Bệnh viện Dệt may thực hiện đầy đủ các quy định về lĩnh vực môi trường theo đúng đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được phê duyệt.  Đồng thời, ngày 7/7/2021 UBND quận đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và bảo vệ môi trường đối với Bệnh viện Dệt may. Về giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường đến nay Bệnh viện chưa được cấp.

Bà Nguyễn Phương Thảo – Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hai Bà Trưng cho biết: UBND quận đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và bảo vệ môi trường đối với Bệnh viện Dệt may

Theo đó, để làm rõ trách nhiệm của Tập đoàn Dệt May Việt Nam trong công tác hoạt động khám chữa bệnh đối với đơn vị thành viên là Bệnh viện Dệt may về việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước, ngày 28/04/2021 tòa soạn Môi trường và Cuộc sống có Giấy giới thiệu đặt lịch làm việc với bên Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Tuy nhiên do thời điểm đó tình hình dịch bệnh tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc có nguy cơ lan rộng, các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn đang tập trung cho việc chống dịch nên đã xin hoãn buổi làm việc trực tiếp và Tập đoàn sẽ chỉ đạo Bệnh viện Dệt May Việt Nam cung cấp cho quý báo bằng văn bản trước ngày 30/06/2021.

Văn bản của UBND quận Hai Bà Trưng gửi Sở TNMT Hà Nội

Ngày 12/07/2021 Phóng viên nhận được một số hồ sơ về môi trường của phía bệnh viện Dệt may cung cấp. Mặc dù trước đó đặt lịch làm việc với phía Tập đoàn, PV cũng đã gửi kèm theo nội dung những giấy tờ, hồ sơ pháp lý liên quan đến việc thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường và Luật Tài nguyên nước cũng như việc Xác nhận hoàn thành công trình Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên thì những hồ liên quan đến việc chấp thành các quy định của Luật bảo vệ môi trường thì gần như phía Bệnh viện Dệt May không cung cấp được: Kết quả đo kiểm quan trắc  môi trường định kỳ, Báo cáo công tác quản lý môi trường gửi Sở Tài nguyên Môi trường, kết quả đo kiểm mẫu nước thải định kỳ 03 tháng/lần, báo cáo công tác xả thải cũng như báo cáo công tác quản lý chất thải nguy hại…

Tại mục 3.5 của chương 3 – Kế hoạch xây dựng, vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải do Bệnh viện Dệt may lập cam kết: Thời gian vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải từ tháng 9/2014.

Theo quy định, sau khi vận hành các công trình xử lý chất thải thì chủ đầu tư dự án phải lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án.

Vậy không hiểu, hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện dệt may có được vận hành theo đúng cam kết tại Đề án bảo vệ Môi trường từ 2014 không hay chỉ mới được vận hành thời gian gần đây nên mới chưa được các cơ quan chức năng xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Việc Bệnh viện Dệt may hoạt động từ năm 2006 nhưng đến năm 2013 mới được cấp đề án bảo vệ môi trường chi tiết cũng cho thấy công tác thực hiện Luật bảo vệ môi trường không được lãnh đạo Bệnh viện quan tâm, chú trọng.

Được biết, này 16/11/2012 đoàn thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước của Bệnh viện Dệt may. Tại buổi kiểm tra, đoàn thanh tra cũng đã chỉ rõ Bệnh viện chưa có thủ tục, hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước theo quy định.

Như vậy là suốt 06 năm từ 2006 đến năm 2012, Bệnh viện Dệt may không hề thực hiện Luật bảo vệ môi trường mà chỉ khi có sự vào cuộc thanh kiểm tra của cơ quan chức năng thì Bệnh viện mới vội vàng kí hợp đồng với Trung tâm môi trường và sản xuất sạch để lập các hồ sơ môi trường: Đề án bảo vệ môi trường, hồ sơ đăng kí chủ nguồn thải chất thải nguy hại và hồ sơ cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

Ngoài ra, theo ghi nhận của PV tại Bệnh viện Dệt may việc thu gom, lưu giữ chất thải y tế chưa được thực hiện đúng quy định. Cụ thể, tại khu vực phía sau bệnh viện gần khu xử lý nước thải các loại chất thải y tế như: ống tiêm, kim tiêm, chai truyền nước, dây truyền nước được để lẫn lộn với rác thải sinh hoạt trong những bao tải lớn dưới nền đất, có lẽ những bao tải này  đã được để ở đây lâu ngày. Hơn nữa, cũng tại vị trí này PV phát hiện Bệnh viện Dệt may đang có dấu hiệu khai thác nước dưới đất trái phép. Tại khu vực lưu giữ chất thải nguy hại, Bệnh viện sử dụng thùng nhựa không có nắp đậy để chất thải nguy hại không đúng quy định.

Phía sau Bệnh viện, bao tải chứa chất thải y tế được vứt lăn lóc ngoài môi trường, không đúng quy định

Ống tiêm, bơm kim tiêm, chai truyền nước được để lẫn lộn với chất thải sinh hoạt trong 1 bao tải mỏng manh

Tại đây, Bệnh viện đang có dấu hiệu khai thác nước dưới đất trái phép

Tại khoản 2,3,4,5 điều 8, Thông tư liên tịch số 58/2015 /TTLT – BYT – BTNMT ngày 31/12/2015 quy định về quản lý chất thải y tế yêu cầu:

Điều 8. Lưu giữ chất thải y tế

Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại tại khu lưu giữ chất thải trong cơ sở y tế thực hiện thống nhất theo quy định của Thông tư này và phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Có thành cứng, không bị bục vỡ,rò rỉ dịch thải trong quá trình lưu giữ chất thải;

b) Có biểu tượng loại chất thải lưu giữ theo quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải lây nhiễm phải có nắp đậy kín và chống được sự xâm nhập của các loài động vật;

d) Dụng cụ, thiết bị lưu chứa hóa chất thải phải được làm bằng vật liệu không có phản ứng với chất thải lưu chứa và có khả năng chống được sự ăn mòn nếu lưu chứa chất thải có tính ăn mòn. Trường hợp lưu chứa hóa chất thải ở dạng lỏng phải có nắp đậy kín để chốngbay hơi và tràn đổchất thải.

Chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường phải lưu giữ riêng tại khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế.
Chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm phải lưu giữ riêng trừ trường hợp các loại chất thải này áp dụng cùng một phương pháp xử lý.
Chất thải y tế thông thường phục vụ mục đích tái chế và chất thải y tế thông thường không phục vụ mục đích tái chế được lưu giữ riêng.

Tại khu vực lưu giữ chất thải nguy hại, chất thải y tế được để trong thùng không có nắp đậy

Để thông tin đa chiều khách quan, PV Moitruong.net.vn đã đặt lịch làm việc với Bệnh viện Dệt may nhưng đều nhận được sự bất hợp tác từ đơn vị này.

Tại Điều 3 của quyết định số 172/QĐ-STNMT về việc phê duyệt đề án bảo vệ môi trường Chi tiết đối với Bệnh viện Dệt May được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phê duyệt ngày 29/03/2013 đã nêu rất rõ: Ủy nhiệm Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường trong đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được duyệt. Quy định là thế nhưng việc Chi cục Bảo vệ môi trường có thực hiện đúng theo sự chỉ đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường hay không thì đó vẫn đang là một ẩn số? Câu hỏi này xin gửi tới lãnh đạo Sở cần có sự vào cuộc kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của chi Cục bảo vệ môi trường trong việc thực hiện, giám sát Bệnh viện Dệt May trong việc thực hiện những quy định của Luật bảo vệ môi trường để có câu trả lời dư luận được rõ.

Ngoài ra, liên quan đến công tác kiểm tra, quản lý nghiệm thu PCCC của Bệnh viện Dệt may, trao đổi với PV Trung tá Nguyễn Hải Hưng – Đội trưởng Đội cảnh sát PCCC&CNCH – Công an quận Hai Bà Trưng cho biết: Bệnh viện Dệt may có 3 đơn nguyên A,B và C. Đơn nguyên A&C tồn tại từ trước khi Luật PCCC có hiệu lưc, đơn nguyên B được Bệnh viện nâng cấp, sửa chữa thêm một số hạng muc. Vì vậy, tháng 8/2007 đơn nguyên B đã được Phòng Cảnh sát PCCC nghiệm thu PCCC theo quy định. Bệnh viện đã lập phương án PCCC cơ sở và tổ chức tập huấn PCCC cho 17 cán bộ. Định kì hằng năm đều tổ chức diễn tập về PCCC và đầu tư hệ thống chữa cháy như: Vòi rồng, bình chữa cháy, trụ nước chữa cháy…

Trung tá Nguyễn Hải Hưng – Đội trưởng Đội cảnh sát PCCC&CNCH – Công an quận Hai Bà Trưng làm việc với PV Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn

Được giới thiệu là Bệnh viện đã có thương hiệu và có tên trong danh mục của Bộ Y tế, được Cục điều trị của Bộ Y tế quản lý về nghiệp vụ và các cục, vụ chuyên môn khác tham gia quản lý y tế ngành. Thế nhưng với những tồn tại, vi phạm của Bệnh viện Dệt may trong thực hiện Luật bảo vệ môi trường, lưu giữ chất thải y tế, Bộ Y tế cần xem xét lại công tác quản lý đối với Bệnh viện Dệt may. Vậy câu hỏi mà dư luận đặt ra, trong suốt quá trình từ khi Bệnh viện Dệt May được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường chi tiết thì phía Sở đã khi nào đi kiểm tra công tác hậu kiểm của Bệnh viện này hay chưa? Vì sao Bệnh viện Dệt may đi vào hoạt động hơn một thập kỷ đến nay chưa được Cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường mà không bị Sở tài nguyên và Môi trường vào cuộc kiểm tra và xử lý? Có điều gì “uẩn khúc” ở đây chăng?

Để thượng tôn pháp luật, thiết nghĩ UBND Tp. Hà Nội cần nhanh chóng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế Hà Nội, UBND quận Hai Ba Trưng và các cơ quan liên quan kịp thời vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm của Bệnh viện Dệt may và làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc buông lỏng quản lý để sai phạm của Bệnh viện Dệt may kéo dài suốt nhiều năm mà không bị xử lý.

Nguồn: Internet

Tin cùng loại