Việt Nam vẫn dựa vào nhiệt điện than để cố gắng duy trì giá điện thấp và thúc đẩy sản xuất. Nhưng thực tế, ngoài chi phí thiệt hại môi trường bị bỏ qua mà xã hội phải tự gánh chịu, chính sách nhiệt điện than giá rẻ còn dẫn đến hậu quả càng ngày càng phụ thuộc sâu hơn vào nhiệt điện than. Không chỉ thế, chính sách này còn gián tiếp tạo áp lực liên tục lên nguồn cung điện và du nhập công nghệ lạc hậu từ nước ngoài.
Nhiệt điện than không hề rẻ!
Theo phân tích trong bài Mỗi năm nhiệt điện than “ăn” vào môi trường gần 4,5 tỉ đô la đăng trên TBKTSG số ra ngày 3-12-2020, các nhà máy nhiệt điện than đang được hưởng trợ thuế bảo vệ môi trường (BVMT) gần 102.000 tỉ đồng, tương đương 4,4 tỉ đô la Mỹ trong năm 2019. Không chỉ thế, nhiệt điện than cũng gây ra thiệt hại do ô nhiễm không khí đến 104.000 tỉ đồng, tương đương 4,5 tỉ đô la mỗi năm.
Theo Cục Điều tiết điện lực (baodautu.vn), lượng điện than phát lên lưới năm 2019 là 132 tỉ kWh. Tính trung bình, tiền trợ thuế BVMT mà nhiệt điện than đang được hưởng là 770 đồng/kWh. Tương tự, thiệt hại mà nhiệt điện than gây ô nhiễm không khí là 780 đồng/kWh.
Giá nhiệt điện than năm 2019 mà Bộ Công Thương ban hành là 1.677- 1.896 đồng/kWh, trung bình 1.787 đồng/kWh (www.evn.com.vn). Chưa cần tính những chi phí môi trường trên, giá nhiệt điện than đã cao hơn mức giá cao nhất của điện khí mà tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang bán cho tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là tại Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2, ở mức 1.603 đồng/kWh(www.stockbiz.vn). Giá nhiệt điện than cũng cao hơn giá điện mặt trời mặt đất và mặt nước.
Nếu tính sòng phẳng thuế BVMT hoặc thiệt hại môi trường vào chi phí phát điện, giá nhiệt điện than lên đến 2.560 đồng/kWh. Nghĩa là nếu tính đúng, giá nhiệt điện than phải gấp 1,4 lần so với mức “giá rẻ cưỡng bức” hiện nay, và gấp 1,3 lần đơn giá điện bình quân năm 2019. Không chỉ có vậy, nếu tính đúng thì nhiệt điện than đang có giá đắt nhất trong tất cả các nguồn điện hiện nay (hình 1).
Theo xu thế giảm giá của điện mặt trời và điện gió trên toàn cầu, Việt Nam cũng đang có lộ trình giảm giá mua từ hai nguồn điện này thông qua cơ chế đấu thầu. Trong ngắn hạn, Bộ Công Thương đã đề xuất giá mua bán điện gió đối với dự án vận hành từ tháng 11-2021 đến tháng 12-2022 là 7,02 UScent/kWh (1.627 đồng/kWh) cho dự án trên bờ và 8,47 UScent/kWh (1.963 đồng/kWh) cho dự án trên biển. Trong năm 2023, giá điện gió tương ứng giảm xuống còn 6,81 UScent (1.578 đồng/kWh) và 8,21 UScent/kWh (1.903 đồng/kWh)(baogiaothong.vn). Nghĩa là dự kiến chưa đầy một năm nữa, giá mua điện gió trên bờ sẽ rẻ hơn giá mua nhiệt điện than ngay cả khi chưa tính chi phí môi trường!
Có ý kiến cho rằng, Việt Nam sẽ đầu tư vào nhiệt điện than công nghệ hiện đại nên không có gì phải lo ngại về ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, suất đầu tư cao ngất ngưởng của nhiệt điện than công nghệ hiện đại cho thấy luận điểm đó là phi thực tế. Cụ thể, số liệu của Viện Năng lượng cho thấy suất đầu tư của nhiệt điện than công nghệ siêu tới hạn là 1,814 triệu đô la/MW và của công nghệ trên siêu tới hạn lên đến 1,998 triệu đô la/MW, tức là gấp đôi so với suất đầu tư điện khí. Ngay cả công nghệ nhiệt điện than lạc hậu nhất là cận tới hạn, mà thế giới đang từ bỏ, đã lên đến 1,515 triệu đô la/MW, gấp 1,6 lần suất đầu tư điện khí (hình 2)!
Viện Năng lượng dự báo giá khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu để chạy nhiệt điện khí khoảng 8-12 đô la/triệu BTU. Với mức giá LNG đầu vào là 8,62 đô la/triệu BTU, dự án LNG Quảng Ninh (baodautu.vn) đang đề xuất giá điện 8,75 UScent/kWh. Mức giá này cao hơn chỉ 8% so với giá nhiệt điện than (nhập khẩu than) với công nghệ siêu tới hạn mà chưa tính chi phí môi trường năm 2019. Nếu sử dụng công nghệ trên siêu tới hạn với suất đầu tư cao hơn 10% so với công nghệ siêu tới hạn, có thể khẳng định rằng nhiệt điện than không có cửa cạnh tranh với điện khí từ nguồn LNG nhập khẩu.
Nguồn: Greenid