Việc “đổ tội” cho điện gió và mặt trời gây ảnh hưởng đến vận hành các nguồn nhiệt điện than, khí, không những không có cơ sở mà ngược lại còn cho thấy tư duy “lỡ phóng lao phải theo lao”.
Tài chính điện than đang cạn kiệt
Nhật Bản và Hàn Quốc, hai trong ba quốc gia từng có tài trợ cho nhiệt điện than Việt Nam đã cam kết chấm dứt tài trợ. Vậy, nguồn vốn từ đâu để xây dựng 27 nhà máy điện than theo dự thảo Quy hoạch điện VIII?
Thực tế, theo tổng hợp của Trung tâm phát triển Sáng tạo xanh (GreenID), có đến 18 dự án, tương đương hai phần ba số lượng nhà máy và công suất trên tổng số 27 nhà máy dự kiến xây dựng là hoàn toàn chưa tiếp cận được tài chính. Hàng loạt dự án điện than chậm tiến độ vì thiếu vốn trong thời gian qua có vẻ như chưa đủ để những nhà hoạch định chính sách tại Bộ Công Thương thức tỉnh cơn mê điện than.
Với cam kết chấm dứt tài trợ điện than của Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể nhìn thấy một tương lai “đen như than” của các dự án này cũng như số phận của bản Quy hoạch điện VIII nếu tiếp tục ưu ái điện than.
Điện than “sẽ thành dĩ vãng” sau COP26?
Phát thải khí nhà kính của Việt Nam đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 10 năm qua, so với mức tăng trung bình của thế giới là 15%. Theo Our World in Data than đá là thủ phạm chính khi đóng góp đến 54% lượng phát thải do đốt nhiên liệu hóa thạch. Với kế hoạch xây thêm 27 nhà máy nhiệt điện than trong vòng 15 năm tới, phát thải khí nhà kính của Việt Nam chắc chắn sẽ tăng lên tương ứng, đi ngược lại với nỗ lực của cộng đồng quốc tế về cắt giảm phát thải.
Theo Hiệp định Khí hậu Paris 2015 mà Việt Nam là một thành viên tham gia ký kết, thế giới đã thống nhất cắt giảm phát thải nhằm giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C trong thế kỷ này và theo đuổi các nỗ lực giữ cho nhiệt độ không tăng quá 1,5 độ C. Thực tế, cam kết khí hậu của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế được xem là “cực kỳ bất hợp lý” (critically insufficient), theo đánh giá của Climate Action Tracker.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), ông Jim Yong Kim 5 năm trước từng nhận định “Nếu Việt Nam tiếp tục phát triển thêm 40.000 MW điện than, nếu toàn bộ khu vực thực hiện các kế hoạch xây thêm điện than tại thời điểm này. Mọi thứ sẽ chấm dứt và đó sẽ là thảm họa cho nhân loại và hành tinh của chúng ta”.
Kể từ Hiệp định Paris năm 2015, số dự án điện than được đề xuất xây mới đã bị loại bỏ đến 76% trên toàn cầu. Hiện nay, đã có 44 quốc gia cam kết không xây dựng thêm nhà máy điện than mới và 40 quốc gia khác hiện cũng đang sẵn sàng cam kết tương tự sau khi hủy bỏ các dự án nhà máy điện than đã được đề xuất trước đó.
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc, ông António Guterres kêu gọi tất cả các Chính phủ, các công ty và chính quyền địa phương “chấm dứt cơn nghiện than chết người” bằng cách hủy bỏ tất cả các dự án điện than toàn cầu. Ông nói rõ, việc loại bỏ dần nhiệt điện than là “bước quan trọng nhất duy nhất để đạt được mục tiêu 1,5 độ C của Hiệp định Paris”.
Quy hoạch điện VIII đi vào "vết xe đổ" nhiệt điện than mà thế giới đã và đang từ bỏ, đồng thời quay lưng lại với thành quả chuyển dịch sang năng lượng sạch bước đầu mà Việt Nam đã đạt được trong hai năm qua. Những trái khoáy đó cần phải được loại bỏ và điều chỉnh kịp thời để cùng chiều với cuộc cách mạng năng lượng sạch mà thế giới đang triển khai ở tốc độ và quy mô không thể cưỡng lại.
Nguồn: Internet