TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Tin tức » Hoàn thiện lại Quy hoạch Điện VIII thế nào?

Hoàn thiện lại Quy hoạch Điện VIII thế nào?

13:21 | 23/04/2023
Theo nhận định của các chuyên gia, dự thảo Quy hoạch Điện VIII cần được hoàn thiện lại theo hướng phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ nhanh hơn - đúng thông điệp của Việt Nam tại COP 26.
Cần phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ nhanh hơn
 
Văn phòng Chính phủ vừa phát thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về Quy hoạch Điện VIII (ngày 5.11).
 
Đây là lần thứ ba từ đầu năm, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện lại quy hoạch này. Trong đó, yêu cầu Bộ Công Thương cần rà soát quy hoạch phát triển nguồn điện, phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26.
 
Nhận định về dự thảo Quy hoạch Điện VIII, trao đổi với Lao Động, ông Sean Huang - Quản lý Phát triển của Copenhagen Offshore Partners (COP), đơn vị đang tham gia phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn cho biết, do những thách thức trong việc cung cấp nguồn tài chính cho nhiệt điện, dự thảo Quy hoạch Điện VIII cần xem xét điều chỉnh lại theo hướng phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ nhanh hơn.
 
Bởi, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển loại hình năng lượng xanh, bền vững này. Theo đó, để tận dụng tối đa tiềm năng này, Quy hoạch Điện VIII cần đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn cho ngành điện gió ngoài khơi đến năm 2030.
 
"Chúng tôi cho rằng, Chính phủ nên áp dụng ưu đãi giá FIT đối với các dự án điện gió ngoài khơi thí điểm cho một số công suất nhất định. Chẳng hạn như 5GW - trước khi chuyển sang đấu thầu; thay vì cơ chế chuyển đổi theo khung thời gian định sẵn", ông Sean Huang cho hay.
 
 
Việc phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch, theo ông Sean Huang  sẽ khiến Việt Nam có thể gặp rủi ro về "nguy cơ thiếu điện". Trung Quốc, Ấn Độ là "bài học nhãn tiền" khi đang phải "vật lộn" với cuộc khủng hoảng năng lượng do phụ thuộc quá nhiều vào nhiệt điện, trong khi nguồn cung than đá lại thiếu trầm trọng.
 
"Sự biến động của giá than và khí thiên nhiên hóa lỏng trên thị trường toàn cầu là một thách thức đối với Việt Nam trong việc quản lý hoạt động và cân bằng giữa chi phí nhiên liệu và hiệu quả thời kỳ hậu COVID.
 
Chính vì vậy, việc gia tăng các nguồn năng lượng ít phụ thuộc hơn vào nhiên liệu hóa thạch, tức là năng lượng tái tạo và phát triển hệ thống lưới điện thông minh hơn với các hệ thống lưu trữ năng lượng sẽ giúp Việt Nam khắc phục và giảm thiểu rủi ro về an ninh năng lượng", ông Sean Huang nêu quan điểm.
 
Cần đóng cửa sớm các nhà máy điện than
 
Còn ông Chu Bá Thi - chuyên gia năng lượng của World Bank (WB) nhận định, để đảm bảo an ninh năng lượng và mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 - cần tích hợp năng lượng tái tạo ở mức cao hơn.
 
Chuyên gia này đưa ra lộ trình giảm thải nhà kính với 3 kịch bản. Kịch bản cơ sở có tỉ lệ tăng điện than 3 lần vào 2030. Kịch bản 2 là tỉ lệ điện than tăng 2 lần 2030 và kịch bản 3 là điện than đạt đỉnh vào năm 2025, sau đó giảm dần để hoàn thành mục tiêu phát thải ròng 0% năm 2050.
 
Ở kịch bản 3, mức giảm phát thải 80% khi thay thế hết điện than bằng năng lượng tái tạo và công suất của các nguồn dự trữ. Ở kịch bản này cần phải đóng cửa sớm các nhà máy điện than với công suất 18 MW.
 
Theo đánh giá của WB, Việt Nam có lợi thế về tiềm năng năng lượng tái tạo thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Đó là những nguồn năng lượng có thể đảm bảo  trong việc cung cấp điện cho Việt Nam.
 
Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, trong thời gian tới, nguồn điện sẽ được chuyển dịch theo tập trung khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo với cơ cấu hợp lý.
 
Cụ thể, sẽ gia tăng tỉ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo lên khoảng 11,9-13,4% năm 2030 và khoảng 26,5-28,4% năm 2045. Đồng thời, giảm tỉ lệ điện năng sản xuất từ nguồn điện than trong cơ cấu sản xuất, từ 44,2-45,5% năm 2030 xuống 27,4-32,4% năm 2045.
 
"Việc chuyển dịch nguồn năng lượng để phát triển bền vững là một lộ trình nhiều khó khăn đối với Việt Nam. Chính vì vậy, cần có sự hỗ trợ về công nghệ, tài chính của các quốc gia, tổ chức trên thế giới, ông Hùng nói.
 
Nguồn: Internet
Tin cùng loại