TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Tác động của bụi amiăng đến sức khỏe con người và môi trường, đề xuất giải pháp kiểm soát (kì 2)

Tác động của bụi amiăng đến sức khỏe con người và môi trường, đề xuất giải pháp kiểm soát (kì 2)

01:32 | 23/04/2023

3. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kiểm soát amiăng
 
Năm 2014, Văn phòng Chính phủ ra thông báo số 7307/VPCP-KGVX ngày 19/9/2014 về triển khai đánh giá và kiểm soát tác hại vật liệu amiăng trắng đến sức khỏe con người. Theo đó, giao các Bộ: Xây dựng, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, TN&MT nghiên cứu, áp dụng kinh nghiệm quản lý quốc tế và tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động sản xuất và sử dụng amiăng trắng tại môi trường làm việc; điều kiện an toàn, bảo hộ lao động; điều kiện và tiêu chí bệnh nghề nghiệp; tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; quy định về xử lý môi trường với các sản phẩm thải bỏ có chứa amiang trắng là chất thải nguy hại”. Năm 2017, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 7232/VPCP-KGVX ngày 11/7/2017 giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ/ngành liên quan đề xuất cụ thể lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng phù hợp với việc tìm vật liệu tấm lợp thay thế, đáp ứng yêu cầu và khả năng chi trả của người dân tại các khu vực khó khăn. Văn phòng Chính phủ cũng đã giao Bộ Y tế phối hợp với các bộ/ngành liên quan xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng giai đoạn 2020 và định hướng đến năm 2030, đảm bảo toàn diện, khoa học, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và các thông lệ quốc tế, trong đó cần xác định rõ biện pháp xử lý sản phẩm thải bỏ có chứa amiăng trắng và các biện pháp giảm thiểu tác động của amiăng trắng đối với sức khỏe người dân và môi trường Việt Nam. Năm 2018, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng dự thảo lộ trình dừng sử dụng amiăng vào năm 2023 trình Chính phủ phê duyệt. Cũng trong năm 2018, tại Hội nghị tổng kết của ngành xây dựng 16/01/2018, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về dừng sử dụng amiăng trắng chậm nhất vào năm 2023. Trên cơ sở đó, xin đề xuất một số giải pháp kiểm soát amiăng:
 
     Đối với người lao động:Cần thực hiện quy định an toàn lao động và có biện pháp phòng ngừa với một số ngành nghề công việcđang còn phải tiếp xúc với amiăng như: Sản xuất vật liệu xây dựng tấm lợp amiăng; tán, nghiền, sàng và thao tác khô với quặng hoặc đá có amiăng; chải sợi, kéo sợi và dệt vải amiăng; làm cách nhiệt bằng amiăng; Tháo dỡ các công trình xây dựng có sử dụng amiăng; thao tác khô với amiăng trong kỹ nghệ chế tạo ximăng amiăng; chế tạo các loại bộ phận má phanh ô tô, bìa giấy bằng amiăng….
 
Ngoài ra, cần cử dụng các loại trang thiết bị phòng hộ cá nhân đúng tiêu chuẩn chất lượng (quần áo, giầy dép, khẩu trang); Không hút thuốc, ăn uống tại nơi làm việc; Tắm rửa thay quần áo tại nơi lao động, không mang quần áo bẩn về nhà để giặt rũ; Định kỳ khám, chụp phim X quang phổi, đo chức năng hô hấp để kiểm tra sức khỏe và phát hiện sớm bệnh có liên quan đến amiăng…Khi có các dấu hiệu của bệnh liên quan đến amiăng, cần thông báo ngay cho cơ quan y tế (các biểu hiện thường gặp khi mắc bệnh như: Đau tức ngực và khó thở, đau tức ngực khi gắng sức là hai triệu chứng chính của bệnh; ho kéo dài; lúc đầu ho khan, sau ho kèm theo khạc đờm; ho ra máu, thở khò khè…).
 
     Đối với người dân:Nếu gia đình đang còn sử dụng tấm lợp xi măng amiăng thì không tự ý tháo dỡ, vứt bỏ vật liệu chứa amiăng, mà cần có tư vấn của cơ quan môi trường địa phương, không dùng các tấm có chứa amiăng vỡ để lát đường, làm chuồng trại. Nếu sống gần các nhà máy sản xuất các vật liệu chứa amiăng (tấm lợp, má phanh…), khi có các biểu hiện bệnh do bụi amiăng cần đi khám và báo cho các cơ quan có thẩm quyền (môi trường, y tế) để kiểm tra, xử lý và điều trị bệnh kịp thời.
 
Mặt khác, phải ngừng sử dụng tất cả các loại amiăng; thay thế amiăng bằng các vật liệu an toàn hơn và áp dụng các cơ chế kinh tế và công nghệ để kích thích sản xuất và áp dụng các vật liệu thay thế; Thực hiện các biện pháp ngăn ngừa phơi nhiễm với amiăng tại nơi sản xuất, sử dụng và trong quá trình loại bỏ amiăng; Nâng cao kỹ thuật chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng sớm cho các bệnh liên quan đến amiăng;Thiết lập các trung tâm nguồn dữ liệu amiăng để đăng ký, theo dõi và giám sát điều trị cho những người bị phơi nhiễm với amiăng; Nâng cao nhận thức của cộng đồng về những tác hại của amiăng để biết cách phòng, tránh; Các cơ quan quản lý cần xác định chất thải có chứa amiăng là chất thải nguy hại để có biện pháp hữu hiệu khi xử lý.
 
Nguồn: Internet
Tin cùng loại