Bạo lực hoàn toàn không thể chấm dứt nếu chỉ dựa vào hành vi "tự xử" bất chấp pháp luật của một số người.
Thông tin đối tượng Lê Tấn Thành (29 tuổi, ngụ ở Bình Dương) bị khởi tố điều tra vì đã đánh trọng thương một nữ sinh sau khi va chạm giao thông khiến dư luận rất đồng tình. Tính côn đồ và hành vi bạo lực cần được nghiêm trị để răn đe những kẻ thích sử dụng nắm đấm để đối thoại mỗi khi xảy ra xích mích, va chạm nhỏ trên đường.
Đáng nói là sau khi clip về hành động nhẫn tâm của Lê Tấn Thành bị tung lên mạng, rất nhiều người đã tìm đến nơi ở của đối tượng và hành hung. Cái sai của một người dễ dàng khơi lên cơn phẫn nộ của cả cộng đồng và một số người đã nhân danh "công lý", "chính nghĩa" và "lương tri" để "nói chuyện" bằng nắm đấm với kẻ xấu.
Câu chuyện hôm nay một lần nữa khiến chúng ta trăn trở nhớ lại vụ việc cách đây vài tháng. Một người cha đánh con từ 2 năm trước, sau khi clip bị tung lên mạng, một nhóm người nhanh chóng tìm đến dạy bảo bằng cách đánh người cha và hả hê với clip người cha quỳ gối xin lỗi vì tin rằng đã làm được một việc tốt.
Chúng ta hoàn toàn không thể dùng hàng loạt hành vi sai trái để xử lý một hành vi xấu trước đó. Bởi làm vậy không khác nào đang hành xử một cách hung hãn và bạo lực. Muốn chấm dứt bạo lực, phải có tiếng nói mạnh mẽ của cộng đồng và chế tài xử phạt nghiêm minh của pháp luật. Bạo lực hoàn toàn không thể chấm dứt nếu chỉ dựa vào hành vi "tự xử" bất chấp pháp luật của một số người.
Sẽ thế nào nếu các clip chưa rõ thực hư, chưa tường đúng sai cứ tung lên mạng và nhiều người vin vào cái cớ "thay trời hành đạo" để ra tay xử tội người khác một cách mù quáng và mất hết nhân tính như thế?
Xin hãy nhớ rằng ranh giới giữa "phản biện nhân danh công lý" và "hành động nhân danh chính nghĩa" với lối hành xử mông muội, hung hãn, côn đồ hết sức mong manh. Vì vậy, khi đám đông nhân danh "công lý" và "chính nghĩa" để hành xử theo kiểu bầy đàn, tự xử, luật rừng thì nguy cơ mất an ninh trật tự trong cộng đồng ngày càng cao.
Nguồn: NLĐ