TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Kinh nghiệm quốc tế » Tranh cãi về việc Trung Quốc tiêm chủng khẩn cấp vaccine SARS-CoV-2 cho dân chúng tỉnh Chiết Giang

Tranh cãi về việc Trung Quốc tiêm chủng khẩn cấp vaccine SARS-CoV-2 cho dân chúng tỉnh Chiết Giang

21:49 | 26/04/2023

Theo BBC (tiếng Trung) ngày 22/10, tại thành phố Nghĩa Ô, nơi nổi tiếng thế giới với khu chợ bán buôn các mặt hàng nhỏ, cảnh tượng người dân xếp hàng rồng rắn chờ tiêm chủng cho thấy công chúng có nhu cầu mạnh mẽ đối với loại vaccine được coi là “thuốc diệt SARS-CoV-2”. Vào thời điểm khi các quốc gia Âu Mỹ đang trải qua đợt làn sóng dịch thứ hai với số lượng người nhiễm COVID-19 mới liên tục đạt mức kỷ lục mới, việc tiêm chủng vaccine ngừa SARS-CoV-2 là điều không tưởng và không thể có ở nước khác.

Điều đáng chú ý là vaccine do tỉnh Chiết Giang cung cấp lần này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ III và chưa được phép đưa ra thị trường. Sự an toàn và rủi ro của tiêm chủng tự nguyện như thế nào? Rủi ro của việc nghiên cứu phát triển vaccine và tiêm chủng thử nghiệm của Trung Quốc liệu có được thông tin đầy đủ không? Tại sao các nước Âu Mỹ, nơi có dịch nặng hơn Trung Quốc lại không khởi động tiêm phòng khẩn cấp?

Các chuyên gia cho rằng rủi ro khi tiêm vaccine chưa hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III còn lớn hơn nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 mới. Rất có thể tiêm loại vaccine này “lợi bất cập hại”.
Tại sao lại là Chiết Giang?

Ngoài Nghĩa Ô, các thành phố Gia Hưng và Thiệu Hưng ở Chiết Giang cũng thông báo các quần thể trọng điểm có thể được tiêm chủng khẩn cấp loại vaccine SARS-CoV-2. Chiết Giang là tỉnh ngoại thương lớn của Trung Quốc, đặc biệt là Nghĩa Ô, đảm nhận vai trò trung tâm và đầu mối trao đổi hàng hóa nhỏ và thương mại toàn cầu.

Khi một phóng viên BBC đến thăm Nghĩa Ô để phỏng vấn, một người dân đang chờ tiêm vaccine đã nói “rất đáng để mạo hiểm”. Là một doanh nhân, công ty của ông ta ở Tây Phi đang thua lỗ mỗi ngày và ông muốn sang đó càng sớm càng tốt.

Người dân này đại diện cho phần lớn những người được tiêm phòng đầu tiên ở Nghĩa Ô lần này. Hoạt động kinh doanh của họ ở khắp các châu lục khác nhau trên toàn cầu; ở một số quốc gia và khu vực, tại thời điểm này dịch bệnh vẫn rất nghiêm trọng, thậm chí chưa được kiểm soát. Họ cấp thiết muốn tiêm chủng để đi chăm sóc doanh nghiệp của mình.

Kim Đông Nhạn, giáo sư Khoa Hóa sinh tại Học viện Y khoa Lý Gia Thành thuộc Đại học Hồng Kông, rất thận trọng với việc tiêm chủng các loại vaccine chưa được kiểm nghiệm về mức độ an toàn vào thời điểm này. Ông nói với BBC tiếng Trung: “Trung Quốc đã ma quỷ hóa dịch COVID-19 ở các nước phương Tây, và mô tả dịch bệnh ở Mỹ và châu Âu giống như địa ngục trần gian. Những người này sau khi tiêm phòng và đi ra ngoài làm như thể họ đã được cứu sống. Dịch bệnh ở Mỹ và châu Âu là nghiêm trọng, nhưng không đến mức phù hợp với việc tiêm chủng khẩn cấp”.
“Sử dụng khẩn cấp bị lạm dụng”

Tỉnh Chiết Giang coi vaccine SARS-CoV-2 là tiêm chủng khẩn cấp. Khái niệm tiêm chủng khẩn cấp bắt đầu xuất hiện trong mắt công chúng hồi tháng 7/2020.

Kể từ tháng 7, Trung Quốc đã bắt đầu khởi động sử dụng khẩn cấp và tiêm chủng vaccine SARS-CoV-2. Vào thời điểm đó, ông Trịnh Trung Vĩ, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ thuộc Ủy ban Y tế & Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc nói, Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng khẩn cấp vaccine SARS-CoV-2 trên cơ sở tự nguyện, được thông báo và đồng ý với những người có nguy cơ phơi nhiễm cao như nhân viên y tế ở tuyến đầu và những người công tác ở cửa khẩu biên giới.

Trung Quốc tuyên bố việc họ sử dụng khẩn cấp vaccine SARS-CoV-2 dựa trên “Luật quản lý vaccine” và “Luật quản lý dược phẩm”. Sau khi khởi động, nó đã được luận chứng và phê duyệt ở nhiều cấp để đáp ứng các quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), được văn phòng đại diện WHO ở Bắc Kinh công nhận và ủng hộ.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới đã bị những người bên ngoài Trung Quốc chỉ trích vì vai trò của tổ chức này trong đại dịch COVID-19 lần này là luôn ủng hộ Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Trump còn cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới đã trở thành “con rối của Trung Quốc”.

Giáo sư Kim Đông Nhạn cho rằng giai đoạn thứ ba của quá trình thử nghiệm vaccine SARS-CoV-2 vẫn chưa hoàn thành và việc tiêm chủng cho người khỏe mạnh bằng những loại vaccine như vậy không phù hợp các yêu cầu về đạo đức y học và Trung Quốc đã lạm dụng định nghĩa của “sử dụng khẩn cấp”.

Ông giải thích: “Giống như trong thời gian trận dịch quy mô lớn ở Vũ Hán, hệ thống y tế đã sụp đổ và một số lượng lớn người đã chết. Trong trường hợp này, vaccine vẫn chưa hoàn thành giai đoạn III. Việc sử dụng vaccine có thể cứu được một số lượng lớn sinh mạng; nó có thể được sử dụng vào thời điểm đó. Nhưng Trung Quốc hiện nay (về cơ bản) không có dịch bệnh và không đáp ứng các điều kiện sử dụng”.

Ông cho rằng cách làm của Trung Quốc tại thời điểm này “về cơ bản đã phủ nhận hệ thống thẩm định, phê duyệt dược phẩm và vaccine của Trung Quốc kể từ khi cải cách và mở cửa, quay trở lại trình độ của Liên Xô cũ hoặc trước khi Trung Quốc cải cách và mở cửa. Điều này rất có hại cho việc phát triển dược phẩm và vaccine của Trung Quốc. Bây giờ họ đang tự phá hủy bức Trường Thành”.
Bị lợi nhuận sai khiến

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, chi phí tiêm chủng mở rộng loại vaccine SARS-CoV-2 ở Chiết Giang là 200 Nhân dân tệ (khoảng 700 ngàn VND) cho mỗi mũi tiêm và công chúng cần phải tiêm hai mũi bằng chi phí của mình. Nguồn cung cấp vaccine hiện có ở Nghĩa Ô đã ngừng và các quan chức đang khuyến cáo người dân không đến Nghĩa Ô để tiêm nữa. Chính quyền cho biết, đợt tiêm phòng ở Nghĩa Ô lần này nhằm tìm hiểu nhu cầu của người dân.

Trung Quốc đang thăm dò phản ứng của dân chúng về giá cả của vaccine. Trước đó, theo tờ South China Morning Post của Hong Kong, hai loại vaccine bất hoạt của Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc đang xin cấp phép của cơ quan Quản lý Dược phẩm Trung Quốc. Nếu được phê duyệt, mỗi mũi tiêm vaccine có thể được định giá cao nhất là 600 NDT (88 USD). Trước đó, Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc đã tuyên bố rằng giá của hai mũi tiêm không vượt quá 1.000 NDT (3,5 triệu VND).

So với việc mua vaccine trên toàn cầu và chính sách chi trả của chính phủ Mỹ cho người dân Mỹ, chính sách tiêm chủng tự trả chi phí hiện tại của Trung Quốc đã chịu rất nhiều chỉ trích, người dân đã kêu gọi đưa nó vào bảo hiểm y tế của Trung Quốc. Nói cách khác, mọi người dân mong đợi chính phủ Trung Quốc chi trả việc tiêm phòng vaccine SARS-CoV-2.

Sau đó, chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố vaccine là sản phẩm công cộng và việc định giá chúng không dựa trên cung và cầu mà dựa trên giá thành.

Ông Trịnh Trung Vĩ nói tại cuộc họp báo về Cơ chế Phòng ngừa và Kiểm soát chung của Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 20/10: “Dù thế nào đi nữa, giá của loại vaccine SARS-CoV-2 phải nằm trong phạm vi chấp nhận được của công chúng”.

Người ta ước tính rằng đến cuối năm nay, năng lực sản xuất vaccine SARS-CoV-2 hàng năm của Trung Quốc sẽ đạt 610 triệu liều. Điều đáng chú ý là vaccine ở Nghĩa Ô và Gia Hưng đến từ Công ty TNHH Công nghệ sinh học Khoa Hưng Trung Duy Bắc Kinh. Công ty này đang thực hiện các nghiên cứu lâm sàng giai đoạn III bên ngoài Trung Quốc, tức là chưa được phê chuẩn đưa ra thị trường.
Ông Kim Đông Nhạn nhận xét: “Họ (các nhà sản xuất vaccine) không thể chờ đợi được nữa. Quy mô (vaccine) thực sự rất lớn và nhà nước có thể bao trọn nó và sau đó họ sẽ không thể kiếm được nhiều tiền. Bây giờ tiêm vaccine họ có thể kiếm được nhiều tiền, vì vậy hẳn họ đã được thúc đẩy bởi lợi nhuận. Rõ ràng là họ bán vaccine cho những người ra nước ngoài làm ăn, du học để nhân cơ hội thu lại chi phí. Hiện tại vaccine SARS-CoV-2 không phải là vaccine loại 1 do nhà nước Trung Quốc quản lý mà là vaccine loại 2 nên các nhà sản xuất có thể kiếm tiền”. “Trung Quốc hiện đã mở lối để các hãng bào chế vaccine kiếm tiền, rất nguy hiểm”, ông nói.

Nhưng ông cũng nhắc nhở, hầu hết những người khỏe mạnh chọn tiêm vaccine đều là những người trẻ khỏe, có sức miễn dịch mạnh, nếu bị nhiễm SARS-CoV-2 thì khả năng cao là không có triệu chứng hoặc rất nhẹ, khả năng bị nặng là rất thấp. Tuy nhiên, nếu tiêm chủng loại vaccine chưa hoàn thành thử nghiệm giai đoạn III, loại vaccine này có thể vô hiệu và không có tác dụng bảo vệ và khi virus xâm nhập, tình trạng nhiễm bệnh có thể trầm trọng hơn.

Nguy cơ rủi ro của vaccine SARS-CoV-2

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, trước khi tiêm chủng, công chúng sẽ phải ký vào một mẫu đơn cam kết đã được thông báo cho việc tiêm chủng vaccine SARS-CoV-2, chấp nhận các phản ứng xấu ngoài ý muốn. Có thể xảy ra đau, nhức, đỏ, sưng và ngứa tại chỗ tiêm hoặc sốt. Các phản ứng ngoài ý muốn hiếm gặp gồm nhiễm khuẩn cục bộ, phát ban dị ứng, sốc phản vệ, v.v. .

Theo báo Trung Quốc Tin tức Bắc Kinh, có tới 734.000 người ở Chiết Giang đã tự nguyện tiêm chủng vaccine SARS-CoV-2 kể từ tháng 9 tới nay.

Các chuyên gia cho rằng, nhìn bề ngoài thì có vẻ như họ đã hoàn thành nghĩa vụ thông báo rủi ro, nhưng việc thông báo rủi ro chưa đủ minh bạch và chi tiết, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Thách thức về tính an toàn của vaccine SARS-CoV-2

Hiện nay, mặc dù trên thế giới nhiều vaccine đã được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III, nhưng vẫn chưa có loại nào được phép lưu hành trên thị trường. Trong giai đoạn thứ ba của nghiên cứu, vaccine do Đại học Oxford ở Anh và hãng dược AstraZeneca hợp tác phát triển đã được khôi phục sau khi phải tạm ngừng thử nghiệm vào tháng 9 do một người tham gia đã mắc chứng bệnh không thể giải thích được.

Vào ngày 12/10, Công ty Johnson & Johnson của Mỹ thông báo họ đã đình chỉ các thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine SARS-CoV-2 do một căn bệnh không xác định xuất hiện ở một người tham gia thử nghiệm vaccine.

Ngược lại, các thử nghiệm vaccine của Trung Quốc dường như không xuất hiện bất kỳ phản ứng phụ nghiêm trọng nào. Trịnh Trung Vĩ, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ thuộc Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc, nói: “Cho đến nay, tất cả nhân viên thực hiện việc sử dụng khẩn cấp vaccine SARS-CoV-2 đều không báo cáo có phản ứng bất lợi nghiêm trọng và một số nhân viên công tác ở các khu vực có nguy cơ cao không có báo cáo bị lây nhiễm”.
Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc không đưa ra định nghĩa về “phản ứng bất lợi nghiêm trọng” và mô tả về phản ứng bất lợi cụ thể. Thế giới bên ngoài luôn hoài nghi về điều này.

Cộng đồng khoa học vẫn đang giữ thái độ quan sát về các vấn đề như liệu vaccine có tác dụng bảo vệ và hiệu quả của việc bảo vệ. Giáo sư Kim Đông Nhạn cho rằng: “Tình huống nguy hiểm nhất là những người đã được tiêm phòng không những không được bảo vệ mà khi bị virus tấn công, các triệu chứng của những người này có thể nặng hơn sau khi nhiễm bệnh. Những tình hình này thực sự có thể xảy ra. Phải đợi sau khi hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III, chúng ta mới có thể đánh giá xác suất xảy ra và liệu việc bảo vệ có tốt hay không”.

Các trường hợp nhiễm trùng lần hai trên khắp thế giới chứng minh rằng con người có thể không miễn dịch vĩnh viễn với SARS-CoV-2. Ngay cả khi các kháng thể đã được tạo ra, vẫn có thể bị nhiễm lại. Vaccine SARS-CoV-2 có thể không có khả năng bảo vệ như các kháng thể sinh ra sau khi nhiễm bệnh tự nhiên.

Vào tháng 8/2020, một người đàn ông Hồng Kông 33 tuổi lại bị nhiễm SARS-CoV-2 4 tháng rưỡi sau khi bị nhiễm lần đầu tiên. Sau lần bị đầu tiên và khỏi bệnh, người đàn ông được chẩn đoán tái nhiễm sau khi đi du lịch nước ngoài. Lần nhiễm bệnh thứ hai có các triệu chứng nhẹ hơn lần đầu tiên.

Kể từ khi xảy ra ca nhiễm bệnh lần hai ở Hồng Kông, các nước Hà Lan và Mỹ cũng liên tiếp xảy ra các ca lây nhiễm tương tự. Lần nhiễm trùng lần thứ hai của bệnh nhân người Mỹ còn nghiêm trọng hơn lần đầu tiên.

Giáo sư Kim Đông Nhạn chỉ ra rằng: “Loại vaccine tốt nhất là loại kháng thể được tạo ra sau khi lây nhiễm tự nhiên. Nếu nó không thể bảo vệ được thì phải đặt một dẩu hỏi về vaccine đó. Sau khi tiêm vaccine, người ta cảm thấy ổn. Nhưng khi đến những khu vực có nguy cơ cao, các triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn sau khi bị nhiễm virus”.

Mặc dù xuất hiện có những trường hợp lây nhiễm lần hai trên khắp thế giới, nhưng cho đến nay tỷ lệ lây nhiễm lần hai không lớn lắm.

Nguồn: Vietimes

Tin cùng loại