Ở Việt Nam, ngày càng có nhiều vụ quấy rối tình dục bị đưa ra ánh sáng nhờ camera giám sát, nhưng một nhà đấu tranh cho nữ quyền nói rằng luật pháp hiện hành không thể bảo vệ được phụ nữ.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đã có một bài viết về tình trạng nhiều phụ nữ Việt Nam bị quấy rối tình dục, nhưng mức phạt cho hành vi này lại quá nhẹ, không có tác dụng răn đe. SCMP nói rằng phong trào đấu tranh chống quấy rối và bạo hành tình dục (#MeToo) gần đây đã nổi lên mẽ ở Việt Nam có thể là giải pháp để thay đổi các điều luật hiện hành. VietTimes xin đăng tải nội dung bài viết này.
Ở Việt Nam, một người đàn ông bị bắt quả tang sờ mông phụ nữ sẽ chỉ bị phạt 200.000 đồng, số tiền chỉ bằng giá một chiếc bánh pizza. Đây chính là trường hợp của người đàn ông Estonia mới bị xử phạt gần đây ở TP. Hồ Chí Minh sau khi một người phụ nữ tố cáo anh ta vỗ mông cô trong thang máy.
Năm ngoái một người đàn ông cũng bị phạt tương tự sau khi cưỡng hôn một phụ nữ, cũng trong thang máy.
Người dùng mạng xã hội chỉ trích số tiền phạt 200 nghìn đồng chỉ như “đuổi muỗi”. Họ nhận xét rằng nhiều hành vi quấy rối tình dục đã được phát giác qua camera giám sát nhưng thủ phạm không phải nhận hình phạt thích đáng.
Đỗ Chi, 25 tuổi, làm việc cho một công ty kho vận, cho biết cô đã cố gắng chạy trốn khỏi hai người đàn ông đi xe máy tiếp cận cô trên con đường vắng lúc trời tối. Hai người đàn ông này đã buông lời khiếm nhã và cố gắng sờ vào người cô.
Đỗ Chi cảm thấy rằng việc báo công an trong trường hợp này là vô nghĩa, vì vậy cô đã chia sẻ tình huống của mình trong một nhóm Facebook riêng tư chỉ dành cho phụ nữ để mọi người cảnh giác. Nhóm này có 15.000 thành viên, bao gồm cả người Việt và người nước ngoài sống tại TP.HCM, thường chia sẻ các tình huống bị quấy rối mà họ gặp phải.
Tôi không báo cho ai, kể cả công an, vì tôi biết sẽ không thu được kết quả gì – Đỗ Chi, 25 tuổi.
“Thành thật mà nói, tình huống này khiến tôi cảm thấy nguy hiểm hơn những gì tôi đã từng trải qua”, Đỗ Chi nói. Năm 14 tuổi, Chi đã từng bị một nam gia sư lạm dụng thể chất và tình dục.
“Ban đầu anh ta đánh tôi, thao túng tôi, gọi tôi là đồ học dốt và khiến tôi tin điều đó... Sau đó anh ta dùng tay chạm vào vùng kín của tôi, nhưng không quá sâu để thực sự lấy đi trinh tiết của tôi”.
Chi cho biết những lần bị đánh đập kéo dài trong 2 năm đã khiến cô trải qua những giai đoạn trầm cảm và cố gắng tự tử trong những năm sau đó. Chi tồn tại được là nhờ sự giúp đỡ của người thân.
Theo một nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc năm 2019 về Bạo lực đối với phụ nữ Việt Nam, thì cứ 10 phụ nữ thì có một người từng bị một hoặc nhiều hình thức quấy rối tình dục.
Nghiên cứu được công bố vào tháng 7 cho thấy các hành vi quấy rối tình dục mà phụ nữ Việt từng chịu đựng là: các tin nhắn có nội dung tình dục (7,6%), bị sờ soạng nơi công cộng (4,9%). Khoảng 260 người được hỏi cho biết họ đã bị lạm dụng tình dục trước 15 tuổi.
Người nước ngoài ở Việt Nam cũng là nạn nhân của quấy rối tình dục. Sal, một công dân Mỹ trung niên sống nhiều năm ở Hà Nội cho biết anh đã 3 lần bị những người đàn ông túm vào bộ phận sinh dục ở nơi công cộng. Giống như Đỗ Chi, anh Sal cũng không báo cáo sự việc cho công an.
“Trải nghiệm của tôi rất không thoải mái, khó hiểu và bất ngờ, nhưng về cơ bản nó không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của tôi. Nhưng có những hành vi xâm hại tình dục có thể gây tổn thương hoặc gây tử vong cho nạn nhân” – anh Sal đề cập đến việc phụ nữ bị lạm dụng tình dục.
Trong khi pháp luật quy định rằng người sử dụng lao động phải áp dụng các biện pháp trừng phạt với các hành vi quấy rối tại nơi làm việc, thì những hành động tấn công tình dục ở nơi công cộng lại thường không được coi là phạm tội. Các hành vi như cưỡng hôn hoặc sờ vào cơ thể mà không được sự đồng ý của nạn nhân chỉ bị coi là vi phạm hành chính thuộc loại “lời nói và hành vi khiếm nhã”, với mức phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Tạ Ngọc Vân, luật sư của tổ chức phi lợi nhuận Blue Dragon Children Foundation có trụ sở tại Hà Nội, giải thích rằng hành vi nói trên được coi là vi phạm các quy định của chính phủ chứ không phải là tấn công một ai đó.
Để so sánh, ở nước láng giềng Campuchia, những người bị kết tội quấy rối tình dục phải đối mặt với án tù từ 6 ngày đến 3 tháng và bị phạt từ 25 USD đến 123 USD (khoảng 530.000 đến 2.800.000 đồng). Ở Singapore, những lời nói hoặc cử chỉ khiếm nhã bị coi là tội phạm tình dục và thủ phạm có thể bị phạt tù đến một năm và/hoặc bị phạt tiền. Tại Hàn Quốc, vào năm 2016, một người đàn ông đã bị phạt 3 triệu won (khoảng 62 triệu đồng) vì sờ soạng chân phụ nữ trong thang máy. Một năm sau đó, một người đàn ông khác đã bị phạt tù 6 tháng vì phạm tội tương tự trên đường phố.
Trong khi nhiều phụ nữ mong muốn được chia sẻ câu chuyện của mình, Việt Nam vẫn chậm tiếp nhận phong trào #MeToo vì văn hóa Á Đông ngại đề cập đến những chuyện nhạy cảm. Tuy nhiên, năm ngoái đã có một phản ứng dữ dội chống lại nạn ấu dâm sau khi nhiều trường hợp trẻ vị thành niên bị quấy rối tình dục, lạm dụng và cưỡng hiếp được đưa ra ánh sáng - điều này dẫn đến các quy định nghiêm ngặt hơn để bảo vệ trẻ em, bao gồm định nghĩa pháp lý toàn diện hơn về lạm dụng tình dục trẻ em.
Theo một báo cáo của chính phủ, từ năm 2015 đến tháng 6 năm 2019 đã có hơn 8.700 trẻ em bị lạm dụng thể chất, 73,85% trong số đó bị lạm dụng tình dục.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, nói rằng pháp luật Việt Nam “bất lực” khi bảo vệ phụ nữ.
“Ở Việt Nam và nhiều nước, trẻ em là tất cả. Khi một điều gì đó tồi tệ xảy ra với một đứa trẻ, mọi người thường liên tưởng đến con cái của mình và cảm thấy tức giận, điều đó khiến họ lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Nhưng khi người lớn bị xâm phạm thể chất, mức độ giận dữ không giống như những gì chúng ta thấy đối với các vấn đề của trẻ em. Mọi người không quá coi trọng vấn đề này”. Bà Khuất Thu Hồng nói thêm rằng cần có thời gian để người Việt Nam hiểu được sự nghiêm trọng của quấy rối tình dục. Phong trào đấu tranh chống quấy rối và bạo hành tình dục (#MeToo) đang dần hình thành trong nước.
Luật sư Tạ Ngọc Vân nói rằng hành vi quấy rối tình dục cần được hình sự hóa. “Mọi người, kể cả những người bị xâm hại phải lên tiếng để luật được sửa đổi. Nếu những hành vi xúc phạm nhân phẩm phụ nữ không bị trừng phạt, thì thế hệ tiếp theo cũng sẽ tiếp tục không tôn trọng nhân phẩm phụ nữ”.
Một số người trẻ tuổi ở Việt Nam đang thực hiện các chương trình nhằm đấu tranh với các hành vi quấy rối tình dục và ủng hộ bình đẳng giới.
Hoàng Linh, 23 tuổi, đồng sáng lập Tổ chức bình đẳng giới và Khởi nghiệp Giáo dục giới tính WeGrowEdu, cho biết học sinh của cô được dạy về quyền tự chủ về cơ thể và quyền tôn trọng, bình đẳng giới.
“Chúng tôi giải thích với các sinh viên rằng hầu hết những kẻ quấy rối hoặc những người xem nhẹ hành vi quấy rối cũng là nạn nhân của sự thiếu hiểu biết. Từ đó, sinh viên có nhận thức đầy đủ về quấy rối tình dục và coi đó là một vấn đề xã hội. Do đó, các em có thể trở nên mạnh mẽ hơn và sẵn sàng hành động nếu có thể để tạo ra sự thay đổi”, Hoàng Linh cho biết.
Nguồn: Viettimes