Ngay sau loạt phóng sự về "Bẫy vay qua app và hệ lụy" được phóng viên phản ánh, nhiều người vay bất ngờ được xóa nợ do các app vay tiền ngừng hoạt động hoặc một số app tuy còn hoạt động nhưng đồng loạt thay đổi thông tin số tài khoản nhận tiền lãi.
Những người được xóa nợ hầu hết thuộc trường hợp đã trả tiền gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với số tiền thực nhận nhưng vẫn còn nợ.
"Tôi nhận được tin nhắn của 2 app là 'Vay tốt' và 'Ví vui vẻ' với nội dung đã thanh toán thành công và nợ của tôi được tự đông xóa trong khi tôi chưa hề chuyển tiền. Sau đó tôi vào lại app thì thấy mọi thông tin của tôi đã bị xóa. Họ ghi là tài khoản đã bị vô hiệu" - một người vay qua app cho biết.
Hàng loạt tài khoản trước đây người vay trả tiền lãi nay hiện lên thông báo: "Tài khoản không hợp lệ". Với những app đang hoạt động, thông tin số tài khoản bên cho vay cũng đã biến mất. Thay vào đó, các app chuyển hình thức nhắn tin riêng thông tin số tài khoản để đòi nợ.
Lý giải về những số tài khoản ảo của một số app người vay đã trả tiền lãi, đại diện ngân hàng Sacombank cho biết đây là mã thu hộ một đối tác của ngân hàng.
"Chúng tôi có tạo cho khách hàng những mã thu hộ. Đây là một giải pháp công nghệ mới để gia tăng hợp tác của hai bên. Về phía Sacombank chỉ có những dịch vụ như vậy.
Chúng tôi cũng sẽ rà soát, xem xét lại những giải pháp kỹ thuật để hoạt động dịch vụ thu chi hộ hoặc các dịch vụ khác của ngân hàng vừa hỗ trợ khách hàng, vừa gia tăng tiện ích nhưng đồng thời đúng quy định pháp luật", ông Phan Đình Tuệ - Phó Giám đốc Sacombank - nói.
Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từng có văn bản cảnh báo các tổ chức tín dụng về tiềm ẩn nguy cơ rủi ro khi hợp tác với các công ty triển khai ứng dụng cho vay ngang hàng, có thể bị lợi dụng để thực hiện các hành vi bất hợp pháp như tín dụng đen.
Theo đó, Ngân hàng nhà nước khuyến nghị các tổ chức tín dụng thận trọng trong việc ký kết, cần công bố thông tin đầy đủ, trung thực đến người tiêu dùng và các bên có liên quan.
Nguồn: Viettimes