TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Tôn giáo và Dân tộc » TẢN MẠN VÊ TU LUYỆN VÀ NGHIỆP

TẢN MẠN VÊ TU LUYỆN VÀ NGHIỆP

12:45 | 25/04/2023

TẢN MẠN VÊ TU LUYỆN VÀ NGHIỆP

Trong những năm gần đây, nhiều bạn bè tôi hay đi chùa và tiếp cận với Phật pháp. Nhiều người thấy thiết thực và cũng có rất nhiều cách tu luyện khác nhau. Tôi nghĩ, đến được nơi nào yên bình đều tốt.

Câu chuyện tôi kể với các chiến hữu trên fb chỉ là những suy luận của cá nhân thôi, nó như một lời tâm sự
I.
Mọi tôn giáo tôi đều trân trọng, tôi cũng muốn hiểu tôn giáo một cách cặn kẽ nhưng quả thực là rất khó.
Cách đây khá lâu, tôi có dịp học hỏi, nói chuyện với những nhà sư về những vấn đề chủ yếu của Phật pháp. Tôi có hỏi về Nghiệp. Bởi vì quan niệm về Nghiệp là một trong những quan niệm quan trọng nhất của Phật giáo.
Nhà sư nhiệt tình giải thích và cố gắng diễn đạt cho tôi hiểu một cách khái quát nhất nhưng cũng chỉ nói đến kiếp này thế này, kiếp sau thế kia mà thôi. Tôi cũng chân thành nói với nhà sư : nếu đơn giản như thế thì cái đó cũng chỉ cảm nhận thôi chứ chưa ai biết kiếp trước của mình là gì cả, may ra chỉ có Đức Phật mới hiểu hết mọi thứ.
Những quan niệm về Nghiệp được kinh Phật truyền dạy để tạo cho con người có một niềm tin. Điều đó theo tôi cũng rất tốt. Ít nhất con người cần phải có một niềm tin.
Sau đó, nghe nhà sư nói nhiều về Nghiệp. Thay vì giải thich cặn kẽ thì nhiều lúc câu chuyện chuyển hướng sang việc khác, có gì đó như hù dọa con người về nghiệp của quá khứ.
Thực ra tôi không thỏa mãn về cách tiếp cận vấn đề. Một lúc sau tôi có hỏi chân thành : Thưa thầy, nếu Nghiệp là có thật thì tôi nghĩ rằng dưới ánh sáng của trí tuệ Phật giáo sẽ xác định được một dạng tồn tại thông tin về Nghiệp theo cách hiểu của Phật giáo. Vậy tất cả những thông tin đó nằm ở đâu, nó được lưu giữ theo cơ chế nào. Vì cuộc đời này không ai giống ai, mỗi người có một Nghiệp riêng.
Những câu trả lời của nhà sư cũng chỉ dừng lại ở cách giải thích thông thường. Từ đó về sau tôi cứ băn khoăn một điều: Nếu có Nghiệp thì những thông tin về Nghiệp của con người được lưu trữ ở dạng nào . Nó được mã hóa trong từng con người hoặc được quản trị bởi một thế lực siêu nhiên khác.

Nguồn gốc, tư tưởng, triết lý Phật giáo đã từ lâu tạo cho tôi một niềm tin. Một điều rất quan trọng đối với nhận thức của tôi là : Phật không ban phát mà chỉ độ trì, hướng con người tới ánh sáng của trí tuệ. Phật giáo lấy tu luyện, thông qua tu luyện để giác ngộ . Phật lấy trí tuệ, lấy Giác ngộ làm nền tảng cho Giáo pháp của mình. Phương pháp tiếp cận mở. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả chúng sanh vốn dĩ là Phật”.
Từ suy luận, tôi cho rằng trong sâu thẳm tâm trí của con người có nhiều tầng u tối mà con người cần giải thoát. Tầng u tối đó nó giữ vị trí quan trọng của một kiếp người. Quá trình tu luyện cũng chính là quá trình con người lục tìm cái tốt, cái xấu trong vùng u tối và thực ra quá trình tu luyện là quá trình con người đang đối trị với nghiệp của chính mình.

II.
Trên con đường lang thang tìm kiếm lời giải về Nghiệp tôi quay trở lại với khái niệm Vô thức của S. Freud ( 1856-1939)
Hiểu một cách đơn giản thì Vô thức là những quá trình xảy ra trong tâm trí, nó nằm ở đáy sâu tăm tối của tâm linh, nó không phụ thuộc vào ý thức. Nó là phần chìm của tảng băng tâm linh, quyết định hình thành các khuynh hướng cá nhân. Có người cho rằng nó còn giật dây cả ý thức.
Ở đây có một điều thú vị từ thực tế:
- Những quyết định lớn của cuộc đời bạn lắm khi do bản năng chi phối. Bạn có thể cân nhắc tính toán rất lỹ nhưng khi quyết định có thể khác.
- Những sai lầm bạn mắc phải và hứa sẽ sữa chữa, không lặp lại nhưng nhiều khi nó lại lặp lại ở mức độ cao hơn. Hình như có một ma lực nào đó điều khiển bạn.
- Mỗi người có một năng lực riêng, cảm thụ riêng tuy rằng các điều kiện giáo dục như nhau. Đây là khuynh hướng cá nhân được mặc định từ khi con người mới sinh ra. Hiểu theo cách các cụ nói là “ Trời sinh tính”. Vậy thì cái đó từ đâu ra. Chỉ có thể là từ những mã thông tin di truyền cả hình thể và linh hồn được lưu trữ ở một dạng nào đó. Nếu tu luyện ( học tập) trong một môi trường nào đó thì nó sẽ kích hoạt phát triển. nếu không nó sẽ thui chột và có khi cái ác phát triển.
- Tôi nghĩ rằng tu luyện không có nghĩa là chỉ đến chùa để tụng kinh. Quá trình học tập, tự học tập các kiến thức khác cũng là một phần của giác ngộ. Một người có hiểu biết rộng, vượt lên chính mình. Một học giả uyên thâm là những người đã đạt tới khả năng tu luyện và giác ngộ cao tuy rằng họ không đến chùa. Những con người thiện lương chưa một lần đến chùa nhưng họ là Bồ tát.
Xung quanh tìm hiểu về Nghiệp, về Vô thức còn vô số thứ hấp dẫn, thú vị vì Vô thức là điều kỳ diệu của tâm trí. Những gì tạo nên thiên hướng cá nhân ( Hay/ dở) đều được định hình sơ khai từ trong Vô thức.
Tu luyện là điều quan trọng để khai mở cái tốt và hạn chế những cái xấu.

Jacques Vergès, một trong những luật sư nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 từng nói “Trong trái tim kẻ tội phạm có một khu vườn bí mật. Và trái tim của người trung thực cũng có thể có cái ổ của loài rắn độc”.
Từ trong suy luận cá nhân tôi ngờ ngợ hình như những thông tin cơ bản của con người trong tiền kiếp (Nghiệp) được ẩn trú trong Vô thức của mỗi con người.Việc bây giờ là tìm lại chính mình để học hỏi và làm cho cuộc sống đẹp hơn.

Sáng nay bắt gặp một vạt nắng bỗng dưng rùng mình hình như mình đã gặp ở đâu đó từ một nơi rất xa. Rông dài chuyện vui. Chúc các bạn tu luyện thành công.

Nguyễn Đức Tiến
 

 

Tin cùng loại