TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Bài nghiên cứu » Sự phai nhạt hay nguy cơ tự hủy diệt trong văn hóa Tày- Thực trạng đáng báo động

Sự phai nhạt hay nguy cơ tự hủy diệt trong văn hóa Tày- Thực trạng đáng báo động

00:58 | 25/04/2023

Dân tộc Tày thuộc ngữ hệ Tày - Thái. Do hoàn cảnh, địa lý, người Tày có điều kiện tiếp xúc và thu nạp các nền văn hóa, văn minh từ các dân tộc khác sớm hơn. Phải chăng vì thế mà sắc thái văn hóa Tày có phần nào bị pha loãng, mai một dần?

Người anh em dân tộc Thái ở Tây Bắc hình như ít bị ảnh hưởng bởi tác động qua lại của các dòng văn hóa khác, đến nay họ vẫn còn lưu giữ được nguyên vẹn chữ viết, đó là hệ chữ Thái cổ, có nguồn gốc từ Ấn Độ, dưới dạng Sanskrit. Bộ chữ này xuất hiện, hình thành và được sử dụng từ thế kỷ XI cho đến nay. Từ xa xưa chắc rằng người Tày cũng có chữ viết cho riêng mình, nhưng không hiểu vì lý do gì mà ngày nay không tìm thấy chữ Tày cổ ở đâu nữa. Đó là một thiệt thòi vô cùng to lớn cho các thế hệ con cháu.

Một vài bằng chứng nữa cho thấy người Thái còn lưu giữ được các món ăn làm chín bằng cách hấp, đồ, nướng hoặc vùi tro… nên các món thịt, cá, rau, củ… vừa thơm ngon vừa không bị ngấy.

Còn người Tày thì quen xào, nấu, chiên, ninh nhừ… cho nhiều dầu mỡ, gần với kiểu cách nấu nướng của người Tầu. Những món được coi là đặc sản như nằm khau (có nơi gọi khau nhục), vịt quay, xá xíu, thịt nấu đông, canh xin thang… được gia giảm, ngâm tẩm với nhiều hương liệu, rồi mới được chế biến, nấu nướng. Thực sự đó là những đồ ăn ngon, lạ miệng, nhưng chế biến cầu kỳ.

Người Thái có nhạc cụ pí đơn, pí pặp, có điệu hát khắp Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu), có Tản chụ xiết xương (chàng trai khen cô gái tài sắc), có Hạn khuống (những bài hát dưới sàn trăng)…

Còn người Tày có hát then Khảm hải (Vượt biển), các điệu lượn, cò lẩu, lại có điệu hát bằng lời Kinh - kiểu hát độc đáo có lẽ chỉ người Tày ở huyện Trùng Khánh, huyện Hạ Lang thuộc miền đông tỉnh Cao Bằng mới có.

Đây là lời bài hát dzàng trong lễ kỳ yên, cấp sắc: Lệnh truyền các quan cao thánh tướng/Đã đến giờ đế vương xuất binh… Hoặc điệu hát trong lượn hoa tình, mà cha đẻ là ông Nông Quỳnh Vân (vào khoảng thế kỷ XVII) người tổng Nga Ổ, nay thuộc xã Trí Viễn huyện Trùng Khánh: Gặp nhau ta hãy chào nhau/Phòng khi đi lại mai sau được chào; hoặc Trên trời có đám mây vàng/Nàng ơi nàng hỡi tên nàng là chi… Đó là những bằng chứng rõ rệt cho thấy người Tày nơi đây đã tiếp thu văn hoá người Kinh, làm nên điệu hát phong tình có một không hai trên thế gian này.

Trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, người Tày cũng có ảnh hưởng qua lại với người Hán. Ví dụ: Tiếng Tày nói: ngỏ bấu tải xèn (tôi không mang tiền), tiếng Hán wo bu dai qian (tôi không mang tiền). Tiếng Tày có pjẻ (lộn, trái, ngược), pải (bôi, tan nát, phung phí), tiu (quẳng, lẳng, tung), xá (đánh răng, đánh trôn nồi, lau kính); tiếng Hán cũng tương tự: pie, pai, diu, ca… Tất nhiên không nhiều, nhưng qua các hiện tượng vay mượn này có thể nói văn hóa Tày có sự giao thoa giữa văn hóa Việt (Kinh) và văn hóa Hán. Vì thế văn hóa Tày đôi khi bị pha loãng cũng là khó tránh khỏi.

Kể từ khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, nhất là sau ngày thống nhất đất nước, hiện tượng văn hóa Tày bị pha tạp, mai một có xu hướng ngày càng nhiều. Không gian văn hóa Tày bị các dòng văn hóa khác xâm thực, xói mòn và ít nhiều đã làm mất dần bản sắc. Cái mất rõ nhất là tiếng nói và chữ viết. Con em người Tày sinh sống ở đô thị, hầu như rất ít người còn biết nói tiếng mẹ đẻ. Thậm chí, những bậc làm cha mẹ sống ngay trong làng bản thuần Tày, vì dạy tiếng Việt cho trẻ ngay từ lúc bi bô học nói nên tiếng tày đã thưa vắng. Thực tế họ phải làm như thế là vì để các cháu đi học chữ Quốc ngữ dễ hòa nhập với mọi người, với xã hội.

Tôi nhớ có một vài anh người Tày đi bộ đội, xa nhà độ dăm ba năm, khi trở lại làng bản, họ như đã quên và không biết nói tiếng Tày nữa. Những người lớn tuổi trong bản, chứng kiến cảnh con cháu như thế, cảm thấy xấu hổ như muốn độn thổ!

Tiếng mẹ đẻ là thứ gia bảo mà còn bị đối xử tàn nhẫn như thế, nói gì các phong tục tập quán khác. Như vậy, tự chúng ta làm mất tiếng Tày đi, chứ có ai cưỡng bức, xúi giục, sai khiến chúng ta đâu. Tự mình làm mất bản sắc văn hóa dân tộc là một điều tệ hại. Nhưng tại sao? Đó có phải xuất phát từ tâm lý tự ty? Tự thấy mình nhỏ bé, hèn kém so với các dân tộc khác? Không đâu. Người Nùng An đi đến chân trời góc bể nào cùng chỉ nói tiếng Nùng An, mặc áo chàm và đi chân đất. Người Hmông, người Dao, người Thái, người Sán Chay, Sán Chí… đều có ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc. Họ có thể không nói tiếng Kinh thành thạo như người Hà Nội. Họ cũng không cần ăn mặc sành điệu như người Tây phương. Họ cứ áo quần xuềnh xoàng, áo cài cúc ngang, chân đi giày vải, cứ khăn xanh xanh đỏ đỏ quấn lên đầu, trông mộc mạc chân thành, mà họ đẹp một cách hãnh diện. Đấy mới đích thực là những cử chỉ, hành vi của người tôn trọng văn hóa nhất. Đó mới là lòng tự hào dân tộc chính đáng nhất.

Không có nỗi buồn nào xót xa bằng nhìn những đứa con do mình đẻ ra bằng con mắt xa lạ. Bởi chúng ngày càng ăn mặc sặc sỡ, ngổ ngáo, hầm hố như từ hành tinh nào rơi xuống. Chúng nói năng trơn tru, làu làu những thứ ngôn ngữ của dân tộc khác. Chúng chơi bời, hát hò nhảy múa theo nhạc điệu của các dân tộc khác. Chúng thích các món ăn nhanh của Tây, Tàu, vừa đắt đỏ vừa nhạt nhẽo. Chúng ru con bằng các điệu nhạc Âu - Mỹ giật đùng đùng. Chúng không hề biết một câu hát ru nuột nà sâu lắng của dân tộc.

Thực sự tôi không biết phải làm gì cho các con tôi hiểu, dù rằng nền văn hóa ấy có hay có đẹp đến cỡ nào, tất cả cũng đều là của mượn. Đã mượn là phải trả. Chưa trả lúc này thì trả lúc khác. Đời này chưa trả, đời sau ắt phải trả. Đấy là lẽ công bằng của tạo hóa. Chỉ những gì mà ông bà ta để lại mới là của mình mãi mãi. Tài sản văn hóa Tày không hề kém cỏi với bất cứ dân tộc nào trên trái đất. Thậm chí rất độc đáo.

Chúng tôi không có điều kiện đi nhiều, học hỏi nhiều, tiếp xúc nhiều, đọc nhiều sách báo, nhưng qua các phương tiện truyền thông đại chúng, thấy rất ít đề cập tới bảo tồn văn hóa dân tộc. Vì vậy, vấn đề cấp thiết trước mắt và lâu dài là phổ biến rộng rãi ý thức giữ gìn vốn văn hóa dân tộc, hiện nay đang có nguy cơ tự hủy bởi nhiều lí do khác nhau.

Do vậy, chúng tôi khẩn thiết mong mỏi báo chí cần phải lên tiếng trước thực trạng ở một số nơi, các cấp các ngành chưa quan tâm nhiều đến việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc. Họ chỉ dồn sức cho cơm áo gạo tiền gắn liền với cuộc sống thường nhật. Điều này là cần thiết. Nhưng chỉ chú trọng điều đó thôi thì quả là lệch lạc và thiên vị. Một thứ, một kiểu tư duy “thằng Bờm” - chỉ thấy lợi trước mắt mà không thấy sự nguy hiểm trong việc đánh mất những giá trị văn hóa lâu dài. Thực tế, để nên một con người có tâm hồn, có nhân cách thì phải nuôi dưỡng bằng lời ru của người mẹ, của bà. Lớn lên chút nữa phải dạy bò, dạy đứng, dạy đi, dạy ăn, dạy nói, dạy cư xử... Nghĩa là mất rất nhiều thời gian và công sức giáo dục mới mong trở thành một con người hoàn chỉnh.

Truyền thông có một sức mạnh lớn. Ông cha chúng ta đã từng tôn vinh công tác tuyên truyền bằng báo chí và văn chương: Một ngòi lông vừa trống vừa chiêng (Phan Bội Châu) hoặc Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền (Sóng Hồng). Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và gần đây nhất là đế quốc Mỹ, công tác tuyên truyền bằng báo chí (trong đó có mảng hoạt động văn học nghệ thuật) chiếm một vị trí cực kì nhạy bén và cực kì quan trọng: Cả nước lên đường từng hồi trống giục... (Chính Hữu); Đất nước của những người con gái con trai/Đẹp như hoa hồng rắn hơn sắt thép/Xa nhau không hề rơi nước mắt/Nước mắt chỉ để dành cho ngày gặp mặt (Nam Hà)...

Báo chí ngày nay tập trung phản ánh đời sống xã hội qua các hoạt động chính trị, kinh tế, ngoại giao, vui chơi giải trí... là cần thiết, song cần quan tâm cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nhất là văn hóa các dân tộc thiểu số...

Đất nước ta là một quốc gia thống nhất có 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có một chiều dài lịch sử và bề dày văn hóa riêng cần được bảo tồn và phát huy.

Trước thực trạng đáng lo lắng này, chúng tôi từng là người công tác trong ngành văn hóa ở một tỉnh miền núi biên giới, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống xin thẳng thắn nêu lên rằng, hơn lúc nào hết, công tác thông tin tuyên truyền cần vào cuộc quyết liệt và mạnh mẽ, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số.


Y Phương

Tin cùng loại