Chúng tôi, mỗi người xuất phát từ một ngành nghề khác nhau, công tác ở những địa phương khác nhau: chị Tuyến là giảng viên ở Bến Tre đã nghỉ hưu, chị Lộc ở Đà Nẵng vẫn đang tiếp tục giảng dạy… Nhưng chúng tôi cùng chung một niềm quan tâm đặc biệt tới cộng đồng đặc biệt là người dân ở vùng sâu vùng xa chưa có điện chiếu sáng hay chưa từng biết đến nguồn thay thế điện lưới bền vững. tiết kiệm và thân thiện với môi trường. Vì vậy, khi biết tới Dự án tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội, nghề nghiệp địa phương về Năng lượng tái tạo và Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, chúng tôi đều hồ hởi tham gia đăng kí và may mắn vượt qua các vòng tuyển chọn và tập huấn để trở thành đội ngũ Giảng viên nguồn đầu tiên của dự án.
Về dự án
Trong các đợt tập huấn và tham gia giảng dạy tại các địa phương, chúng tôi đã được giao lưu và học hỏi được nhiều phương pháp dạy học mới từ ban tổ chức và thầy cô từ mọi miền. Đây là cơ hội để sau khi về trường chúng tôi có thể dạy hay hơn, sinh viên học hứng thú và cả người dạy và người học đều được năng động, hăng say hơn trong giờ dạy- giờ học của mình. Chúng tôi không những chỉ được tập huấn để trở thành những giảng viên cốt cán trong truyền thụ kiến thức về các nguồn năng lượng tái tạo mà còn được trải nghiệm, sáng tạo thành những diễn viên bất đắc dĩ với phong phú những hoạt động, những buổi trình diễn làm lan tỏa ý nghĩa của dự án đến các ngóc ngách của những vùng quê yên tĩnh.
Chỉ tập trung trong thời gian ngắn nhưng chúng tôi như được trải lòng, sáng tạo, hòa nhập thông qua các buổi truyền thông, các hoạt động của địa phương, các tiết mục văn nghệ…nhằm tuyên truyền các giá trị trong việc sử dụng những trang thiết bị tiết kiệm năng lượng như bếp đun cải tiến, đèn LED, biogascho hộ gia đình, các thiết bị sử dụng năng lượng Mặt trời …những hoạt động của chúng tôi đã được đông đảo người dân quan tâm và tìm hiểu để thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng thiết bị năng lượng trong gia đình.
Những thay đổi nhận thức và ý thức của cá nhân chúng tôi về năng lượng, năng lượng tái tạo và sử dụng chúng cũng có nhiều thay đổi. Từ đó tạo nên thay đổi trong sinh hoạt hằng ngày của tất cả mọi người từ gia đình nhỏ của chúng tôi, đến gia đình to và lan rộng cùng với những sinh viên tôi dạy hàng ngày, những đồng nghiệp và lối xóm của tôi nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất.
Những câu chuyện xúc động ở mỗi địa phương
Sau khi tham gia các đợt tập huấn, tình thương người, sự chia sẻ trong tôi đã được nhân lên gấp nhiều lần trước sự khó khăn của người đồng bào nơi tôi đến tập huấn và giảng dạy. Tôi sẽ không quên hình ảnh bà con ham học hỏi khi bà bế cháu, mẹ bồng con, từ người từ già đến đứa trẻ thơ ngây đến tham gia cũng với những quả chuối, khúc mía hay cả gánh củi còn nặng trĩu trên vai khi vừa đi rẫy tranh thủ về sớmđể nghe, học hỏi những bài giảng về giá trị trong việc sử dụng những trang thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Có những câu chuyện đã đổi thay nơi chúng tôi đến thực sự để lại nhiều tác động. Ví như địa bàn được truyền thông và ứng dụng giải pháp của dự án mà của chị Lộc là 8 thôn xã thuộc hai huyện Đông Giang và Tây Giang – tỉnh Quảng Nam. Tại đây các hộ dân đã thay một phần đèn huỳnh quang sang bóng đèn LED mà dự án đã hỗtrợ. Trước khi có chương trình của dự án đến, bà con ở đây sử dụng đèn huỳnh quang chữ U để chiếu sáng, bếp củi thông thường để đun nấu và rác thải hữu cơ được bỏ đi. Nay khi đã được tiếp cận với dự án, các đèn LED đã được thay thế thìánh sáng nơi nhà sinh hoạt đã sáng hơn, bà con không còn quá lo về tiền điện để trả nên bà con thoải mái ngồi nói chuyện, sinh hoạt cùng gia đình nhiều hơn, sáng hơn, con cháu đủ ánh sáng để ngồi học. Bà con cũng có ý thức hơn trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm là củi là điện.
Và kỉ niệm đáng nhớ khi chúng tôi truyền thông tới người dân về năng lượng sạch đó là sự hào hứng đến hạnh phúc của bà con đồng bào tại Đăk Lăk khi được xem chúng tôi truyền thông qua hình thức đóng kịch, bà con đã hiểu được bài không chỉ với kiến thức mà cả nụ cười trên khuôn mặt, đó cũng là lần đầu tiên trong đời chúng tôi được làm“diễn viên”. Chúng tôi cũng không quên hình ảnh bà con trằm trồ, mắt trong mắt dẹt khi thấy bóng đèn sử dụng năng lượng mặt trời, bà con ngạc nhiên khi thấy ánh sáng đèn điện mà không phải dùng nguồn điện quốc gia, ngạc nhiên khi thấy đèn có thể cầm đi được khắp nới. Đó là một ứng dụng hay cho ba con đi rừng nhiều ngày, là một ứng dụng hay cho bà con đi đánh bắt ban đêm mà không gây nguy hiểm điện giật.Và những câu chuyện về nhau – những người GVN
Bên cạnh những câu chuyện với bà con, chúng tôi cũng sẽ mãi không quên được về nhau -những người bạn, những giảng viên nguồn từ khắp mọi miền trên cả nước nhưng rất hăng say, rất nhiệt tình và đầy nhiệt huyết. Những mảnh ghép khác biệt về mọi mặt nhưng lắp lại thành một tấm hình tuyệt đẹp về đội ngũ giảng viên nguồn tham gia truyền thông về năng lượng tái tạp, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Cũng không thể quên những khó khăn
Tuy nhiên, công việc truyền thông không phải lúc nào cũng suôn sẻ, tốt đẹp. Cộng đồng là đối tượng lớn, đa dạng nhận thức, thành phần, trình độ, công việc…nên trong quá trình truyền thông đôi khi chúng tôi cũng vấp phải những phản ứng mạnh mẽ tiêu cực của một vài nhóm nhỏ trong cộng đồng. Họ phản bác, công kích khá gay gắt lúc đầu do chưa được thông suốt và tình trạng này chúng tôi gặp phải khi truyền thông trên địa bàn ấp 2, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Lý do cũng vì người này phải bỏ buổi nhậu để nghe truyền thông theo yêu cầu của địa phương và đánh đồng với bán hàng đa cấp. Chúng tôi phải kiên nhẫn giải thích, thuyết phục và cuối cùng thì mọi người cũng hiểu ra và xin lỗi nhóm truyền thông.
Cơ hội về một nguồn năng lượng sạch và hiệu quả được nhân rộng trên mọi địa bàn nhưng thách thức lớn về những tấm pin năng lượng mặt trời sau thời gian sử dụng sẽ giảm hiệu suất, sẽ trở thành rác thải, sẽ là nguồn chi phí mới để tái sử dụng những tấm pin này.
Việc không có các mô hình thật cũng gây khó khăn khi không thể chuyển tải hết hiệu quả của các mô hình như thiếu mô hình đèn xách tay NLMT, bếp đun cải tiến, bộ phát điện NLMT mini, các kiểu đèn LED…
Nhiều vùng dân cư địa bàn xa, xe ô tô khó vào được tận nơi, GVN như chúng tôi phải ở thôn Kon Lung, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy chỉ có cầu treo nhỏ, hẹp, chỉ đi được bằng xe máy…
Nơi tổ chức tập huấn lại thường là nhà rông nên khó trưng bày trang thiết bị phục vụ truyền thông như máy chiếu, bàn ghế, tranh ảnh treo, ánh sáng không phù hợp…
Kết lại…
Dự án tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội, nghề nghiệp địa phương về Năng lượng tái tạo và Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đã tác động rất lớn đến ý thức người dân về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tham gia xuyên suốt Dự án, chúng tôi được học tập rất nhiều từ các chuyên gia trong và ngoài nước. Chúng tôi cũng học hỏi nhiều về các kỹ năng truyền thông thiết thực, như Kỹ năng sử dụng thiết bị, đứng trước đám đông, nói, viết, điều hành, lắng nghe, làm việc nhóm, lập kế hoạch bài giảng…Các kỹ năng này giúp chúng tôi tự tin hơn khi truyền thông trong cộng đồng. Chúng tôi còn được đi đây đi đó để hiểu hơn nhiều vùng miền của đất nước Việt Nam và có thêm nhiều người bạn mới.
Những điều tích cựccủa dự án cần được lan tỏa rộng hơn trước tiên phải đánh giá lại những gì mình đã làm xem nên phát triển mục nào, thay thế mục nào và từ đónhân rộng mô hình khắp mọi miền tổ quốc, các cuộc truyền thông và mô hình được đưa đến thêm những tỉnh thành mà dự án chưa được thực hiện. Ngoài ra mỗi các nhân là GVN sẽ có những câu chuyện hay ho trong mỗi ngày, trong cuộc sống gia đình đến cơ quan để lan truyền đi những điều tích cực của việc sử dụng năng lượng sao cho tiết kiệm, sao cho hiệu quả để tránh đi những hậu quả sau này cho con cháu.
Nguồn: Greenid