Không để người lao động bị đói
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra ở TP HCM đến nay đã hơn 3 tháng, các DN và người dân trải qua gần 100 ngày thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Hầu hết các DN lĩnh vực dịch vụ, du lịch, khách sạn, nhà hàng, hộ kinh doanh đã đóng cửa, ngưng hoạt động. Khối DN sản xuất đến nay chỉ có khoảng 20% DN còn hoạt động theo mô hình 3 tại chỗ với quy mô khoảng dưới 30% lao động làm việc.
Theo thống kê, số người phải ngừng, mất việc từ 2-3 tháng trở lên chiếm khoảng 85% tổng số lao động của thành phố, tương tương khoảng trên 3 triệu người. Phần lớn lao động nhập cư sống bằng đồng lương, phải trả các chi phí thuê nhà trọ, không có tích lũy nhiều. Sau hơn 3 tháng cầm cự, một số đã về quê sớm, số còn lại đến nay không còn tiền để trang trải, buộc phải tìm đường về quê. Đây là một thực trạng xã hội cần thấu hiểu và cảm thông, cần có biện pháp cấp bách để giúp họ ổn định cuộc sống.
Bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân lúc này sẽ giúp giữ chân nguồn lao động để phục hồi sản xuất sau đại dịch Ảnh: HỒNG ĐÀO
TP HCM chủ trương chăm lo tốt nhất cho dân, không để ai bị đói, bị thiếu ăn, thiếu mặc, kêu gọi sự chung tay của toàn hệ thống chính trị của cả nước hướng về TP HCM, chia sẻ bằng các hành động cụ thể với sự điều phối thống nhất của Chính phủ và chính quyền thành phố. Bên cạnh đó, huy động sự đóng góp đầy trách nhiệm của cộng đồng, đặc biệt là các DN. Hiệp hội DN thành phố đang vận động toàn hệ thống DN quan tâm triển khai Công đoàn, các đoàn thể trong DN có trách nhiệm thống kê theo sát từng người lao động, nắm bắt từng chỗ ở, từng hoàn cảnh để cùng các cấp chăm sóc kịp thời. Mặt khác, phải nhanh chóng tạo ra việc làm cho người lao động thì mới không quá tải an sinh xã hội.
Ngay bây giờ, cần tạo các cơ hội việc làm trong hệ thống hỗ trợ chăm sóc y tế để các lao động thất nghiệp được đăng ký tham gia, được tiêm phòng và huấn luyện nhanh để tham gia làm việc trong các cơ sở y tế chữa bệnh Covid-19. Chính quyền cần cấp ngân sách trả lương và công bố công khai nhu cầu việc làm và chính sách thụ hưởng để thu hút nguồn lao động đang thất nghiệp vào công việc này, vừa làm giảm tải cho ngành y tế vừa tạo công ăn việc làm, giảm tải cho công tác an sinh xã hội vừa giữ được nguồn lao động. Không nên chỉ sử dụng nguồn lao động tình nguyện vừa bị động vừa không bảo đảm tính bền vững. Nhanh chóng hỗ trợ các DN chuẩn bị đủ các điều kiện phòng chống dịch để trở lại sản xuất, nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động, giảm áp lực an sinh xã hội và là tiền đề phục hồi sản xuất sau này.
Nỗ lực giữ chân người lao động
Kinh tế TP HCM có độ mở cao nhất cả nước, sự phát triển kinh tế thành phố không thể tách rời mối quan hệ với các tỉnh khu vực và quan hệ kinh tế quốc tế. Do vậy, kinh tế thành phố sau ngày 15-9 phụ thuộc vào sự kiểm soát dịch bệnh của thành phố và các tỉnh phía Nam.
Thách thức lớn nhất là thiếu nguồn nhân lực để phục hồi, do phụ thuộc khá lớn vào nguồn lao động nhập cư mà họ đã di chuyển khỏi thành phố trong thời gian qua. Theo dự báo, nhiều DN phải đối mặt với nguy cơ không thể phục hồi sản xuất do các nguồn lực đã cạn kiệt, phải đối mặt xử lý các khoản nợ, tài chính, đứt gãy dòng tiền sản xuất do hậu quả của đại dịch tác động; sự đứt gãy thị trường, nguồn nguyên liệu, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng. Đặc biệt, vấn đề rất đáng lo ngại là khủng hoảng thiếu lao động cho sự phục hồi kinh tế sẽ kìm hãm sức bật sau đại dịch của kinh tế thành phố. Vì vậy, công tác chăm lo bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân và gia đình họ lúc này là giải pháp vô cùng cần thiết và cấp bách cho việc giữ nguồn lao động để đáp ứng nhanh chóng phục hồi sản xuất sau đại dịch.
Về phía DN, trong lúc này phải chăm sóc và giữ được sự ổn định nguồn nhân lực, gia tăng các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn thông qua trực tuyến để gắn kết và nâng cao năng lực trình độ nguồn nhân lực sau khi sản xuất phục hồi. Phải tính toán kế hoạch để dưỡng và duy trì các nguồn lực sẵn sàng cho bước phục hồi nhanh. Không nên hoang phí nguồn lực trong lúc đại dịch này. Củng cố và duy trì các mối quan hệ liên kết với khách hàng, bạn hàng để giữ cho được các mối quan hệ làm ăn truyền thống để khi phục hồi sản xuất thì phát huy hiệu quả ngay. Qua đại dịch, các DN cần đánh giá lại những điểm mạnh - yếu, từ đó có chiến lược đầu tư củng cố hoàn thiện. Đặc biệt là đầu tư công nghệ theo xu hướng trên nền tảng công nghệ số để thay đổi và hiệu quả hơn, an toàn hơn.
Nguồn: NLĐ