Bộ Công Thương cho hay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay, Bộ đang khẩn trương rà soát, phân tích và hoàn thiện toàn bộ nội dung của Dự thảo Quy hoạch điện VIII. Nhiều nội dung rà soát đã có những thay đổi so với nội dung được nêu tại Tờ trình số 1682/TTr-BCT trình Thủ tướng Chính phủ tháng 3 năm 2021. Mặc dù vậy, dự thảo vẫn đảm bảo tuân thủ nghiêm túc các định hướng lớn nêu tại Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bô Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.
Cụ thể, phụ tải điện sau khi rà soát được giữ nguyên các kết quả dự báo như trong Tờ trình số 1682/TTr-BCT. Theo đó, tăng trưởng điện thương phẩm, kịch bản phụ tải cơ sở giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 8,52%/năm và 9,36%/năm trong kịch bản phụ tải cao là đảm bảo có độ dự phòng cần thiết trong quá trình phát triển điện lực giai đoạn tới.
Trong lần rà soát này, cơ cấu nguồn điện đã có một số thay đổi. Tổng công suất đặt nguồn điện trong phương án phụ tải cơ sở đạt 130.371 MW, giảm gần 7.700 MW so với Tờ trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3 năm 2021 và trong phương án phụ tải cao, con số này lần lượt là 143.839 MW, giảm khoảng 6.000 MW.
Như vậy, tổng công suất đặt các nguồn điện đáp ứng các chỉ đạo đề ra trong Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị. Các nguồn điện năng lượng tái tạo tiếp tục được ưu tiên phát triển với tỉ lệ hợp lý, hài hòa giữa các miền, đảm bảo các tiêu chí kinh tế - kỹ thuật và vận hành, phù hợp với chương trình phát triển hệ thống điện tổng thể giai đoạn tới năm 2030. Năng lượng tái tạo (không tính thủy điện) sẽ tăng từ mức khoảng 17.000 MW hiện nay lên tới 31.600 MW vào năm 2030, chiếm tỉ lệ khoảng 24,3% tổng công suất đặt toàn hệ thống.
Hạn chế phát triển thêm nhiệt điện than
Với nhiệt điện than, thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, các dự án nhiệt điện than tiếp tục triển khai là những dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, được Bộ Công Thương đánh giá tính khả thi cao sẽ được kế thừa trong Quy hoạch điện VIII.
Cụ thể, tổng công suất đặt các nguồn điện than trong phương án phụ tải cơ sở năm 2030 là 40.700 GW, thấp hơn so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh khoảng 15.000 MW. Nhiều nhà máy điện than trên toàn quốc đã không được xem xét để phát triển trong thời gian tới tại các khu vực như Hải Phòng, Quảng Ninh, Long An, Bạc Liêu, Tân Phước…và được thay thế bằng các nguồn điện khí LNG thân thiện hơn với môi trường. Chính vì vậy, tỷ trọng các nhà máy nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 31% vào năm 2030 trong kịch bản phụ tải cơ sở và khoảng 28% với kịch bản phụ tải cao.
Theo chia sẻ của ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: "Chúng ta chưa thể bỏ ngay lập tức nhiệt điện than bởi đây là nguồn điện quan trọng trong đảm bảo cung ứng điện, đáp ứng nhu cầu điện giá rẻ, tối ưu trong vận hành".
"Hiện nay, tỷ trọng năng lượng tái tạo đưa lên lưới lớn đã gây ra nhiều bất cập trong việc vận hành hệ thống điện, hiệu quả không cao. Dù công suất lắp đặt bùng nổ mạnh, chiếm tới 30% nhưng sản lượng phát điện chỉ đạt khoảng 12% tổng sản lượng. Trong khi đó, nhiệt điện có những ưu thế trong vận hành, đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn trong vận hành và gần như rất ít rủi ro", ông Ngãi nói.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, dự thảo Quy hoạch Điện VIII so với Quy hoạch Điện VII đã giảm khá nhiều điện than, trong khi năng lượng tái tạo đã được tăng lên đáng kể.
Liên quan đến việc công suất điện than tăng hơn 3.000 MW so với Tờ trình 1682 hồi tháng 3/2021, ông Dũng cho biết, theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ điện ở miền Bắc sẽ tăng nhanh. Miền Trung, nhu cầu điện thấp, nhưng có lợi thế rất lớn về tiềm năng năng lượng sơ cấp, nhất là năng lượng gió và mặt trời, nên trong dự thảo trước, dự kiến phát triển ở đây một số nguồn điện lớn nhằm cấp điện cho miền Bắc. Nếu vậy thì phải xây dựng thêm các đường dây truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc với tổng mức đầu tư lớn, điện năng truyền tải ở mức độ cao gây nhiều tổn thất. Do đó, miền Bắc cần chủ động xây dựng thêm các nguồn điện để đảm bảo cân đối nguồn – tải nội miền, hạn chế tối thiểu nhận điện từ miền Trung.
Khi đã phát triển nguồn điện cho miền Bắc đủ, công suất của miền Trung đẩy ra miền Bắc giảm, dẫn tới công suất nguồn điện năng lượng tái tạo ở miền Trung sẽ giảm. Điều này cũng đảm bảo yêu cầu rà soát của Chính phủ về đầu tư nguồn điện hợp lý, tránh đầu tư lãng phí, cân đối theo vùng miền, đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, quan điểm cân đối vùng miền, hạn chế truyền tải liên miền và kiên quyết không xây dựng thêm bất kỳ đường dây truyền tải liên kết miền nào đã được Bộ tuân thủ nghiêm túc trong lần rà soát lần này. Chính vì vậy, một số nguồn điện có vai trò chạy nền đã được bổ sung cho khu vực miền Bắc nhằm tăng cường khả năng cân bằng nội miền trong khi một số loại hình nguồn điện tại khu vực miền Trung và miền Nam đã được xem xét hạn chế tối đa việc truyền tải qua các lát cắt 500 kV từ miền Trung vào miền Nam và từ miền Trung ra miền Bắc.
Về giải pháp, Bộ Công Thương cho biết, rút kinh nghiệm từ việc phát triển điện lực trong giai đoạn 2011-2020 vừa qua, để Chính phủ và Bộ Công Thương không bị động trong điều hành phát triển điện lực trong thời gian tới, dự thảo Quy hoạch điện VIII lần này đã kiến nghị Chính phủ ủy quyền và giao Bộ Công Thương thường xuyên rà soát 6 tháng một lần tình hình triển khai các công trình nguồn điện.
Mặt khác, Bộ được phép điều chỉnh tiến độ phát điện đối với nhiều nguồn điện chậm tiến độ quá 24 tháng và điều chỉnh thay thế các dự án chậm tiến độ bằng các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch điện nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện và tránh gây lãng phí, thất thoát đầu tư và giảm hiệu quả đầu tư các dự án điện.
Sau khi nhận được các ý kiến góp ý, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu và giải trình nghiêm túc các ý kiến, hoàn thiện Đề án trước khi trình Hội đồng thẩm định xem xét, có ý kiến, hoàn thiện toàn bộ nội dung Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Nguồn: Internet