TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Bài nghiên cứu » Chữ Nôm Tày- Kho tàng văn hóa vô giá đang bị lãng quên

Chữ Nôm Tày- Kho tàng văn hóa vô giá đang bị lãng quên

01:05 | 25/04/2023

Dân tộc Tày là một trong 53 dân tộc thiểu số Việt Nam có bản sắc văn hóa rất đặc biệt:

- Tiếng Tày nằm trong ngữ hệ Thái - Ka Đai cùng với 7 dân tộc trong nước là Thái, Nùng, Giáy, Bố Y, Sán Chay, Lào, Lự và các quốc gia Đông Nam Á là Thái Lan, Lào và dân tộc Choang (Quảng Tây - Trung Quốc). Người Tày có thể nói chuyện, trao đổi thông thường với các dân tộc này.

- Chữ nôm Tày là loại chữ vuông gốc Hán giống như chữ nôm Kinh, chữ Choang Quảng Tây - Trung Quốc, chữ Hàn Quốc, chữ Trung Quốc và chữ Nhật Bản.

Chữ nôm Tày là một sáng tạo tuyệt vời do các thế hệ người Tày làm nên để ghi lại tiếng nói, ghi chép các sự kiện về lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội, phong tục tập quán và sáng tác văn học nghệ thuật... Ngôn ngữ Tày cùng với chữ nôm Tày làm nên di sản văn hóa quý báu của dân tộc Tày.

Sơ lược về chữ nôm Tày

Qua nghiên cứu các tài liệu bằng chữ nôm Tày ta nhận thấy chữ nôm Tày được xây dựng hoàn toàn dựa vào các nét, các bộ thủ và các chữ Hán nguyên bản theo ba yếu tố hình - âm - nghĩa, trong đó về ngữ âm là sử dụng âm Hán - Việt để xây dựng chữ Tày cổ, cụ thể như sau:

- Chữ nôm Tày hình thành bằng cách vay mượn chữ Hán toàn diện cả hình, nghĩa và âm Hán - Việt. Ví dụ: nhật (氲), nguyệt (殥), phụ (禶), mẫu (烌).

- Chữ nôm Tày hình thành bằng cách giữ hình và nghĩa của chữ Hán, nhưng đọc theo âm nôm Tày. Ví dụ: chữ (毠) nghĩa là ngựa, tiếng Tày đọc là mạ, nghĩa là ngựa.

- Chữ nôm Tày hình thành bằng cách giữ nguyên hình và âm của chữ Hán nhưng đổi nghĩa theo âm chữ Tày trùng với âm Hán Việt. Ví dụ: chữ xa (毥) nghĩa là xe, tiếng Tày đọc là xa, nghĩa là tìm.

- Chữ nôm Tày hình thành bằng cách giữ hình của chữ Hán, nhưng đổi hẳn âm và nghĩa. Ví dụ: chữ lạc (狨) nghĩa là vui vẻ, tiếng Tày đọc là miac, nghĩa là đẹp.

- Chữ nôm Tày hình thành bằng cách ghép hai chữ Hán lại với nhau. Loại này hết sức phổ biến và thường ghép một chữ để biểu âm với một chữ biểu ý.

Ví dụ: chữ vằn (爾) nghĩa là ngày gồm chữ văn (牍) - biểu âm + Nhật (氲) - Biểu ý.

- Chữ nôm Tày hình thành bằng cách thêm nét hoặc thêm chữ Hán. Ví dụ: chữ khửn (碌) nghĩa là lên gồm chữ khẩn (氬) + nét (啍) hoặc chữ (禼).

- Chữ nôm Tày hình thành bằng cách thêm bộ thủ khác. Ví dụ: chữ suông (狊) nghĩa là phu gồm chữ xuân (滃) + bộ mộc (狱).

- Chữ nôm Tày hình thành bằng cách thêm các nét nháy bên trên, bên cạnh, để chỉ một chữ có nhiều âm và nghĩa đọc khác biệt. Ví dụ: chữ chộc (泞) nghĩa là cái cối, gồm chữ Chúc (牝) + Nét nháy (杺).

- Chữ nôm Tày hình thành bằng cách vay mượn chữ nôm Việt toàn diện cả hình, nghĩa và âm. Ví dụ: Miếng giầu hai tay nâng dâng kính (祡 狋 秇 瀌 潨 笄 璨) hoàn toàn mượn chữ nôm Kinh.

Nhìn chung, chữ nôm Tày thường có nhiều nét hơn, phức tạp hơn chữ Hán do phần lớn là ghép 2 chữ Hán lại hoặc phải thêm nét nháy, dấu phẩy bên cạnh. Cách đọc cũng có khi không thống nhất hoặc một chữ có thể có nhiều cách đọc, cách viết khác nhau.

Thời điểm ra đời của chữ nôm Tày

Đây là vấn đề tốn khá nhiều giấy mực của các học giả, tuy nhiên cho đến thời điểm này chưa có một tài liệu nào cụ thể, tất cả đều là giả thiết. Một giả thiết có tính lô-gich nhất là: “Ông Lý Thế Khanh sinh năm 1389 tại Hòa An (Cao Bằng) là người đầu tiên đã cải biên chữ Hán thành chữ nôm Tày. Đến thời kỳ nhà Mạc lên đóng đô ở Cao Bằng (1592 - 1677) xuất hiện một số học giả người Tày như Nông Quỳnh Văn, Bế Văn Phủng... có đủ kiến thức và điều kiện đã hoàn thiện hệ thống chữ nôm Tày như ngày nay.

Trong Sách dạy bảo chữ Nôm của ông Hoàng Văn Đại, là thầy giáo ở bản Na Rì (Bắc Kạn) soạn vào tháng Giêng năm Canh Thìn triều vua Minh Mạng (1820), tức là cách đây 196 năm có ghi như sau: “Chữ Nôm của tổ tiên ta được truyền lại từ thời nhà Mạc lên đóng đô ở Cao Bằng với các ông như Bế Văn Phủng và Nông Quỳnh Văn là người dân tộc ta đã có công chế tác ra mà còn đến thời ta đây”.

Thiết nghĩ, đây cũng là một căn cứ để các nhà nghiên cứu xem xét về thời điểm ra đời của chữ nôm Tày. 

Đánh giá sơ bộ về số lượng và giá trị của các văn bản chữ nôm Tày

Hiện nay, tại Viện Hán nôm có 2586 quyển sách nôm Tày. Tại Bảo tàng Tuyên Quang có khoảng 100 quyển sách nôm Tày. Ngoài ra, mặc dù số lượng sách nằm trong dân tuy mất mát khá nhiều nhưng vẫn còn rất lớn (ở Cao Bằng có nhà còn hàng trăm cuốn).

Sách nôm Tày bao gồm các loại như sau:

- Các sách về y học (chẩn mạch, châm cứu, bấm huyệt chữa bệnh).

- Các sách về dược học (các loại cây cỏ thuốc nam).

- Sách về câu đố, tục ngữ, ca dao, thành ngữ.

- Sách hướng dẫn rèn luyện thân thể: Dưỡng sinh, khí công.

- Sách thơ ca: Ca ngợi đất nước thanh bình, mưa hòa gió thuận mùa màng bội thu, ca ngợi tình mẫu tử, huynh đệ, học hành đỗ đạt, thăng quan tiến chức...

- Các sách về then, sli, lượn, cọi, phong slư, hát giao duyên...

- Sách về tâm linh: Then kỳ yên, Then giải hạn, Then cấp sắc, Xéc Pụt...

- Sách về nghi lễ cưới xin: Văn quan làng.

- Sách về lời hát trong nghi lễ đám tang.

- Sách dạy về luân lý đạo đức (Bách giáo).

- Sách dạy học chữ nôm Tày.

- Các sách truyện gồm gần 100 đầu truyện như: Bioóc Lả, Pác Dảo, Toọng Tương. Nho Hương, Chiêu Đức, Lý Thế Khanh, Nhân Lăng, Lưu Đài - Hán Xuân, Nàng Kim, Nàng Ngọc Dong, Truyện Nàng Quyển, Truyện Thị Đan, Nàng Ngọc Long, Lý Lan - Thị Dung, Quảng Tân - Ngọc Lương, Lương Nhân con côi, Trương Hán - Mẫu Đơn, Lưu Trương, Lưu Bang, Đính Quân, Pây sứ, Quảy binh ca, Truyện Thạch Sanh,Tống Trân - Cúc Hoa, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Lưu Bình - Dương Lễ cổ truyện, Tam quốc diễn nghĩa…

Điều đặc biệt là gần như toàn bộ các tác phẩm đều là thơ thất ngôn trường thiên. Điều đó chứng tỏ khả năng sáng tác của các tác giả người Tày trước đây là hết sức phong phú, với thể loại truyện thơ giúp người đọc dễ nghe, dễ thuộc, dễ lưu truyền rộng rãi trong nhân dân.

Với số lượng và thể loại các tác phẩm chưa đầy đủ trên đây cũng đã cho thấy khả năng sáng tạo đa dạng phong phú của người Tày xưa.

Trong hàng trăm đầu sách nôm Tày, tôi xin đơn cử một số tác phẩm thể hiện tài năng sáng tạo tuyệt vời của dân tộc Tày, đó là:

Các bài then cổ: Hiện nay bộ then cổ tại Tuyên Quang khá đồ sộ với 81 cung khoảng 1000 trang, gần 20.000 câu thơ thất ngôn. Ông Then bà Then mượn lời ca, tiếng đàn dẫn đoàn quân Then mang lễ vật đến với các đấng siêu nhiên để cầu xin các vị thần linh phù hộ, che chở, bảo vệ cho cộng đồng tránh khỏi thiên tai, dịch bệnh, cầu mong cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Ngoài ra then còn có phần là loại hình dân ca độc lập được sử dụng trong sinh hoạt văn hóa văn nghệ cộng đồng.

Bộ Then cổ là một tài liệu đồ sộ quý giá, thể hiện sự sáng tạo tài tình của dân tộc Tày. Chính vì vậy, then đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đang lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Văn quan làng: Hát quan làng là lối hát đối đáp giữa hai vị trưởng đoàn nhà trai và nhà gái trong lễ đón dâu của người Tày. Trên thế giới có lẽ ít có một dân tộc nào mà toàn bộ nghi lễ đón dâu từ việc mời nhà trai vào nhà, mời trầu, mời nước, nộp đồ lễ, xin dâu, xin rể vào lạy tổ tiên, họ hàng, lạy bố mẹ, lạy anh chị, mời cơm, mời rượu, xin dâu ra cửa... cho đến khi đoàn đón dâu về đến nhà trai lại giao dâu, nhận dâu, căn dặn dâu rể... tất cả các thủ tục ấy đều được vận dụng bởi hàng trăm bài thơ và được hát với một làn điệu dân ca chữ tình mượt mà ấm áp cảm động, gọi là hát quan làng. Đó thực là một nghi lễ rất độc đáo, thể hiện tính nhân văn sâu sắc riêng có của người Tày.

Truyện Tam quốc diễn nghĩa: Tam quốc diễn nghĩa là một tiểu thuyết lịch sử của Trung Quốc, được La Quán Trung viết vào thế kỷ XIV gồm khoảng 120 chương hồi, được xem là một trong bốn tác phẩm cổ điển hay nhất của văn học Trung Quốc.

Do nội dung hấp dẫn nên sách Tam quốc đ??c ng??i ??c?Vi?t Nam???n nh?n ngay t? ??u?th? k? XXược người đọc Việt Nam đón nhận ngay từ đầu thế kỷ XX. Đặc biệt người Tày cũng yêu thích tác phẩm này và họ đã chuyển toàn bộ truyện từ văn xuôi thành truyện thơ thất ngôn trường thiên, ghi chép lại bằng chữ nôm Tày mà đến nay một số cụ già vẫn thuộc làu. Điều đó thể hiện sự lao động công phu và sáng tạo tài hoa của các học giả người Tày đã làm cho tác phẩm của họ sống mãi trong lòng dân.

Truyện Toọng Tương: Đây là một câu chuyện rất đặc biệt, thể hiện thuyết nhân quả và quan niệm luân hồi báo ứng. Câu chuyện nói về vua quan văn võ thời tiền Hán (năm 202 TCN). Sau khi thống nhất nhà Hán, nhiều trung thần tài giỏi có công bị mưu sát oan uổng. Ngọc Hoàng cho Toọng Tương - một nhân vật nhân đức thay Diêm Vương xử kiện. Án xử như sau: Hán Cao Tổ Lưu Bang làm vua nhưng để vợ chuyên quyền giết hại trung thần, nay cho đầu thai làm Hiến Đế, vị vua cuối cùng của nhà Hán (189 - 220), ở ngôi 32 năm nhưng hoàn toàn bị các gian thần khống chế. Lã Hậu hoang dâm vô độ cho đầu thai thành họ Phục là vợ của Hiến Đế. Tề Vương Hàn Tín trước đây không chịu thông gian nên bị Lã Hậu hại chết, nay cho đầu thai làm Tào Tháo - vua nước Ngụy và giết chết Phục Thị khi đang mang thai báo thù kiếp trước...

Như vậy mọi ân oán nợ nần kiếp trước đều được trả trong kiếp sau rất công bằng.

Câu chuyện này nói lên nguyện vọng tha thiết của nhân dân: Ở hiền gặp lành, gieo gió gặp bão, lên án những thói hư tật xấu trong xã hội. Người Tày đã xây dựng nên một truyện thơ vừa hư vừa thực, ly kỳ hấp dẫn và hết sức sâu sắc.

Truyện Bioóc Lả: Đây là câu chuyện hoàn toàn do người Tày sáng tạo ra. Chuyện kể về mối tình của nàng Bioóc Lả đem lòng yêu chàng Lương Quân. Cha mẹ nàng Bioóc Lả tham tiền quyết gả bán nàng cho một người giàu có. Tuyệt vọng, nàng chạy lên núi ăn lá ngón để giải thoát và đã hóa thành cây bioóc lả có hoa vàng rực rỡ nở muộn vào cuối mùa xuân hàng năm. Câu chuyện ca ngợi mối tình thủy chung son sắt của đôi trai gái thà chết không sai lời hẹn ước.

Qua những câu chuyện trên đây ta thấy khả năng sáng tác tài tình của các tác giả dân gian Tày xưa cho thế hệ chúng ta hôm nay.

Thực trạng việc khai thác sử dụng kho tàng sách nôm Tày hiện nay

Hiện nay, những người biết đọc chữ nôm Tày một cách cặn kẽ ở Tuyên Quang nói riêng và vùng Việt Bắc nói chung chỉ là một số rất ít cụ già trên 80 tuổi có thể đọc và diễn giải nội dung, ý nghĩa của các văn bản chữ nôm Tày.

Nhiều cơ quan quản lý cấp tỉnh, huyện, xã cũng như các cơ quan chuyên môn ở các tỉnh miền núi phía Bắc, thế hệ trẻ kể cả con em dân tộc Tày hầu như đều không biết người Tày đã từng có chữ viết riêng và có cả một kho tàng tác phẩm văn học quý báu từ xa xưa để lại cho hậu thế. Vì vậy, nhiều địa phương chưa hề có chương trình, kế hoạch gì để sưu tầm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các văn bản chữ nôm Tày. Toàn bộ sách nằm trong dân đang mục nát và mất mát dần. Số sách sưu tầm từ lâu nằm ở các Bảo tàng tỉnh gần như bị lãng quên vì không ai dịch, không có kế hoạch sử dụng nó. Hiện nay, Viện Hán nôm có một bộ phận nghiên cứu dịch thuật được 18 Tổng tập truyện thơ nôm dân tộc Tày nhưng rất ít người quan tâm sử dụng. Do đó, khả năng mai một và thất truyền là rất lớn, Đây là điều trăn trở lớn của những người làm công tác nghiên cứu chữ nôm Tày. Có những người đang cố gắng dóng lên những hồi chuông cảnh báo để mọi người thức tỉnh nhưng màn sương bao phủ vẫn còn dày đặc.

Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của kho chữ nôm Tày

Để thực hiện mục đích trên thì việc tin học hóa chữ nôm Tày là một việc hết sức quan trọng, cần phải tiến hành chuẩn hóa hình chữ nôm Tày và tạo dựng bộ phông chữ và bộ gõ chữ nôm Tày trên máy tính. Chỉ có như vậy mới có thể đưa các tác phẩm văn học Tày lên mạng Internet phổ biến trong và ngoài nước để nhiều người biết, từ đó những người yêu thích có thể khai thác sử dụng, các nhà quản lý nắm được giá trị quý báu của văn hóa Tày qua chữ và sách nôm Tày từ đó có những giải pháp thích hợp góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày.

Chữ nôm Tày là chữ viết riêng của người Tày ở Việt Nam, không giống bất kỳ chữ viết của một tộc người nào trên thế giới, vì vậy cần phải được mã hóa vào trong bộ mã quốc tế chung; phải đề nghị chữ nôm Tày của dân tộc Tày ở Việt Nam được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và của nhân loại (năm 2014 chữ nôm Tày ở Bắc Kạn đã được công nhận là di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia).

Với suy nghĩ trên, trong mấy năm qua tôi đã xây dựng một phần mềm để tạo ra chữ nôm Tày trên cơ sở các bộ thủ chữ Hán có sẵn. Sau gần 3 năm lao động miệt mài, tôi đã xây dựng được kho chữ nôm Tày tin học hóa với hơn 6000 chữ và bộ “Tự điển nôm Tày” trên 4000 chữ. Với số lượng từ này tôi đã sao chép lại một số tác phẩm nôm Tày cổ như: Then Khảm Hải, Then Bách hoa, bách điểu, Bách cốc, Bách thú, một số cung văn quan làng, Lượn Hồng nhan tứ quý, Lượn đưởi bạn dú kha tàng... và ghi lại một số bài thơ tự sáng tác có thể giới thiệu trên internet để mọi người tham khảo. Tuy nhiên đây là việc làm mang tính cá nhân cho nên kết quả còn rất hạn chế.

Tôi hy vọng và tin tưởng rằng, kho tàng văn hóa vô giá của dân tộc Tày mặc dầu tạm thời bị quên lãng nhưng chắc chắn sẽ được giữ gìn bảo tồn và phát huy xứng đáng với công lao sáng tạo qua bao thế hệ của cộng đồng dân tộc Tày ở Việt Nam.

 

                                                                                                     Tống Đại Hồng    Chi hội VHNT các DTTS tỉnh Tuyên Quang

 (1). Hoàng Phương Mai, Giới thiệu tư liệu truyện thơ nôm Tày hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thông báo Hán Nôm học, 2008, Tr.672 - 689.

 

Tin cùng loại