Thêm vào đó, trên mạng đang lây lan "dịch" chửi cũng không kém phần rôm rả. Mọi người sử dụng quyền tự do của mình vượt ngoài những khuôn phép cần thiết, trong đó có quy định của pháp luật, ràng buộc về văn hóa - đạo đức. Đáng buồn là có những người còn cổ xúy, vỗ tay, like, share (chia sẻ) cho các video hoặc livestream chửi bới của một số Facebooker, YouTuber "hoạt ngôn".
Từ bao giờ chửi bới trở thành "anh hùng" trên mạng? Mối nguy này rất lớn, không chỉ cho thấy một thói quen không tốt trên không gian mạng mà ở đó, có thể ảnh hưởng đến con trẻ chúng ta.
Trong khi các nhà xã hội học, chuyên gia tâm lý - giáo dục khuyến khích thai giáo, dạy con những điều hay lẽ phải thì ở một góc nhỏ của gia đình, các chương trình livestream chửi bới, thóa mạ một cách vô tội vạ vẫn được mở rổn rảng. Cái xấu rất dễ học, dễ thấm và lại khó tẩy sạch.
Một hiện tượng khác cũng không kém phần nguy hiểm, đó là có nhiều người đang kỳ thị bệnh nhân Covid cũng như những người liên quan (F1, F2). Có lẽ vì bức bí với giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế... nên mọi người tìm cách đổ lỗi, lên án. Từ đó sinh ra kỳ thị và có những phát ngôn trên mạng gây tổn thương người bệnh cũng như người liên quan phải đi cách ly. Họ không chỉ khổ thân vì bệnh tật, mất tự do vì cách ly mà còn khổ tâm vì cộng đồng không thông cảm và mạt sát. Ai cũng có khả năng bị nhiễm và vô tình có thể trở thành nguồn lây cho người khác trong tình hình Covid-19 vẫn đang lây lan trong cộng đồng. Suy cho cùng, tất cả chúng ta đều là nạn nhân của SARS-CoV-2 và ai cũng khổ.
Đây là lúc thay vì trách cứ, chửi mắng, mỗi người cần nâng cao cảnh giác, góp sức chống dịch, cùng nắm chặt tay nhau, đoàn kết để vượt qua khó khăn. Chỉ như vậy mới kiến tạo năng lượng tích cực, bình an, thanh thản.
Nguồn: NLĐ