Văn học nghệ thuật cổ truyền các dân tộc thiểu số là một bộ phận cấu thành văn học cổ truyền Việt Nam, tạo nên giá trị nuôi dưỡng tâm hồn, định hình lẽ sống con người Việt Nam biết yêu thương, đùm bọc, gắn bó, đoàn kết, sẻ chia, kiên cường. Không biết, không hiểu giá trị văn học cổ truyền trong dòng chảy chung của văn hóa cổ truyền của dân tộc sẽ dẫn đến tình trạng mất gốc, lai căng, nhiều khi tưởng mình hiện đại nhưng thực chất không còn nhận ra mình là ai nữa.
Trong nhiều thế kỷ qua, cha ông ta đã dày công gìn giữ, bảo tồn và truyền bá các tác phẩm văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, đặc biệt là từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân ta giành được chính quyền, thì việc đó trở thành chủ trương, chính sách chung của Nhà nước, là ý thức chung và việc làm thường xuyên của các ngành, các cấp, của mọi người dân. Nhà nước ta đã dành ra một ngân sách tương đối lớn để chi cho công việc này, trong đó có việc tập hợp, biên soạn, in sách để giảng dạy trong nhà trường; biên kịch, đạo diễn, xây dựng thành tác phẩm nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu, kể cả sân khấu kịch và sân khấu điện ảnh. Tại các địa phương miền núi và dân tộc thiểu số, các Hội văn học nghệ thuật, ngành Văn hóa – Thông tin trước đây (ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày nay) từ tỉnh đến huyện, thị xã, thậm chí có nơi đến xã, thôn cũng tập trung vào công việc này. Tại Kon Tum, không chỉ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Văn học nghệ thuật, mà báo Đảng địa phương cũng thường xuyên đăng tải, giới thiệu các tác phẩm văn học cổ truyền các dân tộc thiểu số trên địa bàn, được bạn đọc mến mộ. Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh cũng lưu giữ có hệ thống, đầy đủ số ấn phẩm văn học đã xuất bản cả ở Trung ương và địa phương. Đây là việc làm có tổ chức, còn ngoài ra, ở một số thôn, làng, đồng bào vẫn còn những người có khả năng hát kể sử thi trong các dịp lễ hội hoặc kể cho nhau nghe những lúc nông nhàn. Tôi nói “một số thôn, làng” là vì không còn nhiều, thậm chí có nơi mất hẳn các sinh hoạt văn học truyền miệng. Trong xu thế hội nhập, nông thôn phát triển như vũ bão, các thôn - làng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số chẳng khác gì thôn làng ở miền xuôi. Bao nhiêu nhà sàn, nhà mồ, cây nêu, đường ống, nước giọt… cứ như có cánh biến mất, rừng cũng chẳng còn. Số người trẻ trước kia, sau ngày giải phóng được đi học chữ, tân tiến, giờ thành người lớn tuổi chẳng nhớ gì truyện cổ và có nhớ chăng nữa cũng không nghĩ đến việc kể lại cho con cháu. Trang phục truyền thống cũng không còn, quần áo mốt mới đồng loạt, môi son má phấn, tóc xanh, tóc đỏ, xe máy phóng ào ào, lượn lách… hiếm lắm mới nhìn thấy một người già mặc trang phục truyền thống, một chị cõng gùi, địu con trên lưng. Rồi nhạc vàng, nhạc sến, karaoke, truyện tranh hiện đại, truyện kiếm hiệp thu hút con trẻ. Sinh hoạt tôn giáo cũng chiếm hết thời gian của bà con do tập trung thì giờ vào việc kinh kệ; ngày lễ cứ bảnh mắt là đến nhà thờ nườm nượp. Ở Kon Tum, tà đạo Hà Mòn như dịch hạch, tồn tại khoảng hơn mười năm mới bị dẹp bỏ nhưng hậu quả của nó vẫn còn, đó là tư tưởng không tin vào bất kỳ ai, chỉ tin Chúa, không can dự vào mọi sinh hoạt cộng đồng, không đọc sách, không nghe đài… Đội ngũ thầy cúng, thầy mo là những người có khả năng hát kể sử thi cũng mất dần chỗ thể hiện. Tôi nhớ có ông A-Ar người Ba-na Rơngao ở xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà là người theo Công giáo, vốn xưa là thầy cúng, nhớ nhiều truyện cổ đã phải khóc về việc mình theo đạo mà không có thời gian hát kể sử thi. Không chấp nhận việc đó, ông cứ tìm cách giữ gìn, khi có người của nhà nước về tìm hiểu là gặp gỡ cung cấp ngay, dù bận mấy cũng dành thời gian cho việc này. Lại có ông A Đăm Ja người Bana Rơngao ở làng Plei Đôn, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền xăng xe, thời gian, công sức đi khắp 10 huyện, thành phố trong tỉnh để sưu tầm ghi lại hàng ngàn trang truyện cổ mà ông thu thập được.
Nhằm duy trì, phát huy giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật cổ truyền các dân tộc thiểu số, tôi chú ý đến hai yếu tố, đồng thời cũng là hai việc làm cần thiết là đọc và kể. Đọc và kể đi liền với nhau. Đối với việc đọc: Muốn đọc phải có sách, mà sách thì không phải cứ in ra là tồn tại mãi bởi nó bị rách, hoặc là bị mất. Nhà nước cần đầu tư để tiếp tục xuất bản, tái bản, đưa xuất bản phẩm đến tận thôn làng, từng gia đình. Phải giữ lại và truyền bá cái phù hợp, còn cái gì lỗi thời, có hại thì phải bỏ, không luyến tiếc.
Phải tiếp tục đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích, động viên những người lưu giữ, sưu tầm, các tác phẩm văn học nghệ thuật cổ truyền, bởi lớp người thuộc thế hệ xưa của chúng ta cũng hết dần. Phải phân biệt thật giả, cái nào là cái cổ, cái nào là bịa đặt, hư cấu, mạo danh, mượn xưa nói nay, gây mất đoàn kết, chia rẽ dân tộc, hại nhiều hơn lợi. Chuyện này đã xảy ra, nên phải hết sức tỉnh táo mới nhận ra thật giả. Đối với việc kể, phải gắn với cuộc sống hằng ngày. Vợ chồng kể cho nhau nghe. Bố mẹ kể cho con nghe. Ông bà kể cho cháu nghe. Dân làng kể cho nhau nghe. Thầy cúng, thầy mo kể cho chủ nhà và bà con nghe. Thầy giáo kể cho học sinh nghe... Chống và đi tới xóa bỏ các cổ hủ tục, mê tín dị đoan là đúng, nhưng cũng cần giữ lại các giá trị mang tính bản sắc văn hóa trong các lễ hội và cuộc sống thường ngày. Thay vì kỳ thị, bác bỏ, chúng ta có thể coi các thầy cúng, thầy mo như các nghệ nhân, mời họ tham gia các cuộc sinh hoạt cộng đồng có định hướng, thậm chí mở lớp tập huấn nghiệp vụ, tổ chức các cuộc thi hát kể sử thi, có chế độ khen thưởng kịp thời. Ngành sân khấu, điện ảnh cần biên kịch, đạo diễn thêm nhiều tác phẩm dựa theo tác phẩm văn học cổ truyền các dân tộc thiểu số biểu diễn trên sân khấu, trình chiếu trên ti vi để người dân được thường xuyên tiếp cận hơn. Phải khôi phục, duy trì văn hóa đọc, văn hóa kể từ khâu biên soạn, biên tập, xuất bản đến khâu phát hành, tiếp nhận của công chúng. Có như vậy, giá trị các tác phẩm văn học nghệ thuật cổ truyền các dân tộc mới thật sự được duy trì và phát huy đúng hướng, đúng mục đích và đạt hiệu quả cao hơn nữa.
Lê Văn Thiềng ,Chi hội trưởng VHNT các DTTS Kon Tum