TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Nhiệt điện than Việt Nam và sự giám sát của quốc tế (kì 2)

Nhiệt điện than Việt Nam và sự giám sát của quốc tế (kì 2)

10:53 | 22/04/2023

Đòi hỏi trong nước

Các tổ chức tài chính Nhật Bản đang phải đối diện với sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế do kế hoạch tài trợ cho Nhiệt điện than Vũng Áng 2.

Còn trong nước, Việt Nam đang ngày càng phải đối diện nhiều hơn với mối lo ngại môi trường xuống cấp và nhu cầu bảo vệ môi trường. Thực tế cũng đang đòi hỏi chúng ta cần mở rộng quyền khởi kiện và yêu cầu bồi thường môi trường cho các cá nhân và cộng đồng, vì họ là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Mẹ con chị Dương Thị Cảnh, nhà sát Nhiệt điện than Vũng Áng 1. Cũng như các gia đình khác ở thôn Hải Phong, chị Cảnh không còn dám dùng nước mưa cho ăn uống vì sợ bị ung thư. Đứa con 6 tuổi của chị bị mẩn ngứa, ho hen thường xuyên. Vài năm trở lại đây, nước giếng cũng không dám xài vì thấy màu nước lạ. Ảnh chụp tháng 5.2018. Ảnh: Lê Quỳnh

Cách đây hai năm, phóng viên Người Đô Thị có một chuyến thực tế dài ngày vào các khu dân cư có nhà máy nhiệt điện than. Một đặc điểm chung ở những vùng này, ghi nhận từ các trạm y tế xã: các bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn có xu hướng thuyên giảm nhưng các bệnh không lây nhiễm (NCDs) gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là các bệnh tim mạch, đột quỵ, hô hấp khó thở, mẩn ngứa dị ứng và ung thư.

Không chỉ vậy, theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo Phát triển cộng đồng, tỉ lệ ung thư tại đây ghi nhận cao hơn mức trung bình của Việt Nam và thế giới, chiếm 30-40% tổng số ca chết mỗi năm, có năm chiếm gần 45%.

Một thực tế khác được ghi nhận tại các địa phương có nhà máy nhiệt điện than hoạt động như xã Kỳ Lợi (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), xã Hải Hà (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa)… là sự mâu thuẫn trong xác định ô nhiễm. Người dân nói “ô nhiễm”, chính quyền địa phương xác nhận “cảm nhận được ô nhiễm”, nhưng khi cơ quan chức năng cấp cao hơn xuống kiểm tra thì thường luôn là “các chỉ số ô nhiễm đạt quy chuẩn cho phép”.

Tháng 4 vừa qua, trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ Môi trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh: “Cần rà soát những cam kết quốc tế về môi trường trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), gần đây nhất là EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam), nhằm tạo hành lang pháp lý để phát triển đất nước phù hợp với các cam kết quốc tế lẫn đáp ứng yêu cầu trong nước”.

Rõ ràng là Việt Nam đã bắt đầu chịu sự giám sát độc lập và cụ thể hơn từ cộng đồng quốc tế trong hành động, cam kết bảo vệ môi trường của mình. Câu chuyện quốc tế kêu gọi thoái vốn với Nhiệt điện than Vũng Áng 2 chỉ là một ví dụ, cho một đòi hỏi thay đổi thực chất, cụ thể và triệt để.

Nguồn:Greenid

Tin cùng loại