Nhiệt điện gây ô nhiễm, thuỷ điện đến hạn, điện hạt nhân đứng trước những cảnh báo về thảm hoạ đã đưa tới nhu cầu tất yếu trong việc nghiên cứu, bổ sung và dần thay thế nguồn nhiệt điện, thuỷ điện bằng năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời, sinh khối... Thực tiễn phát triển năng lượng tại các nước phát triển cũng cho thấy đây là con đường tất yếu. Nhiều quốc gia đã đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực này từ khá sớm, như tại Thụy Điển, Đan Mạch, Áo, Pháp, năm 2014 năng lượng tái tạo (NLTT) được sử dụng chiếm khoảng 13,4% trên tổng năng lượng tiêu thụ.
Việt Nam là một trong các nước có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo như thủy điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, năng lượng địa nhiệt... Cụ thể, nước ta nằm trong khu vực cận nhiệt đới gió mùa, với bờ biển dài hơn 3000km.
Việt Nam cũng được xem là một quốc gia có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời, đặc biệt ở các vùng miền trung và miền nam của đất nước với tổng số giờ nắng trong năm dao động trong khoảng 1.400-3.000 giờ, cường độ bức xạ mặt trời trung bình khoảng 4-5 kWh/m2/ngày. Năng lượng mặt trời ở Việt Nam có sẵn quanh năm, khá ổn định và phân bố rộng rãi trên các vùng miền khác nhau của đất nước. Đặc biệt, số ngày nắng trung bình trên các tỉnh của miền Trung và miền Nam là khoảng 300 ngày/năm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc khai thác và sử dụng NLTT còn hạn chế. Sự phát triển của NLTT mới rầm rộ trong khoảng 2 năm trở lại đây khi có những quyết định của Thủ tướng về cơ chế hỗ trợ giá FIT (là một cơ chế chính sách được đưa ra nhằm khuyến khích phát triển các nguồn NLTT, giá bán điện được tính toán để nhàđầu tư thanh toán đủ chi phí đầu tư, có lãi vừa phải và giá này được giữ cố định trong 20 năm).
Quy hoạch điện VII điều chỉnh ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện; tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (không kể nguồn thủy điện lớn và vừa, thủy điện tích năng) đạt khoảng 7% năm 2020 và trên 10% năm 2030.
Nghị quyết 140 Chính phủ ban hành mới đây về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu tham vọng hơn là tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045.
Bùng nổ năng lượng tái tạo từ cơ chế, chính sách
Một trong những thông tin đáng chú ý mới đây được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp là đã có 113 dự án điện mặt trời, điện gió với tổng công suất trên 5.700MW đã cơ bản được giải tỏa hết công suất (bao gồm cả các dự án vận hành trước 30/6/2019 và các dự án mới được đưa vào vận hành trong năm 2020). Đây là con số kỷ lục về số nhà máy mới đóng điện trong một khoảng thời gian ngắn.
Tính đến cuối tháng 8/2020, tổng công suất các nguồn điện gió và điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch gần 23.000MW, trong đó, điện mặt trời khoảng 11.200MW; điện gió khoảng 11.800MW. Đến nay, toàn quốc đã đưa vào vận hành 102 dự án điện mặt trời với tổng công suất 6.314MWp (tương đương 5.245MWac).
Top 10 doanh nghiệp dẫn đầu năng lượng sạch được các chuyên gia, nhà khoa học Hội đồng Khoa học của Tạp chí Năng lượng Việt Nam bình chọn năm 2019 - năm bùng nổ năng lượng tái tạo lần lượt gồm: Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group); Công ty CP Năng lượng Dầu Tiếng; Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN Group); Tập đoàn TTC; Tập Đoàn Bim Group; Tổng Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng (Vietracimex); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập Đoàn Sunseap (Thái Lan); Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Du lịch Công Lý; Tập đoàn Sao Mai.
Tổng công suất nguồn điện của Top 10 doanh nghiệp dẫn đầu năng lượng sạch với danh mục 29 nhà máy điện mặt trời và điện gió là trên 2.300 MW. Trong đó, 2.164,52 MW điện mặt trời và 139,15 MW điện gió, chiếm 49% tổng công suất điện mặt trời, điện gió toàn quốc và chiếm 27,6% tổng nguồn NLTT (không kể thủy điện vừa và lớn).
Trong đó, Trungnam Group đứng đầu trong bảng xếp hạng năm 2019 với 3 dự án nhà máy điện năng lượng tái tạo đã đi vào hoạt động. Trong đó, tại tỉnh Ninh Thuận, Nhà máy điện mặt trời Trung Nam, với tổng công suất 204 MW; Nhà máy điện gió Trung Nam (giai đoạn 1) với tổng công suất 39,95 MW; tại tỉnh Trà Vinh, Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh, tổng công suất 140 MW.
Tuy nhiên một hiện tượng rất đáng được lưu tâm là một số dự án trong 113 dự án điện gió, điện mặt trời đã được nhà đầu tư trong nước chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ cho nhà đầu tư nước ngoài từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Singapore...
Việc các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, theo Bộ Công Thương, còn nằm ở chính sách giá FIT đang khá hấp dẫn.
Việc chạy đua của các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào làm điện gió cũng khiến cho dư luận e ngại về làn sóng đã từng xảy ra như đối với điện mặt trời trong năm 2018. Chỉ với Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển điện mặt trời, trong vòng hơn một năm rưỡi, đã có 135 dự án điện mặt trời với tổng công suất 8.935 MW được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực.
Tuy nhiên, với thực tế đầu tư cho các dự án điện mặt trời hạ nhiệt khi áp dụng giá FIT mới (giảm xuống) và được yêu cầu chuyển sang đấu giá chọn nhà đầu tư sau năm 2021, thì điện gió đang nổi lên như một địa lựa chọn hấp dẫn hơn, nhất là khi giá FIT hiện nay phải tới tháng 11/2021 mới hết hạn.
Theo tính toán nhu cầu của Bộ Công Thương, đến năm 2025, nguồn điện gió cần bổ sung quy hoạch ở phương án cao là 11.630 MW, chiếm đến 20% tổng nguồn điện cả nước. Tức là ngoài 4.800 MW đã được bổ sung quy hoạch thì có thêm khoảng 7.000 MW dự án mới được tiếp tục bổ sung.
Khi phát triển ồ ạt điện mặt trời đã xảy ra tình trạng không có lưới truyền tải, khiến các dự án không huy động được công suất như dự tính, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong vấn đề cân đối tài chính. Lo ngại tình trạng diễn ra tương tự với điện gió khiến Bộ Công thương liên tục đề xuất đầu tư bổ sung hàng loạt đường dây truyền tải mới. Tuy nhiên, làm đường dây không nhanh như xây dự án nên nguy cơ có nhà máy mà không phát được điện lên lưới vẫn hiện hữu ở các dự án điện gió lẫn điện mặt trời đang triển khai.
Một trong những thông tin đáng lưu ý được Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng nêu tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2020 diễn ra vào ngày 18/6/2020 là cho đến cuối năm 2020, Bộ Công thương sẽ xây dựng cơ chế có thể tổ chức đấu thầu, lựa chọn các nhà đầu tư phát triển điện mặt trời.
“Khi có cơ chế này, các nhà đầu tư tiềm năng, trong đó có các nhà đầu tư trong giai đoạn vừa qua đã có rất nhiều kinh nghiệm phát triển điện mặt trời, các nhà đầu tư không phải lo quy hoạch nữa”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói. Cụ thể là khi có cơ chế cạnh tranh, công khai minh bạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
“Vì vậy, cuộc chơi trong thời gian tới sẽ tập trung vào những nhà đầu tư có đủ năng lực, đây cũng là tín hiệu để cho tất cả những nhà đầu tư có nội lực cố gắng trong thời gian tới. Hy vọng, phát triển NLTT sẽ cất cánh, phát triển nhanh, đầy đủ và hiệu quả hơn” – Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.
Nguồn: Internet