Trong cuộc họp báo triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đã khẩn thiết đề nghị mỗi người dân hãy hy sinh một chút lợi ích bản thân, thói quen cá nhân; đồng cảm, chia sẻ và chung tay với TP để sớm chiến thắng dịch bệnh.
Hưởng ứng lời kêu gọi này, nhiều người dân đã và đang cố gắng hạn chế tối đa các nhu cầu và thói quen của bản thân. Dẫu vậy, vẫn còn không ít người đang tìm đủ cách để biện minh cho việc ra khỏi nhà của mình.
Lãnh đạo một đội CSGT TP HCM từng tâm sự thật khó để xác định chính xác trường hợp nào cần và không cần ra ngoài trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay để xử phạt. Thế nên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người dân. Vì sức khỏe bản thân cũng như an toàn cho cộng đồng, mỗi người khi dự định ra khỏi nhà, cần tự hỏi bản thân mình có giải pháp nào tốt hơn không?
Nếu tự giác được điều này thì đã không xảy ra những phiền toái cho lực lượng chức năng đang nỗ lực cho công tác phòng chống dịch, cũng như tạo luồng ý kiến tiêu cực trong dư luận như vụ việc thanh niên đi từ huyện Hóc Môn sang bến xe quận 5 để nhận hàng bị CSGT lập biên bản lỗi ra đường không có lý do chính đáng; một người đàn ông ở quận Ninh Kiều (Cần Thơ) ngang nhiên xé biên bản rồi "hăm dọa" lực lượng chức năng vì vợ ông ta bị lập biên bản…
Bình luận về những câu chuyện này, rất nhiều ý kiến đồng tình việc xử phạt là đúng, bởi nếu luận về sự khó khăn, bất tiện trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì muôn vàn. Nhưng nếu chấp nhận hy sinh nhu cầu bản thân một chút để chung tay cùng thành phố đang căng mình chống dịch, chắc chắn sẽ có nhiều cách để tìm ra phương án an toàn, tuân thủ đúng quy định.
Những sự việc báo chí phản ánh dù hy hữu nhưng thực tế cho thấy chỉ cần mỗi người ích kỷ một chút, thiếu ý thức một chút sẽ tạo thêm những áp lực, căng thẳng không đáng có cho lực lượng đang ngày đêm căng mình bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người dân.
Chốt kiểm soát thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh: KIẾN QUÍ
Xử phạt mạnh tay
Một tình trạng đáng lên án và cần xử phạt mạnh tay chính là lợi dụng tình hình dịch bệnh để tung tin sai sự thật, xuyên tạc về các biện pháp phòng chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương. Đặc biệt một số thông tin có nguồn từ những người đang cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Việc xuất hiện nhiều thông tin chưa đúng sự thật và tình trạng chia sẻ tràn lan, thiếu kiểm chứng khiến người dân hoang mang, lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào công tác phòng chống dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội. Đây là việc cơ quan chức năng cần nhanh chóng "truy vết", "khoanh vùng", "diệt virus tin giả" bằng việc xử phạt mạnh tay hơn, thậm chí xử lý hình sự.
Tuy nhiên, mỗi cá nhân cần xây dựng cho mình một "lá chắn" trước những luồng thông tin độc hại. Bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến nguy hiểm, sức người, sức của đều có hạn, cần nhất lúc này chính là sự đoàn kết một lòng từ mọi tầng lớp nhân dân và việc thực thi kỷ luật thép. Mỗi gia đình phải thật sự là một chiến lũy ngăn mầm dịch bệnh. Mỗi cá nhân phải khép lại những toan tính cá nhân để hòa vào dòng chảy chung, đặt mục tiêu chống dịch lên ưu tiên cao nhất.
Nguồn: NLĐ