TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Việt Nam sẽ chỉ còn dựa vào tài chính Trung Quốc để phát triển nhiệt điện

Việt Nam sẽ chỉ còn dựa vào tài chính Trung Quốc để phát triển nhiệt điện

01:12 | 22/04/2023

Hôm qua, Mỹ và các nước G7 vừa tuyên bố sẽ chấm dứt hỗ trợ phát triển điện than quốc tế từ cuối năm 2021. Điều này dấy lên lo ngại việc Việt Nam tiếp tục phát triển nhiệt điện than theo Dự thảo Quy hoạch Điện VIII liệu sẽ chỉ còn có thể dựa vào nguồn cấp vốn từ Trung Quốc?

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự Thượng đỉnh G7. Ảnh: Reuters

Thông tin từ Nhà trắng hôm qua (ngày 12.6), cho biết Tổng thống Mỹ Joe Bidden và các nhà lãnh đạo G7 cam kết sẽ chấm dứt hỗ trợ việc phát triển nhiệt điện than quốc tế từ cuối năm nay. Đồng thời, Canada, Đức, Anh và Hoa Kỳ cũng cam kết sẽ cung cấp 2 tỷ USD cho các Quỹ Đầu tư Khí hậu để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển chuyển đổi khỏi nguồn than sang nền kinh tế năng lượng sạch đáng tin cậy, đầu tư vào công nghệ, đào tạo việc làm và cơ sở hạ tầng. Điều này nhằm mục tiêu duy trì nhiệt độ trái đất tăng trong giới hạn 1,5oC.

Diễn tiến này cho thấy, trong bối cảnh các quốc gia, tổ chức trên thế giới đang thoái trào đầu tư vào nhiệt điện than, thì với Quy hoạch Điện VIII hiện nay, Việt Nam đối diện nguy cơ có thể sẽ chỉ còn có thể dựa vào nguồn cấp vốn của Trung Quốc, kèm công nghệ và nhân công của nước này để tiếp tục phát triển nhiệt điện than trong thời gian tới. Điều này cần được đánh giá kỹ bởi nhiều hệ lụy đi kèm.

Dừng cấp vốn cho các dự án điện than mới

Thực tế hiện nay, Hàn Quốc và Nhật Bản, hai trong số ba quốc gia còn lại đầu tư cho nhiệt điện than ở Việt Nam đã chính thức tuyên bố dừng cấp vốn cho các dự án điện than mới. Tại Đông Nam Á, Philippines cũng đã ban hành chính sách dừng phát triển điện than mới từ tháng 11.2020, và Indonesia tuyên bố ngưng dự án điện than mới sau năm 2023.

Phân tích của Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) mới đây cho thấy, như vậy áp lực cấp vốn sẽ đặt lên vai các ngân hàng trong nước, đe dọa sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính quốc gia khi tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại Việt Nam cấp tín dụng cho một khách hàng vượt 15% vốn tự có, hoặc một nhóm khách hàng có liên quan vượt 25% vốn tự có.

G7 cam kết chấm dứt tuyệt đối tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện đốt than. Trong ảnh: Một nhà máy điện than ở Mỹ. Ảnh minh họa: Petrotimes

Theo Dự thảo Quy hoạch Điện VIII hiện nay, Việt Nam dự kiến sẽ phát triển khoảng 32,5 GW điện than, trong đó khoảng 20,7 GW (tương ứng 17 dự án) sẽ rất khó triển khai trong bối cảnh nguồn tài chính cho nhiệt điện than ngày càng thắt chặt. Đây là những dự án chưa thu xếp được vốn, hoặc chậm tiến độ nhiều năm, hoặc địa phương không ủng hộ. Hầu hết các dự án này được xác định đưa vào vận hành sau năm 2025(1).

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), cho rằng: nếu tiếp tục đưa những dự án này vào quy hoạch điện VIII thì nguy cơ cao sẽ lặp lại sai lầm của Quy hoạch điện VII điều chỉnh và ảnh hưởng lớn tới việc đảm bảo cung cấp điện, bỏ lỡ cơ hội thu hút nguồn vốn xanh.”

Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân nhìn từ biển (chụp vào tháng 8.2017). Ảnh minh hoạ: Lê Quỳnh

Trong bối cảnh liên quan, ngày 10.6 mới đây, 457 nhà đầu tư quản lý tổng tài sản hơn 41 nghìn tỷ USD (chiếm khoảng 37% tài sản được quản lý toàn cầu), đã đưa ra Tuyên bố chung gửi đến Chính phủ tất cả các nước trên thế giới yêu cầu tuân thủ thực hiện chính sách khí hậu, đồng thời cảnh báo những nước tụt hậu sẽ bỏ lỡ hàng nghìn tỷ USD đầu tư nếu họ đặt mục tiêu khí hậu quá thấp và thực thi quá chậm.

Theo Tuyên bố, nếu các quốc gia “thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Paris thì sẽ tạo cơ hội đầu tư đáng kể vào công nghệ sạch, cơ sở hạ tầng xanh và các tài sản, sản phẩm và dịch vụ cần thiết trong nền kinh tế mới”.

Tuyên bố của nhà Đầu tư Toàn cầu 2021 này yêu cầu các nước không chỉ cải thiện báo cáo tài chính liên quan đến khí hậu, mà còn phải coi đây là điều kiện bắt buộc, và phải công nhận rõ ràng “khủng hoảng khí hậu”.

Một trong những hành động ưu tiên mà các nhà đầu tư kêu gọi là Chính phủ các nước cần triển khai các chính sách trong nước để khuyến khích đầu tư tư nhân vào các giải pháp không phát thải và đảm bảo hành động đầy tham vọng trước năm 2030. Điều này bao gồm: “việc loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch theo thời hạn ấn định, loại bỏ sản xuất điện than theo thời hạn đã đặt phù hợp với các lộ trình nhiệt độ 1,5°C đáng tin cậy, tránh xây mới các cơ sở hạ tầng phát thải carbon mật độ cao (ví dụ như không xây các nhà máy điện than mới) và sự phát triển của các kế hoạch chuyển tiếp cho người lao động và cộng đồng bị ảnh hưởng.”

Chính sách năm nay quyết định Việt Nam 10 năm tới

Dự báo mới nhất từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), điện mặt trời sẽ tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh trong thập kỷ tới, với mức bổ sung hàng năm là 630 GW, gấp bốn lần năm 2020. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng điện mặt trời phân tán và kết hợp rất lớn, và đây là loại hình năng lượng huy động được rất tốt nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp tư nhân và người dân.

Để giải quyết các vấn đề vướng mắc hiện nay, nhiều chuyên gia lĩnh vực nhận định cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, lưới điện và cải tiến quản lý vận hành hệ thống để tận dụng tối đa nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo của Việt Nam.

TS. Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng, Nguyên Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường (Bộ Công thương), cho rằng: việc hạn chế phát triển điện mặt trời trong 10 năm tới là một sự lãng phí về nguồn tài nguyên trong nước.

Một góc khu vực bãi xỉ than của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (ảnh chụp tháng 8.2017). Ảnh: Lê Quỳnh

Theo PGS. TS. Nguyễn Minh Duệ, chuyên gia kinh tế năng lượng, Quy hoạch Điện VIII cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thị trường điện cạnh tranh, đảm bảo sự tham gia công bằng của các nhà đầu tư và thu hút được nguồn lực xã hội cho phát triển năng lượng.

VSEA mới đây cũng đã kiến nghị Chính phủ nên có chính sách khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư xây dựng lưới điện để giải tỏa công suất năng lượng tái tạo và giảm gánh nặng đầu tư cho nhà nước. Để đảm bảo an ninh hệ thống, khâu vận hành và quản lý lưới vẫn do Nhà nước đảm trách.

Đồng thời, để tăng tính linh hoạt cho hệ thống điện, quy hoạch cần đưa pin tích trữ vào triển khai ngay trong giai đoạn hiện nay như kiến nghị của EVN, vì đây là công nghệ có khả năng điều tần rất nhanh, điều chỉnh công suất tốt, phủ đỉnh, giảm tắc nghẽn hệ thống truyền tải và phân phối, hạn chế cắt giảm công suất năng lượng tái tạo.

Hiện nay, chi phí sản xuất điện từ pin tích trữ tương đương với thủy điện tích năng. Theo Phòng Nghiên cứu năng lượng tái tạo quốc gia Hoa Kỳ (NREL), giá pin tích trữ giảm rất nhanh, từ 2010 đến 2020 giảm khoảng 80%, dự báo đến năm 2030, sẽ giảm còn khoảng 55% hiện nay, và đến năm 2050 chỉ còn khoảng 40% so với hiện nay.

Quy hoạch Điện VIII cũng cần xác định tiến độ và mốc hoàn thành thị trường bán lẻ cạnh tranh là năm 2023 - theo như quyết định về thị trường điện cạnh tranh do Thủ tướng đã phê duyệt. Hiệu chỉnh lại các mốc thời gian tiến độ về tái cấu trúc đơn vị điều độ hệ thống và thị trường quốc gia (NSMO) phù hợp với các mốc hình thành thị trường cạnh tranh bán lẻ là năm 2023.

Nhận định của các nhà khoa học, thập kỷ này là thập kỷ quyết định vận mệnh của nhân loại. Cũng vậy, chính sách được ban hành năm nay sẽ quyết định vận mệnh con người và đất nước Việt Nam trong 10 năm tới.

Nhiệt điện than tiếp tục gây nhiều hệ lụy kinh tế, xã hội

Kiến nghị mới đây của Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cho Quy hoạch điện VIII gửi lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ngành cho thấy: việc tiếp tục phát triển điện than sẽ gây ra hàng loạt hệ lụy với xã hội và nền kinh tế.

Theo VSEA, hệ lụy đầu tiên là tăng thêm gánh nặng bệnh tật cho người dân và áp lực cho hệ thống y tế. Một trong những minh chứng gần nhất, kết quả nghiên cứu ban đầu của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD) về thực trạng sức khỏe môi trường tại hai xã Vĩnh Tân và Phước Thể (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) vào tháng 5.2021, nhận định: tỷ lệ tử vong do ung thư, tai biến và đột quỵ ở khu vực gần trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân tăng lên rất nhanh từ khi trung tâm này đi vào vận hành (chiếm 33% năm 2010, tăng lên 64,6% năm 2015 và 69,6% năm 2020 trên tổng số tử vong toàn xã). Tình trạng này càng đáng báo động hơn khi ô nhiễm không khí có mối liên quan mật thiết tới gia tăng nguy cơ tử vong của bệnh nhân mắc COVID-19.

Hệ lụy thứ hai là gây bất lợi về năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt như EU, Mỹ, Nhật Bản và ngay cả Trung Quốc - khi các nước này đều đồng thuận đánh thuế carbon lên hàng hóa của các nước sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch. Đây là vấn đề có tính chiến lược mà các bộ ngành quản lý, trong đó có Bộ Công thương có trách nhiệm tính toán và tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Việc tiếp tục phát triển nhiệt điện than cũng sẽ tạo xung đột với ngành nuôi trồng thủy hải sản và du lịch. Lý do vì hầu hết các dự án điện than được xây dựng ở gần biển hoặc sông lớn với đặc thù sử dụng một lượng nước làm mát rất lớn và tuần hoàn ngược lại ở nhiệt độ cao.

VSEA cũng cho rằng kế hoạch tập trung phát triển điện than mới ở miền Trung là không hợp lý, vì khu vực này hiện đang có tỷ lệ dự phòng rất cao, lên đến 389% so với 35% của miền Bắc và 80% của miền Nam.

Tin cùng loại