Ở đây, trong trường hợp cấp bách, người người, nhà nhà đều muốn giúp đỡ "khúc ruột miền Trung" thân yêu, giúp người dân vượt qua khó khăn trong đợt lũ năm 2020 nên nhiều người chỉ mới suy nghĩ họ có tầm ảnh hưởng, có mối quan hệ nên đứng ra vận động. Khi vận động, họ chưa biết sẽ sử dụng như thế nào nên khi số tiền vận động quá lớn thì họ lúng túng, không biết cách giải ngân.
Khi vận động, chúng ta cần có kế hoạch trong vòng 3 tháng, 6 tháng hay lâu hơn thì phải rõ ràng để thông tin cho những người đóng góp. Khi có kế hoạch rõ ràng, nếu gặp trường hợp như dịch bệnh hay nguyên nhân nào khác thì chúng ta sẽ thông báo kịp thời cho các mạnh thường quân cũng như những tấm lòng hảo tâm để họ biết được lý do chưa giải ngân.
Ngoài ra, sau khi giải ngân xong, chúng ta cần thông tin rõ ràng cho những người đã đóng góp cho nguồn quỹ ủng hộ thiên tai, lũ lụt hoặc phát triển cộng đồng.
Công tác từ thiện ở Việt Nam đang gặp tình trạng "đá lộn sân" vì nghệ sĩ quyên góp là chuyện bình thường nhưng việc giải ngân lại không hợp lý. Nghệ sĩ chỉ làm nghệ thuật chứ không được đào tạo bài bản về công tác xã hội, phát triển cộng đồng nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ở những nước phát triển cũng như một số nước Đông Nam Á, nhiều người nổi tiếng cũng đã gây quỹ nhưng thông thường có bên thứ ba. Đó là một tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ hay một công ty kiểm toán đứng ra làm danh nghĩa bên thứ ba (bên thứ nhất là người ủng hộ, bên thứ hai là nghệ sĩ gây quỹ và bên thứ ba là thực thi, giám sát). Bởi vì bên thứ 3 này họ có chức năng, có kinh nghiệm giúp đỡ cho cộng đồng. Nếu có bên thứ ba, nghệ sĩ sẽ đỡ vất vả và không bị nghi vấn dư luận không tốt.
Chúng ta cần nhìn theo hướng tích cực là cần có những hướng dẫn để người nổi tiếng làm theo cách đúng, bài bản, vừa vận động được sức mạnh cộng đồng vừa có tầm ảnh hưởng của nghệ sĩ vừa giải quyết được nhu cầu cấp thiết của cộng đồng như thiên tai, hạn hán, bão lũ...
Có hai trường hợp hỗ trợ người dân gặp nạn đó là vận động hỗ trợ khẩn cấp như thức ăn, thuốc men, vật liệu nhu yếu phẩm... và sau khi hỗ trợ khẩn cấp thì hỗ trợ con giống, cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ tâm lý chữa lành tổn thương, hỗ trợ học hành là hỗ trợ phát triển.
Trở lại câu chuyện nghệ sĩ Hoài Linh vận động gần 14 tỉ đồng nhưng sau 6 tháng lũ đã đi qua mà vẫn chưa giải ngân thì là chưa đúng vì hiện nay, cuộc sống của người dân cũng đã ổn định.
Về lâu dài, thông thường ở các dự án phát triển cộng đồng, các doanh nghiệp thường rất hạn chế, không thích đưa nguồn tiền vào các tài khoản cá nhân. Thông thường, các nhà tài trợ rất thích đưa tiền hỗ trợ vào tài khoản tập thể hoặc tài khoản tổ chức bởi vì các tài khoản này có nhiều người giám sát, còn tài khoản cá nhân chỉ có họ mới biết dòng tiền ra vào.
Thử nghĩ, nếu người đứng tên tài khoản cá nhân nhận tiền họ gặp chuyện gì đó trong cuộc sống thì rõ ràng đưa vào tài khoản cá nhân rất khó khăn trong việc giải ngân. Do đó, cộng đồng và nhà hảo tâm cân nhắc hạn chế chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, nên đưa vào tài khoản trung dung, có nhiều người giám sát.
Nguồn: NLĐ