Tùy vị trí, hiện trạng, mức độ đô thị hóa mà thực hiện các nhóm giải pháp để thu hút nguồn lực xã hội tham gia các dự án đầu tư quy hoạch công viên cây xanh, không phụ thuộc vào ngân sách
Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, chỉ tiêu cây xanh công cộng tại TP hiện đạt mức bình quân 1,6 m2/người, khá thấp so với tiêu chuẩn chung của một TP hiện đại, văn minh và còn thấp xa so với quy hoạch được phê duyệt (khoảng 6,3 m2/người, theo quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2025). Từ đó cho thấy 4.660 ha đất quy hoạch cây xanh còn thiếu vì không có ngân sách để thực hiện.
Thiếu vốn để triển khai
Từ sau năm 2000 đến nay, ngoại trừ một số công viên đã có từ trước như: Tao Đàn, Lê Văn Tám, Thảo Cầm Viên, Hoàng Văn Thụ, Đầm Sen, Suối Tiên, Kỳ Hòa…, việc đầu tư xây mới công viên có quy mô lớn còn khá hạn chế. TP chỉ phát triển thêm Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận) giai đoạn 1 và 2 với khoảng 21 ha và Công viên 23 Tháng 9 (quận 1) khoảng 9 ha.
Khảo sát của ngành chức năng cho thấy các khu công viên cây xanh (CVCX) công cộng của TP được quy hoạch nhưng chưa thực hiện, là những khu đất trống rậm rạp, ẩm thấp, ao hồ… không thể tiếp cận sử dụng hoặc đất trống xen cài với các công trình xây dựng (như nhà ở xây dựng không phép, nhà xưởng, bến bãi cần phải di dời, đất hành lang ven sông, kênh rạch). Chẳng hạn, khu CVCX 100 ha ở phường Thạnh Xuân (quận 12), khu công viên mũi Đèn Đỏ khoảng 100 ha ven sông Sài Gòn (phường Phú Thuận, quận 7), khu công viên mũi Hương Tràm khoảng 20 ha (phường Tân Thuận Tây, quận 7)...
Hiện nay, việc đầu tư triển khai thực hiện quy hoạch CVCX công cộng quy mô lớn, đều trông chờ vào nguồn ngân sách của TP. Trong khi đó, TP lại cần dành ngân sách cho các nhu cầu cấp bách hơn như hạ tầng giao thông trọng điểm, giải quyết nạn kẹt xe, ngập nước; xây dựng trường học, bệnh viện... TP chưa có kế hoạch đền bù để triển khai thực hiện dự án CVCX, nhiều khu đất người dân phải chờ gần 20 năm, kể từ lúc chính thức quy hoạch. Cũng vì thế, quy hoạch cây xanh đã trở thành nỗi ám ảnh, bức xúc của người dân có đất bị quy hoạch, vì họ không được cấp phép xây dựng bất cứ công trình nào, bán cũng không ai mua.
Muốn hướng đến một TP thông minh, văn minh và hiện đại, cần có giải pháp để tăng diện tích cây xanh cho TP tương ứng với tốc độ tăng dân số và tốc độ đô thị hóa. Tuy nhiên, TP đã và đang thiếu vốn để thực hiện các quy hoạch cây xanh tập trung, hay nói cách khác, TP đang thiếu giải pháp để tạo vốn, tạo động lực để thực hiện cây xanh theo quy hoạch. Vì thế, TP cần có giải pháp để thu hút mạnh mẽ hơn nguồn lực xã hội tham gia vào việc đầu tư thực hiện, quản lý khai thác cây xanh một cách hiệu quả và khả thi.
Kịch bản thu hút vốn tư nhân
Tùy vị trí, hiện trạng sử dụng đất và mức độ đô thị hóa, có 3 nhóm giải pháp TP nên sử dụng kết hợp để thu hút được các nguồn lực xã hội tích cực tham gia vào các dự án đầu tư thực hiện quy hoạch CVCX mà không phụ thuộc nguồn ngân sách hạn hẹp.
Thứ nhất, không thay đổi diện tích cây xanh quy hoạch. Đây là giải pháp lý tưởng nhưng đòi hỏi quyết tâm rất lớn của lãnh đạo TP trong việc thực hiện quy hoạch cây xanh để nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân, giải quyết triệt để những vấn đề khó khăn, bức xúc của người dân và các cơ quan quản lý nhà nước của TP trong quản lý quy hoạch xây dựng.
TP cần chủ động điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 để hình thành các dự án quy hoạch khu nhà ở phức hợp cao tầng (ưu tiên chức năng thương mại - dịch vụ, văn phòng, bãi đậu xe, hạn chế chức năng ở làm tăng dân số kết hợp khu cây xanh phục vụ công cộng) với phần lõi trung tâm là các khu cây xanh trên phạm vi toàn TP như là các dự án trọng điểm để mời gọi đầu tư. Diện tích, quy mô của các dự án phức hợp này sẽ được nghiên cứu xác định bảo đảm tính khả thi và hiệu quả kinh tế để các chủ đầu tư có thể tiến hành triển khai thực hiện dự án một cách thuận lợi.
Việc đền bù giải tỏa diện tích các dự án trên bằng nguồn vốn vay của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, kết hợp phát hành trái phiếu. Đồng thời, mời gọi các nhà đầu tư bất động sản có năng lực, kinh nghiệm tham gia đấu giá. Chủ đầu tư dự án được lựa chọn có trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí đền bù giải tỏa của dự án cho TP ngay sau khi trúng đấu giá. Khi dự án hoàn thành, chủ đầu tư sẽ bàn giao toàn bộ khu CVCX cho TP để quản lý, khai thác, vận hành. Giải pháp sẽ khả thi hơn đối với những khu vực mức độ đô thị hóa chưa cao như các quận - huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Bình Tân, 12...
Thứ hai, giải pháp điều chỉnh giảm tạm thời một phần diện tích cây xanh quy hoạch (khoảng 20 - 30 năm). TP chủ động đề xuất Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh quy hoạch giảm tạm thời khoảng 50% diện tích khu CVCX chuyển thành khu thương mại - dịch vụ phức hợp cao tầng kết hợp khu CVCX. Sau khi dự án hoàn thành giai đoạn 1, chủ đầu tư sẽ quản lý, khai thác, vận hành 50% diện tích dự án khu phức hợp; đồng thời tiến hành bàn giao khu CVCX của dự án (tương ứng 50% diện tích các khu CVCX) cho TP. Sau khoảng thời gian sử dụng có thời hạn, chủ đầu tư tháo dỡ toàn bộ công trình phức hợp và bàn giao 50% diện tích CVCX còn lại cho TP.
Thứ ba, giải pháp giảm (lâu dài) một phần diện tích cây xanh quy hoạch. TP đề xuất Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh quy hoạch giảm một phần (khoảng 30%) diện tích khu CVCX, chuyển thành khu nhà ở phức hợp cao tầng kết hợp khu CVCX. Công tác đền bù giải tỏa, mời gọi đầu tư và đấu giá cũng được tiến hành với cách làm tương tự giải pháp nêu trên. Sau khi dự án hoàn thành, chủ đầu tư bàn giao toàn bộ khu CVCX của dự án (tương ứng khoảng 70% diện tích khu CVCX) cho TP để quản lý, khai thác, vận hành.
Nguồn: NLĐ