TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Ý kiến người dân » Tiếng kêu cứu từ Hải Dương

Tiếng kêu cứu từ Hải Dương

17:04 | 24/04/2023
Do Covid-19 lây lan mạnh, Hải Dương phải cách ly xã hội toàn tỉnh từ ngày 16-2. Ngay lập tức, hoạt động giao thương giữa địa phương này với các tỉnh, thành khác bị ách tắc.

Phản ứng đầu tiên là Hải Phòng thông báo tạm ngưng tiếp nhận nhân công và hàng hóa từ Hải Dương, bất cứ ai từ Hải Dương sang nếu bị phát hiện sẽ buộc đi cách ly tập trung và tự trả chi phí. Đất Cảng quyết định vậy là dễ hiểu, để có thời gian tìm cách khác phù hợp hơn; nếu không thì "toang" như tỉnh bạn, thiệt hại sẽ bội phần.

Nhưng 2 ngày sau (18-2) thì đã có giải pháp. UBND TP Hải Phòng cho phép các xe vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu từ các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại tỉnh Hải Dương vào TP cảng nếu đáp ứng các điều kiện phòng chống dịch Covid-19 (có hợp đồng, đơn hàng cụ thể; tài xế phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng RT-PCR và có giấy xác nhận của CDC Hải Dương trong thời gian 3 ngày gần nhất; giấy của chủ doanh nghiệp vận tải xác nhận tài xế được ăn ở và quản lý tập trung; tuân thủ tuyệt đối các biện pháp "5K"...). Nhờ vậy, đường vận chuyển hàng hóa được khơi thông, doanh nghiệp và nông dân tạm thở phào.

Các tỉnh khác tuyên bố không "ngăn sông cấm chợ" đối với hàng hóa, sản phẩm từ vùng dịch; một số nhà bán lẻ, siêu thị đã sớm vào cuộc "giải cứu" nông sản cho người dân Hải Dương, miễn là đáp ứng các yêu cầu về phòng dịch như trên.

Tuy nhiên, khó khăn không dễ được tháo gỡ bởi cho dù các tỉnh, thành bạn có mở cửa thông thương mà hệ thống thương lái vẫn sợ dịch, không đến thu mua thì cũng đành chịu; còn người tiêu dùng vẫn ngại chọn hàng hóa, nông phẩm từ vùng dịch thì cũng chẳng tiêu thụ được, mà nông sản thì đâu thể trữ lâu, đưa hết vào kho lạnh thì không đủ chỗ chứa, giảm phẩm cấp và xuống giá...

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh này, địa phương đang có khoảng 10.000 tấn cà rốt và 3.000 tấn rau đang bảo quản trong kho mát; 30.700 tấn cà rốt và 5.500 tấn rau đến kỳ thu hoạch; 1.000 tấn heo sữa, rau chế biến bảo quản trong kho cấp đông cùng nhiều mặt hàng khác đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Theo kế hoạch, 80% lượng nông sản nói trên sẽ được xuất khẩu qua cảng Hải Phòng từ nay đến cuối tháng 2. Đó là chưa kể vào dịp Tết Tân Sửu vừa rồi, người trồng đào ở Hải Dương đã khóc ròng vì Covid-19, bán chẳng ai mua.

Nhìn vào hoàn cảnh đó sẽ hiểu được hàng chục ngàn nông hộ và nhà sản xuất trong tỉnh đang lao đao, bế tắc đến mức nào; từ đây sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội của địa phương. Nhìn rộng ra, nếu các tỉnh, thành đã và đang có Covid-19 bùng phát như Hải Dương cùng đều rơi vào thế khó như vậy thì kinh tế - thương mại cả nước sẽ bị tác động dây chuyền ra sao... Do vậy, phải có giải pháp tổng thể, lâu dài.

Các tổ chức đoàn thể, xã hội, cộng đồng mạng đã kêu gọi và sớm xắn tay vào cuộc "giải cứu" nông sản cho Hải Dương. Rất cảm kích trước tình cảm ấy, song phải hiểu đó chỉ là giải pháp tình thế.

Giải pháp tổng thể nằm ở chính quyền tỉnh Hải Dương và các bộ, ngành hữu quan. Nguy cơ lây lan dịch trong tỉnh đến mức nào, các vị lãnh đạo địa phương nắm rõ hơn cả, ngoài ra còn có Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 theo sát. Vậy nên, trước khi thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh thì thông thương là điều phải tính tới trước tiên, vì nó nằm trong nhiệm vụ kép "vừa chống dịch vừa bảo đảm sản xuất - kinh doanh". Thế nhưng thực tế thì thấy có sự bị động trong chuyện này. Mà để thông thương hàng hóa thuận tiện đến các nơi thì chỉ cần bảo đảm tốt phòng chống dịch - như yêu cầu TP Hải Phòng đặt ra. Nếu làm trước một bước thì đã không phải lên tiếng kêu cứu trước hiện tượng "ngăn sông cấm chợ".

Đó cũng là một bài học đắt giá.

Nguồn: NLĐ

Tin cùng loại