TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Bài nghiên cứu » Giữ gìn và bảo tồn nét văn hóa truyền thống của người Ba Na ở Bình Dịnh

Giữ gìn và bảo tồn nét văn hóa truyền thống của người Ba Na ở Bình Dịnh

09:02 | 25/04/2023

Tỉnh Bình Định là nơi cư trú của nhiều tộc người thiểu số, trong đó có người Ba-na. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Bình Định luôn quan tâm đến sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh cho nên đời sống của đồng bào đã và đang từng bước được cải thiện. Trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIX, Đảng bộ tỉnh Bình Định có đánh giá “... thông tin, báo chí, Đài phát thanh - truyền hình có tiến bộ; công tác bảo tồn, trùng tu, xây dựng các di tích lịch sử... được chú trọng; các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống được phát huy đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân...”.

Trong bối cảnh chung của đất nước, các dân tộc trong tỉnh nói chung, người Ba-na nói riêng, luôn cần cù, chịu khó trong lao động, tăng gia sản xuất để có cái ăn, duy trì và phát triển cuộc sống. Từ thực tế của cuộc sống, cộng đồng người Ba-na ở Bình Định đã sớm hình thành bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc mang đậm nét riêng có và giàu sức sống.

Trong những năm qua, cùng với chủ trương mở cửa, hội nhập quốc tế, nhiều luồng, nhiều loại hình văn hóa tràn vào trong nước. Phim ảnh, báo chí, băng hình trên thị trường cùng với cái tốt, cái hạn chế của văn hóa nhân loại, bằng nhiều con đường, phương tiện kỹ thuật đã đi vào tận cụm dân cư, vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến tận gia đình, buồng ngủ bất cứ lúc nào. Một phần không nhỏ nam nữ thanh thiếu niên đã không ngần ngại tiếp thu một cách nhanh chóng những bài nhạc rok, điệu múa lắc mông, rung ngực... rất xa lạ. Trong hoàn cảnh đó, qua khảo sát gần đây, chúng tôi được biết, hiện nay nhiều cụ ông, cụ bà ở các làng pơlei vùng cao, vùng xa vẫn còn lưu giữ được nhiều bài sử thi - H’amon, bài Roi - truyện kể rất quý hiếm mà ba, bốn đêm hát, ngâm chưa hết. Nhiều lần, chúng tôi đem máy ghi âm đến thu, không ít cụ nói: Bây giờ đã già rồi, không còn đủ sức để hát, ngâm mà chỉ kể cho các chú ghi máy thôi.

Dân ca Ba-na cũng có nhiều dạng loại: hát đối đáp, giao duyên, hát ru - pơ nhông kon, khóc trâu, khóc - hơ moi thương người chết, những bài ngâm trong cúng lễ... mang nhiều nội dung: ca ngợi con người, tình yêu lao động, tình yêu nam nữ, ca ngợi Đảng, Bác Hồ và quê hương đất nước. Các điệu múa dân gian Ba-na lúc khỏe khoắn - khí phách thượng võ, lúc thì nhẹ nhàng, uyển chuyển chan chứa tình người.

Cũng như nhiều dân tộc thiểu số anh em sống trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, nhạc cụ truyền thống của người Ba-na có nhiều loại, đặc biệt trong số đó là cồng chiêng - cái hồn cuộc sống của người Ba-na. Hiện nay, cồng chiêng không chỉ là loại nhạc cụ truyền thống, một kỷ vật quý hiếm do tổ tiên, ông bà để lại, mà nó đã trở thành di sản văn hóa của nhân loại, được tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận. Ở người Ba-na Bình Định, mỗi khi tiếng cồng chiêng nổi lên, lúc dồn dập, sôi nổi, lúc khoan thai, nhẹ nhàng thấm sâu lòng người là niềm vui, hạnh phúc của mọi nhà, trẻ cười vỗ tay, người lớn ngồi vít cần uống rượu say sưa, rồi cầm tay nhau vui múa, hát theo nhịp cồng chiêng trong ngày hội làng. Hằng năm, người Ba-na ở Bình Định còn tổ chức được nhiều lễ hội truyền thống, vừa mang tính tín ngưỡng, vừa đáp ứng các nhu cầu về sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí như các lễ hội: mừng sức khỏe (tơ’nơr), ăn cốm lúa mới (xa mốk), lễ hội nhà rông (hao hnam rông), ăn trâu (grong tăm xa kơ pô)... Có lễ là do cộng đồng làng pơlei tổ chức, có lễ là do dòng tộc, gia đình tổ chức, rất phong phú và đa dạng, theo từng thời gian, không gian khác nhau. Lễ hội nào, dù lớn hay nhỏ cũng được đông đảo các thành viên trong làng tham gia rất đông vui. Có thể nói, các thế hệ tổ tiên người Ba-na đã không ngừng sáng tạo, gây dựng nên một phương thức giáo dục cho con cháu kế nối các thế hệ về sau thông qua văn hóa nghệ thuật truyền thống đẹp và hấp dẫn. Nhưng những di sản, những kỷ vật quý báu đó phần lớn hiện nay đang nằm im trong làng (pơlei), trong lòng đồng bào, không biết bao giờ con cháu mới lấy lại được. Biết là của quý hiếm đấy, nhưng các cụ cũng chẳng muốn một mình giữ mãi, vì đây không phải báu vật của riêng ai mà là di sản quý của dân tộc cần phải bảo vệ, giữ gìn, trao truyền và không ngừng phát huy giá trị của nó. Do vậy mà việc nghiên cứu, sưu tầm kho di sản quý của đồng bào các dân tộc anh em là rất cần thiết và quan trọng. Trong những năm qua, nhờ có các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, không ít anh em làm văn hóa, văn nghệ từ tỉnh đến huyện, xã đã có nhiều cố gắng trong việc nghiên cứu, sưu tầm văn hóa cổ truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Nhà văn hóa dân gian Hà Giao (Đặng Phùng Mại) là người Kinh nhưng rất gắn bó với đồng bào Ba-na, chỉ trong khoảng thời gian mười năm đã sưu tầm, xuất bản mười sử thi, hai mươi mốt bài Roi của người Ba-na ở Bình Định. Anh Hà Giao mất, còn để lại năm bài H’amon. Ngoài ra, anh em còn nghiên cứu, sưu tầm các loại nhạc cụ, dân ca, dân vũ, các lễ hội và các phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của người Ba-na, nhưng còn rất ít ỏi so với tiềm năng còn lưu giữ trong đồng bào. Ngày nay, phần lớn các cụ ông, cụ bà là những người còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa - những báu vật truyền thống tốt đẹp của đồng bào làng mình, dân tộc mình lần lượt sang thế giới bên kia. Sự ra đi của các cụ đã mang theo những di sản quý của dân tộc.

Những người già ra đi, màu sắc, cảnh sinh hoạt văn hóa truyền thống trong các làng (pơlei), các xã cũng mai một đi. Tiếng cồng, tiếng chiêng được coi như hồn sống và các lễ hội truyền thống lớn nhỏ của người Ba-na đã và đang vơi dần. Những đêm nghe các cụ ông cụ bà hát, kể H’amon, Roi rất đông vui nay không còn nữa. Phần đông nam, nữ, thanh thiếu niên trong làng hiện nay ít ham thích sinh hoạt đánh cồng, đánh chiêng trong các đêm hội làng; ít muốn múa, hát dân ca, ít muốn mặc trang phục mang trang sức truyền thống của dân tộc mình và càng ít thấy nam nữ, thanh thiếu niên làng ngồi đan lát, thêu dệt vải thổ cẩm... Sự hòa nhập, đành rằng chúng ta cũng phải tiếp thu cái hay, cái tốt đẹp của sắc thái văn hóa, nghệ thuật riêng có của các dân tộc anh em, của nền văn hóa thế giới, nhưng không vì vậy mà chúng ta làm mất đi hoặc coi nhẹ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Mất văn hóa truyền thống là chúng ta đã làm mất những kỷ vật thiêng liêng của các thế hệ cha anh đi trước để lại, là tự đánh mất bản thân mình, dân tộc mình.

Chúng tôi biết, hiện nay, trong tâm tư, nguyện vọng của các cụ ông cụ bà là muốn để lại tất cả các di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp đang lưu giữ cho con cháu, cho dân tộc mình trước khi đi sang thế giới bên kia. Các cụ đã có tâm tư, nguyện vọng cao cả như vậy, thật xúc động và quý giá bao nhiêu. Nhưng công việc để lấy lại, giữ lại những di sản quý từ các cụ chuyển giao, đối với chúng tôi là những việc làm không phải dễ. Đành rằng chúng tôi là những người Ba-na đang có tâm huyết, trách nhiệm lớn với nền văn hóa truyền thống của dân tộc mình, hiểu biết về tiếng nói, chữ viết và phong tục tập quán... nhưng khi bắt tay vào làm những công việc cụ thể, không mấy suôn sẻ. Xuống tận các làng, các xã cũng đã nhiều, sưu tầm, nghiên cứu rồi chụp ảnh, ghi âm cũng không phải là ít, nhưng việc chọn lọc, tập hợp để dàn dựng nên chương trình thành những bài viết, tác phẩm có giá trị còn quá ít ỏi. Do vậy, hiện nay chúng tôi đang rất cần các nguồn lực mà quan trọng nhất vẫn là nguồn về nhân lực. Chúng tôi ham mê làm văn hóa là do có chút ít kinh nghiệm hàng chục năm công tác, đâu có ai qua các trường, qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nào. Chúng tôi đang rất muốn, nếu được đào tạo hay bồi dưỡng ở các lớp học nào đó là rất tốt, và rất cần sự quan tâm giúp đỡ của anh em người Kinh. Anh em người dưới xuôi lên còn gặp một số hạn chế như tiếng nói, chữ viết và các phong tục tập quán của dân địa phương nhưng các anh lại có trình độ chuyên môn giỏi, kinh nghiệm công tác tốt, nhiệt tình với công việc khai thác, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa truyền thống. Có được nguồn nhân lực như vậy, chắc chắn sẽ giúp chúng tôi trong thời gian tới tiếp tục bảo vệ, gìn giữ và phát huy tốt hơn nữa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, góp phần vào màu sắc chung của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc.

Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng có nhấn mạnh: “Văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững... của đất nước”. Vai trò của công tác văn học nghệ thuật có tầm quan trọng như vậy, thiết nghĩ bên cạnh sự nỗ lực, phấn đấu vượt bậc của mỗi văn nghệ sĩ cả nước, trong đó có anh em người Ba-na ở Bình Định, còn phải có sự tiếp tục quan tâm lớn của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương mới có thể làm được.

Ngày nay đời sống của cộng đồng người Ba-na ở Bình Định đang trong quá trình thay da đổi thịt: kinh tế phát triển, trật tự anh ninh xã hội được giữ vững, văn hóa giáo dục từng bước được cải thiện. Bên cạnh cái ồn ào của cuộc sống mới, đi đến đâu chúng tôi vẫn còn thấy cái rộn ràng, sâu lắng của nét riêng văn hóa cội nguồn dân gian. Làm như thế nào đây, cần có những giải pháp thiết thực, có hiệu quả để giữ gìn và bảo tồn tốt đẹp văn hóa địa phương trong tổng thể chung của văn hóa Việt Nam vừa mang tính thời đại, vừa mang đầy đủ nét riêng của văn hóa cội nguồn không phải là công việc dễ làm. Điều cần thiết đối với những người làm công tác văn hóa và những nhà lãnh đạo là phải biết chú trọng và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, làm cho nguồn vốn ấy chẳng những không bị mất đi mà còn được tô đậm thêm trong mỗi tâm hồn của con cháu hôm nay và mai sau. Kinh nghiệm cho thấy nét đẹp văn hóa cội nguồn khi đã thật sự chiếm lĩnh tâm hồn, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của mỗi con người thì chắc chắn trong các hoạt động khác sẽ dựa trên sức mạnh ấy mà tồn tại và phát triển. Và như vậy, có thể nói chúng ta đã giữ gìn và phát triển tốt các giá trị truyền thống của dân tộc.

 


Yang Danh Chi hội VHNT DTTS Bình Định

 

 

 

Tin cùng loại