TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Bài nghiên cứu » Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer ở Tây Nam Bộ

Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer ở Tây Nam Bộ

09:07 | 25/04/2023

Tây Nam Bộ là vùng tụ cư đông đảo của người Khmer ở Việt Nam, với dân số hiện nay khoảng 1,3 triệu. Người Khmer là cư dân đông thứ 2 ở vùng Tây Nam Bộ (sau dân tộc Kinh) chiếm tỷ lệ 6,9% dân số toàn vùng. Người Khmer có mặt khá sớm ở Nam Bộ, bằng chứng là đã có nhiều ngôi chùa của người Khmer ở Trà Vinh, Sóc Trăng… được xây dựng từ bốn, năm thế kỷ về trước. Người Khmer là cư dân  nông nghiệp, hoạt động chủ yếu là trồng lúa nước và một số ít loại hoa màu. Ngay từ buổi đầu, người Khmer sống thành các phum, sóc (như các xóm, ấp của người Kinh) trên các giồng đất cao, đó là các gò phù sa cổ, có nguồn nước ngọt, cao ráo, khí hậu thoáng mát, tránh được nước ngập vào mùa lũ của sông Cửu Long.

Văn hóa Khmer phát triển khá sớm và chắt lọc được nhiều giá trị tinh hoa đặc sắc. Cùng với chủ trương chung về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số, Đảng và Nhà nước ta cũng có nhiều chính sách nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Khmer ở Tây Nam Bộ. Việc thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Khmer không chỉ đơn thuần mang tính văn hóa mà là chiến lược hàng đầu trong việc ứng xử, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giúp nhau cùng phát triển.

Để có chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Khmer ở Tây Nam Bộ một cách đúng đắn, hiệu quả thì việc đánh giá toàn diện các giá trị văn hóa của dân tộc Khmer trong quá khứ và hiện tại sẽ giúp chúng ta có một cơ sở thực tiễn vững chắc.

Thực trạng các giá trị văn hóa của người Khmer ở vùng Tây Nam Bộ

Có thể khẳng định, những giá trị văn hóa do người Khmer ở Tây Nam Bộ sáng tạo ra trong quá trình lịch sử rất đa dạng và phong phú, nó bao gồm văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.

Về văn hóa vật thể

Nhà ở

Nhà ở truyền thống của người Khmer chủ yếu là nhà sàn. Về sau do quá trình cộng cư lâu dài và giao tiếp văn hóa với người Việt, người Hoa, cũng như để thích ứng với điều kiện kinh tế - xã hội và điều kiện địa lý môi sinh tại chỗ nên hầu hết nhà sàn cổ truyền của người Khmer đã được thay thế dần bằng nhà nền đất. Ngày nay, ở Nam Bộ, nhà sàn cổ truyền của người Khmer còn tồn tại và thể hiện rõ nhất ở một số ngôi chùa Khmer cổ kính. Tại một số vùng dọc  biên giới Việt Nam - Campuchia như Tri Tôn, Châu Đốc (An Giang), nhà sàn Khmer vẫn còn tồn tại, nhưng không chiếm ưu thế so với nhà nền đất. Cũng có một số gia đình Khmer dựng nhà theo cách xưa của cha ông nhưng số lượng không nhiều. Nhìn chung, nhà hiện nay của người Khmer ở Tây Nam Bộ thường là nhà 1 gian; nhà 2 gian (Phtes pi lờ-vêng), kỹ thuật kết cấu được mở rộng từ nhà 1 gian và loại nhà 3 gian. Nhà ở của người Khmer thường được xây cất theo kiểu nhà nối mái; nhà chính được dựng lên trước rồi sau đó mới nối mái nhà sau.

Chùa và kiến trúc chùa Khmer

Mỗi phum hay sóc của người Khmer có ít nhất một ngôi chùa. Ngôi chùa là bộ mặt xã hội, là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa của cộng đồng cư dân Khmer trong các phum sóc. Các vị sư sãi có một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của người Khmer. Mặc dù các sư sãi lo việc tôn giáo, nhưng tiếng nói của các vị góp phần quan trọng vào công việc quản lý của phum sóc. Chùa Khmer thường nằm trên một khu đất rộng, là một tổng thể kiến trúc đặc trưng của văn hóa Khmer. Trong không gian chùa, ngoài kiến trúc nhà chùa với các ngôi nhà có mái cao thẳng đứng, hoa văn họa tiết sơn vàng còn có nhiều hệ thống tượng, điển hình của nghệ thuật điêu khắc tạo hình Khmer (tượng Phật, Thần Kabâl Maha Prum, Nữ Thần Đất, hung Thần Reahu, hình tượng các tiên nữ Kây No đứng đỡ mái chánh điện của ngôi chùa, hình tượng Thần Krut - người chim, chằn, vua khỉ Hanuman, rồng, rắn, linh thú…) làm nên sự khác biệt giữa chùa Khmer và các chùa của người Kinh, người Hoa.

Y phục

Người Khmer xưa cũng nổi tiếng với kỹ thuật nhuộm vải từ quả mặc nưa (mặc kh’loeur) để tạo màu đen bóng và lâu phai.

Trong sinh hoạt đời thường, cách ăn mặc của người Khmer cũng tương tự như người Kinh. Đối với người đàn ông, trong sinh hoạt hàng ngày mặc áo kiểu dáng tương tự bà ba đen, nếu đi lễ thì mặc áo màu trắng cổ tròn hoặc cổ đứng; bận quần âu dài hoặc loại quần dài màu đen (Khô cheo th’nê buôn) được cắt may bốn mảnh và ở lưng quần không luồn dây thun mà chỉ quấn chéo như sà rông. Đối với phụ nữ, trong sinh hoạt hàng ngày trang phục cũng tương tự như phụ nữ người Kinh, khi đi dự lễ ở phum sóc hay lễ chùa thì mặc áo cổ tròn màu trắng tay lửng hoặc áo truyền thống (bom pong vêng) người Kinh gọi trại là áo “tầm vong”, quấn som poth hoặc quấn sà rông.

Nhạc cụ

Người Khmer có nhiều dàn nhạc dân tộc phổ biến, như: Vong Ph’lêng Pin peat (dàn nhạc ngũ âm), có nơi còn gọi là Vong Ph’lêng Xiêm; Vong Ph’lêng Kh’ser (dàn nhạc dây), còn gọi là Vong Ph’lêng Pro pey ni (Dàn nhạc truyền thống) hay là Vong Ph’lêng Kar (Dàn nhạc cưới); Vong Ph’lêngA răc… Trong đó, hai dàn nhạc được cho là có vai trò chi phối nhất trong sinh hoạt tinh thần của người Khmer, đó là Vong Ph’lêng Pin peat là dàn nhạc được sử dụng phổ biến nhất trong các hội lễ, đám tang… và Vong Ph’lêng kar là dàn nhạc chuyên sử dụng cho lễ cưới. Về nhạc cụ, ngoài các nhạc cụ đặc trưng trong dàn nhạc ngũ âm còn có nhạc cụ đàn Cha Pây Chòm Riêng, Khloy (sáo trúc)… và rất nhiều nhạc cụ độc đáo khác.

Ẩm thực

Người Khmer ở Tây Nam Bộ khai thác nhiều món ăn dựa vào nguồn nguyên liệu tự nhiên, đặc biệt là món brò hóc ôp (mắm bò hóc), bún nước lèo, canh xiêm lơ và om bok (cốm dẹp dùng trong dịp lễ cúng trăng).

Về văn hóa phi vật thể

Ngôn ngữ

Ngôn ngữ của người Khmer ở Tây Nam Bộ và người Khmer ở Campuchia có sự giống nhau. Song, từ cuối thế kỷ XIX đến nay đã có một vài điểm khác nhau trong tiếng nói; về phát âm, ngữ điệu theo đặc điểm vùng miền, mang tính phương ngữ của từng nơi. Người Khmer ở Tây Nam Bộ hầu như sử dụng ngôn ngữ có một số từ ngữ mang tính chất hài hòa của yếu tố ngôn ngữ các tộc người qua lối sống xen cư, giao thoa văn hóa với người Kinh, người Hoa, tạo nên một đặc trưng riêng của người Khmer đã và đang sinh sống ở vùng đất này.

Phong tục tập quán

Người Khmer Tây Nam Bộ có những phong tục tập quán rất đặc biệt, mang bản sắc rất riêng thể hiện qua nghi lễ cưới, sinh, tang ma mang nhiều ý nghĩa giá trị giáo dục văn hóa - đạo đức, hay các lễ hội truyền thống quan trọng trong năm như lễ vào năm mới (Bon Chôl Chnăm Thmây); lễ cúng ông bà (Bon Sene Đôn Ta) và lễ hội Ooc Om Bok - đua ghe ngo. Bên cạnh việc tổ chức hội đua ghe ngo truyền thống (Um Tuk Ngô) đồng bào còn tổ chức lễ hội Lô Pro Típ (thả đèn nước). Ngoài ra, người Khmer còn có nhiều hình thức tín ngưỡng dân gian được nhiều nơi trong vùng lưu giữ như lễ cúng Niết Tà, cúng Arăk, cúng Tổ…

Văn học nghệ thuật

Người Khmer Nam Bộ có một kho tàng văn học nghệ thuật được lưu truyền cho đến ngày nay rất phong phú về nội dung, đa dạng về loại hình và độc đáo hấp dẫn về nghệ thuật bao gồm: văn học, nghệ thuật biểu diễn, mĩ thuật, điêu khắc… Các loại hình này không chỉ tồn tại và gắn kết với cuộc sống đời thường mà còn tồn tại trong những sinh hoạt đa dạng khác của cuộc sống, như các thể loại dân ca hát ru, hát trong lao động, hát cấy lúa, hát giã gạo, hát đuổi chim, bơi thuyền, đua ghe ngo, hát múa, Aday đối đáp, hát giao duyên… Bất kể công việc gì, cảnh vật gì cũng đều có bài hát để ca ngợi, không chỉ tạo khung cảnh và hành động của con người mà còn thể hiện những tâm trạng, những cảm xúc và tình cảm trong sáng mang tính truyền thống từ bao đời nay.

Nghệ thuật biểu diễn

Ngoài những điệu múa dân gian sinh hoạt trong các lễ hội và lễ cưới như Rom vong, Rom Leo, Rom Kbach, Sarawan, còn có những điệu múa rất phổ biến như múa trống Chhay Dăm, múa Gáo, múa trong lễ cưới, múa Arăc… Đặc biệt, trong nghệ thuật biểu diễn của người Khmer Nam Bộ còn có loại hình nghệ thuật sân khấu hoàn chỉnh như Rôbăm và Dùkê mà người Khmer ở Campuchia không có. Nghệ thuật sân khấu Dùkê Khmer còn có tên gọi là La Khôn Ba sắc. Qua các tài liệu nghiên cứu cho thấy, Sóc Trăng là cái nôi hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật sân khấu Dùkê gắn tên tuổi gánh hát của ông Lý Cuôn (người Khmer thường gọi là Dù kê Chà Kọn, là người có công đem nghệ thuật sân khấu Dùkê sang biểu diễn ở Campuchia và được người dân xứ sở chùa Tháp ngưỡng mộ).

Thực trạng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer ở Tây Nam Bộ

Việc bảo tồn và phát huy các gái trị văn hóa của người Khmer ở Tây Nam Bộ được các địa phương trong vùng quan tâm và thực hiện đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cụ thể:

- Hiện nay, đã hoàn thành Nhà bảo tàng trưng bày văn hóa - nghệ thuật người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh; hoàn thành Phòng Trưng bày văn hóa - nghệ thuật Khmer tại Bảo tàng một số tỉnh còn lại ở vùng Tây Nam Bộ.

- Về tiếng nói, chữ viết của người Khmer: Chương trình dạy tiếng Khmer được cải cách, nâng cao thành 7 trình độ, áp dụng từ lớp 3 đến lớp 9. Ngoài ra, các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Khmer ngữ, các chương trình phát sóng, phát thanh truyền hình bằng tiếng Khmer được quan tâm thực hiện và ngày càng được tăng cường về số lượng, thời lượng và chất lượng.

- Về việc phát huy các giá trị văn học - nghệ thuật của người Khmer: Nhiều loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiếp tục được khai thác, phát huy. Một số đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên ở một số tỉnh cũng được nhà nước quan tâm đầu tư, duy trì đã và đang hoạt động khá tốt, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp trong văn học, nghệ thuật của người Khmer.

- Về bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và lễ hội truyền thống của người Khmer: Nhiều ngôi chùa Khmer ở vùng Tây Nam Bộ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và nhiều ngôi chùa của các tỉnh trong vùng được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử, văn hóa. Đặc biệt từ năm 2014 đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng nghệ thuật sân khấu Dù-kê Khmer, lễ hội Ok-om-bok và nghệ thuật diễn xướng chầm riêng chà pây là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Điều đáng nói hơn nữa là từ năm 2003 đến nay, Ngày hội văn hóa - thể thao, du lịch dân tộc Khmer Nam Bộ được tổ chức thường xuyên.

- Việc xây dựng các thiết chế văn hóa, các tụ điểm sinh hoạt văn hóa - thông tin trong vùng đồng bào Khmer sinh sống đã được quan tâm đầu tư và duy trì.

- Về công tác đào tạo đội ngũ những nhà làm văn hóa, nghệ thuật Khmer: Các địa phương đã quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ, mở nhiều lớp truyền dạy nâng cao trình độ nghệ thuật, âm nhạc dân gian dân tộc Khmer, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào.

- Về đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa mới: Nhiều hộ đồng bào Khmer và ấp, khóm có đồng bào Khmer sinh sống được công nhận gia đình văn hóa, ấp khóm văn hóa, từng bước xóa bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tạo môi trường văn hóa lành mạnh.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Khmer ở Tây Nam Bộ vẫn còn những hạn chế, bất cập, như:

- Cơ sở vật chất, giáo viên phục vụ cho công tác dạy chữ Khmer còn thiếu;

Các cơ sở giảng dạy hiện có tại các điểm chùa chưa có tư cách pháp nhân để cấp chứng chỉ, văn bằng;

Số đầu báo, tạp chí và số kỳ, số lượng ấn phẩm mỗi kỳ phát hành, thời lượng chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng Khmer còn ít;

Chất lượng báo, đài bằng tiếng Khmer chưa cao;

Việc xây dựng những quy định, quy chế hoạt động lễ hội nhằm khuyến khích những lễ hội có ý nghĩa văn hóa, lịch sử, phù hợp với cuộc sống hiện nay trong cộng đồng dân cư, nhất là việc điều tra, thống kê, xác định cái cần, cái đáng phải được bảo tồn, phát huy và phát triển chưa được các cấp lãnh đạo, chính quyền ở các địa phương trong vùng thực sự chú trọng, quan tâm đúng mức.

Cũng cần phải nói, cái đích hướng tới của việc bảo tồn và phát huy - kế thừa và phát triển là đảm bảo tính bền vững, phát triển phải hướng tới con người, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của con người, phát triển năng lực sáng tạo của con người, cải thiện chất lượng sống của con người (cả về vật chất lẫn tinh thần), thiết lập và củng cố các thiết chế văn hóa - xã hội có lợi nhất cho con người, tạo sự tham gia bình đẳng cho tất cả các cá nhân trong xã hội. Trong vấn đề bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, ngoài sự tự thân vận động của cộng đồng, cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp phải có trách nhiệm tạo lập hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phù hợp, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch cũng như các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa. Đồng thời nhà nước tạo điều kiện cho các nhà khoa học hướng dẫn chuyên môn hoặc thực hiện các chương trình “giáo dục di sản”, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hiểu biết về pháp luật, giúp cho cộng đồng nhận diện sâu sắc hơn nữa về giá trị văn hóa mà họ đang nắm giữ để hướng tới đích là xây dựng môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, tạo lập sự gắn kết lòng người, đồng thuận xã hội, đoàn kết, hòa giải và hòa hợp dân tộc. Đó là những tiền đề quan trọng nhất cho phát triển bền vững.

Nhân đây chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất một số kiến nghị về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer ở Tây Nam Bộ như sau:

Thứ nhất, cần có chương trình tổng điều tra, kiểm kê kho tàng di sản văn hóa của người Khmer; chương trình sưu tầm, sao chụp, biên dịch kho tàng thư tịch cổ của người Khmer. Tiến hành đồng thời chương trình mục tiêu “Sưu tầm, để bảo tồn và phát huy, thừa kế và phát triển các giá trị văn hóa phi vật thể và có thể tiến tới xây dựng ngân hàng dữ liệu văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ”.

Thứ hai, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực nòng cốt làm công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Khmer. Theo đó, cần đề cao vai trò của các vị sư sãi, người có uy tín, trí thức, nghệ nhân trong cộng đồng để họ nhận thức và tự nguyện tham gia tích cực với vai trò then chốt trong việc tự bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc mình, thông qua các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ công tác truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật dân tộc của công đồng.

Thứ ba, đối với ngành giáo dục và đào tạo, cần tiếp tục đẩy mạnh việc đưa chương trình dạy song ngữ (tiếng Việt - tiếng Khmer) vào tất cả các trường nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống một cách phù hợp, hiệu quả.

Thứ tư, gắn việc bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc Khmer với phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và kinh tế; hài hòa giữa bảo tồn và phát huy - kế thừa và phát triển.

Thứ năm, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù cho công tác bảo tồn và nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào Khmer, như: Xây dựng các thiết chế văn hóa cho vùng có đông đồng bào Khmer; phổ biến, giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa của người Khmer; đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Khmer. Chú trọng đầu tư kinh phí để sưu tầm những giá trị văn hóa của đồng bào Khmer có nguy cơ mai một cũng như kinh phí hỗ trợ cho các nghệ nhân; thường xuyên mở lớp truyền dạy cho lớp trẻ về nghệ thuật: âm nhạc, sân khấu, hát, múa, mỹ thuật, điêu khắc…

Thứ sáu, hoàn thiện chính sách đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác văn hóa, thông tin và những nghệ nhân, nghệ sĩ ở vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với nhiều thời cơ và đầy thách thức quả là điều không hề dễ dàng. Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc nói chung và đồng bào Khmer nói riêng đòi hỏi cần phải có một chính sách nhất quán để mọi người hiểu và nhận thức được vốn quý của dân tộc mình, để từ đó có ý thức gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Muốn làm được điều này, đòi hỏi phải có sự quan tâm xây dựng cơ chế chính sách và đầu tư để phát triển văn hóa mang tính đồng bộ. Đây không chỉ là vấn đề đặt ra cho một địa phương nào mà là vấn đề đặt ra cho cả vùng Tây Nam Bộ. Nếu các chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa được tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách này và đảm bảo tổ chức thực hiện các chính sách đó một cách có hiệu qủa thì những giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer chắc hẳn sẽ tiếp tục góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời sẽ phát huy được vai trò, sức sống của mình trong cuộc sống hiện tại của người Khmer ở vùng Tây Nam Bộ, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ “việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” theo tinh thần Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

 

                                                                                                      NSƯT – ThS. Sơn Lương

                                                                                                        Hội VHNT các DTTSVN

 

Tin cùng loại