Tộc người Ơ Đu (Phrom Ơ Đu) ở Tương Dương (Nghệ An) là một trong 5 tộc người có dân số ít nhất Việt Nam hiện nay. Người Ơ Đu từng có lịch sử đáng tự hào, tộc người này có dân số khá đông, họ từng có vùng cư trú riêng, không sống xen lẫn bất cứ tộc người nào. Qua biến thiên của lịch sử, Phrom Ơ Đu chỉ còn trên danh nghĩa, thực tế họ đang dần biến mất.
Từ quá khứ lịch sử bi hùng…
Theo tài liệu nghiên cứu về nguồn gốc lịch sử tộc người Ơ Đu (Phrom Ơ Đu) ở Tương Dương của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử như GS.TS. Đặng Nghiêm Vạn, GS. TS. Trần Trí Dõi, GS. Phan Huy Lê, GS. Ninh Viết Giao hay TS. Nguyễn Đình Lộc, PGS. TS. Nguyễn Nhã Bản... và qua những câu chuyện kể lại của người cao niên ở Xốp Pột, Kim Hòa, xã Kim Đa([1]) thì người Ơ Đu có dân số khá đông, họ sinh sống ở cả một vùng rộng lớn bao gồm lưu vực sông Nậm Nơn, Nậm Mộ và một phần ở trên đất Lào. Họ sống độc lập, không xen kẽ với bất cứ tộc người nào. Ở Việt Nam có nhiều trung tâm văn hóa của tộc người Ơ Đu như Xiêng Tắm([2]), Xiêng Lăm([3]), Xiêng Men([4]) của huyện Tương Dương. Họ có bộ máy “nhà nước” cai trị, có đại bản doanh là một thành lũy được đắp bằng đá, rồi trồng tre gai bao bọc xung quanh. Ngày nay, những dấu vết lịch sử về cát cứ địa lý của người Ơ Đu xưa vẫn còn, như di tích thành lũy bằng tre ở xã Hữu Khuông huyện Tương Dương (Nghệ An).
Qua nghiên cứu về lịch sử hình thành và tồn tại của Tiểu quốc Bồn Man của người Tai Phuan xưa (khoảng từ thế kỷ XIV - XVIII) thì có thể đoán định rằng, tộc người Ơ Đu xưa thuộc Tiểu quốc Bồn Man (bao gồm Xiêng Khoảng, Hủa Phăn (Lào) và các huyện miền núi phía Tây Nghệ An ngày nay). Tộc người Ơ Đu xưa có một xã hội khá phát triển. Họ sống độc lập, có “nhà nước”, có vua cai trị, có nô lệ và nhiều bầy voi, có vua cai trị (Thủ phủ của họ ở đâu thì chưa có nhà nghiên cứu nào xác định, chỉ đoán định là ở xã Kim Đa). Họ sống bằng nghề làm ruộng, phát nương làm rẫy, đào đãi vàng, chài lưới và buôn bán trên sông, Những địa danh như Xiêng Tắm, Xiêng Lăm, Tạ Xiêng... luôn tấp nập thuyền bè xuôi ngược. Năm 1478, Lư Cầm Công - thủ lĩnh của Bồn Man cấu kết với Lão Qua (Lạn Xảng) làm loạn, quấy nhiều vùng đất Tây Nghệ An. Vua Lê Thánh Tông cử 2 tướng là Lê Thọ Vực và Trịnh Công Lệ đem quân sang dẹp. Cầm Công bị giết chết. Lê Thánh Tông sáp nhập Bồn Man vào Đại Việt và đặt tên là xứ Trấn Ninh, rồi cử Lư Cầm Đông (họ hàng với Cầm Công) quản lý. Gặp phải thời loạn lạc, tộc người Ơ Đu tan tác. Về sau, những người đứng đầu của các nhóm Ơ Đu lại tụ họp nhau tại núi Pú Pầu thuộc lưu vực 2 con suối Huồi Puông, Huồi Xan thuộc xã Kim Đa huyện Tương Dương (Nghệ An).
Sau khi Bồn Man thuộc về Đại Việt, những cuộc thiên di tìm đất sinh sống của người Thái, người Hmông, Khơ Mú từ Lào tràn sang. Những cuộc nội chiến để tranh giành đất sinh sống bắt đầu từ đây. Dân số ít, thế lực yếu, người Ơ Đu lại bị dồn vào nơi đầu suối, ngọn khe. Để tránh nguy cơ bị diệt vong, một bộ phận người Ơ Đu phải bỏ tiếng nói, tên gọi, phong tục, tập quán của mình, sống đan xen, lệ thuộc vào người Thái, Khơ Mú. Những truyền thuyết của người Thái, Khơ Mú đều khẳng định, vùng đất thượng nguồn Nậm Nơn, Nậm Mộ xưa đều là đất do người Ơ Đu khai phá; những cái tên hang động, tên suối, ngọn núi còn mang đậm thanh âm của tiếng Ơ Đu. Mất đất, người Ơ Đu phải làm thuê, cuốc mướn cho chúa mường, chúa bản của người Thái. Bị áp bức, chèn ép về tinh thần và cướp đoạt về địa vị kinh tế, họ phải chịu cuộc sống khổ cực. Cái tên Tày Hạt (theo tiếng Thái là người rách rưới hay đói rách) cũng xuất hiện từ đó.
Sau Cách mạng tháng Tám, các dân tộc được sống bình đẳng, đồng bào Ơ Đu quy tụ về sinh sống ở 2 bản Xốp Pột và Kim Hòa thuộc xã Kim Đa, huyện Tương Dương (Nghệ An), một vài hộ sinh sống rải rác ở bản Tạ Xiêng thuộc xã Kim Tiến, bản Xiêng Hương thuộc xã Xá Lượng, huyện Tương Dương (Nghệ An). Tuy nhiên, thế hệ con cháu tộc người Ơ Đu ở vào thời điểm đó kể cả người già nhất cũng đã quên hết ngôn ngữ, phong tục tập quán của mình.
Năm 2006, để nhường mặt bằng cho việc xây dựng công trình thủy điện Bản Vẽ, đồng bào Ơ Đu ở 2 bản Xốp Pột và Kim Hòa lại tiếp tục cuộc thiên di về sinh sống tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương. Hiện nay, dân số của tộc người Ơ Đu ở Tương Dương khoảng hơn 600 người.
Theo kết quả khảo sát mới đây nhất của chúng tôi thì ở bản Khạp, huyện Mường Khun (Muang Khoun), tỉnh Xiêng Khoảng, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, tộc người Ơ Đu đang sinh sống tập trung đông nhất, dân số khoảng 48 hộ, 242 người. Ngày 23-9-2013, đoàn đại biểu Ơ Đu của bản Khạp, huyện Mường Khun (Lào) do ông Khăm Phổng - Phó Chủ tịch thường trực Mặt trận tỉnh Xiêng Khoảng làm trưởng đoàn sang thăm huyện Tương Dương (Nghệ An). Tôi đã trò chuyện với anh Khăm Đí - Bí thư, Trưởng bản Khạp và thầy mo Khăm Mằn (chầu chằm hịt khong Ơ Đu), được biết dân số Ơ Đu trên đất Lào cũng không nhiều, chỉ độ vài trăm người, sinh sống rải rác ở một số bản của Mường Khun, nơi đầu nguồn con sông Nậm Mộ. Hầu hết, người Ơ Đu ở đây đều có nguồn gốc từ xã Kim Đa, huyện Tương Dương (Nghệ An), còn sang Lào vào thời gian nào thì không còn nhớ nữa.
Đến văn hóa, phong tục tập quán và tín ngưỡng đang biến mất
Lịch sử đã khẳng định, người Ơ Đu đã từng có ngôn ngữ riêng. Ngôn ngữ Phrom Ơ Đu thuộc nhóm Môn - Khmer (ngữ hệ Nam Á). Về chữ viết thì cho đến nay chưa hề có nhà nghiên cứu nào khẳng định họ có chữ viết riêng. Các thế hệ Phrom Ơ Đu còn lại bây giờ đã quên hết tiếng nói, họ không còn nhớ cả phong tục tập quán. Một số rất ít ỏi (5 người, tuổi đã trên 80) còn nói được khoảng dưới 100 từ, và ngay cả những từ, ngữ họ còn nhớ được cũng đã có sự pha trộn của ngôn ngữ Thái, Khơ Mú([5]). Trong những năm qua, huyện Tương Dương (Nghệ An) đã có rất nhiều nỗ lực trong việc khôi phục tiếng nói của người Ơ Đu, mỗi năm mở 2 lớp dạy tiếng bằng hình thức truyền miệng. Tuy nhiên, việc bảo tồn ngôn ngữ của họ gặp không ít khó khăn bởi ngay chính bản thân tộc người Ơ Đu ở đây chưa có ý thức bảo tồn tộc người và họ không còn thói quen dùng tiếng của mình để giao tiếp trong sinh hoạt.
Người Ơ Đu tính thời gian trong năm, bắt đầu từ ngày có tiếng sấm (chăm phtrong) đầu tiên. Đây là tập tục cổ xưa của các dân tộc thiểu số quen sống bằng nghề trồng trọt. Đối với tộc người Ơ Đu, lễ mừng tiếng sấm năm mới là lễ hội lớn nhất trong năm, bà con tổ chức rất long trọng, giết trâu, mổ lợn ăn uống linh đình. Nghi lễ đầu tiên trong ngày chăm phtrong là phong sắc, phong tước cho các chức sắc trong bản như trưởng bản, già làng, các chức sắc trong giới thầy mo và đổi tên cho những người đàn ông đã trưởng thành (có con cháu đầy đàn). Những nhà có người chết trong năm thì mời thầy mo (doang xơ rơi) về nhà làm lễ tiễn linh hồn người chết về với tổ tiên, đồng thời tiến hành làm nghi lễ bỏ tang cho người góa bụa để sau lễ này họ có thể đi bước nữa. Những đứa trẻ sinh trong năm, đến ngày Chăm phtrong được các thầy mo đến nhà làm lễ nhập họ và chính thức đặt tên. Cũng trong lễ Chăm phtrong, thày mo tổ chức làm lễ cưới vợ, cưới chồng cho những người đàn ông, đàn bà đã chết. Vì theo quan niệm của người Ơ Đu, người chết rồi nhưng vì thương nhớ người còn sống cho nên vẫn lẩn quất bên cạnh họ, những khi đó người chồng, hay người vợ còn sống thường bị đau ốm triền miên.
Lễ đón mừng tiếng sấm năm mới thường kéo dài cho đến khi xong xuôi mọi nghi lễ, mọi công việc quan trọng trong bản thì mới kết thúc, nói chung từ 3 đến 7 ngày. Khoảng những năm 50 (thế kỷ XX) về trước, đồng bào Ơ Đu khắp nơi thường tụ họp về bản Xốp Pột, xã Kim Đa, huyện Tương Dương (Nghệ An) để vui hội Chăm phtrong, vì theo họ nghĩ, vua của người Ơ Đu đã từng đóng đô ở đó. Họ giết trâu, mổ bò, lợn, tổ chức các nghi lễ dân gian rồi sau đó cùng nhau uống rượu cần, ca hát, nhảy múa, chơi các trò chơi như đánh khăng, chọi gụ, chọi gà, đi cà kheo... rất tưng bừng. Ngoài lễ đón sấm đầu năm, người Ơ Đu còn ăn Tết Nguyên đán, tổ chức lễ rước hồn lúa và ăn cơm mới. Tục rước hồn lúa cũng là một nghi lễ dân gian được người Ơ Đu tổ chức khá quy mô theo từng nhóm hộ, sau đó đến từng hộ gia đình.
Người Ơ Ðu không có nhạc cụ riêng biệt mà họ sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ của người Khơ Mú, Thái như sáo, khèn, chiêng, trống; thuộc các làn điệu dân ca Khơ Mú, Thái như xuối, nhuôn, lăm, tơm.
Người Ơ Đu quan niệm về thế giới bên kia gần giống như người Thái. Ngoài các then như Then Luông, Then Vi, Then Bắc họ còn có thêm Then Na cai quản nương, rẫy. Họ cho rằng những người bị hổ ăn thịt, hay chết hoặc mất tích trong rừng không phải do ma rừng bắt mà bị Then Na bắt đi làm lính hầu trông coi nương, rẫy. Theo người Ơ Đu thì linh hồn của con người trú ngụ ở 2 nơi, một là nơi chỏm tóc, hai là ở nơi thân xác. Vì vậy, người ta tuyệt đối không được xoa đầu đứa trẻ vì làm như vậy hồn sẽ sợ và đi mất, khi đó đứa trẻ sẽ ốm đau. Họ tin rằng khi người chết, hồn biến thành ma. Hồn nơi thân thể thì ngụ ở bãi tha ma, còn hồn nơi chỏm tóc thì ở lại làm ma nhà. Ma nhà chỉ ở với con cháu một đời theo thứ tự từ con trai cả đến con trai thứ. Khi các con trai đã chết hết, người ta làm lễ tiễn ma nhà về với tổ tiên. Nơi thờ ma nhà tại góc hồi của gian thứ hai. Bàn thờ của người Ơ Đu đơn giản, treo cao sát mái nhà, ở đó có 1 cái bát dựng trầu cau và treo lá bùa. Người Ơ Đu quan niệm rằng, khi trong nhà có việc chẳng lành như có người ốm đau, bệnh tật kéo dài chữa trị không khỏi, hỏa hoạn hay có người chết, vật nuôi chết hay thất lạc,... là do ma nhà hay hồn ở chỏm tóc phật ý mà làm hại. Người ta mời thầy mo đến cúng ma nhà, cúng hồn chỏm tóc với nhiều lễ lạt như trâu, lợn, gà, quần áo, gạo, bạc nén, rượu cần... để hỏi xem ma nhà hay linh hồn phật ý về vấn đề gì, sau đó tiếp tục bày lễ sám hối và cầu xin ma nhà hay linh hồn tha thứ và đừng làm hại gia đình.
Người Ơ Ðu sinh sống chủ yếu bằng nương rẫy và một phần ruộng nước. Mỗi năm họ chỉ làm một vụ: phát, đốt, gieo hạt từ các tháng Tư, Năm Âm lịch; thu hoạch vào các tháng Chín, Mười. Công cụ làm rẫy gồm rìu (xoải), dao (pa đa), lưỡi hái (hep),... Ngoài lúa là giống cây trồng chính, còn trồng sắn, bầu, bí, ngô, ý dĩ, đỗ; nghề hái lượm và săn bắn vẫn có vị trí quan trọng trong đời sống của người Ơ Đu. Nghề chăn nuôi trâu bò, lợn gà, dê khá phát triển. Trâu, bò dùng làm sức kéo (kéo gỗ, kéo cày); lợn, gà sử dụng trong các dịp cưới, nghi lễ tín ngưỡng, cúng ma... Người Ơ Đu xưa có nghề đan lát rất tinh xảo, vật liệu chủ yếu là cây giang, song, mây, họ sản xuất đồ gia dụng để vừa dùng trong gia đình vừa trao đổi. Xưa, người Ơ Đu có nghề dệt vải, thêu thùa, may vá khá phát triển. Hiện nay, sau bao cuộc thiên di, những tư liệu sản xuất cũng như đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày, trang phục cổ truyền của nhóm Ơ Đu ở Tương Dương không còn nữa. Người Ơ Đu ở Tương Dương bây giờ ăn mặc theo kiểu người Thái, người Kinh.
Nếp nương vẫn là loại lương thực chính của người Ơ Đu, mỗi vụ, mỗi gia đình thường trồng vài héc-ta lúa nương, ngoài ra họ còn trồng ngô, sắn. Người Ơ Đu xưa thích ăn xôi đồ (nếp trộn với một ít sắn hay ngô hoặc đậu), khi mất mùa, đói kém, người Ơ Đu vào rừng kiếm củ nâu, củ mài thay cơm. Phương tiện vận chuyển duy nhất của người Ơ Đu là chiếc gùi (ga đế), có dây đeo trên trán, được đan bằng giang rất chắc chắn và được trang trí hoa văn rất đẹp.
Người Ơ Đu ở nhà sàn. Kiến trúc nhà ở của họ thường có 4 mái, lớp bằng nứa hoặc tranh, đầu nhà quay vào núi, cột chôn, nhà thường có 4 - 8 cột, tương ứng với nhà 1 gian hay 3 gian. Khi dựng nhà, bao giờ người Ơ Đu cũng dựng cột chính (cột gốc ma nhà ở) trước, sau đó mới đến các cột khác theo thứ tự từ trái sang phải, từ trên xuống dưới.
Thời hưng thịnh, người Ơ Đu sống độc lập, không xen kẽ với bất kỳ dân tộc nào. Họ chỉ giao du với người Thái, Khơ Mú, hay người Kinh khi có nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa. Sau bao biến động của lịch sử, ngày nay do số lượng dân số ít, sống xen kẽ với người Khơ Mú và Thái cho nên các mặt quan hệ xã hội của họ chịu nhiều ảnh hưởng của hai dân tộc này. Người Ơ Ðu lấy họ theo họ Thái, Lào như Lo, Lương, Vi... nhưng chủ yếu là họ Lo. Tổ chức dòng họ rất mờ nhạt. Trưởng họ là người có uy tín, được kính trọng và có vai trò lớn trong dòng họ.
Gia đình người Ơ Ðu là gia đình nhỏ phụ quyền. Ðàn ông quyết định tất thẩy các công việc trong nhà. Phụ nữ không được thừa kế tài sản. Tục ở rể rất phổ biến. Lễ vật trong dịp cưới không thể thiếu là thịt sóc, thịt chuột sấy khô và cá ướp muối. Đám cưới người Ơ Đu thường kéo dài 3 ngày. Ngày thứ nhất tổ chức bên nhà gái, ngày thứ hai bên nhà trai và ngày thứ ba là hai vợ chồng mới cưới tổ chức tạ lễ tại nhà ông mối. Có một điều đặc biệt là, con gái Ơ Đu không được phép lấy con trai trong tộc Ơ Đu vì họ cho rằng người cùng tộc Ơ Đu đều là cùng dòng tộc (họ Lo) là anh em. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự đồng hóa tộc người Ơ Đu hiện nay.
Phụ nữ Ơ Đu khi sinh đẻ phải nằm cữ tại góc bếp. Nhau của đứa trẻ được bỏ vào trong ống bương đem chôn ngay dưới gầm sàn. Người phụ nữ phải chịu kiêng khem hết 30 ngày, không ăn chất tanh, hôi, kiêng thịt ba ba, cá không vảy, ăn thịt gà thì phải lột da, chủ yếu ăn đồ nướng, canh rau rừng cho vào ống nứa hơ nướng chín. Tuổi đứa con được tính từ ngày có tiếng sấm trong năm. Khi đó đứa bé được coi là đầy năm và được bố mẹ mời thầy mo đến làm lễ gia nhập dòng họ và đặt tên.
Ngày nay những phong tục, tập quán xưa của người Ơ Đu hầu như không còn. Đã có thời gian dài đồng bào Ơ Đu không muốn nhận mình là người Ơ Đu vì họ cảm thấy xấu hổ với thân phận của mình.
Vài suy nghĩ về bảo tồn văn hóa Phrom Ơ Đu
Như trên đã nói, dân tộc Ơ Đu là một trong năm dân tộc có số dân ít nhất. Số liệu thống kê mới đây nhất thì dân số Ơ Đu còn có ở huyện Tương Dương (Nghệ An) chỉ là 613 người, nhưng thực chất còn ít hơn thế, bởi lẽ có một số gia đình không chỉ hoàn toàn là người Ơ Đu mà con dâu hay con rể là người Thái hay Khơ Mú.
Người Ơ Đu đã từng có một quá khứ có thể coi là rất huy hoàng và có bản sắc văn hóa đặc sắc. Nhưng trước sự xâm thực ngày càng mạnh mẽ của văn hóa đương đại hiện nay, không gian văn hóa của Phrom Ơ Đu không còn, phong tục, tập quán, tín ngưỡng và ngôn ngữ của họ cũng không còn, thay vào đó là một không gian văn hóa xa lạ, không phải là không gian văn hóa Thái, Khơ Mú, cũng không phải là không gian văn hóa người Kinh mà đó là không gian văn hóa pha trộn.
Việc bảo tồn và phát triển tộc người Ơ Đu hiện nay đang chỉ mới dừng lại ở mặt nâng cao đời sống vật chất, còn về yêu tố văn hóa thì diễn ra quá chậm và chưa mấy hiệu quả. Có hai nguyên nhân chính, trước hết ở nơi ý thức tự bảo tồn tộc người của đồng bào Ơ Đu quá nhiều hạn chế. Đồng bào Ơ Đu hiện nay sử dụng tiếng Thái, tiếng Khơ Mú làm ngôn ngữ chính trong giao tiếp xã hội và trong sinh hoạt gia đình và theo đó phong tục, tập quán, tín ngưỡng cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ người Thái hay Khơ Mú; thứ hai là nguồn lực đầu tư chưa có và phương pháp tiến hành chưa đúng và thiếu đồng bộ.
Để bảo tồn và phát triển văn hóa Phrom Ơ Đu, ngoài việc bảo đảm nguồn lực tài chính thì rất cần có sự quyết tâm lớn và đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở.
Huyện Tương Dương (Nghệ An) rất cần sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, các chuyên gia ngôn ngữ và rất cần sự hỗ trợ về mặt tài chính của Trung ương, của các bộ, ngành có liên quan như Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban Dân tộc… Trước hết là khôi phục lại không gian văn hóa Ơ Đu, bao gồm quy hoạch lại bản Văng Môn ngày nay theo kiểu cấu trúc không gian làng bản của người Ơ Đu cổ xưa, kiến trúc nhà ở truyền thống; khôi phục tiếng nói và các tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng; ngôn ngữ và phục dựng một số lễ hội quan trọng, như lễ chăm phtrong , lễ ăn rước hồn lúa và mừng nhà mới…thông qua các lễ hội dân gian này nhằm giáo dục truyền thống đồng thời cũng là cách để bà con khôi phục lại ngôn ngữ của mình. Hàng năm cần tổ chức cho đồng bào Ơ Đu ở bản Văng Môn, huyện Tương Dương (Nghệ An) tiếp cận, giao lưu văn hóa với đồng bảo Ơ Đu ở bản Khạp, huyện Mương Khun (Lào), thậm chí có thể cử vài người dân có trình độ và năng lực giao tiếp ở bản Văng Môn và cán bộ nghiên cứu của huyện Tương Dương sang học tập, nghiên cứu ở bản Khạp, Mường Khun (Lào) một thời gian để thông thạo tiếng nói, tập quán sinh hoạt, học nghề thổ cẩm để trở về truyền thụ ngôn ngữ và phục hồi lại trang phục, tập quán của đồng bào Ơ Đu.
Để làm được những việc trên cần có ban quản lý bảo tồn văn hóa truyền thống tộc người Ơ Đu điều hành chung. Ban quản lý này gắn liền với chính quyền huyện, xã và bản Văng Môn.
Về lâu dài, cần chăm lo đến sự phát triển của chủ thể sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Cụ thể là cần tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; ưu tiên đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ người Ơ Đu đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Thông qua lớp trí thức Phrom Ơ Đu này có thể cứu được một tộc người đang có nguy cơ biến mất.
Vi Hợi Chi hội VHNT các DTTS tỉnh Nghệ An
[1]() Xã Kim Đa và xã Kim Tiến của huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An nay không còn nữa, toàn bộ cư dân của 2 xã đã di dời về huyện Thanh Chương.
[2]() Nay thuộc xã Mỷ Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An
[3]() Bản Xiêng Lăm thuộc xã Hữu Khuông nay đã di dời về huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
[4]() Bao gồm các xã Yên Hòa, một phần của xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An
[5]() Theo nghiên cứu mới đây nhất của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Đại học Vinh thì khoảng 70% ngôn ngữ người Ơ Đu hiện nay là vay mượn ngôn ngữ người Khơ Mú.