TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Bài nghiên cứu » Văn hóa truyền thống của người Ba Na ở Kon Tum, nét đẹp cần được bảo tồn và phát huy

Văn hóa truyền thống của người Ba Na ở Kon Tum, nét đẹp cần được bảo tồn và phát huy

09:00 | 25/04/2023

Cũng như các tộc người khác ở tỉnh Kon Tum, người Ba-na từ ngàn xưa vốn có truyền thống đoàn kết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau những lúc khó khăn, chia sẻ lúc vui buồn. Khi dựng một ngôi nhà rông, nhà chung của làng hoặc làm nhà ở, cất nhà kho riêng của một hộ gia đình đều có sự tham gia của cộng đồng làng. Khi một cá nhân nào đó săn bẫy được con thú như hươu, nai, heo rừng về nhà làm thịt đều chia cho mọi người cùng ăn. Lúc uống mừng một đứa trẻ vừa chào đời, mừng lễ uống thổi tai (Et hlôm đon) cho bé, cột vài ghè rượu, chủ nhà đều mời cả họ hàng, bà con xóm giềng cùng đến chung vui. Và nếu có một người nào đó trong làng chẳng may gặp nạn, lập tức họ hàng, dân làng đến thăm hỏi, an ủi. Tinh thần tương thân tương ái, nét văn hóa đó của người Ba-na đã được truyền qua bao đời.

Nói về luật tục cổ xưa, người Ba-na rất coi trọng đạo đức xã hội, lên án mạnh mẽ những quan hệ bất chính giữa nam và nữ. Một cặp trai gái yêu vụng trộm, cô gái mang bầu, coi như chửa hoang. Chiếu theo luật tục xưa, cả hai đều phải nộp phạt cho làng (nhũng e bơbe ĩnh) có nghĩa là “em chịu heo, còn anh chịu dê”. Ở một số làng khác, phạt heo, dê có lẽ không đủ sức để răn đe thanh niên thích trăng hoa nên luật tục quy định phạt vạ bằng một con bò. Chính nhờ tục lệ cổ xưa nghiêm khắc như thế nên ít có trường hợp “không chồng mà chửa” và lại càng hiếm thấy những vụ hiếp dâm xảy ra ở tộc người Ba-na thời xưa.

Đối với những vụ trộm cắp tài sản thì lệ làng quy định (bằng miệng) cũng khá khắt khe: “Kẻ ăn trộm của người khác, khi có đủ bằng chứng thì phải đền cho người bị hại gấp hai lần”. Ngoài ra còn phải chịu phạt thêm vài ghè rượu, thịt một con gà hoặc một con heo để xin lỗi người bị hại. Trong các vụ xét xử, vai trò già làng (kră pơlei) hoặc chủ làng (kơdră pơlei) là rất quan trọng, được coi như vị “thẩm phán” của làng.

Có lẽ do luật tục người xưa nghiêm khắc như thế nên thanh thiếu niên phạm luật tục hoặc những tệ nạn trộm cắp thời đó rất ít khi xảy ra. Không có một tòa án chính thức nào, cũng không có sự chỉ giáo của các già làng; luật tục của người Ba-na chỉ là truyền miệng, được lưu truyền trong trí nhớ của các già làng và được toàn thể cộng đồng tuân theo một cách tự nguyện. Đáng tiếc là cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao thì các luật tục tốt đẹp ấy ngày càng mai một và lùi xa dần. Vai trò của già làng đối với đời sống dân làng cũng dần lu mờ. Thế hệ người Ba-na hôm nay ít bị ràng buộc bởi luật tục cũ. Thanh niên nam nữ lớn lên tự do tìm đến nhau, tự do yêu đương, thậm chí dẫn đến những quan hệ bất chính không phải là số nhỏ. Tình trạng thanh thiếu niên ăn chơi, đua đòi, trộm cắp tài sản, gây rối an ninh trật tự, vi phạm pháp luật… ngày càng có xu hướng gia tăng.

Một thực trạng đáng buồn khác là thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số nói chung, thanh niên Ba-na nói riêng tỏ ra thờ ơ với văn hóa cổ truyền của dân tộc mình. Họ mang trong lòng sự mặc cảm, tự ti, cho rằng các tập tục cổ truyền đều là lạc hậu, cần phải thay đổi. Họ cho rằng những gì thuộc về tộc người mình đều là lạc hậu và tiếp nhận thiếu chọn lọc lối sống vô bổ, thực dụng, như câu nói của người Ba-na: Tũk ũnh pla hnha tơ nhui (Bỏ lửa ngọn theo làn khói) hoặc Tũk ũnh ngar thar tơ nhui (Bỏ lửa than theo làn khói)([1]).

Sống trong nền kinh tế thị trường, thanh thiếu niên Ba-na ngày nay bị ảnh hưởng lối sống hiện đại, sống xa rời và đối lập với văn hóa cổ truyền. Họ thiếu sự đam mê tìm hiểu văn hóa của dân tộc mình, chưa nhận thức được nét đẹp văn hóa cổ truyền của tổ tiên. Tiếng nói, chữ viết đều lai căng, pha tạp.

Những lễ hội lớn trong năm có tính cộng đồng làng đã giảm đi rất nhiều so với trước kia. Hiện nay người Ba-na chỉ còn giữ lại một số lễ hội như lễ hội Et tơnglang tang hơdrâm (lễ hội sửa chữa máng nước giọt), lễ hội Sa dõng (làm cỏ xong) và lễ hội Et pơlêh (mừng năm mới).

Về kiến trúc nhà rông, có một số làng đã không còn giữ lại nguyên gốc là nhà rông truyền thống cổ xưa (các vật liệu được sử dụng chỉ toàn cây, nứa, tranh, tre, dây, mây lấy từ rừng) mà thay vào đó là nhà rông xây bằng xi-măng cốt sắt với mái lợp tôn.

Về văn hóa cồng chiêng và trang phục cổ truyền tuy còn lưu giữ nhưng cũng đã bị mai một đi rất nhiều. Những người trẻ mang tâm lý e ngại khi mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình và tỏ ra hời hợt với các nhạc cụ cổ truyền như đồng la, ting ning, brõ ot, brõ dung, đing but, tơ liỡ, tă tơng… Thay vào đó là các nhạc cụ hiện đại như guitare, piano, organ… Các bài hát rock, điệu nhảy hip-hop sôi động du nhập từ bên ngoài đang cuốn hút họ hơn những điệu dân ca mượt mà đằm thắm. Trong khi đó các bài dân ca, dân vũ,... chưa phải đã mất hẳn nhưng ít được phổ biến như trước đây. Hiện nay phần lớn chỉ còn lưu lại trong ký ức của người già và nghệ nhân mà thôi.

Nghề cổ truyền như rèn, đan chiếu, làm gốm, làm nồi đất... nay đã không còn. Riêng về các nghề như dệt, đan lát, nấu rượu… tuy còn duy trì, nhưng quy mô không như trước đây, bởi lý do chủ yếu là thiếu thị trường tiêu thụ.

Cộng đồng người Ba-na ở Kon Tum đã kiến lập nên văn hóa rất phong phú, đa dạng, độc đáo. Điều này được thể hiện qua các công trình có giá trị đặc sắc vẫn còn lưu giữ như kiến trúc nhà rông, nhà ở, nghệ thuật điêu khắc; qua những hoa văn trên các tấm chăn đắp, tấm khố kơteh đắt tiền, chiếc áo hơdrông cổ, qua các vật dụng như gùi hơkă, gùi krôh... đẹp độc đáo; rồi những sinh hoạt dân ca, dân vũ, hát hơnhông đối đáp… Nhưng văn hóa cổ truyền đó cũng đã và đang phai nhạt dần theo thời gian bởi nhiều yếu tố khác nhau.

Trước thực trạng đạo đức bị xói mòn, văn hóa cổ truyền ngày càng bị mai một: tiếng nói và chữ viết bị lai tạp, trang phục cổ truyền bị lai căng, nét hoa văn trên áo không còn được ưa chuộng, nhà rông cổ truyền bị biến dạng… Tất cả những điều đó đã khiến cho những người tâm huyết, tha thiết với văn hóa cổ truyền của dân tộc mình không khỏi băn khoăn suy nghĩ và tiếc nuối. Do vậy, để bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa cổ truyền của người Ba-na ở Kom Tum, chúng tôi mạo muội đưa ra một số giải pháp sau:

- Về luật tục: Luật tục Ba-na đã có từ xa xưa, trong bảo tồn và phát huy cần vận động đồng bào xóa bỏ những điều lạc hậu; còn những điều tốt đẹp phù hợp với đời sống của bà con, hợp với đạo lý con người thì nên đưa vào quy ước, hương ước của làng để mọi người dân cùng thực hiện.

- Vễ lễ hội: Cần tiếp tục gìn giữ phục dựng và tổ chức tốt các lễ hội lớn trong năm mang ý nghĩa văn hóa, có tính cộng đồng cao… Chẳng hạn các lễ hội Et ming tơnglang tang hơdrâm (lễ hội sửa lại bến nước giọt) hoặc Giẽng et pơ lêh (lễ mừng năm mới) của nhóm Ba-na Jơlâng. Các lễ hội trên mỗi năm nên được tổ chức một lần tại nhà rông, nhà chung của làng. Ngoài ra, cần phục dựng lại các lễ hội khác mang giá trị văn hóa cổ truyền mà nay đang bị mai một như lễ hội Giãng sa kơpô (lễ hội ăn trâu), Giăng sa mõk (lễ hội ăn cơm mới). Những lễ hội này hiện đang có nguy cơ mai một. Đối với lễ hội Giãng sa kơpô, cần thiết phải tổ chức trong những dịp khánh thành nhà rông mới hoặc tu sửa lại nhà rông cũ. Cần làm tốt ở các khâu chuẩn bị và phần lễ cho đúng sát với lễ hội cổ truyền.

- Về nghề truyền thống: Cần có chính sách phát triển các nghề thủ công với việc mở các lớp dạy nghề như đan lát, nghề thêu, dệt có tính bền vững. Cố gắng lưu giữ lại những mẫu hoa văn trên thổ cẩm cũng như các vật dụng đan lát còn nguyên gốc cổ truyền.

- Đề nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ, khuyến khích động viên những người có tâm huyết để họ có điều kiện sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các tác phẩm văn học dân gian của dân tộc. Bên cạnh đó tiếp tục khôi phục, duy trì văn hóa đọc, văn hóa kể, từ đó có thể giúp cho lớp trẻ hiểu biết thêm về văn hóa dân tộc mình.

Cũng xin nói thêm, để tăng cường văn hóa đọc và văn hóa kể, trong những năm 2005 và năm 2011, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kon Tum đã xuất bản hai tập truyện cổ các dân tộc tỉnh Kon Tum. Qua tìm hiểu về phía độc giả thì được biết đã có không ít người mong muốn Hội Văn học nghệ thuật Kon Tum xuất bản thêm nhiều đầu sách để bà con có nhiều sách đọc, khám phá được nhiều hơn nữa về văn học cổ truyền của các dân tộc ở Kon Tum.

Chúng tôi mong muốn các tác phẩm văn học cổ truyền các dân tộc thiểu số ở Kon Tum nói chung và dân tộc Ba-na nói riêng được các ngành sân khấu, điện ảnh, quan tâm biểu diễn trên sân khấu, trình chiếu trên ti-vi để người dân thường xuyên tiếp cận hơn.

Với tất cả sự đam mê và yêu mến văn hóa của dân tộc mình nói riêng và văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung, trong những năm qua tôi đã cố gắng đi đến các làng gần xa để tìm hiểu các phong tục, tập quán, những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, dân ca, hát ru, những câu đố vui, các bài hát giao duyên, những truyện cổ tích… của người Ba-na, người Gia-rai Arap trên địa bàn tỉnh Kon Tum; tham gia dịch phụ đề cho báo ảnh Kon Tum từ tiếng Việt ra tiếng Ba-na và Xơ-đăng. Góp một phần công sức nhỏ trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy tiếng nói, chữ viết của người Ba-na.

Trong quá trình dịch sử thi Xơ-đăng, sử thi Ba-na, tôi đã tìm gặp các nghệ nhân như cụ A Lưu, cụ A Đăng, cụ A Tik, cụ A Ar, họ đều mong muốn sử thi Ba-na, sử thi Xơ-đăng theo cùng năm tháng sống mãi trong đời sống sinh hoạt của người Ba-na, người Xơ-đăng và sẵn sàng truyền dạy cho lớp trẻ để sử thi phát huy trong đời sống của đồng bào. Nhưng do các nghệ nhân đều tuổi già sức yếu (tuổi đời từ 70 trở lên) nên họ rất cần sự chung tay góp sức của những người yêu mến sử thi, cũng như sự quan tâm giúp đỡ của ngành văn hóa. Ngoài ra, nhà nước cần có chính sách phù hợp trong việc kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, nhằm xây dựng nhân cách người Ba-na phù hợp với yêu cầu và sự nghiệp đổi mới. Điều này sẽ khơi dậy lòng tự hào và yêu mến giá trị văn hóa dân tộc mình, biết trân trọng giữ gìn những cái hay, cái đẹp của văn hóa cổ truyền mà ông cha đã dày công vun đắp. Cá nhân tôi nghĩ rằng, trong khi đề nghị nhà nước tiếp tục đưa ra những chính sách đầu tư cho việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, mỗi người Ba-na cũng cần có ý thức bảo vệ và phát huy những nét đẹp trong văn hóa của dân mình như: kiến trúc nhà rông cổ xưa, tượng nhà mồ, những hoa văn trên trang phục, những nhạc cụ truyền thống… Lớp trẻ phải biết lắng nghe, biết thưởng thức các thể loại âm nhạc dân gian, biết biểu diễn cồng chiêng để không hổ thẹn với tổ tiên. Người Ba-na, đàn bà con gái phải biết dệt vải, may vá, thêu thùa; là đàn ông con trai phải biết đan gùi, nong, nia...; biết đánh đàn tă-tơng, gảy đàn ting ning, biểu diễn cồng chiêng thật giỏi; là người già phải biết kể chuyện cổ tích, hát sử thi cho con cháu nghe, dạy đạo lý làm người cho con cháu bằng những lời hay ý đẹp, bằng những câu nói vần, câu thành ngữ, tục ngữ của dân tộc mình; là người anh, người chị trong gia đình cần phải biết, phải thuộc các bài hát ru em chứa chan tình cảm... Chỉ như vậy mới bảo tồn, gìn giữ và phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc mình và đời sống tinh thần của người Ba-na mới phong phú, lành mạnh hơn.


 A JAR

Chi hội VHNT các DTTS tỉnh Kon Tum

 

 

 

[1]() Cả hai câu đều có ý muốn nói “Bỏ người thân đi theo người ngoài”.

 

Tin cùng loại