TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Báo động ô nhiễm rác thải nhựa trong lĩnh vực thủy sản

Báo động ô nhiễm rác thải nhựa trong lĩnh vực thủy sản

17:20 | 22/04/2023
Rác thải nhựa đang là vấn nạn toàn cầu, tình trạng “ô nhiễm trắng” được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu.

Rác thải nhựa đang gây ra những mối nguy hiểm nghiêm trọng cho các loài sinh vật biển. Hiện có khoảng 70% mảnh nhựa lớn trên biển và 46% đảo rác lớn trong khu vực Thái Bình Dương được hình thành từ các ngư cụ, mỗi năm trên thế giới có khoảng 640.000 tấn ngư cụ bị bỏ lại trên biển.

Việt Nam là nước đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa với tổng lượng rác thải nhựa ra đại dương ước tính từ 0.28 đến 0.73 triệu tấn mỗi năm (Jambeck, 2015).

Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), ngành Thủy sản có thể không sử dụng quá nhiều nhựa ô nhiễm, nhưng lại có tỉ lệ rò rỉ rác thải (vứt bỏ ra môi trường đại dương và sông ngòi) cao thứ hai sau lĩnh vực sản xuất bao bì.

Ảnh minh hoạ

Thói quen vứt bỏ ngay rác thải, ngư cụ hỏng trên biển khiến rác thải nhựa chiếm tới 92% về số lượng rác trên bờ biển trong khảo sát mà IUCN thực hiện năm 2019. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu khác cũng về rác thải nhựa trên biển của IUCN cho thấy, chỉ có 1% rác thải nhựa nổi lên mặt biển, 5% rác thải nhựa ở gần bờ biển. Điều này minh chứng số lượng rác thải nhựa trên biển nhìn thấy chỉ là con số quá nhỏ so với số lượng thực tế.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế về Chương trình giám sát và đánh giá rác thải nhựa ở bờ biển Việt Nam, trong các loại rác thải nhựa trên các bãi biển, loại chiếm tỷ trọng nhiều nhất về số lượng và khối lượng là phao xốp, dây thừng, lưới nhỏ. Trong đó, tổng số lượng các sản phẩm có nguồn gốc từ thủy sản và liên quan đến thủy sản chiếm 44,8% về số lượng rác và 47,6% về khối lượng rác thải, cao hơn cả rác nhựa từ nguồn sinh hoạt. Tại huyện Lý Sơn, trong số rác thải nhựa tại các bãi biển khối lượng rác thải từ hoạt động thủy sản chiếm đến 51,6%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường biển do rác thải phát sinh từ lĩnh vực thủy sản, đầu năm 2021, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 687 về kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020 – 2030. Trong đó, từ năm 2021 – 2025, để nâng cao nhận thức của các bên liên quan về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản, các địa phương phải tập trung tuyên truyền phổ biến đến 70% nông, ngư dân tại các vùng ven biển.

Để giảm thiểu sử dụng vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng nhựa dùng một lần, Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu đến năm 2025, 10% trở lên tàu khai thác thủy sản và cơ sở nuôi trồng thủy sản thay thế một số vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng vật liệu thân thiện môi trường; giảm 30% sử dụng phao xốp trong nuôi biển; 30% cơ sở chế biến thủy sản quy mô nhỏ thay thế 30% túi nhựa dùng một lần bằng vật liệu nhựa sử dụng nhiều lần. Đặc biệt, các tàu khai thác thủy sản phải thu gom rác thải nhựa từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất mang về bờ. Riêng các khu bảo tồn biển, phải tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa trong phạm vi khu bảo tồn và chuyển cho đơn vị có chức năng xử lý.

Nguồn: internet

Tin cùng loại