Tổ chức y tế thế giới WHO đã có nhiều cảnh báo đưa về mức độ nguy hiểm của Amiăng, đặc biệt là Amiăng trắng. Chất độc này không chỉ là nguyên nhân chính gây ra các bệnh ung thư mà còn để lại nhiều hậu quả lâu dài.
Nhận thấy mức độ nguy hiểm của nó, mới đây nhất, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức hội thảo Lộ trình ngừng sử dụng Amiăng tại Việt Nam vào năm 2020 và chỉ ra được những con số đáng báo động.
Theo khảo sát, người dân Việt Nam thường có thói quen dùng nước mưa chảy xuống từ những mái lợp Amiăng và không biết rằng điều này khiến chất độc có thể ngấm vào đường tiêu hóa và sẽ dẫn đến ung thư thanh quản, phổi. Trước đó WHO đã từng cảnh báo rằng chính bụi Amiăng cũng có thể xâm nhập vào cơ thể, gây hậu quả nghiêm trọng nên những công nhân nhà máy sản xuất mái lợp Amiăng cũng dễ dàng mắc bệnh.
Bàn về vấn đề trên, Phó trưởng phòng sức khỏe lao động, phòng chống thương tích thuộc Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế, ông Phạm Xuân Thành cho hay hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều điều kiện để có thể nghiên cứu được tác động của Amiăng với các bệnh ung thư trên diện rộng. Trong khi đó, trên thế giới, chi phí dành cho ung thư bởi Amiăng đã vượt qua giá trị kinh tế. Cụ thể, theo số liệu trong năm 2008, chất Amiăng mang lại giá trị kinh tế là 802 triệu USD nhưng lại khiến thế giới bỏ ra 2,4 tỷ USD để chữa trị căn bệnh này.
Cũng trong hội thảo, ông Thành đã đưa ra những con số đáng báo động về ung thư trong nước. Cụ thể, từ năm 1990 đến nay, các trường hợp ung thư trung biểu mô có xu hướng tăng từ 4,2 ca/năm vào năm 2000 đã tăng lên 8,25 ca/năm vào năm 2014. Dự báo số ca mắc ung thư trung biểu mô của Việt Nam sẽ tăng khoảng 11.500 ca đối với lượng amiăng mà Việt Nam tiêu thụ giai đoạn 1990 đến 2030.
Về số liệu sử dụng chất Amiăng tại Việt Nam thì theo báo cáo của APHEDA từ năm 2011 - 2013, Việt nam luôn là nước đứng thứ 8 trên thế giới sử dụng Amiăng trắng với số lượng lớn, 60.000 tấn, 79.000 tấn và 58.000 tấn. Trung bình mỗi năm Việt Nam dùng amiăng để sản xuất và đưa vào sử dụng khoảng 100 triệu m2 tấm lợp amiăng.
Trước tình hình này, Bộ Y tế đang tiến hành giảm tiêu thụ amiăng và gia tăng nhận thức về tác hại amiăng vì vậy đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng giai đoạn 2016 - 2020 và chấm dứt nhập khẩu amiăng vào năm 2020.
Trong khi đó tại Úc, amiăng đã bị cấm sử dụng từ năm 2003 nhưng đến hiện tại vẫn để lại hậu quả lâu dài. Ông Phillip Haxelton – Điều phối chiến dịch loại bỏ các bệnh liên quan đến amiăng (Tổ chức APHEDA- Úc) cho hay trong giai đoạn 1960 - 1800, trung bình mỗi năm Úc sử dụng hơn 700.000 tấn amiăng. Theo ước tính đến năm 2020, Úc sẽ có hơn 18.000 ca ung thư trung biểu mô ác tính do amiăng và từ 30.000-40.000 ca ung thư khác liên quan đến amiăng.
Cùng với đó, ông P.Haxelton cũng cho biết thêm rằng các loại phơi nhiễm amiăng bao gồm cả công nhân bị phơi nhiễm bệnh nghề nghiệp; phơi nhiễm do gần các nhà máy và hầm mỏ; phơi nhiễm trong gia đình (qua quần áo những lao động trong gia đình mang về); phôi nhiễm môi trường; phơi nhiễm thụ động trong các tòa nhà, gia đình có dùng sản phẩm amiăng.
Nguồn: Internet