Xu thế phát triển năng lượng hiện nay [1,2,3]
Nhu cầu năng lượng của thế giới được dự báo sẽ tăng gấp rưỡi trong giai đoạn 2010-2040, trong khi các nguồn năng lượng hoá thạch, nguồn thuỷ năng ngày càng trở nên khan hiếm, đắt đỏ, đặc biệt là dầu mỏ, nguy cơ cạn kiệt đến gần. Mặt khác BĐKH ngày càng hiện hữu đe dọa hành tinh và nhân loại. Trước bối cảnh đó, các nhà khoa học, các quốc gia đều phải tìm cách để đảm bảo nguồn năng lượng sạch cho phát triển bền vững. Xu thế phải được đi theo hai hướng cung và cầu.
Hướng cung
- Đa dạng hoá nguồn năng lượng mà chủ yếu là phát triển sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như: năng lượng mặt trời, gió, biomas và các sản phẩm đuợc chế biến từ nó (ethanol, biodisel...); biogas; địa nhiệt, năng lượng biển... đây là các nguồn năng lượng sạch, tái sinh, tiềm năng lớn. Phát triển sử dụng NLTT để thay thế một phần năng lượng hoá thạch, tuy nhiên hiện tại và tương lai gần giá còn cao.
- Thăm dò tìm kiếm bổ sung nguồn năng lượng từ than, dầu, khí, uran, hydrat…
- Hoàn thiện và tìm các phương pháp mới để sản xuất năng lượng, có thể kể tới là: thay thế các chu trình sản xuất điện truyền thống; phát triển công nghệ than sạch; Sản xuất điện năng bằng máy phát từ thủy động; Sản xuất năng lượng bằng công nghệ pin nhiên liệu; Sản xuất năng lượng bằng công nghệ nanô, hydro; Công nghệ cung cấp năng lượng sinh học; Khống chế phản ứng nhiệt hạch để sản xuất năng lượng. Những công nghệ này đang đòi hỏi đầu tư lớn cho nghiên cứu, hoàn thiện.
Hướng cầu
- Sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm, là xu thế được xem là quốc sách ở hầu hết các quốc gia hiện nay. Năng lượng tiết kiệm được là nguồn năng lượng sạch, giá rẻ.
- Nhu cầu năng lượng không thể tăng mãi, trong tương lai chỉ tiêu thống kê năng lượng quốc gia, đầu người càng ít đi mà xã hội vẫn phát triển mới là niềm tự hào. Xu thế đang hướng tới những đột phá, đổi mới nguyên tắc sử dụng năng lượng ít nhất cho cả sản xuất và đời sống.
Xu thế phát triển nhiệt điện than
Gần đây xuất hiện một số quan điểm, kết quả nghiên cứu[4], cho rằng nhiên liệu than là bẩn thỉu, gây ô nhiểm chết người hàng loạt. Chúng tôi nghĩ rằng, bản thân hòn than là sạch, không gây chết người, bởi con người chưa có phương thức sử dụng tốt nên gây ô nhiểm. Việc nghiên cứu những mặt trái của việc đốt than nói chung và nhiệt điện than nói riêng trong bối cảnh BĐKH là rất cần thiết; tuy nhiên những kết quả mới là bước đầu, chưa toàn diện, một số kết luận, nhiều chuyên gia cho là quá khích. Các nền kinh tế khổng lồ cũng đang sử dụng nhiệt điện than trên 35-40% tổng sản xuất điện. Vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng một cách tổng hợp từ tiềm năng, tính kinh tế, điều kiện từng vùng, quốc gia, công nghệ sử dụng, tác động với BĐKH, để từ đó có hướng sử dụng hợp lý, hiệu quả đối với nguồn than.
Từ các tư liệu dẫn và phân tích trên cho thấy cơ cấu các nguồn sản xuất điện mười năm trở lại đây cơ bản ổn định, chỉ năng lượng hạt nhân do ảnh hưởng sự cố Fukushima tỷ trọng có giảm, NLTT được các quốc gia quan tâm phát triển nên tăng đều qua các năm. Năm 2014 toàn thế giới sản xuất điện khoảng 22,4 ngàn tỷ kWh, các nhà máy nhiệt điện than truyền thống vẫn đóng vai trò chủ đạo chiếm gần 39% tổng sản lượng các nhà máy điện trên toàn thế giới, tiếp theo là khí 22%, thủy năng 16,8%, năng lượng hạt nhân 10,7%, dầu 4,8% và các nguồn NLTT khác 6,7%.
Dự báo trong những năm tới nguồn thủy năng đã cạn, giá đắt, khó tăng lên; nguồn hạt nhân sẽ tăng trở lại nhờ công nghệ an toàn hơn, kỳ vọng điện sản xuất từ điện hạt nhân sẽ tăng gấp đôi hiện nay vào năm 2040, dự kiến đạt khoảng 5.400 tỷ kWh.
Với sức ép của BĐKH, tỷ trọng sử dụng than sẽ giảm, nhưng vài chục năm tới than được xem là nguồn tiếp sức cho các nền kinh tế đang phát triển nên vẫn chiếm tỷ trọng 25-30% trong sản xuất điện toàn cầu; NLTT sẽ phát triển nhanh hơn góp phần thay thế than, dầu, nhiều chuyên gia dự báo NLTT có thể đạt tỷ trọng 10-12% vào năm 2020 và 20% vào năm 2030 trong cân bằng điện toàn cầu.
Nhiệt điện than, nhờ trữ lượng than dồi dào, hầu hết được cung cấp tại chỗ, giá rẻ, nên tuy có giảm, nhưng vẫn còn giữ vị trí quan trọng đối với sản xuất điện, nhất là các nước đang phát triển, vốn đầu tư còn hạn hẹp khó có thể phát triển nhanh các nguồn sạch hơn; đồng thời việc nghiên cứu công nghệ than sạch để giảm thiểu ảnh hưởng môi trường sẽ được xúc tiến mạnh mẽ hơn, góp phần sử dụng hợp lý, lâu dài nguồn tài nguyên quý giá này.
Nguồn: Vampro.vn