Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận trên cơ thể chúng ta
Nghiên cứu từ 24 tổ chức toàn cầu đăng trên Tạp chí Y khoa Lancet đã chỉ ra tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu mới cho thấy biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng nổi cộm và là một cảnh báo y tế toàn cầu. Kết quả của nghiên cứu này, được liệt kê trên Tạp chí Y khoa Lancet, đã chỉ ra những cách thức mà biến đổi khí hậu hiện đang tác động đến sức khỏe con người trên khắp hành tinh.
Các bác sỹ, các nhà nghiên cứu và các chuyên gia chính sách từ 24 tổ chức đối tác toàn cầu đã phối hợp nghiên cứu và cho ra đời báo cáo. Các thành viên của nghiên cứu Đếm ngược Lancet: Theo dõi tiến bộ về y tế và biến đổi khí hậu bao gồm Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Đại học London, Đại học Thanh Hoa và các tổ chức khác.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận trên cơ thể chúng ta
Các tác động sức khoẻ hiện tại liên quan đến biến đổi khí hậu được liệt kê trong báo cáo bao gồm:
- Năng suất lao động của người lao động nông nghiệp trên toàn cầu suy giảm trung bình 5.3% kể từ năm 2000 do nhiệt độ tăng lên. Năm 2016, hiện tượng này khiến 920.000 người trên toàn thế giới mất khả năng lao động, trong đó riêng ở Ấn Độ có 418.000 người.
- Từ năm 2000 đến năm 2016, hàng năm có thêm khoảng 125 triệu người bị tác động của các đợt sóng nhiệt trên toàn cầu, trong đó năm 2015 đạt con số kỷ lục là 175 triệu người. Thông tin này cùng với những kết quả nghiên cứu hiện tại của Lancet cho thấy có thể có thêm gần 1 tỷ người bị ảnh hưởng của sóng nhiệt mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến 2050.
- Suy dinh dưỡng được xác định là tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu đến sức khỏe con người trong thế kỷ 21. Tác động liên quan đến biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp được đề cập trong báo cáo bao gồm sản lượng lúa mỳ toàn cầu giảm 6% và sản lượng lúa giảm 10% tương ứng với mỗi 1° C nhiệt độ toàn cầu tăng thêm.
- Hơn 803.000 trường hợp tử vong sớm và có thể tránh được ở 21 quốc gia châu Á mỗi năm xảy ra do ô nhiễm không khí từ các nhà máy điện than, từ giao thông và sử dụng các dạng nhiên liệu hóa thạch trong nhà.
- Tính từ năm 1990 đến nay, chỉ hai chủng virut sốt xuất huyết đã tăng lần lượt 3% và 5,9% về khả năng lây truyền do các xu hướng về khí hậu. Với 50 đến 100 triệu ca sốt xuất huyết ước tính xảy ra mỗi năm, tình hình lan truyền của loại bệnh có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới này sẽ diễn ra trầm trọng hơn.
Các tác giả khẳng định, rõ rằng phản ứng cần thiết đối với biến đổi khí hậu sẽ tạo cơ hội để đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng. Những lợi ích và cơ hội tiềm năng diễn ra đan xen với nhau, bao gồm làm sạch không khí của các thành phố bị ô nhiễm, cung cấp nhiều chế độ dinh dưỡng bổ sung, bảo đảm năng lượng, an ninh lương thực và thực phẩm, giảm nghèo và bất bình đẳng về xã hội và kinh tế.
Tiến sĩ Anthony Costello, Đồng Chủ tịch của Lancet Countdown và là một giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới, giải thích: "Biến đổi khí hậu đang ở đây, nó đang xảy ra và là vấn đề sức khoẻ của hàng triệu người trên toàn thế giới. Triển vọng đầy thách thức, nhưng chúng ta vẫn có cơ hội để chuyển hóa vấn đề y tế cấp thiết này thành tiến bộ quan trọng nhất cho sức khoẻ cộng đồng trong thế kỷ này.”
"Khi chúng ta bắt đầu đi đúng hướng, chúng ta vẫn cần phải thấy được sự thay đổi quan trọng từ các chính phủ trong nỗ lực giải quyết cả nguyên nhân và tác động của biến đổi khí hậu. "
Sáng kiến này được xây dựng dựa trên công trình của Uỷ ban Lancet về Y tế và Biến đổi Khí hậu năm 2015. Công trình đó kết luận rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra đã phá hoại những thành tựu về y tế công cộng mà nhân loại đã đạt được trong vòng 50 năm qua. Nghiên cứu hôm nay cho thấy điều này ngày càng trở nên rõ ràng đồng thời cho thấy những thách thức đặt ra lớn hơn dự đoán. Các phát hiện cũng chỉ ra rằng biến đổi khí hậu hiện đang ảnh hưởng đến sức khoẻ của toàn bộ dân số. Những tác động này được cảm nhận một cách không giống nhau giữa các cộng đồng ít chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu nhất và những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
Báo cáo “Từ 25 năm không hành động cho đến sự biến đổi toàn cầu đối với y tế công cộng” đã xác định các thách thức y tế đang nổi lên, những phát hiện cho thấy không có chỗ cho sự tự mãn. Sự tăng lên không tránh khỏi của nhiệt độ toàn cầu và vai trò của biến đổi khí hậu như là một nhân tố đe dọa hoặc làm trầm trọng thêm sự mất ổn định- có nghĩa rằng nhiều xu hướng được chỉ ra có thể trở nên tồi tệ hơn.
Giáo sư Hugh Montgomery, đồng chủ tịch của Lancet Countdown và Giám đốc Viện Sức khoẻ và Hiệu suất của con người, Đại học College London, nói thêm: "Chúng ta mới chỉ bắt đầu cảm nhận được những tác động của biến đổi khí hậu. Bất kỳ biên độ phục hồi nào chúng ta có thể chấp nhận cho ngày hôm nay sẽ được kéo dài đến điểm phá vỡ sớm hơn chúng ta có thể tưởng tượng. Chúng ta không chỉ đơn giản là thích ứng theo cách của chúng ta, mà còn cần phải điều trị cả triệu chứng và nguyên nhân của biến đổi khí hậu. Có nhiều cách để làm cả hai việc đó, ví dụ như sử dụng tốt hơn ngân sách chăm sóc y tế vốn đã quá tải và cải thiện cuộc sống".
Bất chấp quy mô của thách thức, báo cáo cũng chỉ ra lý do rõ ràng để lạc quan. Động lực cắt giảm lượng khí thải gây ra biến đổi khí hậu đang được xây dựng trên nhiều lĩnh vực và đang mang lại lợi ích rõ ràng cho sức khoẻ cộng đồng. Đây là điều đáng chú ý nhất trong các xu hướng năng lượng và vận tải đang hình thành trên phạm vi toàn cầu. Từ việc sử dụng than ở mức đỉnh trên toàn cầu, các cam kết cắt giảm nhiệt điện than ở Canada, Phần Lan, Pháp, Hà Lan và Anh - sự gia tăng nhanh chóng các nguồn năng lượng tái tạo và hứa hẹn về một cuộc cách mạng trong vận tải bằng xe điện, việc giảm phát thải sẽ giúp nâng cao chất lượng không khí và mang lại những lợi ích to lớn về y tế.
Bà Christiana Figueres, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn cấp cao của Lancet Countdown và nguyên Tổng thư ký của Công ước Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu, giải thích: "Báo cáo của Lancet Countdown cho thấy những tác động của biến đổi khí hậu lên sức khỏe của chúng ta ngày nay. Báo cáo cũng cho thấy việc đối phó với biến đổi khí hậu một cách trực tiếp, rõ ràng và ngay lập tức, sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe trên toàn cầu. Đơn giản là như vậy. Hầu hết các quốc gia không đề cập đến các cơ hội này khi họ phát triển các kế hoạch về khí hậu cho Hiệp định Paris. Chúng ta cần phải làm tốt hơn thế. Khi bác sĩ nói với chúng ta rằng chúng ta cần để ý đến sức khỏe của mình nhiều hơn, chúng ta sẽ để ý hơn và điều quan trọng là các chính phủ cũng làm như vậy.”
Những phát hiện khác của nghiên cứu cho thấy nếu không có hành động cần thiết, hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới sẽ cần phải di cư trong vòng 90 năm tới do nước biển dâng vì băng tan.
Khoảng 87% số các thành phố được chọn ngẫu nhiên đã vi phạm các hướng dẫn của WHO về ô nhiễm không khí. Điều này có nghĩa rằng hàng tỷ người trên khắp thế giới sẽ phải tiếp xúc với các mức độ không an toàn các phân tử bụi mịn (PM) ở các mức cao hơn nhiều so với dự đoán trước đây. Sự tiếp xúc toàn cầu với ô nhiễm bụi mịn trong không khí đã tăng 11.2% kể từ năm 1990.
Thế giới cũng đã chứng kiến các thảm họa liên quan đến thời tiết tăng 46% kể từ năm 2000, gây tổn thất 129 tỷ USD chỉ tính riêng năm 2016. Có đến 99% những tổn thất ở các nước có thu nhập thấp hiện không được bảo hiểm.
Là một công trình hợp tác nghiên cứu quốc tế, Lancet Countdown sẽ giúp đảm bảo vấn đề hành động về sức khoẻ và biến đổi khí hậu được chứng minh và hiểu rõ hơn. Việc phân tích theo 5 chủ đề riêng biệt và 40 chỉ số tạo thành cơ sở cho báo cáo năm 2017 đã đem đến sự kiểm soát toàn cầu đầu tiên về vấn đề này. Xuất bản nghiên cứu hàng năm của mình trong tạp chí y khoa The Lancet, các phát hiện của nghiên cứu giúp cung cấp thông tin cho một phản ứng chính sách nhanh chóng đối với thay đổi khí hậu và hỗ trợ các chuyên gia y tế trong việc xử lý các tác động của biến đổi khí hậu.
Nguồn: Internet