(Ảnh: Kinh tế đô thị)
Tác hại của Amiang
Amiăng là một nhóm khoáng chất tự nhiên dưới dạng sợi, chia thành 2 nhóm: Nhóm Serpentine có dạng xoắn, được gọi là Chrysotile (amiăng trắng) và nhóm Amphibole (Crocidolite – amiăng xanh và Amosite – amiăng nâu).
Với những đặc tính ưu việt như độ bền cao, chịu nhiệt, có tính ma sát, cách điện, cách âm và giá thành rẻ, amiăng được xem là nguyên liệu “lý tưởng” trong sản xuất của các ngành xây dựng và công nghiệp nặng như: tấm lợp, ống dẫn nước, tấm mành cách lửa công nghiệp, má phanh xe ô tô, công nghiệp hàng không, đóng tàu…
Tuy nhiên, amiang là một chất độc hại. Tất cả các loại amiang, kể cả amiang trắng đều bị Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) khuyến cáo có khả năng gây ung thư, bao gồm ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng, trung biểu mô (màng tim, màng bụng, màng phổi), bệnh bụi phổi… và không có ngưỡng nào thực sự an toàn khi tiếp xúc với amiang. Amiang không gây hại tức thì cho người tiếp xúc mà thường sau 20 – 30 năm mới có triệu chứng và phát bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, mỗi năm, thế giới có 107.000 người chết do các bệnh liên quan tới amiăng bao gồm: 41.000 người chết vì ung thư phổi, 7.000 người chết vì bụi phổi và 59.000 người bị ung thư trung biểu mô. Trong đó, 80% các trường hợp bệnh ung thư trung biểu mô có liên quan tới amiăng.
Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế cho biết, amiang như một “sát thủ thầm lặng”, nó xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường hô hấp, khi con người hít phải sợi amiang (rất mảnh, mắt thường không nhìn thấy được) có trong không khí, sợi amiang sẽ đi vào cơ thể và lưu lại trong phổi một thời gian dài. Theo thời gian, những sợi amiang này tích lũy, gây ra sẹo và phát sinh viêm nhiễm, ảnh hưởng đến hô hấp và gây suy giảm sức khỏe của con người. Những người có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến amiang thường là nhóm người tiếp xúc trực tiếp với amiang hàng ngày như công nhân của các nhà máy sản xuất tấm lợp, đóng tàu, khai thác và nghiền amiăng… hoặc người dân khi khoan, cưa, cắt, phá dỡ, đập các tấm lợp có amiăng, làm phát tán bụi amiang ra không khí.
Việc sử dụng amiang tại Việt Nam:
Từ những năm 1960, amiang đã được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Đến nay, Việt Nam nằm trong top 7 nước sử dụng amiang nhiều nhất thế giới, mỗi năm nhập khẩu khoảng 60 nghìn tấn amiang để phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng. Chúng ta đang có khoảng 10 triệu tấn amiang rác thải đã, đang và sẽ đe dọa đến môi trường.
Độc hại là vậy nhưng hiện nay công tác quản lý an toàn và sức khoẻ công nhân trong sản xuất các sản phẩm có amiang còn bị “xem nhẹ”. Việc kiểm tra, đánh giá chưa thường xuyên và xử lý cũng chưa nghiêm. Trong quá trình thanh tra hình hình vệ sinh lao động (VSLĐ) tại các DN sản xuất tấm lợp AC mấy năm gần đây, Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có kết luận, 84% DN vi phạm quy định về VSLĐ và quản lý môi trường trong sản xuất. Hầu hết, các DN này vi phạm trong công tác quản lý, theo dõi sức khỏe bệnh nghề nghiệp công nhân, chế độ bồi dưỡng người lao động làm việc trong môi trường độc hại; giám sát môi trường chưa thường xuyên. Tại nơi làm việc, DN không có nơi tắm rửa, vệ sinh cá nhân và khử độc phương tiện bảo vệ cá nhân sau ca làm việc để tránh phát tán sợi amiang ra ngoài cộng đồng; đồng thời, không có biển thông báo chất độc hại, biển chỉ dẫn biện pháp đảm bảo VSLĐ, cũng như chưa tuyên truyền đầy đủ cho công nhân về tác hại của amiăng và công tác VSLĐ, bảo vệ môi trường.
Trong quy định của pháp luật hiện nay chưa có chế tài nào để xử lý các tấm lợp amiang cũ nát, không còn sử dụng được nữa. Trong khi đó, tại nhiều nước phát triển, những biện pháp phòng tránh tác hại của amiang đã đề ra từ quản lý các vật liệu amiang đang còn sử dụng, đến loại bỏ nó. Ở nhiều nước, họ đã cấm hoàn toàn việc sử dụng các loại amiang trong sản xuất và đời sống. Họ ra các quy định hết sức nghiêm ngặt khi tháo dỡ vật liệu, công trình có chứa amiang như quy định phải bao trùm công trình cần phá dỡ, tưới nước lên chỗ tháo dỡ, đeo mặt nạ lọc bụi, mặc quần áo bảo hộ lao động… Những quy định nghiêm ngặt này nhằm bảo vệ công nhân khỏi việc hít phải bụi amiang có trong không khí. Trong nhiều năm tới, các nước sẽ phải rất nỗ lực để loại bỏ một cách có hệ thống và xử lý an toàn các sản phẩm có chứa amiang tránh phát tán sợi và gây ra mối đe doạ nghiêm trọng đối với sức khoẻ của người lao động và người dân.
Ở Việt Nam, đến nay chỉ quy định bụi và sợi amiang thải là chất thải nguy hại còn amiang trắng vẫn được phép sử dụng để sản xuất tấm lợp theo hướng “sử dụng có kiểm soát”. Trong QCVN 07-2009 về ngưỡng chất thải nguy hại nêu cụ thể amiang với hàm lượng 10.000 ppm (1%) là ngưỡng chất thải nguy hại (trong khi hàm lượng amiang trong tấm lợp là 10 – 12%). Thế nhưng tấm lợp amiang lại không có trong danh sách chất thải nguy hại.
Theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 30.6.2015 về quản lý chất thải nguy hại, trong phụ lục C, chất thải có amiang được đưa vào chất thải nguy hại với Mã CTNH 06 03 01: Chất thải có amiang (trừ sản phẩm amiang ximăng bị loại bỏ) từ quá trình sản xuất amiang ximăng; 11.06: Vật liệu cách nhiệt và vật liệu xây dựng có amiang thải. Tuy nhiên điều khó hiểu, chỉ là chất thải có amiang từ quá trình sản xuất amiang ximăng, còn các sản phẩm amiang bị loại bỏ như tấm lợp bị vỡ, bị phá huỷ, hay các lớp amiang cách nhiệt từ các lò hơi cũ bị phá huỷ, từ các lớp cách nhiệt đường ống dỡ bỏ thì lại không được nêu vào. Từ những sản phẩm loại bỏ này, sợi amiang rất dễ phát tán ra môi trường gây nguy hiểm cho con người.
Bên cạnh đó, nhiều quy định về an toàn sức khỏe và BVMT đối với lĩnh vực sản xuất có amiăng đã được Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan ban hành.
Cụ thể, Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2010 quy định: “Không tăng sản lượng, không đầu tư mới cơ sở sản xuất tấm lợp sử dụng amiăng” và đề ra mục tiêu cấm amiăng trắng vào năm 2004. Sau đó, Quyết định số 133/2004/QĐ-TTg về việc sửa đổi một số điều của Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg và mới đây là Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Thủ tướng đã chỉ đạo, cần phải chuyển đổi dần việc sử dụng các loại sợi thay thế sợi amiăng trắng và đến năm 2020, phải cấm sử dụng hoàn toàn amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp…
Riêng đối với công tác quản lý và xử lý vật liệu, chất thải amiăng, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 12/2011/TT-BTNTM về quản lý CTNH, trong đó xác định amiăng và các vật liệu, chất thải chứa amiăng đều là CTNH và cần kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu sử dụng nguyên liệu đến khi thải bỏ và tiêu hủy chất thải, bao gồm chất thải có amiăng từ quá trình điện phân, chất thải từ quá trình chế biến amiăng, chất thải có amiăng từ quá trình sản xuất amiăng – xi măng… Cùng với đó là một số tiêu chuẩn, quy chuẩn về amiăng trong không khí như Tiêu chuẩn TCVN 6502:1999 về Không khí xung quanh; Quy chuẩn 06:2009/BTNMT về một số chất độc trong không khí xung quanh và Tiêu chuẩn TCVN 6706: 2000 – CTNH… Bên cạnh các quy định pháp lý, Bộ TN&MT cũng triển khai nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra về BVMT đối với các cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng và hợp tác với một số cơ quan về phân tích và quản lý phát thải amiăng ra môi trường.
Yêu cầu khi xử lý các sản phẩm có chứa amiang
Ngày 31/8 vừa qua, Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn – Vệ sinh lao động Việt Nam phối hợp với Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng tổ chức hội thảo “Xử lý các chất thải nguy hại trong đó có amiang”.
Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham gia hội thảo đã tập trung thảo luận về những vấn đề về quản lý chất thải nguy hại và chất thải amiang ở Việt Nam hiện nay; các biện pháp xử lý chất thải nguy hại; an toàn khi tháo dỡ vật liệu và xử lý chất thải rắn có chứa amiang; các phương pháp xử lý chất thải có chứa amiang. Một vấn đề được bàn thảo là tại các thành phố lớn ở Việt Nam, tỉ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp, công nghệ tái chế nhựa lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường.
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Khuông (Hội An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam), có rất nhiều nguồn phát sinh chất thải nguy hại, thực trạng này đã gây không ít khó khăn trong việc quản lý và phân loại. Không chỉ riêng các khu sản xuất mà mỗi cá nhân cũng cần ý thức được mối hiểm họa từ chất thải nguy hại, từ đó, có cách thức xử lý đúng cách.
Trao đổi về an toàn khi tháo dỡ vật liệu và xử lý chất thải rắn có chứa amiang, ThS Trương Thị Yến Nhi (Khoa Bảo hộ Lao động, Đại học Công đoàn) đề cập đến những yêu cầu nghiêm ngặt đối với người lao động (NLĐ) trong quá trình làm việc và xử lý các vật liệu chứa amiang. Bởi việc tiếp xúc bất cẩn và không đúng cách đối với vật liệu có chứa amiang trong quá trình tháo dỡ, giải phóng mặt bằng hoặc xử lý có thể dẫn đến việc phát sinh một cách đáng kể và không kiểm soát được bụi có chứa sợi amiang. Để giảm thiểu rủi ro, các yêu cầu nghiêm ngặt được áp dụng cho các nhóm NLĐ, yêu cầu họ phải có kiến thức đầy đủ về an toàn vệ sinh lao động khi tiếp xúc và làm việc với vật liệu có amiang.
Những yêu cầu khi sửa chữa, tháo dỡ tấm lợp có chứa amiang được đưa ra tại Hội thảo bao gồm:
Trước khi tiến hành tháo dỡ cần lên kế hoạch đánh giá rủi ro, đề xuất biện pháp an toàn, thông báo đến cơ quan chức năng về việc tháo dỡ (địa điểm, thời gian, số vật liệu chứa amiang, các biện pháp kỹ thuật,…)
Cố gắng tháo dỡ nguyên vẹn tấm lợp, tránh làm vỡ vật liệu.
Phun ẩm bề mặt vật liệu và luôn giữ cho bề mặt của tấm lợp tháo dỡ được ẩm ướt.
Các đinh cố định tấm lợp cần được cắt cẩn thận.
Khi tháo dỡ cần có thiết bị hút bụi, hạn chế bụi phát sinh ra môi trường, hạn chế NLĐ hít phải bụi.
Đặt các tấm lợp này vào các túi nilon dẻo, tránh túi bị rách trong quá trình bảo quản, vận chuyển làm phát tán bụi amiang ra ngoài.
Cần phải có kho lưu trữ riêng với tấm lợp amiang thải. Kho đó phải thiết kế sao cho nguy cơ cháy hay đổ tràn là thấp nhất và phải đảm bảo tách riêng các chất không tương thích. Nhà kho phải đảm bảo TCVN 431787, quan tâm vấn đề phòng chống cháy nổ như chịu lửa, ngăn cách cháy, thoát hiểm, hệ thống báo cháy, chữa cháy…
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho NLĐ, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng:
NLĐ phải mặc quần áo bảo hộ lao động, đeo khẩu trang, mặt nạ đúng cách.
Quần áo làm việc có dính bụi amiang phải được để riêng biệt với quần áo mặc ra đường.
Phải thận trọng khi giặt quần áo có dính bụi amiang
Khu vực tháo dỡ có nhiều bụi, nên cần bố trí nhà vệ sinh gần đó để rửa tay, rửa mặt, tắm sạch sẽ, làm sạch quần áo bảo hộ và giày ủng trước khi người lao động dời công trường để tránh việc NLĐ mang bụi amiang vào khu dân cư hoặc về nhà…Nếu không thì cần bố trí máy thổi sạch bụi trên quần áo của người lao động.
Làm sạch bề mặt khu vực làm việc, sau đó rửa tay với xà phòng, tắm sạch và loại bỏ quần áo mặc khi làm việc.
Nguồn: Môi trường Đô thị