Báo cáo từ Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của LHQ, công bố ngày 9/8, cho biết tình hình khí hậu sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu con người tiếp tục phát thải khí nhà kính, và chỉ ra tương lai của hành tinh phụ thuộc vào những lựa chọn mà nhân loại đưa ra ngày nay.
“Bằng chứng có ở khắp mọi nơi: nếu chúng ta không hành động, tình hình sẽ trở nên thực sự tồi tệ,” Xuebin Zhang, nhà khí hậu học tại tổ chức Environment Canada ở Toronto, và là tác giả chính của báo cáo, cho biết.
Báo cáo lần này của IPCC do hơn 200 nhà khoa học biên soạn bởi trong suốt nhiều năm và được 195 chính phủ phê duyệt trong một cuộc họp trực tuyến vào tuần trước. Đây là báo cáo đầu tiên trong bộ ba báo cáo của LHQ đánh giá tình trạng biến đổi khí hậu và các nỗ lực giảm thiểu, thích ứng. Các báo cáo còn lại dự kiến được công bố tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu sắp tới ở Glasgow, Vương quốc Anh.
Nếu lượng khí thải toàn cầu đạt mức 0 vào khoảng năm 2050 - mục tiêu mà nhiều quốc gia đã cam kết - thì thế giới có thể đạt được mục tiêu đã đề ra trong hiệp định Paris 2015 và hạn chế nóng lên toàn cầu trong phạm vi 1,5°C so với mức tiền công nghiệp, theo Valérie Masson-Delmotte - nhà khí hậu học tại Phòng thí nghiệm Khoa học Khí hậu và Môi trường ở Gif-sur-Yvette, Pháp, và nhà nghiên cứu thuộc nhóm khoa học vật lý thực hiện báo cáo IPCC. “Khí hậu trong tương lai phụ thuộc vào quyết định của chúng ta hiện tại," Masson-Delmotte nói.
|
Khi nhiệt độ tăng lên trong tương lai, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt - chẳng hạn như hạn hán dai dẳng ở California - sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
|
Trái đất nóng nhất trong 125.000 năm trở lại đây
Nhiệt độ bề mặt toàn cầu của Trái đất đã tăng khoảng 1,1°C so với mức trung bình trong năm 1850–1900 - và hiện đang ở mức cao nhất trong 125.000 năm trở lại đây.
Dựa trên các phương pháp mới và hồ sơ khí hậu hiện đại và cổ đại, báo cáo IPCC ước tính nếu nồng độ carbon dioxide trong khí quyển tăng gấp đôi so với mức tiền công nghiệp, nhiệt độ có thể nóng lên 2,5 – 4°C. Dù vẫn có mức độ không chắc chắn, phạm vi ước tính lần này đã thu hẹp so với ước tính 1,5 – 4,5°C trong đánh giá khí hậu cuối cùng của IPCC được công bố vào năm 2013.
Từ phạm vi ước tính hẹp hơn này, các nhà khoa học có thể dự đoán chính xác hơn những gì sẽ xảy ra trên Trái đất trong một số tình huống khác nhau. Ví dụ: trong kịch bản phát thải vừa phải, ít thay đổi so với toàn cầu ngày nay, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng 2,1 – 3,5°C. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức tăng 1,5 – 2°C mà các quốc gia đã ký kết hiệp định khí hậu Paris 2015 đặt ra. Ngay cả trong kịch bản các chính phủ tích cực cắt giảm khí nhà kính, báo cáo dự đoán nhiệt độ toàn cầu vẫn sẽ tăng hơn 1,5°C trong những năm tới, sau đó mới giảm xuống mức 1,5°C vào cuối thế kỷ này.
“Liệu vẫn có thể hạn chế sự nóng lên toàn cầu trong phạm vi 1,5°C? Câu trả lời là có,” Maisa Rojas, đồng tác giả báo cáo và là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu và Khả năng phục hồi của Đại học Chile ở Santiago cho biết. “Nhưng đó là nếu có các biện pháp giảm phát thải ngay lập tức, nhanh chóng và trên quy mô lớn."
Những tác động cực đoan
Báo cáo liệt kê một loạt các tác động chóng mặt mà biến đổi khí hậu đang gây ra đối với Trái đất. Mức độ bao phủ của băng biển ở Bắc Cực vào cuối các mùa hè trong thập kỷ qua đều ở mức thấp nhất trong 1.000 năm trở lại đây. Và các đại dương đang nóng lên với tốc độ chưa từng thấy kể từ khi kết thúc kỷ băng hà gần đây nhất, 11.000 năm trước.
Ngoài những thống kê này, báo cáo của IPCC nhấn mạnh một số tiến bộ khoa học quan trọng nhất trong việc tìm hiểu các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm tác động của biến đổi khí hậu đến các hiện tượng như mưa và hạn hán.
Hạn hán cực đoan đã ảnh hưởng đến các khu vực khác nhau trên toàn cầu, đặc biệt là ảnh hưởng trên diện rộng ở khu vực Địa Trung Hải và ở tây nam châu Phi. Khi nhiệt độ tăng trong tương lai, các hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy sẽ xảy ra thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn, Zhang nói. Trên đất liền, một sự kiện nhiệt độ cực đoan chỉ xảy ra 50 năm một lần trong nhiều thế kỷ qua có thể sẽ xảy ra mỗi 3–4 năm một lần nếu nhiệt độ Trái đất tăng 2°C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp, theo báo cáo. Cũng có nguy cơ xảy ra nhiều sự kiện phức hợp hơn, chẳng hạn như sóng nhiệt và hạn hán dài hạn xảy ra đồng thời.
Theo báo cáo, tác động của sự nóng lên toàn cầu đối với các môi trường như sông băng, tảng băng và đại dương sẽ tiếp tục diễn ra trong nhiều thế kỷ hoặc thậm chí hàng thiên niên kỷ, kể cả khi mức phát thải đã giảm. Mực nước biển trên khắp thế giới được dự đoán sẽ tăng 2-3 mét trong vòng 2.000 năm tới, ngay cả khi nhiệt độ được tăng trong mức 1,5°C, và sẽ lên đến 6 mét nếu nhiệt độ tăng 2°C. Các tác động này làm thay đổi toàn bộ các bờ biển hiện là nơi sinh sống của hàng trăm triệu người.
Báo cáo IPCC cảnh báo rằng các nước cũng phải tính đến một số tác động nghiêm trọng nhất của hiện tượng nóng lên toàn cầu - chẳng hạn như sự sụp đổ của tảng băng, mất rừng hoặc sự thay đổi đột ngột hải lưu. Nhưng báo cáo lưu ý, yếu tố không chắc chắn lớn nhất trong tất cả các dự báo về biến đổi khí hậu là con người sẽ hành động như thế nào.
Mặc dù IPCC đã cảnh báo về nguy cơ nóng lên toàn cầu trong ba thập kỷ qua, các chính phủ vẫn chưa làm được gì nhiều trong việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch và ngừng phát thải khí nhà kính. Nhưng có lẽ mọi thứ sắp thay đổi, Zhang nói, vì mọi người trên khắp thế giới bắt đầu nhìn thấy những tác động của biến đổi khí hậu xung quanh họ. “Biến đổi khí hậu đang diễn ra và mọi người thực sự cảm nhận được điều đó. Báo cáo này xác nhận về mặt khoa học với công chúng rằng: đúng, những tác động khí hậu bạn cảm thấy là chính xác."
Nhưng báo cáo của IPCC còn nêu rõ một điều quan trọng hơn: chúng ta có thể tránh được nhiều tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, nếu các nước hành động tích cực ngay bây giờ.
“Báo cáo mới của IPCC là lời cảnh báo cuối cùng rằng bong bóng của những lời hứa suông sắp vỡ. Các quốc gia G20 cần nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu và đưa ra các chính sách đảm bảo rằng Trái đất của chúng ta không nóng lên quá 1,5°C vào cuối thế kỷ này,” theo Giáo sư Saleemul Huq, Giám đốc Trung tâm Quốc tế về Biến đổi Khí hậu và Phát triển (ICCCAD) và Phó Giám đốc cấp cao Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED).
Nguồn: Internet